Nơi ghi dấu lịch sử báo chí Việt Nam

Thứ năm, 25/11/2021 09:46 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Kỷ niệm 76 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945), phóng viên đã tìm đến Bảo tàng Báo chí Việt Nam để hiểu hơn về những di sản báo chí quý giá được lưu giữ và trưng bày tại nơi đây, giúp chúng ta xác tín những thành quả lao động mà các thế hệ nhà báo đi trước đã có được.

Di sản báo chí: Một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc

Bước chân vào Bảo tàng Báo chí Việt Nam, không hiểu sao chúng tôi luôn nhớ đến lời tâm sự của nhà báo lão thành Phan Quang: “Những hiện vật nói lên phần nào quãng đời đã qua của các cụ, các bác, các bạn nhà báo hiện đang có mặt hoặc không còn có mặt nữa trên cõi trần này. Giống như mỗi tấm biển đề tên phố là một trang sử viết về một danh nhân hay một sự kiện trọng đại, mỗi hiện vật hiến tặng bảo tàng hàm chứa trong nó những kỷ niệm, những mảnh đời đã chung tay góp sức làm nên quá khứ hào hùng của báo chí ta, dân tộc ta, đất nước ta”…

noi ghi dau lich su bao chi viet nam hinh 1

Cánh sen khắc tên các tờ báo tại gian khánh tiết.

Việt Nam là một quốc gia có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc với nhiều di sản quý giá. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, xúc tích, ra đời đến nay đã 76 năm, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”.

Qua hơn một thế kỷ tồn tại, phát triển, báo chí Việt Nam đã để lại những di sản quý báu và trở thành một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc. Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngay khi mới thành lập đã tạo dựng được một thiết chế văn hóa quan trọng và được các chuyên gia đánh giá là “có nhiều trưng bày đổi mới, hiện đại” nhằm lưu giữ, phát huy giá trị của di sản báo chí; giới thiệu tổng quát về lịch sử báo chí Việt Nam, về sự phát triển phong phú đa dạng của các loại hình báo chí Việt Nam; phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Tuy mới chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trở thành một địa chỉ tham quan có nhiều hoạt động ngay cả trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam với không gian trưng bày được tái hiện công phu

Với nguồn ngân sách đầu tư hạn chế trên tòa nhà văn phòng có sẵn, song Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đảm bảo các nội dung trưng bày chính, trên đai, vách, tủ và còn sáng tạo vượt lên ý tưởng ban đầu, tổ chức thiết kế, thi công được nhiều hạng mục tiêu biểu, được đánh giá cao như hệ thống thiết bị phục vụ nội dung trưng bày số hóa, giúp tăng cường diện trưng bày, tra cứu sâu tại chỗ; hệ thống phim tư liệu về tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam từ khi hình thành đến nay phục vụ trong từng không gian trưng bày và bước đầu hoàn thiện hàng chục bộ phim chân dung nhà báo cách mạng tiêu biểu để chiếu phục vụ khách tham quan và nghiên cứu…

noi ghi dau lich su bao chi viet nam hinh 2

Gia đình họa sĩ George Burchett chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Bảo tàng.

Ngoài việc áp dụng những phương pháp trưng bày truyền thống, Bảo tàng đã tiếp cận và áp dụng các phương pháp trưng bày hiện đại (màn hình Smart TV, màn hình tra cứu, trục quay ru-lô, bục trưng bày kim cương…); kết hợp công nghệ và trải nghiệm đối với các loại hình báo chí khác nhau (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử); đồng thời khai thác và giới thiệu rộng rãi tới công chúng một cách sáng tạo và hiệu quả mảng báo chí 63 tỉnh thành… Ở giai đoạn tiếp theo, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ xây dựng hoàn chỉnh bảo tàng trực tuyến, bảo tàng ảo, bảo tàng 3D… để phục vụ tốt nhất nhu cầu tìm hiểu, tham quan của công chúng.

Đặc biệt, trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, 95% là bản gốc gắn liền với những sự kiện quan trọng, những câu chuyện độc đáo, đặc sắc của lịch sử báo chí Việt Nam đã được tuyển chọn, thẩm duyệt kịp thời phục vụ trưng bày và giới thiệu rộng rãi tới công chúng trong các không gian trưng bày của Bảo tàng.

Địa điểm thu hút khách trong và ngoài nước

Mặc dù mở cửa trong bối cảnh nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng một năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đón trên 10.000 lượt khách tham quan trong đó có hơn 100 lượt khách quốc tế. Nhà báo Dương Đức Đà Trang - Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi trẻ trong chuyến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã xúc động khi nhìn ngắm kỷ vật là chiếc ăng gô mà cha anh, nhà báo Dương Đức Quảng - phóng viên Thông tấn xã Giải phóng sử dụng trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ. Nhà báo Đà Trang chia sẻ cảm tưởng của mình: “Hạnh phúc: khi lần đầu tiên được thăm Bảo tàng Báo chí, từ nay làng báo có “Ngôi nhà chung”; Tự hào: Khi được “gặp lại” kỷ vật là chiếc ăng gô của Nhà báo Dương Đức Quảng được trưng bày tại Bảo tàng và hãnh diện được là một nhà báo tiếp nối truyền thống cha anh”.

Vào dịp khai trương, Bảo tàng đã ký kết “hợp tác chiến lược” với 02 cơ sở đào tạo báo chí lớn trong nước là Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Viện Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập và “coi Bảo tàng Báo chí là giảng đường thứ 2”. Đây là một hướng đi tạo sự chủ động cho các bên về lâu dài và có ý nghĩa sâu sắc, có hiệu quả trực tiếp cho hoạt động quảng bá, giáo dục truyền thông sâu rộng của bảo tàng. Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện là địa điểm học tập ngoại khóa bổ ích của các bạn sinh viên.

Chúng em rất tự hào khi được tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Được nhìn ngắm các hiện vật phản ảnh lịch sử hình thành, phát triển của báo chí Việt Nam giúp chúng em có thêm nhiều động lực học tập góp phần cống hiến cho nền báo chí nước nhà”,  bạn Nông Uyển Nhi - sinh viên lớp Báo mạng Chất lượng cao K38, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bộc bạch.

Gia đình họa sĩ George Burchett - con trai nhà báo nổi tiếng Wilfred Burchett, sau khi tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhận xét rằng Bảo tàng đã làm nổi bật được cuộc đấu tranh anh dũng vì độc lập, thống nhất và tự do của Việt Nam thông qua công việc của những người làm báo Việt Nam.

noi ghi dau lich su bao chi viet nam hinh 3

Sinh viên tham quan Bảo tàng Báo chí.

Đây cũng là bảo tàng độc đáo với các câu chuyện được kể một cách hiệu quả và cuốn hút. Tôi rất tự hào về đóng góp của cha tôi, nhà báo Australia Wilfred Burchett đối với cuộc chiến đấu quả cảm của nhân dân Việt Nam”, ông George chia sẻ trong sổ cảm tưởng của Bảo tàng.

Wilfred Burchett là nhà báo cánh tả nổi tiếng. Ông là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và vùng giải phóng miền Nam Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và có các bài viết, quyển sách, thước phim… gây chấn động thế giới về chiến tranh Việt Nam.

Chia sẻ về hoạt động đón khách của Bảo tàng sau hơn một năm mở cửa, bà Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Bảo tàng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tốt; được công chúng trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, nhiều chuyên gia bảo tàng - lịch sử - báo chí, các nhà nghiên cứu và nhà báo đánh giá tích cực về nội dung và hình thức trưng bày: được đánh giá cao về tính hợp lý, tính mỹ thuật, tính hiệu quả trong các không gian trưng bày…”

Minh Thân

Bình Luận

Tin khác

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

(CLO) Ngày 27/3, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng, phương pháp, tư duy dựng sản phẩm Longform bằng Canva và Sway cho các học viên là biên tập, phóng viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Công tác hội
Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

(CLO) Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ; 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La, ngày 23/3, Báo Sơn La tổ chức giải thể thao Phan Xi Păng Báo Đảng các tỉnh khu vực Trung du - Miền núi phía Tây Bắc lần thứ XVI, năm 2024.

Công tác hội
Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, Diễn đàn Báo chí Toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận, mổ xẻ và đưa ra giải pháp về các vấn đề bức thiết nhất của báo chí Việt Nam.

Công tác hội
Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

(NB&CL) Hội Báo Toàn quốc 2024 - một trong những sự kiện quy mô của giới báo chí trong năm 2024 - đã thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người làm báo và công chúng báo chí cả nước, là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Công tác hội
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

(CLO) Theo nhà báo Dương Danh Hữu: “Chính quyền địa phương cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí và phóng viên thường trú. Thông tin cần được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, thường xuyên, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm”.

Công tác hội