
Rác thải, phế thải trong hoạt động xây dựng được tập kết thành những bãi lớn như thế này. Ảnh Bảo Ngân.
Tại bãi bồi sông Hồng trên địa bàn phường Nhật Tân hoạt động đổ trộm chất thải, nhất là phế phẩm trong hoạt động xây dựng diễn ra công khai suốt thời gian dài. Các cơ quan chức năng địa phương cũng dần “bất lực” trước tình trạng này.
Theo ghi nhận, tại đây luôn tấp nập ô tô loại nhỏ ra vào để đổ trộm rác thải. Ô tô đổ chất thải tới đâu là ngay lập tức có máy ủi tiến hành san gạt tới đó. Các bãi rác, phế phẩm xây dựng trước đây đã được bao phủ lên bề mặt những lớp đất mới, rất khó có thể phát hiện ra rác tại những vị trí này.

Chiếc xe tải có biển số 29H- 22839 đang vận chuyển phế phẩm xây dựng vào đổ trộm trên địa bàn phường Nhật Tân. Ảnh Bảo Ngân.
Còn các vị trí mới đổ có diện tích lên tới hàng trăm mét vuông, chủ yếu là các bùng, vũng nước sâu mà trước đó đất, cát đã được khai thác múc đi.
Trước thực trạng này, trao đổi nhanh với cán bộ môi trường phường Nhật Tân vị cán bộ này quả quyết, qua kiểm tra hiện trên địa bàn không có phát sinh đổ trộm chất thải mới. Thế nhưng, thực tế cho thấy hoạt động đổ trộm rác thải tại đây lại có phần ngang nhiên, rầm rộ hơn trước.

Một bãi rác "khủng" mới đổ trên địa bàn phường Nhật Tân. Ảnh Bảo Ngân.
Trước tình hình vi phạm Luật Đê điều xảy ra trên địa bàn các phường có đê có diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng đổ trộm phế thải, lấn chiếm bờ, bãi sông, xây dựng lều lán trái phép, trồng rau, hoa màu, nuôi động vật, để vật liệu, rác thải trên mái đê, ngày 6/4/2020 UBND quận Tây Hồ đã có công văn số 402/UBND-KT, yêu cầu UBND các phường có đê và các đơn vị trực thuộc chỉ đạo xử lý vi phạm pháp về đê điều.
Theo Công văn này, UBND quận Tây Hồ yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND các phường có đê nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Yêu cầu các phường: Yên phụ, Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều còn tồn tại trên địa bàn quận tính từ 2010 đến nay.
Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn không để phát sinh mới; tiếp tục, xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; tăng cường công tác quản lý không để phát sinh mới các trường hợp xây dựng nhà, lều lán trái phép vi phạm Luật Đê điều.
Trong công văn này, UBND quận Tây Hồ cũng giao Công an quận tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên, khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, công an các phường phối hợp với UBND các phường có đê tăng cường kiểm tra, ngăn chặn xử lý nghiêm đối với người điều khiển các phương tiện vận chuyển phế thải trái phép ra khu vực bờ, bãi sông Hồng; lập hồ sơ các đối tượng cố tình vi phạm Luật Đê điều, xử lý theo quy định của pháp luật.
Giao Đội Thanh tra giao thông vận tải quận tăng cường các biện pháp kiểm tra các phương tiện có dấu hiệu vận chuyển phế thải, ngăn chặn không cho các phương tiện vận chuyển vi phạm đi ra khu vực bờ, bãi sông Hồng. Phòng Tài nguyên và Môi trường quận kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận trên bãi bồi sông Hồng thuộc địa bàn phường Nhật Tân vào chiều ngày 7/6/2020.

Một chiếc ô tô khác đang tiến hành đổ trộm chất thải. Ảnh Bảo Ngân.


Khi rác thải được đổ xuống, chiếc máy xúc này có nhiệm vụ gạt phẳng xóa dấu tích. Ảnh Bảo Ngân.

Không những đổ trộm chất thải, các đối tượng tại khu vực này còn ngang nhiên khai thác cát, sỏi, đất trái phép. Ảnh Bảo Ngân.


Ngang nhiên đưa máy xúc ra đây để khai thác cát trái phép. Ảnh Bảo Ngân.
Bảo Ngân