Những người lính quân hàm xanh “4 trong 1” ở nơi biên cương
(CLO) Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới… thì những người lính ở Đồn Biên phòng Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) còn kiêm luôn là những người thầy, người cha, người chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tại vùng biên cương của Tổ quốc.
Đồn Biên phòng Sa Loong đóng quân trên địa bàn xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài trên 17km, với 2 cột mốc chính và 11 cột mốc phụ, tiếp giáp với nước bạn Campuchia.
Trong khi đó, địa bàn Sa Loong thuộc diện đặc biệt khó khăn với trên 85% đồng bào là người dân tộc thiểu số. Bà con nơi đây cơ bản trồng cây lúa nước, lúa mì, cao su… Đời sống vật chất, văn hóa còn khó khăn, hạn chế. Toàn xã có 14 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là dân tộc Krông, Xơ Đăng, Mường, Kinh…
Đều đặn hơn 6 tháng qua, sau khi mặt trời xuống núi, bà con ở thôn Đăk Vang, xã Sa Loong lại nô nức đến lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Sa Loong phối hợp cùng UBND xã Sa Loong mở tại Nhà văn hóa thôn Đăk Vang.

Ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo và Công luận ở lớp học xóa mù chữ, tại Nhà văn hóa thôn Đăk Vang vào một ngày cuối năm 2023, cả lớp học chật kín chỗ ngồi. Tất cả “học sinh” đều chăm chú nghe từng câu, từng chữ của “thầy giáo” mang quân hàm xanh Phạm Huy Thắng.

Thiếu tá Phạm Huy Thắng – cán bộ Đồn Biên phòng Sa Loong là người trực tiếp đứng lớp trong hầu hết thời gian qua, cho biết: “Đầu năm 2023, Đồn Biên phòng Sa Loong đã chỉ đạo Đội Công tác vận động quần chúng rà soát toàn bộ số người dân không biết chữ, tái mù chữ trên địa bàn 6 thôn thuộc xã Sa Loong. Qua rà soát, nhận thấy ở thôn Đăk Vang có 29 người không biết chữ và tái mù chữ, còn các thôn khác lác đác ít hơn nên đã quyết định mở lớp xóa mù chữ ở thôn này trước tiên”.

“Trải qua sau hơn 6 tháng triển khai, đến nay, cơ bản 29 người ở thôn Đăk Vang đã biết viết, biết đọc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ dạy thêm môn toán để người dân biết phép tính công, trừ, nhân, chia”, Thiếu tá Phạm Huy Thắng nói.

Mặc dù lớp học 19 giờ tối mới bắt đầu và sẽ kết thúc lúc 21 giờ nhưng hầu hết bà con đều đi từ rất sớm, khi thầy giáo đến lớp đã thấy đầy đủ học viên.

Lớp học không phân theo độ tuổi, người trẻ nhất là 18 tuổi, còn lớn nhất khoảng 60 tuổi, nhưng mọi người đều ham muốn được học con chữ.

Hình ảnh học viên lớn tuổi, bắt đầu đánh vần từng con chữ khi đã ở độ tuổi là bà.

Đối với bà con, được đến lớp học mỗi ngày là một niềm vui khi cả ngày chỉ quanh quẩn bên vụ mùa, nương rẫy. Bởi vậy, mặc dù lớn tuổi nhưng bà con rất nghiêm túc trong việc học, một phần là để biết chữ, còn một phần cũng là để làm gương cho con, cháu sau này.

Theo Thiếu tá Phạm Huy Thắng, việc dạy học cho bà con nhân dân ở đây đều phải “từ đầu”, mất khoảng 2 tháng để dạy bảng chữ cái. Sau khi bà con nhận diện được mặt chữ cái rồi mới bắt đầu dạy tiếp nội dung khác.

Ngoài việc “chắc tay súng” bảo vệ biên cương Tổ quốc, những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong còn làm tốt vai trò của một “nguời thầy” cầm phấn, cầm bút gieo con chữ nơi biên giới.

Nhiều người không được đi học từ đầu nên phải dạy từ chữ cái đầu tiên để có thể quen được. Nhưng, cũng có người đã được đi học hết lớp 1, sau đó nghỉ học để đi làm việc phụ giúp gia đình, trải qua một thời gian dài nên đã quên, không nhớ cách viết, cách đọc, chỉ biết ký tên của mình.

Mặc dù mắt kém, ngồi học phải sử dụng đèn pin soi từng con chữ mới có thể đọc viết được, nhưng chị Y Hóp (sinh năm 1964) vẫn cố gắng đều đặn đi học 6 tháng qua, không nghỉ buổi nào. Chị Y Hóp cho biết: “Mặc dù mắt kém nhưng tôi vẫn phải cố gắng học để biết chữ. Trước kia, không viết được tên mình, giờ tôi đã có thể ký tên của mình rồi!”.

Đa phần người dân đi làm nương rẫy về là mang sách đến lớp để chờ được học con chữ nên có thể thấy rõ đôi bàn tay đen sạm, lấm lem của bà con khi ngồi viết bài.

“Nhiều bà con đi làm nương rẫy xong đi học luôn, học xong về nhà mới ăn cơm tối. Cho nên, có nhiều buổi, một số học viên do đói quá đã xin phép về sớm ăn cơm, xong lại ra ngồi nghe giảng tiếp” - Thiếu tá Phạm Huy Thắng, cán bộ Đồn Biên phòng Sa Loong chia sẻ.

Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng tận tình dạy chữ cho những người đáng tuổi chị, tuổi mẹ mình vào mỗi buổi tối tại xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong ngoài việc là người thầy, còn “đóng vai” người “cha nuôi” của những cháu dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Trên ảnh là các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong đến thăm “con nuôi” Y Ngọc Hân (13 tuổi) ở thôn Đăk Vang.

Được những người “cha nuôi” đến thăm, bà nội Y Sêng và cháu Y Ngọc Hân rất vui mừng. Được biết, Đồn Biên phòng Sa Loong đã nhận cháu Y Ngọc Hân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là “con nuôi Đồn Biên phòng”. Mẹ của Y Ngọc Hân bỏ đi từ lúc cháu còn “đỏ hỏn”, bố thì mắc bệnh thần kinh nên Y Ngọc Hân chỉ biết nương tựa vào bà nội già yếu, ngoài 70 tuổi.

Làm con nuôi của các chú bộ đội, Y Ngọc Hân được hỗ trợ tiền ăn học mỗi tháng cùng với dụng cụ học tập, xe đạp để thuận tiện đến trường.

Không chỉ là người thầy, người cha, những người lính biên giới mang quân hàm xanh còn kiêm luôn là người thầy thuốc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
