Những mẹo trị bỏng từ những nguyên liệu đơn giản tại nhà
(CLO) Bỏng không chỉ gây ảnh hưởng đến bề mặt da mà còn đến xương và các cơ bắp. Các vết bỏng nhẹ thường có thể được điều trị an toàn tại nhà, nhưng các vết bỏng nghiêm trọng hơn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Nước lạnh: Nước lạnh được xem là hiệu quả nhất trong việc xoa dịu cảm giác đau rát khó chịu do vết bỏng gây ra và ngăn chặn vết bỏng ăn sâu vào bên trong da. Tuy nhiên cách này chỉ phù hợp với các trường hợp bỏng cấp độ 1 và 2. Vết thương sẽ được xoa dịu, giảm đau, giảm cảm giác khó chịu, vết bỏng đỡ phồng rộp. Sau đó, bạn tiến hành thực hiện các biện pháp sơ cứu tùy vào tình trạng vết bỏng. Cần chú ý, nước sử dụng là nước mát có nhiệt độ từ 16-20 độ C chứ không phải đá lạnh.
Nha đam: Một số nghiên cứu cho thấy lô hội có tác dụng hiệu quả trong việc chữa lành vết bỏng cấp độ 1 hoặc 2. Hợp chất Aloin trong nha đam có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, thúc đẩy tuần hoàn và ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Người bị bỏng có thể bôi trực tiếp lên vùng bỏng một lớp gel lô hội.
Mật ong: Mật ong có rất nhiều công dụng hữu ích, một trong những số đó là khử trùng vết thương và chữa bỏng hiệu quả. Hãy thấm mật ong vào miếng băng gạc rồi đắp lên vết thương khoảng 3 - 4 lần/ngày, dần dần chỗ vết thương sẽ dịu nhẹ đi và chỉ một thời gian ngắn, vết bỏng sẽ nhanh lên da non.
Gừng: Lấy một lát gừng và ấn nhẹ vào vết bỏng hoặc thoa nước gừng tươi lên vùng da bị bỏng. Nó có thể giúp bạn giảm đau. Áp dụng thường xuyên có thể chữa lành vùng da bị bỏng cũng như giảm sẹo trong vòng vài tuần.
Giấm táo: Giấm có tính acid nhẹ nên có đặc tính khử trùng, làm se bề mặt da. Do đó, dân gian thường sử dụng giấm để chữa các vết bỏng nhẹ. Bạn pha loãng giấm với nước sau đó dùng băng hoặc một miếng vải mềm ngâm vào, rồi quấn quanh vùng da bị bỏng. Cứ sau 2-3 tiếng lại thay một lần để ngăn tổn hại.
Lòng trắng trứng: Sau khi rửa sạch vết bỏng qua nước để giảm sức nóng, bạn hãy tách riêng lòng trứng gà hoặc vịt, cho vào chén rồi khuấy đều, sau đó ngâm vết bỏng vào. Hoặc bạn có thể dùng băng gạc thấm lòng trắng trứng rồi thoa lên vết bỏng, một ngày làm khoảng 4 lần, da sẽ nhanh chóng giảm phồng rộp.
Khoai tây: Khoai tây có tác dụng kháng đau rát và làm dịu vết thương rất hiệu quả. Bạn hãy cắt một lát khoai tây và đắp lên vùng da bị bỏng, có thể chà nhẹ để nước trong khoai tây ngấm vào vết thương.
Nước trà đen: Chất axit tannic trong trà đen có thể giúp bạn bớt cảm giác đau rát, khó chịu do bỏng gây ra. Với cách này, trước tiên bạn cần phải cho túi trà vào nước ấm vài phút, để hơi nguội rồi lấy 1 miếng vải nhúng vào, sau đó đắp lên vết bỏng hoặc có thể sử dụng ngay túi trà ướt đặt lên vết bỏng.