(Nén tâm nhang tưởng nhớ 60 liệt sỹ Đại đội TNXP 915 hy sinh chiều tối Noen 24/12/1972 tại Lưu Xá)
Tại thành phố San-Franxitco, trong một quán cà phê tôi gặp được một người đàn bà Mỹ chính gốc (gặp thì nhiều nhưng chính gốc thì không nhiều).
Bà ấy nói tên là Rô- Nan. Ở Mỹ hay còn gọi là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (xin nhấn mạnh là hợp chúng quốc chứ không phải Hợp chủng quốc), ai sinh ra trên đất ấy từ 3 đời có thể gọi là chính gốc được…Ông Trần Văn Đức làm thông dịch viên cho đoàn chúng tôi nói với bà Rô- Nan là tôi có ý định phỏng vấn ghi hình. Thoạt đầu bà lưỡng lự, sau chúng tôi phải nói rằng chúng tôi muốn biết tâm tư tình cảm của bà ấy (lúc này gần kề Noel), bà ấy đồng ý ngay.
- Ở Mỹ, những người công dân bình thường như bà thì một năm có mấy ngày quan trọng? tôi hỏi bà Rô- Nan.
- 2 ngày: Bà Rô-Nan nói. Ngày 1 tháng 1 đầu năm và ngày Thiên chúa giáng sinh 24-12- ngày Noen. Ngày Noen thiêng liêng hơn. Ngày ấy người dân Mỹ được nghỉ việc đi lễ Chúa.
- Vì sao vậy? tôi hỏi
- Ngày sinh của Đức chúa Giê su- Chúa linh thiêng của muôn người. Ngày ấy chúng tôi nghỉ ngơi, cầu nguyện cho Chúa, sám hối trước Chúa và cầu nguyện cho mình mọi chúng sinh thái bình thịnh vượng. Tâm trạng con người nhẹ nhàng, thân thiện. Một ngày không ai có thể làm gì ngoài điều thiện. Người Mỹ kính chúa và yêu nước Mỹ của mình bằng việc làm từ thiện. Ngày ấy ai làm việc sai trái thì có lỗi với Chúa, phải bị Chúa trị tội.
- Vậy à? Thế bà có biết ngày ấy (ngày Giáng sinh) năm 1972, cách đây hơn 4 thập niên , chính người Mỹ đã cho máy bay B52 ném bom hòng xóa sổ Việt Nam, xóa sổ một dân tộc? Đã có hàng nghìn người hy sinh vì bom đạn .Họ không từ cả đêm NoEn
- Có! Hồi còn trẻ tôi cũng đã biết việc ấy, đã xuống đường tại thành phố San-Franxitco này để biểu tình chống nhà cầm quyền làm điều tán ác. Thật đáng tiếc! thật đáng tiếc!
Tự dưng tôi thấy nóng bừng ở mặt. Bà Rô -Nan thì nói đáng tiếc, còn tôi, tôi thấy như có lửa cháy, bom rơi, như có tiếng gầm xé của máy bay và những tiếng kêu thất thanh, ai oán. Bầu trời San-Franxitco trong xanh. Noen xứ này thường có màu xanh da trời còn quê tôi, năm ấy một Noen màu lửa.
“Chuông rung lên, lộng gió bình minh
Chuông dội khắp, gọi hồn quá khứ
Dưới bầu trời Việt Bắc uy linh
Đây mảnh đất Thái Nguyên lịch sử
Giữa Gang Thép ngàn lần thử lửa
Với quân thù trăm trận thi gan
Đây Đại đội 915 Bắc Thái
Họp con em hai tỉnh xung phong
Chỉ song núi: Một thề cứu quốc
Sao bảo toàn võ khí quân lương
Kịp tiếp ứng nhu cầu chiến lược?
Dù kẻ địch ngày đêm bạo ngược!
Vì tiền phương chẳng kể gian nan
Ngày 24 ngàn thu nhớ mãi
Gia Sàng nhộn nhịp, kẻ vác người khiêng
Lưu Xá tơi bời, bom rơi đạn nổ
Cả một đoàn cùng nguyện hy sinh
Sáu chục bạn hiên ngang thọ tử
Máu trung liệt phơi đầy đất đỏ
Khí anh hung cao vút mây xanh”
Lễ tuyên dương Anh hung LLVT cho Đại đội 915 TNXP Bắc Thái
Bản hùng văn này được Giáo sư Vũ Khiêu viết vào Mùa xuân Kỷ Sửu 2009, về một sự kiện lịch sử bi tráng xảy ra tại TP Thái Nguyên đúng vào đêm Noen năm 1972. Khi cả thế giới rạo rực chào đón lễ Thiên Chúa giáng sinh, 60 TNXP thuộc Đại đội TNXP 915 Bắc Thái đã hiên ngang thọ tử tại hậu phương lớn miền Bắc XHCN khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự, phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ.
Cũng trong năm 2009, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã chính thức trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho Đại đội 915 đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lần đầu tiên sự kiện 60 TNXP hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn hy sinh khi làm nhiệm vụ tại hậu phương được giới thiệu với đồng bào cả nước đúng với tầm vóc lịch sử của nó.
Trở lại những ngày cuối năm 1972. Đó là một mùa giáng sinh rực sắc đỏ bom đạn trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử Hoa Kỳ. Sự kiện này nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về trận Điện Biên phủ trên không trên bầu trời miền Bắc XHCN. Còn đối với đế quốc Mỹ, chiến dịch oanh tạc của không quân Hoa Kỳ với tên gọi Linebacker II kéo dài từ 18-12 tới 29-12-1972 là một thất bại đau đớn. Trên 20 nghìn tấn bom đạn không thể khuất phục được lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, có người Mỹ gọi vui sự kiện này là “Christmas bombing”, có nghĩa là bom giáng sinh. Nó sẽ dần chìm lấp trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng với người dân Việt Nam, đêm Noen 1972 mãi mãi là một khúc tráng ca trong lịch sử dân tộc, các thế hệ người dân Việt Nam vẫn tiếp tục nghiên cứu và tự hào về nó. Trong đó, có thể coi sự kiện 60 TNXP Bắc Thái tuổi mười tám, đôi mươi hy sinh ngay tại hậu phương như một lát cắt lịch sử giàu sức truyền cảm cho thế hệ trẻ.
Tháng 12-2009, khi Đội 915 TNXP Bắc Thái được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân, nhiều người dân Việt Nam lần đầu tiên biết đến sự hy sinh lớn lao này và coi đó như một sự phát lộ của lịch sử. Tuy nhiên, trong thực tế, hơn 4 thập kỷ nay, sự kiện này đã trở thành một phần của lịch sử của Thành phố Thái Nguyên vốn được mệnh danh là thành phố Thép. Lịch sử của một dân tộc liên tục phải trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Lịch sử của một đất nước ra đường là gặp anh hùng, là vậy.
Khúc tráng ca về Đại đội 915 TNXP Anh hùng được bắt đầu từ tháng 6-1972, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Nằm ở vị trí chiến lược, cửa ngõ nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh biên giới phía Bắc, Thái Nguyên đã trở thành một trọng điểm bắn phá của các pháo đài bay B52 trong chiến dịch dội bom mang tính hủy diệt vì 2 lý do. Thứ nhất, Thái Nguyên có trung tâm công nghiệp đầu tiên của miền Bắc XHCN. Thứ hai, những tháng cuối năm 1972, khi Cảng Hải Phòng không quân và hải quân Mỹ phong tỏa và các kho trung chuyển hàng hóa trên tuyến giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá hết sức ác liệt. Tuyến Lạng Sơn – Thái Nguyên – Hà Nội đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho mặt trận miền Nam đánh Mỹ. Ga Lưu Xá (TP Thái Nguyên) và ga Tu Đồn (Lạng Sơn) đã trở thành hai cảng nổi của miền Bắc, hàng ngày tiếp nhận hàng ngàn tấn lương thực gửi vào tiền tuyến.
Từ ngày 18 đến 30-12-1972, đế quốc Mỹ mở một cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 bắn phá thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác tại miền Bắc. Thời điểm này, phần lớn người dân thành phố Thải Nguyên phải đi sơ tán. Bám trụ lại với thành phố có 3 lực lượng chính. Bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương làm nhiệm vụ chiến đấu; lực lượng TNXP làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa, sửa chữa cầu đường.
Chiến dịch dội bom của Tổng thống Mỹ NIXON nhằm 4 mục tiêu lớn: Một là, ngăn chặn tối đa việc vận chuyển người, vũ khí, khí tài, trang bị, lương thực và các hàng hóa vật chất từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam. Thứ hai, phong tỏa cô lập miền Bắc, ngăn cản và cắt đứt viện trợ từ các nước XHCN (chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc) vào miền Bắc Việt Nam. Phá hủy tiềm lực kinh tế quốc phòng ở miền Bắc. Thứ ba, gây tác động tâm lý đến người dân Việt Nam; qua đó tác động đến tâm lý của các nhà lãnh đạo Việt Nam, tạo điều kiện cho phái đoàn của Hoa Kỳ gây sức ép với đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Paris nhằm tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh có lợi cho Mỹ. Và thứ tư là khẳng định lòng tin rằng Hoa Kỳ không “bỏ rơi” chính quyền Sài Gòn.
Để đạt được 4 mục tiêu này, Hoa Kỳ đã huy động một lực lượng không quân hùng hậu, bao gồm 4 liên đoàn không quân chiến lược B-52, 1 liên đội, máy bay F111, 5 liên đoàn không quân chiến thuật F-4 và A-7, 2 liên đội trinh sát và tác chiến điện tử SR-71, EB-66, EC-121, F-105, 2 liên đoàn tiếp dầu KC-135, 6 tàu sân bay, 135 tàu tuần dương, khu trục và tàu nổi khác. Tổng cộng có 741 phi xuất B-52 để oanh tạc Hà Nội và 729 phi vụ đã thực hiện xong. Có 15,237 tấn bom đạn đã được ném xuống miền Bắc Việt Nam, bên cạnh đó các máy bay chiến thuật cũng đã ném xuống 5,000 tấn bom đạn. Con số thống kê sau chiến dịch cho thấy, nếu tính số lượng bom trong một ngày thì có thể bằng các cuộc ném bom xuống nước Đức cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Đồng thời, nếu xét khu vực hạn chế đường kính 100km quanh Hà Nội thì chưa bao giờ có nhiều bom được ném xuống một khu vực trong thời gian hạn chế như vậy. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ đã huy động sức mạnh quân sự, tận dụng từng giờ, từng phút để trải thảm B52 xuống miền Bắc hòng đè bẹp ý chí người dân Việt Nam.
Nhìn từ hành động của những người tuổi trẻ Đại đội 915 TNXP Bắc Thái, có thể thấy rằng, chiến lược quân sự của người Mỹ đã thất bại ngay từ lúc bắt đầu dội bom xuống miền Bắc. Chưa lúc nào và chưa bao giờ người dân Việt Nam khuất phục bom đạn của đế quốc. Dù dưới mưa bom bão đạn, hậu phương lớn miền Bắc XHCN vẫn đảm bảo nhiệm vụ tiếp viện cho chiến trường lớn miền Nam đánh Mỹ. Đội 91 TNXP Bắc Thái gồm các đại đội 911, 912, 913,914 và 915 biên chế 3.000 đội viên được thành lập tháng 1-1966 với nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong đó, Đại đội 915 là đơn vị trẻ nhất, được thành lập tháng 6-1972, biên chế 102 cán bộ đội viên, do Đại đội trưởng Triệu Đức Việt chỉ huy. Chỉ trong vòng gần 6 tháng sau khi thành lập, đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở các trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá như tuyến đường 1B Lạng Sơn- Thái Nguyên, đường 16A trên tuyến Lạng Sơn- Bắc Giang; cầu Đa Phúc, cầu Gia Bảy, cầu Trà Vường, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh…Các đội viên Đại đội TNXP 915 đã thực có những ngày vui sống và sống có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình.
Môi trường TNXP vừa là môi trường học tập, rèn luyện vừa là môi trường lý tưởng của những người trẻ tuổi không đủ điều kiện nhập ngũ vào chiến trường trực tiếp đánh Mỹ. Rất nhiều người được học chữ, học làm người trong môi trường TNXP. Làm việc dưới mưa bom bão đạn, nhưng các đội viên không mảy may nghĩ đến cái chết, không sợ hy sinh dù cái chết luôn cận kề. Cuộc thử lửa đầu tiên của Đại đội 915 xảy ra vào mùa hè năm 1972, trận ném bom B52 của giặc Mỹ làm chị Hoàng Thị Cát ngã xuống khi tròn 20 tuổi và 8 đoàn viên khác bị thương nặng: Cà Thị Phương, Lê Thị Đoàn, Lê Thị Thảo, Nguyễn Thị La, Nguyễn Thị Ly, Lương Thị Hồi, Trần Văn Vọng, Lương Thị Phương. Bất chấp hiểm nguy, máy bay Mỹ vừa đi, các đội viên TNXP lại tiếp tục bám đường, bám cầu sửa chữa, san lấp để những chuyến xe hàng sớm về điểm tập kết. Ba ngày giữa tháng 9-1972, máy bay Mỹ liên tục rải thảm 444 quả bom làm 47 người hy sinh và 51 người bị thương. Ngày 25-9-1972, giặc Mỹ ném xuống 50 quả bom phá và bom phát quang xuống khu vực kho xăng dầu Hóa Trung, làm 3 cụm bể chứa 68 tấn xăng dầu bốc cháy dữ dội. Trong hiểm nguy, lực lượng TNXP thuộc Đại đội 915 và nhân dân dũng cảm kiên trì dập tắt đám cháy, cứu được số xăng dầu còn lại 350 tấn để chuyển đến địa điểm an toàn. Trong tháng 10, tháng 11-1972, giặc Mỹ tiếp tục ném hàng trăm quả bom đánh phá dọc tuyến Quốc lộ 1B và các kho xăng dầu, bến bãi, nhà máy của ta, nhưng các đội viên TNXP vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu.
Khởi công xây dựng đền thờ 60 liệt sỹ TNXP . Ảnh: Quốc Cường
Thời điểm cuối tháng 12-1972, tại ga Lưu Xá (TP Thái Nguyên) còn tồn đọng tới gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa các loại. Nhiệm vụ cấp bách của quân và dân Thái Nguyên là nhanh chóng giải tỏa hàng quân sự, chi viện cho chiến trường. Chiều 23-12-1972, Ủy ban hành chính tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Đội 91 TNXP cử cán bộ, đội viên tham gia giả tỏa lương thực tại ga Lưu Xá. Biết rõ đây là địa bàn trọng điểm đánh phá của máy bay địch, rất có thể sẽ bị hy sinh, nhưng 66 đội viên Đại đội 915 vẫn hăng hái xung phong nhận nhiệm vụ, vượt quân số được giao.
Thật đáng khâm phục khi nhiều TNXP từng bị thương trong trận máy bay Mỹ ném bom ngày 13-9 như các chị Lương Thị Phương, Lê Thị Thảo, Nguyễn Thị La, Nguyễn Thị Ly…khi vết thương vừa lành đã hối hả xung phong làm nhiệm vụ. Đại đội 915 với quá ¾ đội viên nữ đã thực sự có một ngày lao động cật lực, vật lộn với những bao gạo, bao ngô nặng 50-100kg. 19 giờ, thời điểm theo kế hoạch phải rút quân về địa điểm tập kết tại Trường ĐH Cơ điện đã không thực hiện được. Mệnh lệnh chiến trường đã không cho phép họ dừng lại vì hàng hóa phải bốc dỡ còn quá nhiều.
Đội phó Nguyễn Thế Cường quyết định chỉ huy đơn vị di chuyển đến hầm trú ẩn của khu nhà trẻ Lưu Xá gàn đó chuẩn bị ăn tối rồi tiếp tục làm việc. Nhưng khi cô cấp dưỡng Phùng Thị Tấm vừa đặt gánh cơm đầu tiên xuống cửa hầm thì cũng là loạt bom B52 rải thảm rơi trúng vị trí hầm trú ẩn. Đó cũng là thời điểm cách lễ noen 1972 chừng 4 giờ đồng hồ. 60 cán bộ đội viên TNXP dã anh dũng hy sinh ngay trước giờ thiên chúa Giáng sinh. Đội phó Nguyễn Thế Cường, người trực tiếp chỉ huy trận đánh, cũng chỉ còn nhận được dạng qua một chiếc chân đi giày da do Liên Xô sản xuất. Chỉ còn 7 đội viên trú tại một ngách giao thông hào may mắn sống sót. Họ chính là những nhân chứng quý giá của một khúc tráng ca anh hùng.Trong trận đánh 12 ngày đêm này, quân và dân Bắc Thái đã bắn rơi 2 pháo đài bay B52 và 1 máy bay f111,góp vào chiến thắng chung của cả nước..
Đối lập lại những hình ảnh hiên ngang, hào hùng đó, dù sở hữu lực lượng quân sự hùng hầu, chính người Mỹ mới là những người phải nao núng tinh thần. Trước tình trạng B52 bị bắn rơi liên tục, tại căn cứ An-đéc- xơn trên đảo Guam nơi xuất kích của B52, nhiều toán phi công đã cáo ốm và không dám bay. Họ nói: “Không thể đi tự sát bằng B52”. Thiếu tá hoa tiêu Giêm Con-đan 38 tuổi, bị bắn rơi ngày 27-12-1972 nói: “Chuyến nào cũng có máy bay không trở về. Không khí ủ dột bao trùm An-đéc-xơn. Không ai cười, không đùa, không nói to, không chạm cốc. Không khí căng thẳng, không ai nói gì về Nooen, năm mới…”
Dư luận tại nước Mỹ cho rằng, cuộc ném bom khủng bố vô nhân đạo làm hoen ố uy danh của nước Mỹ. Chính giới Mỹ thì coi đây là kiểu chiến tranh nổi khùng nhân danh hòa bình. Nhà báo Jerry Gordon, điều phối viên của Liên minh toàn nước Mỹ vì hòa bình tuyên bố: “Một lần nữa, người ta lại lừa dối nhân dân Mỹ. Thay vì chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là sự leo thang”. Đa số nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có cả các đảng viên Đảng Cộng hòa cũng lên tiếng đòi chấm dứt ném bom. Những người đã từng ủng hộ chính sách ném bom thì nay lại đặt câu hỏi về sự cần thiết và mức độ tàn bạo của các trận ném bom tháng 12-1972. Tạp chí “Không lực Hoa Kỳ” cũng đã phải cay đắng thừa nhận: “B52 dã được tung ra với số lượng lớn chưa từng có, để cuối cùng Tổng thống phải chấp nhận một kết cục bị thảm chưa từng thấy!”.
Cuộc chiến đã lùi xa 45 năm, Việt Nam và Hoa Kỳ đang dần khép lại quá khứ, hướng về tương lai với vai trò đối tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các trao đổi song phương trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu, chưa chịu hiểu hoặc vẫn tiếp tục đi tìm lời lý giải tại sao, và bằng cách nào dân tộc Việt Nam hiên ngang chiến thắng? tại sao Hoa Kỳ với sức mạnh của một cường quốc vẫn phải nhận thất bại tại chiến trường Việt Nam?
Nhưng chân lý thì không khó nhận ra nếu thực sự người ta đi tìm kiếm nó. Thử nhìn vào cách người dân Mỹ và người dân Việt Nam nhớ về ký ức chiến tranh. Đây là bức tường chiến thắng, nơi ghi tên những cựu chiến binh Mỹ hy sinh tại chiến trường Việt Nam. Trong đó có những phi công bị trúng tên lửa khi bay trên bầu trời miền Bắc. Và đây là nhà tưởng niệm TNXP Đại đội 915 được xây dựng tại chính địa điểm các anh, chị đã ngã xuống bằng tiền đóng góp của đoàn viên Thanh niên TP Thái Nguyên. 45 năm là một độ lùi cần thiết để có cái nhìn chính xác hơn về lịch sử và chân lý thì luôn giản dị hơn mọi sự sắp đặt. Ông Hoàng Văn Thắng, đội viên nam duy nhất còn sống sót sau trận bom kể lại: Sức ép của bom rất khủng khiếp. Phải chứng kiến sự hy sinh của đồng đội càng đau đớn hơn. Một kẽ nứt nhỏ trên nóc hầm trú ẩn đã cứu ông. Nhưng một đêm bị mắc kẹt trong hầm, chịu sự tra tấn của bom đạn, ông Thắng phải chịu rất nhiều thương tật. Xuất ngũ về quê hương tại xã Bằng Lãng, huyện chợ Đồn (Bắc Kạn), ông lại trở về làm người nông dân làm bạn với ruộng đồng. Niềm an ủi lớn nhất của ông là ký ức về đồng đội. 45 năm, điều duy nhất ông có thể làm là 3 lần về thắp hương đồng đội cũ tại nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim.
Đã có rất nhiều tấm lòng và sự nỗ lực để làm sống dậy một khúc tráng ca của lịch sử: Cuối năm 2009, Đảng, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đội 915 Bắc Thái. Nhà bia di tích TNXP Thái Nguyên đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, và sẽ được xây dựng thành công viên lịch sử, văn hóa để ghi ơn công lao của các Anh hùng liệt sí và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Đã có rất nhiều cảm xúc tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân Đại đội TNXP 915 được tổ chức đúng ngày Noen 2009 tại đúng địa điểm các anh, các chị TNXP đã ngã xuống. Sau 37 năm, trang sử đầy máu lửa này đã được đặt vào đúng vị trí và tầm vóc của nó. Đây là sự tôn vinh xứng đáng sẽ không chỉ dành riêng cho 60 TNXP đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mà đó còn là sự tôn vinh, một bài học lịch sử quý báu dành cho thế hệ trẻ hôm nay. Đó là hành động tri ân lịch sử, trân trọng sự hy sinh của cha anh đi trước vì sự phồn vinh của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
“Chuông vang điệp khúc khải hoàn
Chuông vọng hồn thiêng liệt sỹ
Ba hồi niệm rung tâm trí
Một ánh uy linh rực đất trời
Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người
Muôn dặm trải dài gương tuổi trẻ./.
Hữu Minh