Những nguồn cảm hứng cho sự phục hồi toàn cầu

Chủ nhật, 14/02/2021 09:37 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau 4 năm dài với triển vọng giảm sút, trì trệ và địa chính trị chia rẽ, 4 hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào cuối năm 2020 gồm BRICS, APEC, G20 và RCEP đã chỉ ra con đường hướng thế giới tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Thế giới đã chứng kiến những ngày đầy bận rộn của tháng 11/2020 khi mà các quốc gia đang phải chật vật đối đầu với đại dịch Covid-19. Ngày 17/11, Nga đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 12. Ngày 20/11, Malaysia tổ chức Hội nghị cấp cao APEC. Ngày 21-22/11, Saudi Arabia chào đón các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị G20. 

Trước đó, ngày 15/11, một sự kiện trọng đại diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 37: 10 quốc gia Đông Nam Á và các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - hiệp ước thương mại lớn nhất thế giới - mở đường cho sự hợp tác kinh tế mạnh mẽ trong khu vực. 

RCEP, nguồn cảm hứng cho hợp tác đa phương

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến gần 2 triệu người thiệt mạng, tình trạng thất nghiệp lớn, xã hội bị tàn phá, kinh tế thế giới suy giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do các tác động của những hạn chế và phong tỏa, hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung… sự hợp tác toàn cầu vượt qua mọi khác biệt là rất quan trọng để đánh bại đại dịch và tạo điều kiện phục hồi kinh tế. 

Quan chức các nước thành viên APEC chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp thượng đỉnh cuối năm 2019.

Quan chức các nước thành viên APEC chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp thượng đỉnh cuối năm 2019.

Việc 15 quốc gia thành lập RCEP dù không có Ấn Độ tham gia là một bước nhảy vọt về niềm tin và dũng cảm, được ví như một chiến thắng cho chủ nghĩa đa phương. Các quốc gia trong khu vực dựa trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, kết nối cùng phát triển đã gác lại những mâu thuẫn, bất đồng vì một tương lai tốt đẹp hơn. 

RCEP sẽ loại bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng nhập khẩu giữa các quốc gia, ký kết trong vòng 20 năm và sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ, được đánh giá có vai trò là nguồn cảm hứng cho nỗ lực đa phương, đa dạng hóa các mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác dựa trên nền tảng cùng có lợi. 

Cái được của RCEP ở chỗ, nó phù hợp với nhu cầu hội nhập ở châu Á, nơi các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ý tưởng về chủ quyền quốc gia là quan trọng và di sản của chủ nghĩa thực dân phương Tây vẫn còn nổi bật; và RCEP phù hợp với bối cảnh quốc tế mới vốn bị bao trùm bởi chủ nghĩa bảo hộ và cuộc chiến thuế quan.

BRICS thúc đẩy phục hồi toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức tại Nga ngày 17/11, quy tụ các nền kinh tế lớn của khối thị trường mới nổi: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. BRICS chiếm 1/4 nền kinh tế thế giới và đặc điểm chung của những thành viên nhóm này trong năm 2020 là bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Ấn Độ, Brazil, Nga nằm ở Top 5 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước đầu tiên bùng phát dịch bệnh. 

Do căng thẳng của nền kinh tế thế giới, Hội nghị thượng đỉnh BRICS tập trung vào các biện pháp thiết thực để đối phó với đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế, tạo ra cảnh báo sớm về các mối đe dọa dịch tễ học để thúc đẩy khả năng phản ứng của BRICS dựa trên các sản phẩm y tế, cũng như sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất vắc-xin quy mô lớn. 

Thông qua Ngân hàng Phát triển Mới BRICS (NDB), các thành viên đã dành 10 tỷ đô la để chống dịch trong danh mục dự án tổng thể lên tới hơn 20 tỷ đô la. Điều quan trọng, BRICS đã thống nhất tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, đầu tư và vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong thương mại quốc tế. 

Nếu các tập đoàn đa quốc gia lớn thúc đẩy sự phục hồi của GDP toàn cầu, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có tác động tạo việc làm tương đối lớn nhất, điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi toàn cầu. 

Tầm nhìn mới của APEC, lộ trình cần thiết

Hội nghị Cấp cao APEC do Malaysia tổ chức ngày 20/11 diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức đang đặt ra đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương. Những thay đổi địa chính trị yêu cầu tổ chức này đặt ra một tầm nhìn mới, để định hướng hoạt động của diễn đàn trong những thập kỷ tới. 

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin, Hội nghị APEC lần thứ 27 đã thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040, khẳng định APEC với 21 thành viên, là một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. 

Tuyên bố cam kết tiếp tục thực hiện sứ mệnh của APEC và giữ vững các nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc dựa trên đồng thuận với 3 động lực kinh tế gồm: Thương mại và Đầu tư; Đổi mới và Số hóa; Tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm. 

Việc 21 thành viên APEC đồng thuận để thông qua tuyên bố chung thể hiện tinh thần hợp tác, hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững. Những cam kết này sẽ tạo điều kiện và động lực để các quốc gia trong khu vực chủ động thúc đẩy đầu tư cũng như tạo ra môi trường để cạnh tranh lành mạnh. 

Hợp tác, vấn đề trọng tâm của G20

Trước Hội nghị lần thứ 15 của G20, người ta đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò và hiệu quả của tổ chức này, bởi sự góp mặt của các thành viên với ưu tiên chính trị và kinh tế khác nhau. Thay vì tạo ra các kết quả quyết định và các khuyến nghị rõ ràng có thể hành động, diễn đàn thường bị sa lầy vào những tuyên bố ngoại giao mơ hồ, nhất là trong bối cảnh Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump giữ vững lập trường khác biệt với những thành viên còn lại về các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, thương mại, người tị nạn và nhập cư.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Riyadh năm nay với 3 chủ đề chính là “Trao quyền cho mọi người”, “Bảo vệ hành tinh” và “Chia sẻ biên giới mới” - tất cả đều là những vấn đề nổi cộm không thể phản đối trong năm 2020. Hội nghị đã ra thông cáo chung được xem là có tính thực tiễn cao khi 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới cam kết sẽ “dốc mọi tâm sức” để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới, xóa nợ cho các nước nghèo, hỗ trợ nền kinh tế của các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch toàn cầu.

Trước tình hình nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn sau nhiều tháng đóng cửa và phong tỏa, G20 cũng thống nhất ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương, coi đây là “phương thức hợp tác quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay”. Tuyên bố nhấn mạnh “mong muốn hiện thực hóa mục tiêu về môi trường đầu tư và thương mại ổn định, minh bạch, không phân biệt, công bằng, rộng mở, toàn diện và có thể dự đoán được”, cũng như “muốn duy trì các thị trường mở”.

Tính đến hiện tại, nhóm G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, đồng thời đã “bơm” 11.000 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế thế giới trước sự tấn công của dịch bệnh. 

Rõ ràng, những nỗ lực của G20, APEC, BRICS và RCEP đang tạo ra một lộ trình rộng mở cho việc khắc phục hậu quả sau đại dịch, hồi phục kinh tế và hướng thế giới tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Phan Hoàng

Tags:

Tin khác

Ngoại trưởng Anh nói Israel sắp tấn công Iran

Ngoại trưởng Anh nói Israel sắp tấn công Iran

(CLO) Israel rõ ràng đã quyết định tấn công trả đũa Iran, theo Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết trong chuyến thăm nước này vào thứ Tư (17/4).

Thế giới 24h
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Biden hứa tăng thuế người giàu, giảm thuế người nghèo

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Biden hứa tăng thuế người giàu, giảm thuế người nghèo

(CLO) Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công du vận động tranh cử tại bang Pennsylvania vào thứ Ba (16/4), với điểm dừng đầu tiên tại quê hương Scranton của mình. Tại đây, ông đã tái khẳng định lời hứa tăng thuế đối với những người giàu và các tập đoàn lớn.

Thế giới 24h
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc lần đầu điện đàm sau hơn 2 năm

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc lần đầu điện đàm sau hơn 2 năm

(CLO) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Đô đốc Đổng Quân, vào hôm thứ Ba (16/4), để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước và bàn về nhiều vấn đề quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Thế giới 24h
Venezuela đóng cửa Đại sứ quán ở Ecuador, phản đối vụ đột kích Đại sứ quán Mexico

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán ở Ecuador, phản đối vụ đột kích Đại sứ quán Mexico

(CLO) Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán và Lãnh sự quán của nước này ở Ecuador vào thứ Ba (16/4), nhằm phản đối cuộc đột kích bắt người của chính quyền Ecuador vào Đại sứ quán Mexico ở Quito.

Thế giới 24h
Mới chọn được 7 bồi thẩm đoàn cho phiên tòa xét xử ông Trump

Mới chọn được 7 bồi thẩm đoàn cho phiên tòa xét xử ông Trump

(CLO) Bảy bồi thẩm đoàn đầu tiên đã được chọn vào thứ Ba (16/4) trong ngày thứ hai của phiên tòa hình sự xét xử cựu Tổng thống Donald Trump.

Thế giới 24h