Nỗ lực bồi dưỡng đào tạo bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại

Thứ năm, 26/12/2019 09:37 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đó là điều có thể nhìn thấy rất rõ từ Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí – HNBVN trong những năm vừa qua.

Trước những thay đổi của báo chí hiện đại, cách tiếp cận thông tin của công chúng, những người làm công tác đào tạo đã trăn trở rất nhiều với câu chuyện: Làm sao để xây dựng được những nội dung, phương thức đào tạo phù hợp, thiết thực nhất để mỗi hội viên, nhà báo trẻ được bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và ứng dụng một cách hiệu quả trong thực tế. Và rõ ràng, trong môi trường số hóa, sự đổi mới là tất yếu.

Tạo sự khác biệt trong đổi mới nội dung và phương thức

Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thuận lợi, người làm báo cũng đối mặt với không ít thách thức đòi hỏi phải làm chủ được công nghệ, không ngừng sáng tạo để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Rõ ràng là, hơn lúc nào hết, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm báo cần sát cánh với các nhà báo và các cơ quan báo chí để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, phát huy được các thế mạnh của báo chính thống, khẳng định vị thế của báo chí trong cuộc chiến thông tin trên nền tảng công nghiệp 4.0. Cuối tháng 11 vừa qua, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí - HNBVN đã tổ chức được một cuộc Hội thảo đầy ý nghĩa với chủ đề: “Những yêu cầu đặt ra đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong môi trường số và quy hoạch báo chí”. Sự bắt nhịp với tình hình thực tế đã cho thấy nỗ lực của những người làm công tác đào tạo hiện nay là rất lớn. Bởi song song với những thay đổi chóng mặt của báo chí, áp lực cạnh tranh thông tin với các phương tiện truyền thông xã hội, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ vừa phải không ngừng cập nhật, đổi mới vừa phải cố gắng sáng tạo, khác biệt để thu hút được đông đảo học viên.

Một lớp đào tạo về Công tác biên tập và quản lý tòa soạn hiện đại do PGS.TS Nguyễn Thành Lợi giảng dạy tại trung tâm.

Một lớp đào tạo về Công tác biên tập và quản lý tòa soạn hiện đại do PGS.TS Nguyễn Thành Lợi giảng dạy tại trung tâm.

Tại cuộc hội thảo này, nhà báo Hồ Quang Lợi –Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, về nội dung đào tạo bồi dưỡng, phải tăng cường cập nhật cho các nhà báo những kỹ năng thời công nghệ 4.0, xây dựng tòa soạn hội tụ, làm báo đa phương tiện, kỹ năng sử dụng công cụ làm báo mới, ứng dụng mạng xã hội. Không chỉ chạy theo lượng view mà còn phải phù hợp với trách nhiệm của các cơ quan báo chí. Công nghệ rất quan trọng nhưng kiến thức làm báo cơ bản là rất cần thiết. Tinh thần chỉ đạo này cũng chính là định hướng hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí thời gian qua.

Điều may mắn đối với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam  là đã mời được đội ngũ các nhà báo, chuyên gia báo chí có chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phần lớn đều là những người luôn bắt nhịp với xu hướng báo chí hiện đại. Họ đã mang đến những buổi giảng dạy, tập huấn tại Trung tâm “hơi thở của đổi mới”. Thêm vào đó, gần đây, nhiều tổ chức nước ngoài đã đến “gõ cửa” Trung tâm với mong muốn được hợp tác để mở các lớp học giúp cho các học viên có thể tiếp cận và mở rộng kiến thức từ cách làm báo tiên tiến trên thế giới. Giám đốc Trung tâm Đinh Thị Thuý Hằng cho biết, trong 4 - 5 năm trở lại đây, mỗi năm Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hơn 100 khóa học với các chủ đề khác nhau, cho các loại hình báo chí khác nhau và ở các địa điểm trên cả nước. Như vậy, mỗi năm Trung tâm cần có hơn 100 lượt giảng viên là các nhà báo có kinh nghiệm đang làm việc tại các cơ quan báo chí, và các cơ sở đào tạo báo chí tham gia giảng dạy. Sự tồn tại của Trung tâm chính là nhờ đội ngũ các nhà báo - giảng viên kiêm nhiệm tâm huyết, sẵn sàng chia sẻ với mong muốn được đóng góp vì một nền báo chí chuyên nghiệp và chất lượng để phục vụ công chúng.

Sự đổi mới từ những người giảng dạy để mang đến những đổi mới trong phương thức và nội dung đào tạo chính là điều cốt lõi của sự “bắt nhịp” này.  Bởi những giảng viên đó đều là những người đang hoạt động tại các cơ quan báo chí, là những người quản lý báo chí có nghề, có uy tín. Chính vì vậy, chia sẻ của họ về câu chuyện đào tạo bồi dưỡng sẽ là những “túi kinh nghiệm” quý báu để Trung tâm ứng dụng hiệu quả nhất.

Một lớp đào tạo tại Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí.

Một lớp đào tạo tại Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí.

Theo đó, các giảng viên đều cho rằng, căn cứ trên tình hình thực tế và những nhu cầu của cơ quan báo chí, và các nhà báo, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần rà soát lại chương trình đào tạo để xây dựng được những nội dung đào tạo, bồi dưỡng thực sự thiết thực và kịp thời, ở các mặt: Quản lý báo chí, Nghiệp vụ báo chí và Đạo đức người làm báo. Đặc biệt, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo khẳng định: “Môi trường truyền thông mới đòi hỏi phải có cơ chế mới trong việc bồi dưỡng và đào tạo nhà báo. Các phương tiện truyền thông mới có nhiều tính năng, vừa có chữ viết, âm thanh, vừa có hình ảnh, là sự tổng hợp của tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống. Đối với nhà báo đa phương tiện, phải biết ứng dụng các kỹ thuật truyền thông mới, biết quay phim, viết lách, xử lý âm thanh, hình ảnh, đồng thời phải nắm bắt các kỹ thuật thông tin hiện đại như Skype, MSN, blog, Podcasting. Điều này cho thấy, mô hình đào tạo nhà báo truyền thống đã trở nên lạc hậu, khó đáp ứng được nhu cầu trong môi trường truyền thông mới. Chính vì vậy, yêu cầu công tác đào tạo nhà báo cần phải cải tiến một cách mạnh mẽ, vừa khoa học, nhưng phải mang tính hệ thống,... để thích ứng với nhu cầu của các phương tiện truyền thông đang trong quá trình đổi mới, từ đó đào tạo ra đội ngũ nhà báo đa phương tiện chuyên nghiệp, phù hợp với nhu cầu phát triển của các phương tiện truyền thông hiện nay”.

Chung tay  giải “bài toán” công chúng

Bước vào thời đại 4.0, việc làm báo đang gặp rất nhiều thách thức. Mà trong đó thách thức cơ bản nhất đó là việc công chúng đang bị phân tán, thu hút vào các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Bài toán đặt ra trong công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo là làm thế nào để có được những tác phẩm thu hút được công chúng, “đánh bật” sự phân tán của họ? 

Với con mắt của người có nhiều năm nghiên cứu về truyền thông, quảng cáo, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng cho rằng: “Có hai vấn đề lớn đặt ra trong nền báo chí thời đại 4.0. Thứ nhất là nội dung, là điểm quan trọng nhất bởi chỉ có nội dung hay, liên quan đến cuộc sống thiết thực hằng ngày thì công chúng mới tiêu thụ sản phẩm báo chí. Do đó, Trung tâm đã tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho các nhà báo có kỹ năng tìm kiếm, khai thác, triển khai đề tài, cách kể một câu chuyện thu hút độc giả, cho họ biết nguyên nhân của những việc làm không tốt, những người chịu trách nhiệm và các giải pháp để làm tốt hơn… Điểm thứ hai là các cơ quan báo chí và người làm báo cần phải nhận thức sâu sắc về những thay đổi của công nghệ thông tin và thói quen tiêu thụ sản phẩm báo chí của công chúng để tìm ra các phương thức nhằm tiếp cận với độc giả của mình trên tất cả các kênh, các hình thức truyền thông. Chính vì thế, Trung tâm đã thực hiện khảo sát ở nhiều cơ quan báo chí, nắm bắt những đổi mới trong công nghệ, cách thức làm báo mới và nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng để từ đó xây dựng được những chương trình đào tạo phù hợp và bắt nhịp xu hướng thời đại”.

Cũng từ nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng mà giảng viên, nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh đưa ra những góc nhìn khá thú vị xung quanh câu chuyện này. Ông đặt vấn đề rằng, phần lớn báo điện tử hiện nay đều chạy đề tài nóng để có tin nóng. Khi có tin nóng thì view tăng vọt. Khi hết tin nóng thì view rớt thảm. Có cách nào giữ được view khi đã có tin nóng? Một trong những cách đó là phát triển “tin xanh” để giữ view bền vững.“Tin xanh” là gì? Đó là các loại tin kiến thức mới lạ, kỹ năng khác thường, phát minh khoa học, công nghệ… gắn liền đến cuộc sống hàng ngày, đáp ứng được nhu cầu hiểu biết, cách thức ứng xử, bảo vệ sức khỏe, kết nối cộng đồng và thỏa mãn được nhu cầu muốn biết nhiều hơn những điều độc giả đang quan tâm, khác với những hiểu biết thông thường của họ. “Tin nóng” giúp tăng view và “tin xanh” giúp giữ view, thậm chí còn giúp tăng chất lượng nội dung cho báo điện tử. Ông Trung nhấn mạnh: “Một trong những yêu cầu đào tạo cho đội ngũ làm tòa soạn và phóng viên báo điện tử là làm thế nào để nâng cao chất lượng view, tức nâng cao chất lượng nội dung để phát triển độc giả, bảo đảm ưu thế thông tin trong kỷ nguyên số hiện nay”.

Có thể nói, những nỗ lực đổi mới của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí, cùng sự đổi mới từ những giảng viên, nhà báo tham gia đào tạo chắc chắn sẽ tạo nên sự sáng tạo, khác biệt để đào tạo các hội viên, nhà báo hiệu quả nhất, giúp người làm báo thực sự chủ động tác nghiệp trong môi trường số hóa.

Hà Vân

Tin khác

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

(CLO) Ngày 27/3, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng, phương pháp, tư duy dựng sản phẩm Longform bằng Canva và Sway cho các học viên là biên tập, phóng viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Công tác hội
Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

(CLO) Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ; 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La, ngày 23/3, Báo Sơn La tổ chức giải thể thao Phan Xi Păng Báo Đảng các tỉnh khu vực Trung du - Miền núi phía Tây Bắc lần thứ XVI, năm 2024.

Công tác hội
Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, Diễn đàn Báo chí Toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận, mổ xẻ và đưa ra giải pháp về các vấn đề bức thiết nhất của báo chí Việt Nam.

Công tác hội
Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

(NB&CL) Hội Báo Toàn quốc 2024 - một trong những sự kiện quy mô của giới báo chí trong năm 2024 - đã thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người làm báo và công chúng báo chí cả nước, là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Công tác hội
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

(CLO) Theo nhà báo Dương Danh Hữu: “Chính quyền địa phương cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí và phóng viên thường trú. Thông tin cần được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, thường xuyên, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm”.

Công tác hội