Ninh Bình: Tháo gỡ khó khăn, phát triển Khu kinh tế và các khu công nghiệp
(CLO) Sau khi sáp nhập 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam, tỉnh Ninh Bình mới nổi lên như một trung tâm công nghiệp mới khu vực Bắc Việt Nam.
Theo Quy hoạch phát triển Khu kinh tế và các khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam cũ, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh có 53 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.929 ha và 1 Khu kinh tế ven biển Ninh Cơ với diện tích 13.950ha. Trong đó, 42 khu công nghiệp với tổng diện tích 9.894 ha đã được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất. Một số khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%, điển hình như khu công nghiệp Hòa Xá, Khánh Phú, Tam Điệp I…

Riêng Khu kinh tế Ninh Cơ (13.950 ha) đang được đẩy mạnh triển khai với các dự án trọng điểm như: Nhà máy thép xanh Xuân Thiện (88.000 tỷ đồng), khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (4.628 tỷ đồng)… Giai đoạn 2024-2030 tập trung hoàn thiện hạ tầng, đến sau năm 2030 phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các khu công nghiệp thu hút 104 dự án mới, tổng vốn đầu tư đạt 1,4 tỷ USD và 26.800 tỷ đồng; doanh thu đạt hơn 221.000 tỷ đồng, xuất khẩu 7,8 tỷ USD, nộp ngân sách 10.500 tỷ đồng. Lao động tại khu công nghiệp đạt 192.000 người, thu nhập bình quân 7,5-7,9 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh kết quả tích cực, báo cáo cũng chỉ rõ một số khó khăn như: quy định pháp luật thay đổi, thiếu nguồn nhân lực, doanh nghiệp còn vi phạm về xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy...
Ngày 21/7, làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn nhấn mạnh Khu kinh tế, Khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, sự phát triển của các khu kinh tế, các khu công nghiệp của tỉnh thời gian qua vẫn còn một số vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh sớm có quy chế phối hợp với các ngành trong tỉnh để tạo thuận lợi, nhanh nhất cho công tác thu hút đầu tư và đảm bảo hoạt động hiệu quả của các nhà đầu tư trên địa bàn.
Cùng với đó, cần bắt tay vào công tác quy hoạch lại tổng thể, đồng bộ, phù hợp đảm bảo tính khoa học, tránh lãng phí, phù hợp với các quy hoạch ngành khác, có định hướng phát triển lâu dài và phù hợp với quy hoạch tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn đối với những dự án chậm tiến độ, dự án không hiệu quả… nhằm tạo môi trường đầu tư công bằng, văn minh, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam. Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình (Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Ninh Bình, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu kinh tế và các khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu mang hình Quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Trưởng ban Ban Quản lý trình UBND tỉnh Ninh Bình quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật. |