Nỗi bức xúc từ “Xóm ốc đảo” giữa lòng Thủ đô!

Thứ năm, 03/06/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại Khu đất dịch vụ phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP. Hà Nội gần 10 năm nay không được cấp điện, không có nước sạch, không tổ dân phố, thiếu nhà văn hóa... Họ vẫn tự ví với nhau là “ốc đảo giữa lòng Thủ đô”.

Sống trong cảnh nhiều không

Báo Nhà báo & Công luận nhận được đơn phản ánh của rất nhiều hộ dân đang sinh sống tại Khu đất dịch vụ phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP. Hà Nội về việc suốt nhiều năm nay người dân không được hưởng các quyền lợi về an sinh xã hội cơ bản trên địa bàn, mặc dù người dân đã thực hiện đầy đủ các khoản thuế, phí theo quy định của Nhà nước để có cơ sở hạ tầng đảm bảo bảo cho việc sinh sống.

Người dân mòn mỏi chờ hoàn thiện hạ tầng Khu đất dịch vụ phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Người dân mòn mỏi chờ hoàn thiện hạ tầng Khu đất dịch vụ phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Theo người dân tại đây cho biết, để có điện sinh hoạt hằng ngày, mỗi hộ dân đang sinh sống tại Khu đất dịch vụ phường Đồng Mai phải mua điện với giá rất cao của những hộ dân được “đặc quyền” kéo đường điện để kinh doanh. Mỗi hộ phải thanh toán hằng tháng từ 4.300đ đến 4.500đ/KW. Ngoài ra để có được điện sinh hoạt, họ còn phải thanh toán thêm cho các chủ điện nơi đây khoản tiền chi ngoài từ: 3.000.000đ đến 6.000.000đ tùy vào thân quen. Mặc dù mua điện với giá cao hơn rất nhiều so với giá quy định, nhưng chất lượng điện cũng không được đảm bảo, vào những giờ cao điểm các thiết bị sử dụng điện hầu như không hoạt động được.

Để có nước sinh hoạt, 100% những hộ dân sinh sống ở đây phải sử dụng nước giếng khoan ngay cạnh những khu nghĩa trang nằm sát khu dân cư. Hơn nữa, việc thiếu nhà văn hóa, thiếu tổ dân phố cùng các hạ tầng thiết yếu cho khu dân cư mới khiến nơi đây trở thành điểm tập trung của những con nghiện, gây rối mất trật tự, trộm cắp diễn ra thường xuyên hơn…

Theo ông N.P.L, thuộc khu 2, Khu đất dịch vụ Đồng Mai cho biết: Mỗi hộ dân sinh sống tại khu đất dịch vụ này đều phải đóng tiền hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật là trên 82 triệu đồng nhưng đến nay chưa được hoàn thiện khiến đời sống của người dân hết sức khó khăn. “Đến nay toàn khu vực đã nộp vào ngân sách nhà nước khoảng trên 100 tỷ đồng nhưng không hiểu vì lý do gì mà suốt gần 10 năm qua, quận Hà Đông vẫn thiếu quan tâm đến chúng tôi để chỉ đạo các bên hoàn thiện hạ tầng cho người dân như điện, nước sạch, hệ thống lắp hố gas, cây xanh, quy hoạch nghĩa trang... các anh thấy chúng tôi sống ở đây có giống như “ốc đảo” hay không?”. ông N.P.L bức xúc nói.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại Khu đất dịch vụ Đồng Mai hiện tại là hệ thống cơ sở hạ tầng kiểu xôi đỗ, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, hư hỏng nằm ngổn ngang như: tủ điện, hệ thống ống nước sạch, hệ thống cây xanh hầu hết chỉ còn trơ gốc, hệ thống nắp hố gas giao thông không được đậy đầy đủ gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông...

Một dự án dân sinh hơn 10 năm chưa hoàn thành

Theo tìm hiểu được biết, vào tháng 7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra quyết định số 2704/QĐ-UBND về việc thu hồi 355.703 mét vuông đất thuộc địa bàn phường Đồng Mai để chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất phi nông nghiệp, giao cho UBND TP. Hà Đông (nay là quận Hà Đông) thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật để giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ việc xây dựng Cụm công nghiệp Đồng Mai.

Đến tháng 11/2010, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật bắt đầu được khởi công và thực hiện các thủ tục giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện bàn giao theo quy định. Sau khi thực hiện phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất, cấp đất dịch vụ cho người dân ra sinh sống, thì mỗi hộ dân có đất phải nộp vào ngân sách nhà nước với số tiền là trên 82.000.000đ, tương ứng 1.657.500đ/m2, được gọi là tiền tạm thu để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; nhưng không hiểu vì lý do gì hạ tầng tại dự án trên đến nay vẫn chưa được hoàn thiện đồng bộ để đi vào sử dụng.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có những liên hệ làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông, là đơn vị trực tiếp thực hiện hạ tầng kỹ thuật Khu đất dịch vụ Đồng Mai.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng phòng dự án 2, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông cho biết: Việc chậm trễ trong thực hiện dự án là do việc bàn giao mặt bằng chậm được triển khai khiến mọi việc trở nên ách tắc. “Quá trình bàn giao mặt bằng vẫn kéo dài chứ không phải bàn giao một lúc là hết dự án ngay, dẫn đến dự án của mình thi công kéo dài qua nhiều năm. Cơ bản đến khoảng năm 2013 về những vị trí mặt bằng đã được bàn giao cơ bản đã thi công xong. Tuy nhiên còn tồn tại các mặt bằng xôi đỗ, những công trình đường dây nổi vẫn còn ở trên. Trong quá trình đấy, bên ban cũng như đơn vị thi công vẫn túc tắc vừa chờ mặt bằng cũng như triển khai thi công”, ông Tuấn thông tin.

Trước câu hỏi về số tiền tạm thu để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đã đi về đâu khi dự án được lập và đi vào triển khai sau nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thành thì ông Tuấn cho biết, đơn vị chỉ liên quan đến hạ tầng còn kinh phí như thế nào là do UBND quận Hà Đông quyết định. “Chúng tôi chỉ liên quan đến hạ tầng, triển khai thi công dự án thôi, còn người dân nộp tiền như thế nào thì phải hỏi quận, quận chỉ đạo phòng tài chính. Phòng chúng tôi là phòng quản lý dự án, quận giao cho làm chủ đầu tư đối với dự án nào thì quận bố trí vốn...”.  Ông Nguyễn Thanh Tuấn nói.

Một dự án hơn 10 năm chưa hoàn thành, không đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hiện hữu và cũng chưa biết khi nào sẽ hoàn thành, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng cũng như tiến độ của dự án; đồng thời số tiền đã thu để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho khu dân cư đã đi về đâu khi ước lượng con số thu về lên đến nhiều tỷ đồng? Câu trả lời chỉ có các cơ quan chức năng quận Hà Đông và TP. Hà Nội biết; còn người dân nơi đây vẫn đang mòn mỏi đợi chờ một hạ tầng đầy đủ với các nhu cầu thiết yếu phục vụ cho cuộc sống.

Báo Nhà báo & Công luận chuyển những thông tin nêu trên đến cơ quan chức năng xem xét, nhanh chóng giải quyết sự việc để người dân không bị thiệt thòi. Đồng thời có những công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo dự án thực hiện phù hợp với công năng và tiến độ được giao.

Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin!

Đặng Tiến

Tin khác

Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

(NB&CL) Kết quả thanh tra tổng thể, toàn diện dự án Khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ cho thấy, công tác lập hồ sơ mời thầu, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định thiếu số tiền sử dụng đất,… dẫn đến bỏ sót cho ngân sách Nhà nước hơn 98 tỷ đồng.

Điều tra
Công ty CP Tập đoàn Thuận An từng dính sai phạm trong thi công dự án tại Bắc Giang

Công ty CP Tập đoàn Thuận An từng dính sai phạm trong thi công dự án tại Bắc Giang

(CLO) Trong quá trình thi công dự án Xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Điều tra
Công ty TNHH Quyết Thắng trúng nhiều gói thầu với giá 'siêu tiết kiệm' cho ngân sách

Công ty TNHH Quyết Thắng trúng nhiều gói thầu với giá 'siêu tiết kiệm' cho ngân sách

(CLO) Những năm qua, Công ty TNHH Quyết Thắng đã trúng nhiều gói thầu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng... nhưng tỷ lệ tiết kiệm ngân sách sát mức 0%.

Điều tra
Yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp trao quyết định nghỉ hưu cho người lao động!

Yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp trao quyết định nghỉ hưu cho người lao động!

(CLO) Mới đây, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã ra công văn yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp giải quyết ngay các vấn đề phản ánh của người lao động, đặc biệt phải tổ chức trao quyết định nghỉ hưu cho bà Vy Thị Hồng Cứu.

Điều tra
Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết khiếu nại của người dân

Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết khiếu nại của người dân

(NB&CL) Mặc dù người dân đã gửi đơn khiếu nại về việc bị Công ty CP Phú Đức Chính và Công ty Thuận Lập khai thác đá trên núi Thị Vải, tiểu khu Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, chồng lấn trên 24 héc ta đất rừng phòng hộ, nhưng BQL Rừng phòng hộ Bà Rịa - Vũng Tàu suốt một thời gian dài vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.

Điều tra