Hội thảo diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp.
Đào Phúc Lộc sinh ra trong một gia đình viên chức có truyền thống yêu nước ở thôn Vườn Trầu, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Thuở nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình, ông sống cùng chị gái ở Hải Phòng.
Chính tại đây, hai chị em ông gặp được nhà cách mạng Tô Hiệu vào thời kì Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939), và bắt đầu tham gia phong trào thanh niên, học sinh yêu nước ở Hải Phòng.
Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 16 tuổi và trở thành người giữ đường dây liên lạc của đồng chí Tô Hiệu.
Cuộc đời ngắn ngủi 46 năm của Đào Phúc Lộc là cuộc đời của một chiến sĩ cộng sản trung kiên, luôn chấp nhận mọi hy sinh thiệt thòi cho bản thân và gia đình, cống hiến toàn bộ tài năng nhiệt huyết cho Đảng, đất nước.
Ông được coi là người đầu tiên xây dựng nền móng cho sự thành lập và phát triển của ngành tình báo quân sự Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh của dân tộc.
Ngày 8/4/1998, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Đào Phúc Lộc. Đây là Huân chương cao quý đầu tiên đươc trao tặng cho Anh hùng Đào Phúc Lộc trong số gần 2000 Anh hùng LLVTND trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Ban tổ chức hội thảo đã tập hợp được gần 30 tham luận của gần 30 tác giả từ các Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu. Tất cả các bài tham luận đều viết rất công phu, nhiệt tình, biểu dương, đánh giá rất cao một con người vĩ đại và sự cống hiến lớn lao của anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo.
Tại buổi hội thảo, GS. Hoàng Chương chia sẻ: “Mơ ước của chúng tôi là Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo sẽ có tên trên đường phố Hà Nội trong thời gian không xa. Bởi những thành tích và công lao rất lớn và thầm lặng hy sinh cống hiến cho ngành tình báo quốc phòng và quê hương đất nước, ông hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh”.
Bà Bùi Thị Lệ Hằng, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Móng Cái, chia sẻ: “Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) luôn tự hào, ghi nhớ công lao của ông – Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc, người đã làm vẻ vang cho quê hương, cho mảnh đất địa đầu của Tổ quốc thân yêu”.
Năm 1948, khi vào Nam chiến đấu, ông đã để lại cho Cục Tình báo Bộ Quốc phòng một di sản rất quý báu, đó là những kinh nghiệm sâu sắc và cách tổ chức lực lượng tình báo khá hoàn chỉnh. Và cũng từ “nguồn vốn” đó mà sau này quân đội ta đã mở mang, phát triển thành một ngành tình báo vững mạnh.
Nhiều kỷ niệm, hồi ức của bạn bè và gia đình, các nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu lịch sử đã được chia sẻ tại Hội thảo.
Ngoài ra, Hội thảo còn giới thiệu tác cuốn sách viết về Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc như: “Huyền thoại Anh hùng tình báo Đào Phúc Lộc”, “Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ” (Thạc sĩ Nguyễn Kim Thành biên soạn), “Không thể mồ côi” (Minh Vân - con gái Anh hùng Đào Phúc Lộc)…
Hoàng Ngọc