Những người đồng bào nguyện mang họ Bác Hồ

Chủ nhật, 19/05/2019 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Giữa thời khắc chiến tranh cam go, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1969 khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, những người dân Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy, Cơ Tu ở huyện miền núi A Lưới đã tự nguyện mang họ Hồ để tỏ lòng biết ơn với Người.

Đi đầu trong việc mang họ Bác

Huyện A Lưới nằm ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên – Huế giáp với nước bạn Lào, đây nổi tiếng là vùng chiến khu cách mạng, ghi dấu ấn với những tấm lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy. A Lưới có 500 liệt sĩ, 881 thương bệnh binh, 8 cá nhân và 15/21 xã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đó là minh chứng để thấy rằng, dù đói khổ, bom đạn, chất độc hoá học của kẻ thù tàn phá, hủy diệt nhưng đồng bào các dân tộc A Lưới vẫn một lòng son sắc đi theo Đảng, Bác Hồ, góp sức cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Ngày 5/9/1969, khi nghe đài tiếng nói Việt Nam đưa tin Hồ Chí Minh từ trần đến với đồng bào miền Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế. Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ngày ấy có các già làng, bô lão, đại diện Mặt trận, trưởng bản cùng toàn thể đồng bào các dân tộc A Lưới, họ cùng hướng ra Miền Bắc, hướng về Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Họ hứa trọn đời đi theo Đảng, theo cách mạng và quyết định mang họ Hồ.

Tái hiện nghi lễ đặt tên họ Hồ của người dân tộc Tà Ôi tại làng văn hóa.

Tái hiện nghi lễ đặt tên họ Hồ của người dân tộc Tà Ôi tại làng văn hóa.

Già làng Hồ Văn Rải, ở A Đeeng, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới (tên thường gọi Cu Rải, 80 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội nông dân, Chủ tịch UBMTTQ huyện A Lưới) kể lại: “Đó là ký ức không thể nào quên. Nghe tin Bác mất, bà con ở đây rất buồn, hầu như không ăn, khóc rất nhiều. Với niềm tiếc thương vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện A Lưới đã tổ chức lễ để tang Bác Hồ trong thời gian 7 ngày”.

Sau khi làm truy điệu cho Bác, khu ủy Trị Thiên phát động với toàn dân, ai chưa có họ thì sẽ mang họ Hồ, những ai đã có họ nhưng muốn đổi thì chính quyền cũng chấp thuận. Giữa đại ngàn Trường Sơn, các già làng, trưởng bản nhóm họp cùng thề thốt rồi làm thủ tục để cho những người dân được toại nguyện. “Tôi làm cách mạng từ nhỏ. Khi lớn lên, toàn bộ tình cảm của tôi dành cho Đảng, Bác Hồ. Đến khi Bác mất, mình như mất một người cha, người anh vậy. Tôi là người Pa Cô trước đã có họ là Ariêr nhưng vẫn đổi sang họ Hồ. Sau này, con cái, cháu chắt của tôi đều mang họ của Bác cả”. Già làng Hồ Văn Rải nói.

Còn theo già làng Hồ Thanh Xoa ở Diên Mai, xã A Ngo, (81 tuổi, nguyên Trưởng ban dân vận huyện A Lưới, UV Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ VI, VII): “Tôi là người dân tộc Tà Ôi, trước đây có họ PiKêr (con chim nhỏ trong rừng), nhưng vì quý trọng Bác nên tôi đổi thành họ Hồ từ năm 1969. Gia đình tôi đã 3 đời mang họ Hồ”.

Cũng theo vị già làng này, ngày trước, đồng bào A Lưới thường lấy tên những con vật, cây cối, như Arâl, Târnau, PiKêr, Pata, Plo, Prung, Ariêr, Pa Pát để làm họ của mình. Muốn đổi họ các gia đình phải cúng rất nhiều lễ với Giàng (Tên gọi của vị chúa tể thần linh-PV) và khi được Giàng đồng ý mới được phép. Luật tục bao đời ấy đã ăn sâu vào máu thịt đồng bào, nhưng khi Bác qua đời, bà con không sợ Giàng bắt tội, mà tất cả một lòng nguyện đổi họ theo Bác với lòng tôn kính sâu sắc. Khi được mang họ Hồ, mọi người nơi đây còn phải thề: “Ai ăn ở hai lòng sẽ bị Giàng phạt, trời bắt tội, sẽ tàn lụi như cây gỗ mục trong rừng, như dòng suối cạn khô, như cỏ cây cháy rụi…”.

Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai, người đầu tiên được Bác đặt tên họ Hồ.

Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai, người đầu tiên được Bác đặt tên họ Hồ.

Trong số những người được mang họ Bác Hồ thì Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai (78 tuổi, dân tộc Pa Cô, ngụ TDP 4, thị trấn A Lưới, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên, Đại biểu quốc hội khóa VI, VII), là người may mắn đầu tiên được Bác chính thức đặt họ Hồ.

“Tôi tự hào là người 4 lần được gặp Bác Hồ, cùng ăn cơm nói chuyện với Bác. Lần đầu gặp Bác vào năm 1965, tôi vinh dự cùng đoàn anh hùng miền Nam ra thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là người dân tộc thiểu số duy nhất trong đoàn, tôi được Hồ Chủ tịch quan tâm, nói chuyện nhiều nhất và tôi cũng tự hào là người đầu tiên mang họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hồ Đức Vai chia sẻ.

Thờ cúng Bác cùng ông bà, tổ tiên

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn huyện A Lưới có gần 5 vạn dân, trong đó có tới 43,5% mang họ Hồ. Nhiều người trong số họ đã tự nguyện thờ Bác Hồ bên cạnh ông bà, tổ tiên của mình trong gia đình.

Già làng Hồ Thanh Xoan, đặt bàn thờ Bác bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh.

Già làng Hồ Thanh Xoan, đặt bàn thờ Bác bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh.

Năm 1973, ông Hồ Văn Rải xây được nhà, ông đã để ảnh cũng như tượng Bác lên trên bàn thờ để thờ cùng cha mẹ của ông. “Vì lòng tôn kính nên tôi thờ ảnh Người. Vào dịp rằm, mùng 1 tôi đều nhang khói. Ngày giỗ, sinh nhật của Bác hay ngày Quốc khánh, tôi còn hoa quả, bánh như một lời tri ân, nhắc nhở con cháu về lịch sử hào hùng của dân tộc. Sau khi được bầu làm già làng từ năm 2000, tôi vận động con em nơi đây thờ Bác trong nhà. Đến nay, 100% dân bản tôi đều thực hiện tốt điều này. Đa phần mọi người thờ chung Bác với ông bà, số ít có điều kiện, nhà rộng thì thờ Bác riêng”, già làng Hồ Văn Rải chia sẻ.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc huyện A Lưới nói riêng đã khiến cho tình yêu, sự kính nể của người dân nơi đây đối với Bác ngày càng sâu đậm hơn.

Trước những tình cảm ấy, dân nơi đây cũng nguyện một lòng đi theo ánh sáng cách mạng, phục vụ chiến đấu. Biến nỗi đau thành sức mạnh, phong trào thi đua trong toàn dân dấy lên rầm rộ, nhờ vậy, trong sản xuất không những đảm bảo lương thực cho bản thân gia đình mà còn đóng góp rất lớn đáp ứng nhu cầu to lớn của cuộc kháng chiến.

Già làng Hồ Thanh Xoa chia sẻ, “Ở bản Diên Mai có chừng 90% dân thờ ảnh Bác. Bản thân nhà tôi, dù chưa từng được gặp Người nhưng ngoài thờ bố mẹ, tôi còn thờ Bác Hồ ở nơi cao nhất, ở phía dưới còn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Việc thờ Bác cũng giúp cho thế hệ trẻ kính mến Người, việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được truyền tải, lan tỏa ra ra các tầng lớp nhân dân dễ dàng hơn”.

Vào năm 2016 tại làng Văn Hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Nghi lễ được tái hiện đúng như nghi lễ vốn được tiến hành trong thực tế khi đồng bào ở huyện A Lưới nghe tin Bác Hồ kính yêu ra đi vào năm 1969. Trong bài diễn văn, nhóm cộng đồng dân tộc nắm chặt tay đưa lên đầu cùng hô vang: “Xin nguyện mang họ Hồ”.

Đến hôm nay, ơn Đảng, ơn Bác Hồ như suối nguồn chảy mãi không bao giờ cạn đối với đồng bào ở huyện miền núi A Lưới. Noi theo tấm gương của Bác, bà con luôn vượt qua khó khăn trở lực để làm ăn phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Lớp con cháu sau này cũng biết noi theo thế hệ cha ông, hăng say lao động, chăm lo chăn nuôi, sản xuất... vươn lên trong cuộc sống.

Hữu Tin - Việt Dũng

Tin khác

Thi hành kỷ luật đối với Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu

Thi hành kỷ luật đối với Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm.

Đời sống
Cần lắng nghe nguyện vọng của người dân khi đưa núi Ngọc vào khai thác

Cần lắng nghe nguyện vọng của người dân khi đưa núi Ngọc vào khai thác

(CLO) Mặc dù được đưa vào phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản tuy nhiên mỏ đất vật liệu san lấp tại xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá chưa thể tổ chức đấu giá vì vấp phải sự phản đối của người dân.

Đời sống
Kho hàng của 'hotgirl' Nguyễn Hoàng Mai Ly 'khủng' cỡ nào?

Kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly "khủng" cỡ nào?

(CLO) Số hàng hoá này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly trị giá 20,1 tỷ đồng.

Đời sống
Ninh Bình: Cần kiểm tra dấu hiệu đổ chất thải trái phép tại dự án hơn 1.000 tỷ đồng

Ninh Bình: Cần kiểm tra dấu hiệu đổ chất thải trái phép tại dự án hơn 1.000 tỷ đồng

(CLO) Một lượng lớn bùn đất, rác thải xây dựng tại các dự án trên khúc sông dài 1km đi qua trung tâm thành phố Ninh Bình có dấu hiệu đổ thải không đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đời sống
Hà Nội: Dân quân tự vệ chốt, trực ngày đêm ngăn chặn đổ trộm rác thải

Hà Nội: Dân quân tự vệ chốt, trực ngày đêm ngăn chặn đổ trộm rác thải

(CLO) Dân quân tự vệ chốt, túc trực ngày đêm tại các con ngõ, theo dõi khu vực để tránh tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng và đốt rác trái phép ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Đời sống