Niềm tin Hà Nội!

08/03/2020 09:14

(CLO) Nhà văn và nhà triết học Henri-Frédéric Amiel từng nói “Xã hội tồn tại nhờ niềm tin”. Niềm tin luôn là sức mạnh giúp vượt qua những thử thách ngặt nghèo nhất. Chính niềm tin là “liều vacxin hữu hiệu nhất” giúp Thủ đô nghìn năm tuổi có thêm sức mạnh trong cuộc chiến với “siêu bão” toàn cầu mang tên COVID-19.

"Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời"- Hà Nội vẫn luôn xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước! Ảnh: T.L

1. Những ngày này, tôi lại nhớ tới một câu chuyện được kể trong tập sách Giá trị vĩnh hằng (Timeless Value).

Chuyện rằng: "Trong một trận đánh quan trọng chống lại đội quân hùng mạnh của kẻ thù với số lượng đông gấp bội, vị tướng cầm quân cảm nhận được sự lo lắng và cả sự sợ hãi ẩn chứa trên gương mặt và ánh mắt những người lính của mình.

Đêm đó, họ dừng chân cắm trại trong một ngôi đền trong vùng. Sau bữa ăn, ông đề nghị những thuộc hạ và binh lính của mình cùng cầu nguyện trước đền. Sau đó ông lấy ra một đồng xu và nói:

- Ta đã cầu xin thần linh báo ứng trước cho kết quả của trận đánh quan trọng này. Bây giờ ta sẽ tung đồng tiền này lên, nếu là mặt sấp, chúng ta sẽ chiến thắng. Còn nếu là mặt ngửa, chúng ta sẽ thua.

Vị tướng quân tung đồng tiền lên cao. Mọi người đều căng thẳng chăm chú chờ đồng tiền rơi xuống. Mặt sấp! Tất cả binh lính vô cùng phấn khích trong lòng và vững tin đến mức họ bước vào trận chiến đấu bằng tất cả sự dũng mãnh và niềm tin có được. Và họ đã chiến thắng oanh liệt.

Trong buổi liên hoan mừng thắng trận, các binh lính reo hò và nói với vị  tướng:

- Chúng ta đã làm nên một kỳ tích! Đúng là không ai có thể làm thay đổi số phận được.

- Đúng vậy! Không ai có thể! Trừ chúng ta.

Viên tướng đồng tình và sau đó im lặng lấy đồng xu đưa cho mọi người cùng xem.

Cả hai mặt đồng tiền đều là sấp!"

Một câu chuyện rất nhỏ nhưng cũng cho ta thấy niềm tin và hy vọng luôn chứa đựng sức mạnh kỳ diệu mà đôi khi chính bản thân chúng ta cũng không thể ngờ, giúp ta vượt qua được những thử thách cam go tưởng chừng khó có thể vượt qua. 

2. "Cuộc chiến" với dịch bệnh COVID-19, với Hà Nội, những ngày này, cũng là một cuộc chiến quan trọng và cam go như thế. Chỉ vì sự yếu kém trong ý thức công dân của "bệnh nhân số 17", một Hà Nội đang bình yên bỗng trở nên xáo động chưa từng có: cuộc họp lúc nửa đêm, cả hệ thống chính chính trị của TP phải vào cuộc, dân tình mất ngủ, đô xô nháo nhác săn lùng nhu yếu phẩm, thậm chí có người đã khóc, đầy bất an, nắc nỏm bởi nỗi lo âu "Hà Nội biết đâu sẽ bị phong thành"...

Sự xáo động, âu lo, bất an, dù có thể như ai đó nói, có phần thái quá... nhưng thực sự, cũng là điều dễ hiểu. Đã là con người, ai cũng có, những nỗi sợ rất... tự nhiên, rất bản năng. Nhất là khi họ biết cuộc sống vốn dĩ yên ả, thanh bình, an toàn của họ, của những người thân yêu xung quanh họ, đang, sẽ phải đối mặt với hiểm nguy khi COVID-19 tựa như "siêu bão" khổng lồ, đã, đang càn quét, reo rắc tai họa khắp toàn cầu. 

Chúng ta là con người, chúng ta có quyền lo sợ cho sự sống, cho sự an nguy của mình. Nhưng, cũng nên nhớ rằng, lo lắng, sợ hãi, hoang mang, thực sự, chẳng mang lại ích lợi gì. Nó chỉ có thể làm chúng ta càng thêm bất an, bấn loạn  và rối trí. Và chính sự bấn loạn cũng như những hành động có phần rối trí, thiếu kiểm soát ấy của mỗi chúng ta sẽ tạp nên áp lực khủng khiếp lên lực lượng chống dịch- những người đang dốc sức bảo vệ sự sống của chúng ta, giúp chúng ta thoát ra khỏi sự bất an ấy.  

Thế nên, điều cần nhất, nên làm nhất và chỉ nên làm nhất, của mỗi chúng ta lúc này, là giữ vững tinh thần, cố gắng tạo cho mình sự bình tâm nhất có thể. Bình tâm để tránh tạo nên áp lực khủng khiếp ấy, tránh tạo nên những xáo trộn rối loạn không đáng có, bình tâm để sáng suốt hiểu rằng, cách "chống giặc corona" hữu hiệu nhất lúc này, ngay cả tại các quốc gia, châu lục có hệ thống y tế ưu việt nhất như châu Âu, Mỹ..., vẫn chỉ dừng lại ở ý thức phòng dịch thật văn minh, là ý thức sẵn sàng cách ly, sẵn sàng khai báo, sẵn sàng chung tay, sẵn sàng chia sẻ... của mỗi công dân.

Trên hết, bình tâm để dành cho nhau một niềm tin, tạo cho nhau những năng lượng tích cực, bởi nói như một thầy giáo nơi Milan- Ý- "tâm dịch châu Âu": "hãy sử dụng suy nghĩ tích cực để bảo tồn những tài sản quý giá của mình, là kết cấu xã hội của chúng ta, nhân tính của chúng ta. Nếu chúng ta không làm được điều đó, dịch bệnh sẽ chiến thắng"!. Dịch bệnh chỉ là cách tự nhiên thử thách lòng tin của chúng ta. Có cho nhau niềm tin, chúng ta sẽ vượt qua được thử thách ấy.

3. Nhiều người sẽ lập luận mà rằng: Niềm tin nào cũng phải có cơ sở, chẳng thể nào cứ "tin lấy được". Quan điểm ấy không hề sai. Nhưng trong câu chuyện "niềm tin chống dịch" này, cứ liệu để Việt Nam chúng ta nuôi niềm tin cho mình, chẳng hề thiếu. 

Khi thế giới còn bấn lọan, bối rối bởi sức càn quét khủng khiếp không kiêng nể, không e dè của SARS-CoV-2, thì tại Việt Nam, cả cộng đồng từ chỗlo lắng khi phát hiện 16 người dương tính với SARS-CoV-2 đã vỡ òa trong niềm vui khi lần lượt 16 bệnh nhân ấy đều nhanh chóng được xuất viện khỏe mạnh với kết quả âm tính.  Chừng ấy đã chứng tỏ sự quyết liệt, sát sao, kịp thời trong chỉ đạo điều hành chống dịch, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã chứng tỏ hiệu quả như thế nào. 

Còn nữa, khi việc tìm kiếm vacxin trị corona vẫn chỉ đang là hành trình của những nỗ lực thì Việt Nam đã là nước thứ 4 trên thế giới nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS – CoV-2 nvà mới đây đã chế tạo thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 (Kit) đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Các chuyên gia đánh giá, bộ Kit ra đời có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp Việt Nam chủ động trong sàng lọc, chẩn đoán bệnh.

Chừng đó hẳn đã đủ để thấy niềm tin chiến thắng COVID-19 của chúng ta không phải trên cơ sở cảm tính vô căn cứ, mà được xây dựng từ cơ sở thực tiễn và khoa học. Niềm tin chiến thắng ấy tiếp thêm cho chúng ta động lực trong những cuộc chiến nhiều thử thách với dịch bệnh COVD-19 vốn còn đầy gian nan, khó lường phía trước. 

4. Và lần này, thử thách ấy đã đến với Hà Nội. Phải thừa nhận rằng, thử thách lần này là không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là khá lớn. Bởi sự yếu kém trong nhận thức của mình, biết bệnh mà giấu bệnh, nữ "bệnh nhân số 17" đã khiến SARS-CoV-2, với khả năng lây lan nhanh không thể ngờ, càng được như "chắp cánh".

Dù vậy, Hà Nội, trong thử thách vẫn nhanh chóng có đối sách. Trong "trận đánh thứ hai" với corona, khởi nguồn từ "bệnh nhân thứ 17", vẫn với sự quyết liệt, kịp thời ấy, 22h đêm 6/3- ngay sau khi có ghi nhận về trường hợp dương tính với Covid-19- TP. Hà Nội cùng Bộ Y tế họp khẩn về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hàng loạt công việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã ngay lập tức được tích cực triển khai: Họp ban chỉ đạo ngay trong đêm; ứng trực 24/24; công khai, minh bạch thông tin hàng giờ, xử lí trường hợp tung tin thất thiệt; phối hợp chặt chẽ với các bộ phận liên quan trong công tác phòng dịch, điều tra dịch tễ triệt để, cách ly trường hợp nghi nhiễm; liên hệ Big C và các đơn vị đảm bảo cung ứng nguồn hàng cho người dân; tạm dừng các lễ hội, hội họp không cần thiết, các chuyến công tác nước ngoài; đưa ra hàng loạt các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh… 

Lực lượng bộ đội hóa học phun hóa chất tiêu tẩy khu vực phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, nơi có nhà của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Lực lượng bộ đội hóa học phun hóa chất tiêu tẩy khu vực phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, nơi có nhà của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Ngay ngày 6/3, Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Ba Đình và các lực lượng của ngành y tế và quận Ba Đình đã trực tiếp xuống khu vực nhà bệnh nhân để chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch, lập sơ đồ khoanh vùng khu vực có bệnh nhân, lập chốt tại 2 đầu khu phố Trúc Bạch, đóng cửa các hàng quán tại khu vực, phun khử khuẩn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cử 3 đội đáp ứng nhanh phối hợp với đội đáp ứng nhanh của Trung tâm Y tế quận Ba Đình và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần tại khu vực nhà bệnh nhân đang sinh sống...

Hà Nội cũng đề nghị Bộ Ngoại giao làm việc các cơ quan ngoại giao của Anh, Pháp để thông tin về lịch trình, nơi ở để họ có biện pháp kiểm soát.

Ngay sáng ngày hôm sau, 7/3, Bí Thư Thành ủy đã yêu cầu Ban chỉ đạo chống dịch họp lại để đưa ra phương án chống dịch hợp lý nhất. Theo Bí thư Vương Đình Huệ, Hà Nội cần phải xây dựng phương án dã chiến, phải chủ động sớm và chủ động ở mức cao nhất, không được chủ quan nhưng vẫn phải đảm bảo sinh hoạt bình thường của Thủ đô.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng 7/3. Ảnh: T.L

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng 7/3. Ảnh: T.L

Và có lẽ, không có nhiều tiền lệ trước đó, người đứng đầu hệ thống chính trị của TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trực tiếp gửi thông điệp tới nhân dân Thành phố. Trong đó, thông điệp nhấn mạnh tới hai chữ niềm tin và cam kết "Sự lo lắng cần thể hiện bằng hành động thực tế, bằng cách tự vảo vệ mình, bảo vệ gia đình, có trách nhiệm thông báo tình hình sức khỏe cho chính quyền các cấp, không nên hoang mang, lo lắng quá mức. Thành phố cam kết đủ năng lực, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân. Người dân không cần đi mua tích trữ. Nếu mua sắm ở siêu thị mà không thực hiện tốt các biện pháp an toàn lại dễ lây nhiễm".

Nói như các chuyên gia, Hà Nội đã không bỏ lỡ “72 giờ vàng” trong chống dịch COVID-19, dịch vẫn nằm trong tầm khống chế, dù vẫn còn những ca “nguy cơ cao”.

Những hối hả, quyết liệt ấy khiến chúng ta nhớ lại Hà Nội của những ngày chiến đấu với B52 cách đây mấy thập kỷ. Những ngày tháng ấy đã từng rất khốc liệt, rất cân não... nhưng Hà Nội của chúng ta đã chiến thắng, đã làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy địa cầu.

Dĩ nhiên, chẳng trận chiến nào là giống nhau. Nhưng nếu Hà Nội của chúng ta hôm nay vẫn giữ trong mình tâm thế quyết liệt, sự đồng tâm, đồng lòng, niềm tin khát khao chiến thắng bằng mọi giá ngày ấy, chẳng thể nào ngăn được niềm hy vọng, rằng Hà Nội, Việt Nam sẽ tiếp tục giành chiến thắng oanh liệt trong "trận chiến thứ 2" với "giặc corona", dù vẫn biết, trận chiến ấy sẽ vất vả, gian nan gấp bội...

"Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/Càng toả ngát hương thơm hoa Thủ đô/ Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô/ Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau...

Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng"!

Những câu hát của nhạc sĩ Phan Nhân lại dội về, nhắc nhớ: Hãy cho Hà Nội một niềm tin, và Hà Nội, luôn xứng đáng với niềm tin yêu ấy!.

Hồng Hà 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Niềm tin Hà Nội!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO