Những thương vụ mua bán lan tiền tỷ quá phi lý đang làm méo mó thị trường

Thứ tư, 24/03/2021 13:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hàng dãy tiền, cả bàn tiền, núi tiền... trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng được cho là để mua những cây lan: Ngọc Sơn Cước, Lá Non Cờ Đỏ... trưng ra, công khai giữa thanh thiên bạch nhật vẫn đang làm các cơ quan: Công an, Thuế vụ lúng túng. Và người dân thì nghi hoặc, không biết đâu mà lần.

Hình ảnh cây lan và những chồng tiền trên bàn được cho là để mua bán đã cho thấy sự không tương xứng và giá trị.

Hình ảnh cây lan và những chồng tiền trên bàn được cho là để mua bán đã cho thấy sự không tương xứng và giá trị.

1. Từ khoảng giữa năm đến tháng 12 năm ngoái, đã liên tục có những thương vụ mua, bán hoa lan được gọi là đột biến được giới chơi lan ở nhiều vùng công bố trên mạng xã hội (chủ yếu là qua Facebook) từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng.  Một số vụ có thể nhắc lại như: Cuối tháng 12/2020, một nữ "tay chơi" lan đột biến ở Hạ Long, Quảng Ninh đã rao bán chậu lan Vĩnh Khang với giá 50 tỷ đồng trên Facebook.

Trước đó, tháng 9/2020, một người chơi lan tên Trương cũng làm dư luận xôn xao khi rao bán cây lan Bướm Đại Ngàn với giá 100 tỷ đồng trên địa chỉ Facebook cá nhân của mình. Trước đó nữa, tháng 7/2020, cộng đồng chơi lan cũng đã rầm rộ chia sẻ hình ảnh một chậu lan Juliet với độ dài chừng 20-30cm, được cho là đã chuyển nhượng với mức giá 83 tỷ đồng.

Những vụ công bố mua bán hoa lan ở các thời điểm trên cũng đã gây sửng sốt, nghi ngờ trong dư luận. Nhưng cũng khá nhiều người coi những vụ đó là không đáng tin, thậm chí còn chế hình ảnh, minh họa để làm thành trò cười về các giò lan có giá hàng chục đến cả trăm tỷ đồng mà trông chẳng khác một giò...rau muống nở hoa.

Cho đến đầu năm nay, cụ thể chỉ trong khoảng 2 tuần qua, hiện tượng trên lại liên tục xuất hiện. Đầu tiên là vụ công bố mua bán lan đột biến với giá 31 tỷ đồng ở Gia Lai. Nhưng qua xác minh của cơ quan chức năng, đó chỉ là việc làm đăng tải, câu view của một nhóm thanh niên nhằm mục đích câu like (lượt thích) trên mạng xã hội.

Nhưng cho đến 3 cuộc giao dịch với vườn lan Var Đất Mỏ ở Đông Triều, Quảng Ninh tuần trước với tổng giá trị giao dịch được khoe là 288,5 tỷ đồng thì đây được nhiều người, nhất là giới chuyên gia về sinh vật cảnh cho là một vụ mua bán "ảo" nhất từ trước đến nay.

Vụ này, có một người có tên là Nguyễn Văn Minh ở Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh đã mua 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng. 2 cây khác được cho là đã mua bán gồm cây có tên: 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và cây: 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng. Cho dù sau đó mức giá 250 tỷ đồng cho cây Ngọc Sơn Cước được giải thích là mức giá cho cả vườn lan thì đó vẫn là một mức giá rất khó tin.

2. Cũng giống như những lần khác, lại cơ quan chức năng vào kiểm tra và cũng chẳng có ai bị phạt. Cụ thể, Chi cục Thuế thị xã Đông Triều đã được yêu cầu kiểm tra xem có giao dịch thật không để xem xét tính thuế. Cơ quan này bước đầu đã xác minh được bên chuyển nhượng là nhà vườn lan var Đất Mỏ tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).

Tuy nhiên,  trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Mạnh, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ Cục Thuế Quảng Ninh đã nói luôn rằng đối tượng là hộ gia đình phát triển nông nghiệp không thuộc đối tượng quản lý của cơ quan thuế. Thuế chỉ quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo ông này, kể cả họ giao dịch bao nhiêu tỷ đi chăng nữa nhưng không phải là hộ doanh nghiệp thì ngành thuế cũng không theo dõi quản lý. Muốn làm rõ, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương phải vào cuộc chứng minh việc giao dịch đó là thực hay chỉ là lừa đảo.

Còn  đại diện Công an TX. Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, qua công tác xác minh, vụ việc này là có thật nhưng hai bên mua bán mới chỉ dừng lại ở việc bắt tay và trao đổi nói chuyện, chứ hoạt động chuyển tiền thì chưa có.

Do đó, mọi chuyện lại giống như các vụ tuyên bố giá bán "trên trời" các giò lan như năm trước. Người mua, người bán vẫn tung hứng với nhau các phi vụ mua bán giá khủng khiếp còn thực tế, không một đồng thuế nào từ các vụ này, nếu có được nộp vào ngân sách.

3. Không có ai đi khảo sát xem có bao nhiêu người tin rằng giá trị mua bán các giò lan như trên là thật. Nếu có, chắc rằng tỷ lệ đó là rất thấp. Ít nhất người ta thấy rằng,  cho dù có lan đột biến triệu cây mới có một chăng nữa, có những giò lan đẹp đến khó tả thế nào chăng nữa thì việc một người nào đó bỏ ra hàng trăm tỷ đồng chỉ để mua một giò lan để ngắm và sau đó vài tuần thì những bông hoa lan cũng héo, tàn quả là một sự điên rồ.

Nhưng cái chính người ta còn tin rằng những người tung hứng giá bán những cây lan lên tới hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng chỉ là trò khoác lác, thổi giá  vì còn có rất nhiều chuyên gia về sinh vật cảnh, chuyên gia lan đã khẳng định không thể có mức giá đó cho những giò hoa lan dù chúng có đặc biệt đến mấy đi chăng nữa. Như TS Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết lan đột biến nếu ngoài tự nhiên thì cực hiếm vì trong hàng triệu cây mới có một cây.

Chuyên gia này cho rằng cũng giống như loài cá heo bạch tạng, hàng triệu con mới có một con, lan đột biến do nhiều tác nhân trong tự nhiên tác động mà thành. Tuy nhiên, theo ông Trường, đó là do quá trình lai tạo ngoài tự nhiên mới được gọi là đột biến, mới hiếm. Còn theo tôi quan sát,  những loại lan do con người tác động để lai tạo đang được rao bán trên mạng xã hội thì không thể coi là quý hiếm được.

GS-TS Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội cũng cho biết ở góc độ khoa học, hiện nay trên thế giới có khoảng 35.000 loài lan, trong đó Việt Nam có khoảng hơn 1.000 loài. Lan đột biến vốn rất quý hiếm. Tuy nhiên, việc các giao dịch hoa lan đột biến được đẩy lên tới hàng chục tỉ đồng là không bình thường. Theo ông, với những người ít am hiểu về lan, không thạo kỹ thuật thì không nên mua bán lan đột biến theo cảm tính vì việc này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro và việc chăm sóc, nhân giống các loại lan đột biến thường rất khó.

Còn về chuyện các cơ quan công an, cơ quan thuế chưa thể xử lý được với các vụ thổi giá vô tội vạ như trên cũng cần xem lại. Đáng tiếc là ngay cả đại diện Tổng cục Thuế từng khẳng định rằng tất cả các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ đồng trong năm 2020 đều không xác định được giao dịch hay hợp đồng nên không thể thu được thuế.

Về nguyên tắc, thuế đánh trên mọi giao dịch, bất cứ cá nhân nào kinh doanh lan đột biến đều phải nộp 2 khoản thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.  Nếu giải thích như một số cơ quan thuế: Vì mấy người mua bán lan không phải là doanh nghiệp và hộ kinh doanh nên ngành thuế không theo dõi, không thu thuế thì tại sao trong năm 2020, có khá nhiều cá nhân bán hàng online tại Hà Nội và Đà Nẵng tự giác đi nộp thuế thu nhập thì ngành Thuế lại cho là đúng và đã thu đầy đủ của họ?.

Ngay chính trong ngành Thuế, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ trong tuần qua cũng đã ra văn bản yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh hoa lan nếu có các vụ giao dịch lớn đều phải kê khai, nộp thuế. Như vậy, có sự bất nhất trong việc hướng dẫn, kiểm tra thu thuế với các vụ mua bán lan đột biến này mà Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cho thống nhất để nếu thực tế, có những thương vụ như trên, thì vẫn phải thu đúng, thu đủ cho đảm bảo công bằng với các đối tượng nộp thuế khác.

Còn nếu các phi vụ trên chỉ là các trò tung hứng, thổi giá, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Công an... đều có thể kiểm tra, xử phạt vì đó là những hành vi làm nhiễu loạn thị trường hoặc tung tin sai sự thật trên mạng xã hội- một hành vi mà cơ quan quản lý đã xử phạt rất nhiều trong thời gian qua. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường, cũng cần khuyến khích thúc đẩy thị trường tự do nhưng cũng không thể để thả nổi, hoàn toàn tự do đến mức để cho những cá nhân thao túng, thổi giá vô tội vạ, làm méo mó thị trường.

Mạnh Quân

Tin khác

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn
Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

(NB&CL) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2024.

Góc nhìn
“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

(NB&CL) Cách đây chừng 3,4 năm, khi bàn về câu chuyện làm thế nào để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam - mà theo nhiều chuyên gia ví von đó là công cuộc “lót ổ đón đại bàng”.

Góc nhìn