Những cánh đồng khô cháy vì nắng hạn tại huyện Ninh Hải. Ảnh TL
Người dân tỉnh Ninh Thuận đang phải trải qua những ngày khô hạn trầm trọng ngay trong mùa mưa. Yêu cầu được đặt ra hàng đầu ở địa phương này là không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực.
Cùng với ưu tiên hàng đầu là giải quyết nước sinh hoạt, ổn định sinh kế cho người dân vùng khô hạn cũng được xác định là công việc trọng tâm lúc này ở tỉnh Ninh Thuận.
Lượng nước ở 21 hồ chứa tại tỉnh Ninh Thuận hiện còn chưa quá 49 triệu m3, chỉ chiếm 1/4 dung tích thiết kế. Chỗ dựa lâu nay của tỉnh Ninh Thuận là nguồn nước từ hồ Đơn Dương cung cấp thông qua thủy điện Đa Nhim, nhưng hiện mực nước hồ đã sụt giảm chỉ còn 8% dung tích.
Thực tế đặt ra yêu cầu khá bức bách là việc điều tiết nước ở tỉnh Ninh Thuận phải thực sự tiết kiệm và hợp lý, qua đó mới có thể đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân vùng khô hạn.
Hồ Sông Trâu - nơi cuối cùng người chăn nuôi ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận tìm đến cũng chỉ còn lại lượng nước ít ỏi, ngay dưới lòng hồ là cỏ khô cháy.
Đó lại là nguồn thức ăn cuối cùng của đàn gia súc. Và đó cũng sinh kế cuối cùng của người dân trong vùng. Mặc dù trong vài ngày qua trời có mưa ở một số nơi trên địa bàn nhưng lượng mưa vẫn không giải quyết được tình trạng khô kiệt trong các hồ chứa.
Đậu phộng là cây trồng được nhiều nông dân tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận lựa chọn để gieo trồng vào giữa lúc khô hạn đỉnh điểm. Nguyên nhân là do loại cây này không cần nhiều nước tưới.
Người dân vẫn đang ngóng chờ nước để sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tuấn Kiệt.
Việc chuyển đổi cây trồng đã được tỉnh Ninh Thuận đưa ra từ nhiều năm trước. Dự kiến, đến năm 2020 tỉnh Ninh Thuận sẽ có 2.000ha đất được chuyển đổi từ cây lúa sang các cây trồng thích ứng với khô hạn.
Thực tế, trong những năm qua, nhân dân Ninh Thuận đã triển khai được một số mô hình chuyển đổi cây trồng rất hiệu quả. Đặc biệt là đã chuyển từ cây lúa nước sang cây trồng cạn như: bắp lai, đậu xanh, cỏ chăn nuôi gia súc... Giải pháp này bước đầu đã hạn chế được thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi do hạn hán gây ra.
Mặc khác, Ninh Thuận là địa phương có đàn gia súc khá lớn và đây chính là nguồn thu nhập chính của người dân, vì thế, đối với khu vực có đàn gia súc lớn, Ninh Thuận sẽ tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện và giải pháp để giúp dân di chuyển đàn gia súc đến nơi có nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi các kênh mương nội đồng để đưa nước đến các cánh đồng khô hạn.
Tỉnh còn hỗ trợ cho nông dân kỹ thuật canh tác cũng như xây dựng liên kết tiêu thụ nông sản. Đây là cách làm để khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi, nếu không những rủi ro do nắng hạn gây ra sẽ lặp đi lặp lại.
Minh Châu