Đời sống

Ninh Bình: Khẩn trương thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã, chủ động ứng phó bão số 3 - WIPHA

Trung Quyết 19/07/2025 18:04

(CLO) Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão số 3 Wipha ở vào khoảng 20,5 độ vĩ bắc; 119 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 102km/giờ), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 20km/h. Dự báo trong 24 giờ tới, bão Wipha có thể mạnh lên cấp 11 - 12, giật cấp 15.

Ninh Bình ứng phó bão
Lực lượng xung kích xã Đồng Thịnh, tỉnh Ninh Bình tuần tra tuyến đê sông Đáy.

Trước diễn biến phức tạp của bão WIPHA (bão số 3) và mưa lũ sau bão, ngày 19/7, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Công văn số 39/UBND-VP3 về việc thực hiện các biện pháp ứng phó với bão WIPHA (bão số 3) và mưa lũ sau bão.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan đầu mối, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão và mưa lũ.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đôn đốc các xã, phường khẩn trương thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy để đảm bảo chủ động ứng phó với bão số 3.

Để thực hiện nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 3, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường chưa thành lập Ban Chỉ huy, khẩn trương hoàn thành trước 10h ngày 20/7/2025 và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc chỉ đạo ứng phó thiên tai trên địa bàn.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp kết quả thành lập Ban Chỉ huy của cấp xã, báo cáo UBND tỉnh trong ngày 21/7/2025.

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, để ứng phó hiệu quả với bão WIPHA, các địa phương, đơn vị, các ban, ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến của cơn bão, đặc biệt là các thông tin cập nhật về hướng đi, tốc độ di chuyển, vùng ảnh hưởng, vùng nguy hiểm…

Việc thông báo kịp thời đến các chủ phương tiện, trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển là rất cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, không để các tàu di chuyển vào vùng nguy hiểm.

UBND các xã, phường tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác đê theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN. Cần đặc biệt quan tâm đến các tuyến đê xung yếu, các điểm đã từng xảy ra sự cố nhưng chưa khắc phục triệt để hoặc các công trình đang thi công, nhất là công trình trên tuyến đê biển.

Đồng thời tổ chức phát quang mái đê, chân đê, khơi thông dòng chảy, nạo vét hệ thống kênh tiêu nhằm đảm bảo khả năng tiêu úng, thoát lũ thông suốt, đặc biệt là trong vùng đô thị và khu vực sản xuất nông nghiệp úng, trũng, cuối nguồn và xa kênh tiêu chính.

Việc kiểm tra, rà soát, triển khai thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu phải hết sức cụ thể, chi tiết và phải xác định là biện pháp then chốt nhằm giảm thiểu nguy cơ vỡ đê, tràn đê trong trường hợp mưa lớn kéo dài.

Về sản xuất nông nghiệp, các công ty thủy nông trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng phương án tiêu úng cho lúa mới cấy, bảo vệ hoa màu. Đây là yêu cầu cấp thiết do lúa mùa vừa mới gieo cấy đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh dễ bị ảnh hưởng nếu ngập úng kéo dài.

UBND tỉnh yêu cầu các xã, phường kiểm soát chặt chẽ tình trạng xe chở quá tải lưu thông trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các chủ bến bãi vật liệu, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ven đê phải ký cam kết không sử dụng xe quá tải, không làm rơi vãi vật liệu gây ô nhiễm môi trường, đồng thời chấp hành nghiêm các quy định về an toàn đê điều.

Tổ chức rà soát và lên phương án sơ tán dân tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu. Chính quyền cấp xã phải thông báo trực tiếp tới từng hộ dân, đặc biệt là các hộ sống ven sông, chân núi, khu vực trũng thấp để chủ động phòng tránh. Việc di dời phải được tổ chức theo phương án đã phê duyệt, bảo đảm an toàn, có phương tiện, bảo đảm điều kiện hậu cần, nhu yếu phẩm thiết yếu và tránh để người dân rơi vào thế bị động khi thiên tai ập đến.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh chủ động triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các thiết bị chuyên dụng, phương tiện cơ giới cần được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm có thể tiếp cận và xử lý các điểm xảy ra sự cố nhanh chóng, hiệu quả.

Các sở, ngành, UBND các xã, phường duy trì chế độ trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai và báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ninh Bình: Khẩn trương thành lập Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã, chủ động ứng phó bão số 3 - WIPHA
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO