Những nhân vật phụ ấn tượng trong 'Cây táo nở hoa'
(CLO) Mặc dù xuất hiện khá ít trên phim nhưng các vai diễn của Văn Anh, Oanh Kiều hay NSND Lan Hương vẫn được đánh giá cao nhờ cách thể hiện tròn vai và tăng thêm chiều sâu cho câu chuyện.
Văn Anh (vai Quân)
Vào vai chồng cũ của Báu, người đã vì cô mà bị đánh đến tàn tật một bên chân và gặp lại cô trong tình cảnh hết sức éo le. Vai Quân của Văn Anh trên phim ít nói và sợ anh vợ (Thái Hòa) và thể hiện nhân vật chủ yếu qua đôi mắt. Điều này đã tạo nên chiều sâu tâm lý cho Quân, một con người có nhiều uẩn khúc, dễ phát điên khi uống rượu.

Quân của Văn Anh trên phim ít nói và sợ anh vợ (Thái Hòa).
Đối với nam diễn viên của “Phía trước là bầu trời” đây là lần trở lại đầu tiên của anh sau ba năm vắng bóng trên màn ảnh. Tuy xuất hiện không nhiều nhưng vai diễn của Văn Anh vẫn gây thiện cảm với người xem. Anh cũng từng tiết lộ, con gái của mình đã khóc khi thấy ba bị đánh trên phim.
Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương (vai bà Bông)
Nữ diễn viên gạo cội đảm nhận một vai phụ nhưng để lại nhiều ấn tượng trên phim. Bà Bông của Lan Hương (cũng là biệt danh của cô ngoài đời) thể hiện những nét điển hình cho hình ảnh của những “hàng xóm trong truyền thuyết” luôn tọc mạch chuyện nhà người khác nhưng thực chất lại rất tốt tính, không có ý xấu.

Nghệ sĩ Lan Hương đã hy sinh hình tượng, làm cho mình già đi trông thấy với tóc bạc trên đầu và vẻ ngoài quê mùa, cục mịch.
Tạo hình của nữ nghệ sĩ trong “Cây táo nở hoa” cũng khiến nhiều người thích thú. Đó là vẻ ngoài xuề xòa, mái tóc không nhuộm, lộ chân tóc trắng. NSND Lan Hương hài hước, khi con của cô thấy cô trên phim đã nói thẳng: “Sao trông mẹ xấu thế?”.
Oanh Kiều (vai Thu)
Vốn là người thường được giao cho những vai diễn có tính cách cam chịu và nhún nhường trên màn ảnh. Có thể thấy, lần hóa thân này của Oanh Kiều không gây quá nhiều khó khăn cho cô. Đặc biệt, trong phân đoạn Thu bị bắt cóc và bỏ đói, nữ diễn viên đã có không ngại để mặt mộc cùng mái tóc rối bù cho vai diễn được chân thực nhất.

Nhân vật của Oanh Kiều sẽ là bước ngoặt lớn trong đời Ngà.
Bên cạnh đó, dù xuất hiện khá muộn nhưng nhân vật của Oanh Kiều có vai trò khá lớn trong cuộc đời của Ngà (Trương Thế Vinh). Một người đàn ông to xác nhưng ngây thơ, dễ nổi nóng sẽ có sự kìm giữ của một người phụ nữ nhẹ nhàng, kiên nhẫn và hết sức nhún nhường.
Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Trọng (vai ông Lân)
Trở lại màn ảnh sau gần 4 năm, nam diễn viên kỳ cựu của phim Việt vào vai một nhân vật phụ không nhiều đất diễn nhưng rất thú vị trong “Cây táo nở hoa”. Ông Lân là bố của Hạnh (Hồng Ánh) và là một người có tính cách trẻ con, hay vòi vĩnh, than phiền về sự cô đơn tuổi già. Ông cũng rất thương và thấu hiểu nỗi khổ tâm của con.

Ông Lân của nghệ sĩ Quốc Trọng dí dỏm, thương cả con gái lẫn con rể.
Tuy vậy ông Lân chưa lần nào cay nghiệt với con rể Ngọc (Thái Hòa) mà luôn đòi ăn “cua khổng lồ” hoặc đòi Ngọc đưa đi ăn lẩu. Ông như một bến đỗ vững chắc để Hạnh dựa vào mỗi lúc yếu lòng. Khán giả đánh giá, diễn xuất tự nhiên, dí dỏm của Quốc Trọng khiến nhân vật ông Lân có màu sắc khác biệt giữa dàn nhân vật.
Trịnh Thảo (vai Phúc)
Cô nàng sinh năm 1997 từng xuất hiện trong “Tháng năm vội vã” đã có sự tiến bộ khi vào một vai diễn cá tính, nổi loạn, đôi khi phản ứng ba mẹ và người thân. Trịnh Thảo trên phim là cô nữ sinh trung học khá vừa vặn với độ tuổi cũng như bề ngoài của mình.

Trịnh Thảo đã có sự tiến bộ khi vào một vai diễn cá tính, nổi loạn, đôi khi phản ứng ba mẹ và người thân.
Nữ diễn viên cho biết, vì chưa được đào tạo qua trường lớp nên cô phải cố gắng nhiều hơn và thừa nhận bản thân còn nhiều khuyết điểm. Cô mong muốn được học hỏi ở hiện trường cũng như các đồng nghiệp.