Những nỗi niềm tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ghi nhận tại Hội trường Thống Nhất
(CLO) Từ sáng sớm ngày 25/7, người dân sinh sống tại TP HCM và các tỉnh lân cận đã có mặt tại Hội trường Thống Nhất để được bày tỏ những nỗi niềm tiếc thương và sự kính trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Là một trong những người dân có mặt sớm nhất tại Hội trường Thống Nhất, vợ chồng ông Nguyễn Trọng Đôn (75 tuổi, quê Hà Tĩnh, cựu sĩ quan Quân đoàn 4) đã cùng đến thắp nén hương đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vợ chồng ông Đôn vào đăng ký viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ông Đôn cho biết, sau khi nghe tin Tổng Bí thư mất, cả gia đình gia đình đều xúc động đến mức bật khóc. "Đồng chí Tổng Bí thư mất đi không có gì bù đắp nổi vì đồng chí là một con người rất giản dị, gần gũi với nhân dân. Chúng tôi, những người ở lại nguyện cống hiến hết mình, hoàn thành nghĩa vụ của một người công dân tốt".
Vợ ông Đôn, bà Trần Thị Liên (65 tuổi, cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu) cũng bật khóc khi bày tỏ niềm tiếc thương của mình. Bà Liên cũng vô cùng xúc động trước không khí trang nghiêm của lễ Quốc tang, cũng như tình cảm của cơ quan, tổ chức và người dân được thể hiện trong lễ viếng ngày hôm nay.

Bà Trần Thị Liên xúc động khi bày tỏ nỗi niềm tiếc thương đến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Một mình bắt xe từ Lâm Đồng đến TP HCM từ lúc 1 giờ sáng, bà Lê Thị Kim Liên (68 tuổi) đã có mặt tại trước khu vực tổ chức Quốc tang tại Hội trường Thống Nhất khi trời còn tờ mờ sáng. Nhìn về phía lá cờ rủ treo tại nơi tổ chức Lễ Viếng, bà Liên bật khóc và cho biết: "Dù ở quê nhà có tổ chức lễ tưởng niệm, nhưng tôi vẫn muốn trực tiếp đến Hội trường Thống Nhất, nơi ghi lại lịch sử vẻ vang của dân tộc, cũng là một trong hai nơi tổ chức lễ Quốc tang, để thắp nén hương đưa tiễn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phong - Tổng thư ký các Hội Thánh Cao Đài ở miền Nam cũng có mặt tại Dinh Độc Lập từ sớm để làm thủ tục, chờ đến lượt vào Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không giấu nổi xúc động, ông Phong bày tỏ: "Tổng Bí thư là tấm gương sáng, cả đời mình đã cống hiến cho tổ quốc, dân tộc, là người đứng đầu vĩ đại lèo lái con thuyền đưa đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn. Sự ra đi của Tổng Bí thư là một mất mát lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thật tiếc vì chúng tôi không tiện ra tận Hà Nội để dâng hương tiễn biệt ông lần cuối cùng".

Ông Huỳnh Thanh Phong chia sẻ cùng các phóng viên
Nhóm 3 bạn trẻ Nhân, Thư, Mạnh hiện đang sống và làm việc tại quận 7 (TP HCM) cũng là một trong những người dân đến khu vực Hội trường Thống nhất từ sớm để viếng và bày tỏ lòng biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đại diện nhóm bạn cho biết: "3 chúng em hôm nay đến tham dự lễ viếng với mong muốn tỏ lòng biết ơn đối với bác Nguyễn Phú Trọng, với những cống hiến của bác cho dân tộc Việt Nam. Do đó, chúng em đã sắp xếp công việc, đến thật sớm để tham gia vào đoàn viếng bác tại TP HCM".
Đặc biệt, hòa vào đoàn người đến viếng tại khu vực cổng chính, anh Nguyễn Phú Huỳnh (Hóc Môn, TP HCM) cũng mang đến Hội trường Thống Nhất bức tranh chân dung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với gương mặt đượm buồn, anh Huỳnh cho biết mình là nghệ nhân làm tranh xà cừ, tác phẩm này được anh hoàn thành 7 tháng trước, mất 2 tháng mới hoàn thành và có mong muốn được tặng cho Tổng Bí thư.

Anh Huỳnh cùng bức chân dung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Do đó, khi hay tin Tổng Bí thư từ trần, anh Huỳnh rất bàng hoàng, thương xót và cảm thấy vô cùng tiếc thương. "Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi nhưng tôi tin rằng hình ảnh của bác luôn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam", anh Huỳnh nói.