Ninh Thuận dành hơn 10 tỷ đồng bảo tồn lễ hội Katê
(CLO) Đề án bảo tồn lễ hội Katê tập trung vào việc gìn giữ những giá trị văn hóa cốt lõi của lễ hội, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm.
Ông Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký Quyết định 254/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Katê của đồng bào Chăm giai đoạn 2025-2030, với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, Đề án tập trung vào việc gìn giữ những giá trị văn hóa cốt lõi của lễ hội Katê, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng sâu sắc của cộng đồng người Chăm.

Đồng thời, đề án này còn hướng đến nâng cấp quy mô tổ chức, cải thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và du khách tham gia.
Theo đó, nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng sẽ được phân kỳ đầu tư, trong đó 2,01 tỉ đồng được ưu tiên triển khai ngay trong năm 2025. Khoản ngân sách còn lại (8,3 tỷ đồng), sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026-2030, tập trung hỗ trợ các hoạt động then chốt của lễ hội.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, cơ sở hạ tầng phục vụ lễ hội tại một số khu vực vẫn còn hạn chế như đường giao thông, sân hành lễ và nhà vệ sinh công cộng.
Bởi vậy, bên cạnh kinh phí hỗ trợ các hoạt động lễ hội hơn 10 tỷ đồng, tỉnh Ninh Thuận dự kiến đầu tư từ 50 đến 70 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp đường giao thông, cơ sở hạ tầng và trùng tu các di tích đền tháp liên quan đến lễ hội như tháp Pô Klong Garai, Pô Rômê và đền Pô Inư Nưgar.
Lễ hội Katê, một biểu tượng văn hóa đặc sắc và niềm tự hào của đồng bào Chăm Ninh Thuận, diễn ra hàng năm vào thời điểm giao mùa giữa tháng 6 hoặc tháng 7 Chăm lịch (tương ứng khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch).
Đây là là hoạt động tín ngưỡng văn hóa tâm linh, thể hiện sự tôn kính lòng biết ơn của cộng đồng dân cư với các vị thần linh; cầu mong sự mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống người dân bình yên, ấm no.
Không gian lễ hội Katê trải rộng khắp các đền tháp uy nghiêm, những làng Chăm truyền thống và cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn là chủ thể của lễ hội.
Việc tỉnh Bình Thuận phê duyệt Đề án này được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn.