Những mái tóc ý nghĩa dành tặng cho bệnh nhân ung thư
(CLO) Rụng tóc là nỗi sợ và ám ảnh rất lớn với các bệnh nhân không may mang trong mình căn bệnh ung thư. Thấu hiểu điều đó, rất nhiều bạn trẻ đã nuôi tóc dài và quyên góp để gửi tặng cho các bệnh nhân ung thư đã mất đi mái tóc do hóa trị.
Cho đi là còn mãi…
Chị Hà Mộng Thu (Bình Định) đã quyết định nuôi tóc và hiến tặng cho các bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh ung thư. Chị Thu chia sẻ: “Là phụ nữ tôi hiểu được tầm quan trọng của mái tóc. Người xưa có câu “Cái răng cái tóc là góc con người” đó là biểu tượng của sự xinh đẹp”.
“Tôi may mắn có sức khỏe tốt, may mắn có mái tóc đẹp. Thay vì năm nào cũng ra tiệm cắt phăng mái tóc, tóc rơi rãi khắp sàn và rồi quét dọn cho vào thùng rác, thì lần này tôi quyết định nuôi dưỡng tóc dài và hiến tặng cho bệnh nhân ung thư vú.”, chị Thu nói.

Búi tóc dài 38cm của chị Thu gửi tặng cho các bệnh nhân ung thư.
38cm tóc được cắt vào đầu tháng 3 đã được chị Thu gửi về cho tổ chức Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam – Breast Cancer Network Vietnam BCNV (TP. Hồ Chí Minh). Mái tóc của chị Thu đã được nhận và góp phần để hoàn thiện thành một bộ tóc giả trao tặng tới những bệnh nhân ung thư.
Qua đó, chị Thu tâm sự: “Mình may mắn hơn họ thì phải san sẻ sự may mắn đó giúp họ thêm vui vẻ, tự tin hơn và dễ dàng hội nhập với xã hội hơn. Để họ biết rằng, xã hội luôn có người đồng hành cùng họ, sẽ không ai bị bỏ rơi cả”.
Hành trình nuôi tóc hiến tặng các bệnh nhân ung thư
Để có được một mái tóc dài để hiến tặng, những bạn trẻ đã phải nuôi tóc, không làm tóc, sử dụng các loại hóa chất với mong muốn nuôi được một mái tóc nguyên bản dài 20cm gửi tặng.
Chị Lê Ngọc Anh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ về hành trình 1 năm gian nan nuôi tóc để thực hiện được nguyện vọng tặng tóc cho bệnh nhân ung thư.
Chị Ngọc Anh chia sẻ: “Hành trình “tích tóc” của tôi cũng rất là gian nan, tiêm vaccine rụng tóc, F0 bị rụng tóc, tưởng chừng không còn tóc để mang đi tặng. Hy vọng đoạn tóc tôi cho đi sẽ là một phần của món quà tinh thần mong những bệnh nhân lạc quan hơn để chiến đấu với bệnh tật”.

Giấy chứng nhận và búi tóc chị Ngọc Anh đã hiến tặng cho những bệnh nhân ung thư.
“Nếu hỏi bản thân tôi có tiếc phần tóc đã cắt hay không, tôi mạnh dạn trả lời: “Rất tiếc”. Vì tóc dài đối với tôi và bố mẹ rất có ý nghĩa, bố mẹ tôi thích tôi để tóc dài từ nhỏ, và tôi cũng vậy. Nhưng tóc tôi rồi cũng sẽ mọc và dài lại, còn những bệnh nhân thì không…”, chị Ngọc Anh ngậm ngùi chia sẻ.
Để hoàn thành một bộ tóc giả, cần từ 5-10 bộ tóc hiến tặng góp lại, vì vậy chị Ngọc Anh cũng rất mong muốn mọi người có thể nuôi tóc để hiến tặng cho những bệnh nhân không may mắn mắc căn bệnh hiểm nghèo này.
Hiến tóc – hành trình đầy ý nghĩa
Chị Hà Lê Trúc Giang (Đắc Lắk) đã quyết định cắt đi mái tóc dài nuôi hơn 4 năm để quyên tặng cho những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh ung thư.
Chị Giang chia sẻ: “Tôi cũng đã đắn đo suy nghĩ rất lâu trước khi đưa ra quyết định như vậy. Bộ tóc đen, dài tự nhiên chắc có lẽ là thứ tôi thích nhất trên cơ thể này. Nhưng rồi khi tôi thấy những bệnh nhân phải chống chọi với hoá chất để dành lại sự sống từng ngày, đến nỗi đầu của họ rụng hết tóc thì tôi đã biết mình không cần đắn đo thêm nữa”.

Giấy chứng nhận hiến tặng tóc của chị Giang.
Với chị Giang, bản thân chị còn trẻ nên tóc còn dài được, nhưng những bệnh nhân kia thì họ không biết có thể chống chọi được bao lâu với căn bệnh quái ác đó. Vậy nên chị Giang cho đi mái tóc này bởi vì hiểu cho đi là nhận lại, thứ mà chị nhận lại không phải là tiền bạc mà chính là niềm vui.
“Không hiểu sao khi mình biết tin tóc của mình đã đến nơi nhận để làm tóc giả cho bệnh nhân thì tim mình đập rất mạnh. Nhờ việc này mình mới biết rằng ta không cần có nhiều tiền mới có thể giúp đỡ người khác, những việc như hiến máu, hiến tóc, hiến tạng… cũng là cách mà mình giúp đời”, chị Giang nói.
Những mái tóc ý nghĩa mà các bạn trẻ dành tặng cho bệnh nhân ung thư đã giúp cho người bệnh thêm tự tin và can đảm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Số tóc được cho đi không chỉ có ý nghĩa với người nhận mà còn góp phần lan tỏa những hành động đẹp tới cộng đồng.
Bài và ảnh: Lê Trang