Nói “không” với việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông
(CLO) Ngày 9/11, tại Thanh Hóa, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức sự kiện “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” thông qua bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”.
Tham dự chương trình có đại diện các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các ban, ngành, lãnh đạo các thị xã, huyện, thành phố, cùng 500 học sinh, sinh viên, phụ huynh và thầy cô giáo thuộc các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Quang cảnh sự kiện “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” thông qua bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”.
Với mục đích đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Ban tổ chức sự kiện đã tái hiện bộ tài liệu “mô hình phiên tòa giả định”. Bộ tài liệu được xây dựng dựa vào các bản án đã có hiệu lực pháp luật được tòa án nhân dân các cấp tổ chức xét xử. Các nội dung truyền thông sẽ tái hiện lại bằng clip tình huống giao thông dẫn đến phiên tòa giả định xét xử vụ việc.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: Truyền thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” là một bước tiến, một cách làm mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thông tin tại sự kiện.
“Với hình thức trực quan, sinh động, người dân có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật, nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm; từ đó tạo sự tác động mạnh mẽ vào nhận thức, thúc đẩy ý thức tự giác chấp hành pháp luật cũng như nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân”, ông Lê Kim Thành nói.
Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị các đại biểu đến từ Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị sẽ nắm bắt và nghiên cứu áp dụng, triển khai mô hình này một cách hiệu quả và phù hợp tại địa phương, đơn vị mình, góp phần tạo nên một xã hội an toàn, văn minh.

Ông Lê Kim Thành cũng đề nghị Ban Tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện chương trình và nội dung “Mô hình phiên tòa giả định”, đảm bảo các tình huống giả định được chọn lọc phù hợp, sát thực với thực tế và tạo ra tác động giáo dục hiệu quả nhất đối với người dân.
Ngoài ra, cần có các tài liệu tham khảo và tình huống giả định phù hợp với từng vùng, từng đối tượng để các địa phương có thể dễ dàng áp dụng; tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách tại các tỉnh, thành phố giúp đội ngũ này nắm vững nội dung và cách thức tổ chức mô hình phiên tòa giả định, cũng như kỹ năng truyền thông và xử lý tình huống phát sinh.
Giải đáp thêm về việc giao xe cho con tới các bậc phụ huynh, thượng tá Trang Công Đông, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, vẫn còn tình trạng học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy điện vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Thượng tá Trang Công Đông, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa nói về tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy điện vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Có một số ít học sinh từ 16 - 18 tuổi vẫn điều khiển xe mô tô có dung tích từ 50cc trở lên. Đây là những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ 2008.
Cụ thể Điều 58, quy định về điều kiện của người lái xe giao thông. Theo đó, độ tuổi của người lái xe quy định đối với người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cc; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cc trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.
Ngoài ra, tại Điều 60, bộ luật cũng quy định, người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe.

Khoảng 500 học sinh, sinh viên, phụ huynh và thầy cô giáo thuộc các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tham gia sự kiện.
Cô Nguyễn Thanh Loan, giáo viên tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành (Thành phố Thanh Hóa) chia sẻ: “Nhà trường thường xuyên tuyên truyền về việc các con đi xe máy, nhà trường cũng bố trí lực lượng (ban nề nếp) đứng trước cổng trường nhắc nhở các con. Hầu hết các con đã tuân thủ nhưng cũng còn một số ít học sinh chưa nghiêm túc. Những trường hợp này nhà trường sẽ nhắn tin cho gia đình ngay trong ngày để phối hợp xử lý. Trong trường hợp học sinh không có học sinh vi phạm về luật giao thông”.
Cô Loan cũng nhìn nhận sự kiện là lời nhắc nhở sâu sắc đối với tất cả chúng ta: Hãy nói “không” với việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Hãy bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và những người xung quanh! Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn này sẽ góp phần quan trong việc giảm thiểu những nỗi đau, mất mát vô cùng đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra.

Các học sinh trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trả lời các câu hỏi về luật an toàn giao thông.
