Những đơn thư lạc lõng với mong muốn của chính quyền và người dân

Thứ năm, 28/06/2018 15:37 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tỉnh Thái Nguyên và Công ty CP Thương mại Thái Hưng đang tích cực hoàn thiện các thủ tục đầu tư các Dự án: Di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng và Khu Tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) để sớm triển khai đầu tư xây dựng theo chủ trương của UBND tỉnh. Nhưng gần đây, xuất hiện một số đơn thư có nội dung mang danh nghĩa bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, bảo vệ tài sản Nhà nước song có nhiều thông tin chưa đúng…

Không có chuyện “làm mất phương án kinh doanh duy nhất”

Việc ngày 23-9-2016, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định số 2448/QĐ-UBND thu hồi đất của Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng cho Công ty Thái Hưng thuê sử dụng bắt nguồn từ những bế tắc trong xử lý tài sản của đơn vị này theo quyết định thi hành án.

Trước đó, năm 2013, tổng khoản nợ của Cty Gia Sàng lên tới 121,3 tỷ đồng bao gồm nợ ngân hàng, nợ thuế; lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động, nợ đối tác…và không còn khả năng chi trả. Công ty Gia Sàng đã bị Ngân hàng TPCM Công Thương chi nhánh Thái Nguyên kiện ra tòa vì không trả số tiền vay gốc hơn 33 tỷ đồng và tiền lãi. Ngày 8-1-2014, TAND TP. Thái Nguyên đã tuyên Công ty Gia Sàng phải thanh toán khoản vay trên 38,8 tỷ đồng và lãi suất cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên. Ngày 5-5-2014, Chi cục thi hành án dân sự Thái Nguyên ra quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của Công ty Gia Sàng.

Ngày 25-2-2016, ông Nguyễn Mạnh Thái, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại Việt Tech – đơn vị trúng đấu giá trước đó đã có công văn đề xin rút không tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá do tài sản đã bị giảm giá so với giá thị trường và do không được tháo dỡ tài sản  và phải khôi phục sản xuất cũng là một nhiệm vụ “bất khả thi” với công ty.

Báo Công luận
Phối cảnh Nhà máy Thép Gia Sàng 
Sau khi Việt Tech rút lui, tháng 7-2016, Công ty CP Thương mại Thái Hưng (gọi tắt là Công ty Thái Hưng) đã tham gia mua đấu giá tài sản của GSS thông qua Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên và trúng đấu giá với số tiền gần 57 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty Thái Hưng cũng cam kết thực hiện đúng các điều kiện khi tham gia đấu giá: Đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng thuộc GSS, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương… Cũng trong thời gian này, căn cứ theo các quy định của pháp luật và Công văn số 180/CV-GSS ngày 30/6/2016 của Tổng Giám đốc GSS gửi UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan về việc trả lại đất để thực hiện bàn giao tài sản bán đấu giá. Ngày 23-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2448/QĐ-UBND thu hồi đất của GSS cho Công ty Thái Hưng thuê. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (số CC436768 & CC436767) cho Công ty Thái Hưng với tổng diện tích trên 21 nghìn m2 đất sử dụng sản xuất và gần 5,8 nghìn m2 đất sử dụng làm sân thể thao phục vụ người lao động.

Thời điểm UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, giao đất cho Công ty Thái Hưng thuê sử dụng, bà Vũ Thị Kiều Oanh, một trong những cổ đông của GSS trú tại tổ 4, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên đã có đơn kiến nghị và cho rằng quyết định trên chưa đúng luật vì quyền sử dụng đất của GSS “có tranh chấp”. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, GSS hoàn toàn không chuyển nhượng đất cho Công ty Thái Hưng, cũng không có tranh chấp ở đây vì đất không thuộc tài sản của GSS mà là đất do UBND tỉnh cho thuê trả tiền hàng năm. Bà Oanh cũng cho rằng mình là cổ đông lớn, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nên chủ trương Ban điều hành GSS trả lại đất phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông quyết định. Việc ông Bùi Long Xuyên, Tổng Giám đốc GSS ban hành Công văn số 180/CV-GSS gửi UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan trả lại đất để thực hiện bàn giao tài sản bán đấu giá là vi phạm quy định pháp luật và điều lệ GSS…

Báo Công luận
Nhà máy Thép Gia Sàng bị bỏ hoang 
Vấn đề này, nhiều luật sư cho biết: Đây là sự nhầm lẫn, hiểu sai điều lệ hoạt động công ty cổ phần của nguyên đơn. GSS hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và tuân thủ theo điều lệ công ty. Chính vì vậy, Công văn số 180/CV-GSS do Tổng giám đốc GSS ký là hoàn toàn đúng pháp luật. Công văn căn cứ vào quy định pháp luật và rất nhiều văn bản của UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng như: Công văn số 70/UBND-KTN ngày 11/01/2016 của UBND tỉnh; Thông báo kết luận số 54/TB-UBND ngày 11/04/2016 của UBND tỉnh; Quyết định số 07/2014/QĐST-KĐTM ngày 08/01/2014 của Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên; Quyết định số 70-31 và 04 của Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên; Thông báo số 221/TB-THADS ngày 05/05/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên về kết quả thẩm định giá tài sản… Công văn trên cũng thể hiện Ban điều hành đã thực hiện theo hướng chỉ đạo của HĐQT (Nghị quyết số 01/NQ-HĐQT ngày 21/3/2016 của HĐQT Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng – GSS). Các Luật sư cũng cho rằng, khi doanh nghiệp trúng đấu giá mua tài sản gắn liền với đất và trở thành nhà đầu tư với pháp nhân mới để khôi phục lại sản xuất thì họ phải được thuê đất là điều đương nhiên, đúng pháp luật. Hoàn toàn không có chuyện ông Bùi Long Xuyên, Tổng Giám đốc “cấu kết” hay tự ý ban hành Công văn số 180/CV-GSS khiến GSS mất quyền sử dụng đất và “mất đi phương án SXKD duy nhất” như đơn thư đề cập. Không thể nói, Công văn số 180/CV-GSS là một công văn chưa hợp pháp, trái luật.

Họ ngăn cản dự án nhằm mục đích gì?

Một số thông tin một chiều và suy diễn gần đây luôn cho rằng, Công ty Thái Hưng sau khi trúng đấu giá không thực hiện đúng cam kết, không phục hồi nhà máy, tái sản xuất mà bất ngờ cho dừng và tháo dỡ nhà máy, khiến người lao động mất việc làm, thiệt hại nghiêm trọng đến các cổ đông, trong đó có vốn Nhà nước.

Trên thực tế, tính đến cuối tháng 3-2017, Công ty Thái Hưng đã quyết toán dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà máy thép Gia Sàng sau gần 8 tháng triển khai dự án với tổng chi phí lên tới hơn 152 tỷ đồng, cao hơn 44 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt là 108 tỷ đồng.

Ông Bùi Long Xuyên, Tổng giám đốc GSS buồn bã cho biết: Bên cạnh việc sản xuất thua lỗ, thì số tiền gần 57 tỷ đồng GSS có được từ việc đấu giá tài sản vẫn chưa được giải quyết rạch ròi. Ngoài khoản tiền 38 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên thu hồi (gồm nợ gốc 33 tỷ đồng và 5 tỷ tiền lãi), số tiền còn lại trên 17 tỷ đồng cho đến thời điểm này vẫn bị Chi cục Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên phong tỏa với lý do có đơn khiếu nại tố cáo của bà Vũ Thị Kiều Oanh.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh, thay mặt cho tập thể lãnh đạo và người lao động của GSS, ông Bùi Long Xuyên trình bày: “Đến nay, quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết vì sự cản trở của vợ chồng cổ đông Vũ Thị Kiều Oanh và Lê Xuân Hộ (nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc GSS đã bị tuyên 5 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”).

Trước những khó khăn, Ban lãnh đạo GSS đã họp, lập phương án và chủ động đề xuất, được Công ty Thái Hưng nhất trí cho vay khoản tiền trên 8 tỷ đồng để thanh toán một phần nợ gốc bảo hiểm xã hội, nợ lương, chốt bảo hiểm xã hội và các khoản trợ cấp khác cho người lao động… Tuy nhiên, lấy lý do là cổ đông lớn bà Oanh đã tìm mọi cách ngăn cản không cho thông qua phương án này, đồng thời yêu cầu Công ty Thái Hưng phải mua lại toàn bộ cổ phần của mình (giá trị cổ phần đến thời điểm này bằng không đồng). 

Bỏ ra 152 tỷ đồng khôi phục sản xuất những vẫn thua  lỗ và trước nguy cơ mất an toàn lao động, Ban lãnh đạo GSS đã tổ chức nhiều cuộc họp với người lao động và đi đến thống nhất đề nghị Công ty Thái Hưng tạm dừng sản xuất. Đồng thời thành lập Hội đồng xây dựng, hoàn thiện Phương án Di dời kết hợp cải tạo nâng cấp công nghệ và công suất Nhà máy lên 500 nghìn tấn/năm do Tổng Giám đốc GSS làm Chủ tịch Hội đồng.

Tuy nhiên, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp công suất Nhà máy tại địa điểm cũ không còn phù hợp với quy hoạch tổng thể, điều chỉnh quy hoạch chung của T.P Thái Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định 260/QĐ-TTg  và Quyết định số 2486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung của T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Qua tham khảo ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND T.P Thái Nguyên cùng các đơn vị tư vấn, Ban lãnh đạo GSS và nhà đầu tư đã thống nhất xây dựng Dự án Di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng lên 500 nghìn tấn/năm. Tổng mức đầu tư  của Dự án trên 834 tỷ đồng do Công ty Thái Hưng làm chủ đầu tư. 

Dự án này ngoài việc nhận được sự đồng thuận cao của tập thể cán bộ, CNV và người lao động tại GSS, còn nhận được sự đồng thuận của hàng trăm hộ dân sống xung quanh khu vực Nhà máy vì không còn mối lo ô nhiễm môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, đồng thời việc di dời nhà máy cũng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, đưa T.P Thái Nguyên xứng tầm đô thị loại I. Như vậy, việc một số cá nhân cho rằng Dự án Di dời, cải tạo, nâng cấp Nhà máy gây thất thoát vốn Nhà nước, thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích các cổ đông, gây mất việc cho người lao động… thì đó là ý kiến cực đoan, khó có thể chấp nhận.

 

Báo Công luận
Toàn cảnh khu nhà xưởng bị hoang hóa

Khu đô thị Thái Hưng Ecocity – dự án chuẩn mực về pháp lý

Trên vị trí cũ của nhà máy Gia Sàng và một phần diện tích mới được quy hoạch, Công ty Thái Hưng đã xin chủ trương để thực hiện một dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Ecocity) đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 3669/QĐ-UBND ngày 23-11-2017. Ngày 27-12-2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định sô 4060/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu tổ hợp Thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City).

Dự án Thái Hưng Eco City có tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, là một trong những dự án bất động sản đầu tiên của tỉnh được đầu tư thực hiện quy mô, bài bản từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đến quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan; quy hoạch đồng bộ, hiện đại theo mô hình các tập đoàn Vingroup, Hòa Bình đã triển khai tại các đô thị lớn.

Theo Quyết định số 2486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 nêu rõ: “Phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao; đến năm 2035 các khu vực sản xuất gây ô nhiễm, nhà máy xí nghiệp nhỏ lẻ, rải rác trong khu vực nội thị sẽ được di dời, quỹ đất hiện có được chuyển đổi thành các chức năng dân dụng phục vụ đô thị”. Theo đó, việc di dời nhà máy Gia Sàng, chuyển đổi quỹ đất hiện có thành các chức năng dân dụng phục vụ đô thị là hoàn toàn đúng quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

Báo Công luận
Một số văn bản của Công ty Gia Sàng, Thái Hưng và văn bản ý kiến người dân 
Được biết mới đây, dự án Thái Hưng Ecocity đã được Bộ Xây dựng thẩm định, cho ý kiến chấp thuận, đồng ý trên cơ sở công văn đề nghị cho ý kiến của UBND tỉnh Thái Nguyên. “Quy hoạch chi tiết của dự án có chức năng sử dụng đất phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2486/QĐ-TTg. Việc triển khai dự án góp phần cụ thể hóa Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035; thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh ra ngoài khu vực nội thị; khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị; hình thành khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển quỹ nhà ở của địa phương”” – Công văn của Bộ Xây dựng gửi UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định.

Cũng theo công văn của Bộ Xây dựng, Công ty Thái Hưng có chức năng xây dựng khu đô thị và kinh doanh bất động sản phù hợp với quy định hiện hành, đảm bảo năng lực tài chính triển khai dự án.

Cần phải nói thêm dự án đã được lấy ý kiến và triển khai chặt chẽ theo đầy đủ các bước, lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương và nhân dân khu vực triển khai dự án, ý kiến của UBND tỉnh cũng như được thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên cho ý kiến hết sức nghiêm túc, 100% ý kiến của các sở, ngành, các cơ quan và nhân dân đều ủng hộ dự án và mong muốn dự án sớm được triển khai.

Vì vậy, việc một số cá nhân thời gian qua có hành vi phát tán đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng, mang danh “Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ sự thượng tôn của pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động” là những người đang đi ngược lại với mong muốn của chính quyền, nhân dân và người lao động!

Minh Quang

 

 

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra