Hướng tới Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI

Niềm tin “khởi nhịp” cho một cuộc hành tiến mới…

Thứ bảy, 13/02/2021 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)Một nhiệm kỳ 5 năm khép lại với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo LCH, các cấp HNB địa phương đang đặt rất nhiều tin yêu cùng những mong mỏi cho nhiệm kỳ tiếp bước thông qua những tiếng nói thẳng thắn, chân thành, xây dựng vì một “ngôi nhà chung” trí tuệ và gần gũi.

Báo Nhà báo & Công luận xin ghi lại những tâm huyết ấy trong số báo đặc biệt Xuân Tân Sửu.

Các hội viên Liên chi hội nhà báo TTXVN tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày 28/10/2020. (Ảnh:  Thành Đạt/TTXVN)

Các hội viên Liên chi hội nhà báo TTXVN tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày 28/10/2020. (Ảnh:  Thành Đạt/TTXVN)

Nhà báo Vũ Việt Trang – Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch LCH Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN):

"Tăng cường hơn nữa vai trò cầu nối để các hội viên có thể cọ xát tại các sân chơinghề nghiệp rộng lớn hơn"

Trước khi nói đến nhiệm kỳ mới, tôi muốn điểm lại những thành công đặc biệt của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ hiện nay. Chắc chắn nhiều hội viên cùng quan điểm với tôi rằng trong giai đoạn 2015-2020, hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là việc ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp (năm 2016), thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật các cấp (năm 2017), ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội cho hội viên nhà báo (năm 2018), và sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (tháng 6/2020). Việc Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị 43 CT/TƯ “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” thể hiện sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước đối với Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Vũ Việt Trang –Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch LCH Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)

Nhà báo Vũ Việt Trang –Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch LCH Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)

Tôi tin tưởng rằng trong 5 năm tới, Hội sẽ có nhiều đổi mới trong hoạt động, theo hướng đi vào chiều sâu. Để góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của tổ chức chính trị - xã hội của người làm báo Việt Nam, Liên chi hội Nhà báo TTXVN mong muốn Hội sẽ chú trọng một số vấn đề cụ thể. Đó là, nâng cao hơn nữa chất lượng các giải báo chí, trong đó có Giải Báo chí quốc gia. Những năm gần đây, Hội đã phối hợp tham gia tổ chức nhiều giải báo chí chuyên ngành, liên ngành, khích lệ tinh thần cống hiến của nhà báo trên mọi mặt trận. Các giải báo chí đã trở thành sân chơi nghề nghiệp của các nhà báo Việt Nam, ngày càng thu hút được nhiều tác phẩm báo chí tiêu biểu. Đất nước của chúng ta đã và đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ, các hội viên cũng rất cần được tạo điều kiện tham dự nhiều hơn vào các giải báo chí khu vực và quốc tế. Tôi mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường hơn nữa vai trò cầu nối để các hội viên có thể cọ xát và tiếp cận với đồng nghiệp quốc tế tại các sân chơi nghề nghiệp rộng lớn hơn. Thêm nữa, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh và mạnh trên thế giới hiện nay, Hội cần có hình thức khích lệ những nhà báo/cơ quan báo chí sử dụng hiệu quả công nghệ hiện đại trong sản xuất và phát hành các sản phẩm báo chí. Điều này là cần thiết, góp phần thúc đẩy báo chí Việt Nam phát triển theo xu thế chung của báo chí thế giới. Bản thân Hội cũng cần tiên phong trong ứng dụng công nghệ số trong xử lý công việc chuyên môn của mình.

Có thể nói, Hội đã thể hiện rõ nét chức năng, nhiệm vụ của tổ chức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam trong việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên. Trong đó, năm 2019, Hội đã có hành động can thiệp để bảo vệ một nhà báo của TTXVN bị xúc phạm trên mạng xã hội. Để Hội ngày càng có sức thu hút với hội viên, tạo động lực trong hoạt động tác nghiệp, tôi mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Hội sẽ chủ động hơn để cảnh báo các nhà báo về những nguy hiểm, thực thi các biện pháp giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp cũng như kịp thời có tiếng nói chính thức bảo vệ hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của hội viên.

Như tôi đã đề cập ở trên, Hội đã có những việc làm thiết thực khi ban hành các quy định, văn bản hành chính nhằm tăng cường quản lý hội viên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn xảy ra tình trạng nhà báo phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội ở các mức độ khác nhau, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của người làm báo đối với xã hội. Vì vậy, tôi hy vọng Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các Liên chi hội và hội nhà báo thành viên trong việc tổ chức các hình thức sinh hoạt thiết thực hơn nhằm nâng cao trách niệm xã hội của hội viên, khẳng định vai trò xung kích của người làm báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là thành viên tích cực của Hội, Liên chi hội nhà báo TTXVN rất quan tâm bảo vệ quyền lợi của hơn 1.000 hội viên, phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các hội nhà báo tỉnh, thành phố trong nhiều hoạt động nghề nghiệp. Chúng tôi cũng rất tự hào khi được Bảo tàng Báo chí Việt Nam dành cho một khu trưng bày riêng về những đóng góp của các thế hệ những người làm báo TTXVN vào nền báo chí cách mạng nước nhà. Trong những năm qua, Liên chi hội của TTXVN luôn khích lệ các hội viên sáng tạo, áp dụng thành công công nghệ truyền thông mới trong làm báo hiện đại như báo chí di động, ảnh/video 360 độ, bài megastory hoặc báo chí dữ liệu. Các hội viên của Liên chi hội rất tích cực tham gia các giải báo chí trong nước, khu vực và quốc tế, đã đạt nhiều giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế, nổi bật là Giải thưởng hãng thông tấn xuất sắc của Tổ chức các Hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương OANA năm 2019, dự án “Nói không với Fake News” được trao giải Vàng trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á 2020 của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức Thế giới (WAN-IFRA). Trong thời đại hội nhập quốc tế ngày nay, TTXVN xác định là phải chủ động và tích cực tham gia sân chơi quốc tế, với tư cách là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi cho rằng đây cũng chính là biện pháp thiết thực để những những hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trưởng thành trong hội nhập.

Nhà báo Phạm Anh Tuấn –Tổng Biên tập báo Vietnamnet, Chủ tịch LCH Nhà báo Bộ Thông tin & Truyền thông:

"Phối hợp ngày càng hiệu quả với các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí"

Chúng ta đang đón chào một nhiệm kỳ mới với rất nhiều kỳ vọng, mong muốn để hoạt động Hội thiết thực, thiết thân với hội viên hơn nữa, góp phần củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của HNBVN thời gian tới. Đại hội lần thứ XI HNBVN sẽ diễn ra trong bối cảnh các cấp ủy đảng, chính quyền đang nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 43/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HNBVN. Cùng với đó, những người làm báo Việt Nam đã và đang phải bắt nhịp với xu hướng làm báo trong kỷ nguyên 4.0. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, các cơ quan báo chí cũng không thể chậm chễ hơn trong việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm đối tác, chuẩn bị nguồn lực để phát triển báo điện tử và các kênh mạng xã hội, tạo nguồn thu lâu dài. Trong khi đa số thị phần quảng cáo, truyền thông trực tuyến chảy vào các nền tảng nội dung số xuyên biên giới...

Nhà báo Phạm Anh Tuấn –Tổng biên tập báoVietnamnet, Chủ tịch LCH Nhà báo Bộ Thông tin & Truyền thông.

Nhà báo Phạm Anh Tuấn –Tổng biên tập báoVietnamnet, Chủ tịch LCH Nhà báo Bộ Thông tin & Truyền thông.

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh và mạnh trên thế giới hiện nay, chúng tôi cũng mong muốn Hội Nhà báo thông qua các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp sẽ có sự định hướng để các nhà báo nắm bắt và sử dụng hiệu quả công nghệ hiện đại trong sản xuất và phát hành các sản phẩm báo chí. Từ đó góp phần thúc đẩy báo chí Việt Nam phát triển hòa chung vào dòng chảy của báo chí thế giới. Chúng tôi cũng mong muốn, vị thế và vai trò của HNBVN ngày càng được nâng cao thông qua việc phối hợp ngày càng hiệu quả với các cơ quan chỉ đạo, các cơ quan quản lý báo chí, tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, đảm bảo báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, môi trường báo chí lành mạnh. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc, vấn đề kinh tế báo chí...

Ngoài ra, trong sự phát triển chung của HNBVN, Liên chi hội Nhà báo Bộ TT&TT chúng tôi cũng đã có nhiều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách. Các chi hội, hội viên đã phát huy tinh thần sáng tạo, năng động. Trong nhiệm kỳ, không có hội viên nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Việc triển khai các phong trào thi đua và công tác khen thưởng có sự đổi mới về nội dung và phương thức tổ chức. Thời gian tới, chúng tôi mong rằng, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có thêm nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nhiều cuộc nói chuyện để hội viên hiểu rõ về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc tham gia mạng xã hội của người làm báo; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho phóng viên chuyên trách về quốc phòng, tài chính, công nghệ thông tin...

Trước thềm Đại hội XI HNBVN, chúng tôi đặt niềm tin và kỳ vọng vào đội ngũ BCH HNBVN khóa XI sẽ hội tụ những người có tài, có đức, có sự hài hòa giữa những người làm báo nhiều kinh nghiệm và những nhà báo trẻ, tâm huyết, tài năng, tiếp tục đảm đương được vai trò, sứ mệnh của báo chí trong bối cảnh mới. Từ đó “khởi nhịp” cho một cuộc hành tiến mới, nhiệm kỳ mới thành công hơn, hướng tới xây dựng một nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng – Phó Chủ tịchThường trực LCH Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam:

"Hội Nhà báo Việt Nam cần có kiến nghị chính sách giúp người làm báo có điều kiện làm việc và thu nhập khá hơn"

Nhiệm kỳ vừa qua, HNBVN đã tổ chức thành công nhiều hoạt động mang tính “dấu ấn”. Và điều quan trọng là các cấp hội cơ sở đến tỉnh, thành phố, hay các LCH Trung ương đã có những hoạt động tích cực khiến cho vai trò của HNBVN trong xã hội được khẳng định và được đánh giá cao.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng – Phó Chủ tịchThường trực LCH Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng – Phó Chủ tịchThường trực LCH Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhiệm kỳ XI này, báo chí Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Vì vậy để khẳng định được vai trò và vị trí của mình, tôi rất mong HNBVN có nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ hội viên và các cấp hội trong cả nước. Về mặt tổ chức, Hội Nhà báo Việt Nam cần thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò của một Hội chính trị - nghề nghiệp, tập hợp và đoàn kết các hội viên HNBVN. Hội cần trở thành ngôi nhà chung, là nơi giáo dục chính trị tư tưởng và bảo vệ quyền lợi của hội viên, và cũng là nơi công chúng gửi gắm niềm tin mỗi khi có những vấn đề liên quan tới báo chí, truyền thông. Về mặt nghiệp vụ, Hội cần có nhiều hơn những lớp đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ, hội viên (kể cả cán bộ quản lý và phóng viên, biên tập viên) nắm bắt được những xu hướng phát triển của báo chí thế giới, trong đó có những thách thức của quá trình chuyển đổi số. Hội nên là nơi đỡ đầu, khuyến khích các cơ quan báo chí đi đầu ứng dụng các xu hướng mới, cách làm mới để tạo ra những đột phá về nội dung, hình thức trong các sản phẩm báo chí. Về mặt đời sống, HNBVN cũng cần có kiến nghị để có những chính sách giúp người làm báo có điều kiện làm việc và thu nhập khá hơn. Trong thời gian vừa qua, vẫn còn có những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi mong rằng các cấp hội sẽ có những biện pháp để quản lý chặt chẽ hơn nữa, các nhà báo nâng cao hơn ý thức trách nhiệm để mỗi bài viết của mình phải đóng góp để xã hội phát triển.

Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam tặng quà cho học sinh nghèo bản Mông Đồn Đèn, Ba Bể, Bắc Kạn tháng 8/2020.

Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam tặng quà cho học sinh nghèo bản Mông Đồn Đèn, Ba Bể, Bắc Kạn tháng 8/2020.

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch LCH Nhà báo báo Quân đội Nhân dân -Trưởng phòng biên tập báo Quân đội Nhân dân cuối tuần:

"Để hội viên tự hào về danh hiệu nhà báo"

Tôi rất kỳ vọng đại hội lần này, các đại biểu dự đại hội đại biểu toàn quốc HNBVN sẽ thảo luận sâu kỹ về chất lượng hội viên và công tác Hội. Nói gì thì nói, để hội viên thấy được Hội là “mái nhà chung” của những người làm báo thì Hội phải là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Hiện nay, trong đội ngũ những người làm báo còn nhiều tiêu cực, nhưng hội viên không muốn nêu vấn đề đó trong sinh hoạt Hội. Hơn nữa, nhiều hội viên khi tác nghiệp bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết kêu ai?... Đó là sự thực mà người làm công tác Hội các cấp phải nhìn thẳng, nói rõ và tìm biện pháp khắc phục ngay trên diễn đàn đại hội lần này.

Một vấn đề khác là lựa chọn Ban chấp hành Trung ương HNBVN. Vấn đề này rất quan trọng, bởi Ban chấp hành sẽ bầu ra Ban Thường vụ, cơ quan lãnh đạo có quyền lực thực sự trong quyết định những vấn đề lớn của Hội. Nếu đại hội xem trọng cơ cấu, mỗi tỉnh hội một vị, mà không thực sự nghiên cứu xem đạo đức, năng lực nghề nghiệp, khả năng đóng góp vào hoạt động chung của Hội thế nào thì Ban chấp hành sẽ mang nặng tính “mặt trận”. Vì vậy, vấn đề nhân sự Ban chấp hành rất đáng được xem là vấn đề quan trọng nhất của đại hội. Tôi rất mong, đại hội lần này tạo bước đột phá trong công tác nhân sự. Hầu hết đại biểu đi dự đại hội đều là đảng viên của Đảng, cho nên nếu lựa chọn được những nhà báo có tâm, có tầm, tha thiết với công tác Hội bầu vào Ban chấp hành thì sẽ tạo ra được một bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ trong 5 năm tới.

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch LCHNhà báo báo Quân đội Nhân dân -Trưởng phòng biên tậpbáo Quân đội Nhân dân cuối tuần.

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch LCHNhà báo báo Quân đội Nhân dân -Trưởng phòng biên tậpbáo Quân đội Nhân dân cuối tuần.

Danh hiệu nhà báo trong thời gian qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những tiêu cực trong nghề báo. Có đôi khi, ở chỗ đông người, có nhà báo không dám nhận mình là nhà báo chỉ vì quan niệm xã hội về nghề báo đã rất xấu xí. Có những nhà báo giàu lên nhanh chóng nhưng hầu như không có bài đăng báo... Tất cả những vấn đề đó cần được thảo luận một cách nghiêm túc, dân chủ, để những nhà báo chân chính có thể tự hào về nghề báo và danh hiệu nhà báo của mình.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

"Kỳ vọng Đại hội bầu ra được Ban Chấp hành năng động, sáng tạo, hội đủ các điều kiện về năng lực, phẩm chất"

Hơn 70 năm qua kể từ ngày thành lập, HNBVN đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, từ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội đã thu hút hơn 24 ngàn hội viên trong cả nước. Hoạt động Hội các cấp trong thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, tạo điều kiện và động lực cho hội viên, nhà báo có thêm nhiều đóng góp tích cực cho nền báo chí nước nhà.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển nhanh của công nghệ làm báo, sự cạnh tranh và biến chuyển khó lường của mạng xã hội, cùng những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch... đặt ra cho báo chí và công tác Hội Nhà báo những yêu cầu và thách thức vô cùng lớn. Làm thế nào để báo chí tiếp tục khẳng định tầm vóc, vị trí của mình trong định hướng dư luận xã hội lành mạnh, góp phần xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn và khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; tiếp tục phát triển và lan tỏa được những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay của báo chí là công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật... Đây cũng là điều trăn trở và mong muốn HNBVN trong nhiệm kỳ tới đưa ra được những giải pháp thiết thực, cùng cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí loại trừ những hiện tượng tiêu cực trong làng báo như xa rời tôn chỉ, mục đích, giật gân, câu khách…

Kỳ vọng Đại hội lần này sẽ bầu ra được Ban Chấp hành khóa XI năng động, sáng tạo, hội đủ các điều kiện về năng lực, phẩm chất để duy trì và phát huy tốt những kết quả đạt được, tiếp tục đưa các hoạt động của Hội đi vào chiều sâu, tăng cường các cuộc hội thảo, toạ đàm, giải báo chí, khóa bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ... góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội.

Chúng tôi cũng mong muốn HNBVN sẽ có những đề xuất sửa đổi điều lệ của Giải Báo chí Quốc gia, trong đó bổ sung hạng mục cho tác phẩm nghiên cứu báo chí; cùng các cơ sở đào tạo báo chí có những hoạt động thiết thực trong đào tạo, bồi dưỡng năng lực, phẩm chất, đạo đức cho các nhà báo tương lai...

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên:

"Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Hội cần sát sao quan tâm hơn nữa tới cơ sở "

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên.

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên.

Trước mỗi kỳ đại hội, đông đảo hội viên và những người làm báo cả nước đều kỳ vọng vào sự đổi mới, phát triển của Hội nhà báo Việt Nam. Là người nhiều năm hoạt động báo chí và hiện nay đang làm chuyên trách công tác Hội tại một tỉnh là cội nguồn - nơi ra đời HNBVN, tôi có mong muốn và một số kiến nghị. Đầu tiên, tổ chức Hội các cấp là nơi quy tụ, vận động, đoàn kết và phát triển hội viên. Các cấp Hội cơ sở có mạnh thì Hội cả nước mới mạnh; do vậy, tôi đề nghị cần mở rộng việc kết nạp hội viên không chỉ tại các cơ quan báo chí mà cần mở rộng diện đến các cơ quan thông tin, tuyên truyền khác như Cổng thông tin các tỉnh, thành phố... chẳng hạn. Cùng với đó, mô hình tổ chức của các cấp Hội nhà báo tỉnh, thành phố trong cả nước hiện nay không thống nhất, nơi thì chuyên trách, nơi thì kiêm nhiệm, cơ sở vật chất, phương tiện, chính sách đều không giống nhau... Do vậy rất cần có sự chỉ đạo từ trung ương đến các địa phương để làm sao cho anh em làm công tác Hội được yên tâm... làm sao để Chỉ thị 43/CT-TW của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HNBVN thực sự được đi vào cụ thể với các cấp Hội. Từ đó khẳng định đây là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp theo luật định chứ nếu chỉ coi đây là một Hội xã hội nghề nghiệp không có công chức và viên chức chuyên trách thì rất khó khăn cho các Hội cấp tỉnh hoạt động. Một điểm nữa được kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới sắp tới đó là làm sao quy tụ được một đội ngũ những người làm nghề đủ uy tín và đạo đức nghề nghiệp; có tâm, có tầm, có tài trong BCH HNBVN. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Hội cần sát sao, quan tâm hơn nữa tới cơ sở để cùng với các tỉnh, thành tạo những điều kiện tốt nhất cho các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố hoạt động. Trước Đại hội HNBVN lần thứ XI, tôi tin tưởng và kỳ vọng vào những đổi mới mang tính đột phá để HNBVN thực sự là ngôi nhà chung của những người làm báo cả nước.

Nhà báo Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh KonTum:

"Hy vọng Đại hội sẽ rút ra kinh nghiệm hay, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm"

Nhìn vào những kết quả mà HNBVN đạt được trong nhiệm kỳ qua, những người làm báo đều rất đỗi tự hào về “ngôi nhà chung” của mình. 5 năm qua, HNBVN tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp, động viên, cổ vũ kịp thời hội viên – nhà báo vượt qua khó khăn bất cập trong công tác quản lý và những tác động từ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống xã hội, trong đó có những người làm báo vì nguồn thu nhập bị eo hẹp lại.

Nhà báo Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh KonTum.

Nhà báo Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh KonTum.

Trước những tác động đó, HNBVN và các cơ quan quản lý báo chí đã kịp thời có những quy định, điều chỉnh bổ sung phù hợp, là chỗ dựa tinh thần của hội viên như: 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo; kịp thời chấn chỉnh hoạt động của một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý chỉ vì lợi nhuận chạy theo thị hiếu tầm thường… để mỗi hội viên – nhà báo nhận thấy sai trái tự chỉnh sửa, đồng thời Hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên. Đặc biệt Chỉ thị 43–CT/TW của Ban Bí thư được ban hành ngày 8/4/2020 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HNBVN trong tình hình mới” đã tiếp nguồn năng lượng mới, giúp cho hội viên – nhà báo, các cơ quan báo chí vững vàng hơn trong hoạt động của mình.  

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, “dưới mái nhà chung” chúng tôi hy vọng Đại hội HNBVN lần này sẽ rút ra những kinh nghiệm hay, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho những người làm báo, các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, chúng tôi kỳ vọng với định hướng đúng, sau Đại hội lần này, các cấp Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, truyền ngọn lửa nhiệt huyết thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Th.s. báo chí Tạ Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng:

"Hy vọng Đại hội XI sẽ có những đổi mới mang tính đột phá, bước ngoặt"

Trước xu thế hội tụ truyền thông hiện nay đang tạo ra những hệ quả đòi hỏi báo chí phải thích ứng. Trong bối cảnh hội nhập, bùng nổ thông tin như hiện nay, cũng đang tạo ra những áp lực mạnh mẽ đối với hoạt động báo chí địa phương. Cùng với nhiều đổi mới, sát hợp hơn với thực tiễn hoạt động báo chí cũng như yêu cầu của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, Luật Báo chí 2016 đã dành hẳn một chương về HNBVN. Là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, nhiệm vụ của Hội đã được “luật hóa”, ngày càng nặng nề và phức tạp hơn trong thời đại truyền thông số.

Th.s. báo chí Tạ Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng.

Th.s. báo chí Tạ Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng.

Lâu nay, do nhiều nguyên nhân, tổ chức bộ máy hoạt động của các HNB địa phương, thực trạng là mang tính chắp vá, mỗi nơi một kiểu, thiếu thốn cả về chất lượng đội ngũ lẫn cơ sở vật chất, kinh phí, hoạt động; chưa đúng tầm của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo. Yếu tố nguồn nhân lực luôn là điều kiện tiên quyết cho sự thành công hay thất bại của mọi hoạt động, trên mọi lĩnh vực. Nhưng rõ ràng, nhìn lại tổ chức HNB các tỉnh, bộ máy chuyên trách thiếu quy hoạch, thống nhất. Đại đa số cán bộ chuyên trách – nhất là các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – từ các cơ quan báo chí địa phương bị “đẩy” qua làm công tác Hội. Thường trực chuyên trách phần nhiều là cán bộ lớn tuổi, thậm chí đã nghỉ hưu, một số vốn chưa kinh qua thực tiễn viết báo, biên tập, hạn chế về trình độ, uy tín nghề nghiệp và cả kinh nghiệm công tác Hội. Việc bố trí cán bộ chuyên trách cho Hội không chỉ gặp khó khăn về biên chế mà còn khó ngay từ nhận thức của những người có năng lực, trình độ không muốn về làm công tác chuyên trách Hội (hạn chế về thu nhập, điều kiện hoạt động nghiệp vụ). Thực trạng này dẫn đến việc chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động của Trung ương Hội đề ra mỗi nơi triển khai thực hiện không đồng bộ; tùy thuộc vào mức độ “quan tâm” của cấp ủy, chính quyền địa phương và khả năng của cán bộ lãnh đạo từng Hội. Đại hội cần phải đặt ra vấn đề này và bàn thật kỹ để có những đối sách, giải pháp thật quyết liệt, triệt để, hiệu quả hơn.  

Chúng tôi cũng kỳ vọng Đại hội lần này hết sức sáng suốt lựa chọn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có đủ bản lĩnh chính trị và năng lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển công tác hội trong tình hình mới. Hy vọng, Đại hội XI sẽ có những đổi mới mang tính đột phá, bước ngoặt để ngày càng khẳng định đúng mức và tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội theo đúng quy định của pháp luật; góp phần tích cực và hiệu quả vào công cuộc đổi mới quê hương, đất nước cũng như sự phát triển của sự nghiệp báo chí – truyền thông nước nhà.

Nhà báo Phạm Bình Minh – Báo Vietnamnet:

"Tiếp tục là chỗ dựa vững chắc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên"

Nhà báo Phạm Bình Minh – Báo Vietnamnet.

Nhà báo Phạm Bình Minh – Báo Vietnamnet.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã và đang ảnh hưởng trực tiếp, cả tích cực và tiêu cực, đến đời sống báo chí. Các cơ quan báo chí đã phát huy thế mạnh công nghệ để đa dạng hóa các sản phẩm báo chí, tạo thêm nhiều “món ăn tinh thần” hấp dẫn cho công chúng. Từ các loại hình báo chí cơ bản gồm: Báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói, báo ảnh, các cơ quan báo chí Việt Nam đã phát triển thành các mô hình tòa soạn hội tụ, tòa soạn đa phương tiện, hiện đại không kém đồng nghiệp trong khu vực cũng như trên thế giới. Thậm chí, nhiều dự án, công nghệ làm báo mới của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Cùng với đó, báo chí cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, sức ép cạnh tranh, dẫn tới có những lúc có cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, tạo nên những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến uy tín của nghề báo. Nhưng nhìn một cách tổng quát, diện rộng, báo chí vẫn là lực lượng chủ lực, đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, vẫn được công chúng tín nhiệm là nguồn tin chính thống, xác thực, tin cậy trong “biển” thông tin mênh mông vốn đang ngày càng nhiều tin giả. Đội ngũ những người làm báo vẫn luôn tâm huyết với nghề, chung sức đồng lòng xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu và tính nhân văn. Đồng hành với dòng chảy báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo. Đặc biệt, HNBVN đã trở thành cầu nối để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống báo chí. Đáng chú ý, Báo Nhà báo và Công luận đã tổ chức hội thảo về kinh tế báo chí, chuỗi bài về quy hoạch báo chí… HNBVN cũng đã có công văn kiến nghị giảm thuế cho cơ quan báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19… Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng đang rất tích cực chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc, HNBVN cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của mình. Và trong bối cảnh quy hoạch báo chí đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc, rất mong Hội Nhà báo tiếp tục là chỗ dựa vững chắc để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các hội viên, của những người làm báo.

Sông Mây (Ghi)

Tin khác

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

(CLO) Chiều 13/4, tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chủ đề “Kỹ năng khai thác thông tin để phát triển câu chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số”.

Công tác hội
Đồng chí Lê Quốc Minh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên

Đồng chí Lê Quốc Minh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên

(CLO) Ngày 12/4, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các nhà báo đã đến dâng hoa, thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang liệt sĩ A1.

Công tác hội
Ra mắt Câu lạc bộ phóng viên thường trú tỉnh Gia Lai

Ra mắt Câu lạc bộ phóng viên thường trú tỉnh Gia Lai

(CLO) Chiều 11/4, tại TP. Pleiku, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Phóng viên thường trú tỉnh Gia Lai.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc tập huấn trao đổi kỹ năng, phương pháp làm báo chí hiện đại

Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc tập huấn trao đổi kỹ năng, phương pháp làm báo chí hiện đại

(CLO) Ngày 11/4, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ báo chí cho hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Công tác hội