Xông pha nơi tuyến đầu

“Nơi mọi người chạy ra, mình lại lao đầu vào”

Thứ hai, 21/06/2021 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sát cánh cùng các y, bác sĩ tuyến đầu, báo chí đi về giữa “lằn tên mũi đạn” hầu dựng lại rõ nét không khí “cuộc chiến” đẩy lùi Covid-19.

LTS: Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện ở nước ta, cùng với đội ngũ cán bộ ngành y tế phải đêm ngày gồng mình chống dịch thì những nhà báo trên cả nước cũng là những chiến sĩ xông pha nơi tuyến đầu. Họ sẵn sàng lao vào tâm dịch để cập nhật cho độc giả những thông tin nóng hổi về tình hình dịch bệnh. Báo Nhà báo & Công luận đã gặp gỡ, trò chuyện với một số nhà báo tác nghiệp trong dịch Covid-19 để thấy được sự cống hiến, hy sinh của các nhà báo trên “mặt trận không tiếng súng” này.

Xông pha nếm trải đủ thứ đắng, cay, ngọt, bùi để kể lại cho độc giả, song mỗi phóng viên vừa phải đúng nghĩa cảm tử hướng về hiện trường nóng bỏng nhất nơi tâm dịch nhưng cũng vừa phải dặn mình không được để bản thân trở thành gánh nặng cho ngành y tế.

Ngày 27/4/2021, Yên Bái xuất hiện ca nhiễm cộng đồng đầu tiên, kết thúc gần 1 tháng không lây nhiễm cộng đồng ở Việt Nam, đánh dấu làn sóng dịch Covid-19 lần 4 bùng phát. Gần nửa tháng sau, ngày 10/5, nước ta xác lập kỷ lục ghi nhận số ca nhiễm trong nước một ngày vượt ba chữ số, 125 ca.

Những con số trên cho thấy mức độ nghiêm trọng của đợt dịch lần này. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, toàn dân đang quyết tâm chống dịch. Báo chí một lần nữa phát huy vai trò của người truyền tin, lan tỏa nhuệ khí và kể lại những câu chuyện đi vào lịch sử.

“Không sợ khổ”

Phải trực tiếp ra hiện trường để đưa tin, người làm báo đương đầu với mọi biến cố chốn hiện trường trong quá trình tác nghiệp. Đặc biệt khi đứng trước một đại dịch đang làm thế giới điêu tàn, sự lo lắng ấy tưởng như nhà báo khó có thể vượt qua.

“Là phóng viên theo dõi mảng thời sự, xã hội, tôi thường xuyên phải đến các bệnh viện, khu cách ly, khu phong tỏa ghi nhận tình hình Covid-19, đồng nghĩa đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Tôi nhớ mãi lần được phân công ghi nhận công tác kiểm soát dịch của lực lượng biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu tại huyện Bù Đốp, Bình Phước. Có cơ hội được cùng các chiến sĩ ở đây tuần tra đêm trong rừng, mới thấm thía khó khăn, vất vả của các anh khi phải túc trực 24/7 tại các điểm chốt ở các cánh rừng bất kể nắng mưa”, anh Hồ Anh Tú, 27 tuổi - phóng viên phụ trách mảng Thời sự - Xã hội tại Báo Lao Động khu vực phía Nam chia sẻ.

Trước việc “ma trận” thông tin về dịch bệnh xuất hiện trên mạng xã hội khiến người dân lo lắng, hoảng loạn, báo chí càng cho thấy vai trò quan trọng của mình trong định hướng dư luận, mang đến thông tin chính thống giúp người dân bình tĩnh nhưng không chủ quan.

Những khoảnh khắc đẹp của đội ngũ y, bác sĩ được ghi nhận bởi phóng viên đã thổi bùng nhuệ khí chống dịch của toàn dân. Không đơn thuần chỉ là quyển sổ, cây bút, chị Nguyễn Minh Tâm (26 tuổi), phóng viên video Báo Pháp luật TP.HCM luôn phải vác ba lô nặng 6-7kg gồm máy ảnh, laptop, mic thu, chân máy cùng nhiều dụng cụ khác trong quá trình tác nghiệp.

Nữ phóng viên Nguyễn Minh Tâm tác nghiệp cùng đồng nghiệp tại hiện trường một địa điểm bị phong tỏa do Covid-19.

Nữ phóng viên Nguyễn Minh Tâm tác nghiệp cùng đồng nghiệp tại hiện trường một địa điểm bị phong tỏa do Covid-19.

Hành trình vượt gần 150km bằng xe máy lên biên giới Tây Nam để thực hiện tuyến bài “Vành đai thép nơi tuyến đầu chống dịch”, chị đã tận mắt chứng kiến các anh bộ đội căng mình trước thời tiết khắc nghiệt vùng Nam Bộ, những bữa ăn vội để tuần tra.

Các anh phải gác nỗi niềm riêng hướng về mục tiêu chung “chống giặc, chống dịch” bảo vệ an toàn vùng biên giới. Tôi vẫn không quên được hình ảnh anh bộ đội tranh thủ chút thời gian ít ỏi tâm sự với người yêu “mong anh yên tâm công tác, khi mọi việc yên, anh trở về mình cùng tính chuyện lứa đôi””, chị Tâm bộc bạch.

Hay những đêm không ngủ, chị theo chân các anh tuần tra biên giới. Trời tối om, vừa cầm máy quay vừa lụi cụi bám theo các anh cho kịp, một anh chiến sĩ chọc vui chị rằng “nhỏ con mà chạy dữ em”.

Với chị, 4 ngày ở biên giới là những ngày không thể quên. Lòng khâm phục những người chiến sĩ nơi tuyến đầu khiến chị Tâm tự hứa với bản thân phải chuyển tải từng chi tiết, hình ảnh này đến độc giả một cách chân thực nhất, sống động nhất.

Gần 4 năm rời giảng đường đại học và quyết định theo nghề báo, tôi hiểu rằng nghề này không phân biệt nam, nữ, đã xác định theo nghề thì phải luôn suy nghĩ “không sợ khổ”, luôn sẵn sàng “tay bút, tay máy””, chị Tâm trải lòng.

Để nhìn tận mắt, kể lại những sự thật…

Hiện, so với các ổ dịch tại Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Nam… diễn biến Covid-19 tại TP. HCM có phần “dễ thở” hơn. Mọi người sẽ không hình dung được ở những vùng tâm dịch cuộc sống đang khốc liệt chừng nào.

Chị Nguyễn Thu Hằng (Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến - Zingnews, 25 tuổi) nhớ lại những ngày “đồng cam cộng khổ” với đội ngũ y bác sĩ tại một trong những tâm dịch của đợt bùng phát thứ 3, nơi ghi nhận những ca tử vong đầu tiên của nước ta, cũng là nơi chứng kiến bao mồ hôi, nước mắt của lực lượng tuyến đầu - Đà Nẵng.

Phóng viên Nguyễn Thu Hằng trải qua 45 ngày tác nghiệp tại tâm dịch Đà Nẵng trong làn sóng Covid-19 lần 3.

Phóng viên Nguyễn Thu Hằng trải qua 45 ngày tác nghiệp tại tâm dịch Đà Nẵng trong làn sóng Covid-19 lần 3.

Nghe tin Đà Nẵng bắt đầu có ca nhiễm, tôi đã trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, bật radar ngay lập tức vì dịch từ Đà Nẵng lan vào Sài Gòn rất nhanh và Đà Nẵng rất có thể sẽ bị phong tỏa. Khi được hỏi rằng có tình nguyện vào Đà Nẵng hay không, trong đầu tôi bật ra ngay chữ “đi”. Tôi muốn đi, tôi muốn đi lắm. Và tôi biết, rất nhiều phóng viên ở cả 2 miền Bắc – Nam cũng có cùng quan điểm như tôi. Vì đây có thể là cơ hội để chúng tôi ghi lại những sự kiện đi vào lịch sử”, chị Hằng nói.

Đà Nẵng lúc đó là nơi mà mọi người muốn rời bỏ, nhưng chị lại chạy vào. Chị biết chắc bên cạnh những thông tin bề nổi ai cũng biết mỗi ngày, còn rất nhiều những thứ mà chỉ có tận mắt mới thấy rõ. 

Cùng đi với chị trong chuyến công tác đáng nhớ kéo dài 45 ngày này còn có 1 phóng viên viết, 1 phóng viên ảnh và 1 phóng viên video. Cùng với phóng viên địa phương tại Đà Nẵng, đội ngũ 5 người tận mắt chứng kiến những điều mà hiếm người trong nghề có cơ hội trải nghiệm.

Ở giai đoạn đầu, tình hình thật sự rất căng thẳng và rối loạn, phóng viên cũng rơi vào thế bị động. Trong đại dịch, việc di chuyển, nghỉ ngơi là vấn đề nan giải bởi nó liên quan tới sự “sống còn”. Nếu cả nhóm phải cách ly thì chuyến công tác xem như công cốc. Chúng tôi phải 2 lần thay đổi nơi ở, đang lấy tin cũng phải tranh thủ gọi điện cho 5-6 khách sạn để thuê phòng”, chị Hằng kể lại.

Sau khoảng một tuần đầu khai thác thông tin, đề tài cạn dần và số các ca nhiễm cũng bắt đầu giảm đi. Nhu cầu thông tin của độc giả đòi hỏi phóng viên phải tiếp cận sâu hơn vào những ổ dịch, khu cách ly để ghi nhận hình ảnh, câu chuyện đằng sau những hàng rào phong tỏa. Để làm được điều đó, phóng viên phải phối hợp rất chặt chẽ với đơn vị y tế và tuân thủ nghiêm ngặt những quy định phòng chống dịch của tuyến đầu.

Nhớ lại lần đầu tiên vào khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, chị Hằng cho biết cả nhóm phóng viên và tòa soạn đều đã cân nhắc rất nhiều. Sau khi tham khảo cả ý kiến của ngành y tế, chị và một phóng viên video quyết định vào khu cách ly. Tuy đối mặt với nhiều nguy cơ, nhưng chị cho rằng đây là cơ hội để được nhìn tận mắt và kể lại những việc đang thật sự diễn ra.

Phóng viên Nguyễn Thu Hằng cùng đồng nghiệp được trang bị đồ bảo hộ khi tác nghiệp tại vùng dịch nguy hiểm.

Phóng viên Nguyễn Thu Hằng cùng đồng nghiệp được trang bị đồ bảo hộ khi tác nghiệp tại vùng dịch nguy hiểm.

Nhưng khi đến bệnh viện, chúng tôi được biết chỉ một người được vào khu cách ly, chúng tôi thống nhất bạn phóng viên video sẽ vào để ghi nhận các hình ảnh trực quan, còn tôi có thể phỏng vấn các bác sĩ, nhân viên y tế bên ngoài phòng cách ly. Tôi vẫn nhớ lúc giúp bạn mặc đồ bảo hộ, chúng tôi đều vô cùng lo lắng. 10 phút vào hiện trường của bạn đối với tôi dài kinh khủng”, chị Hằng nhớ lại.

Theo lời chị, do bộ đồ bảo hộ kín nên hơi thở khiến mắt kính cận của phóng viên video bị mờ, hầu như không còn quan sát được gì cả. Các bức hình, shot phim có khi được quay theo cảm tính, làm theo phản xạ. Dù khó khăn là vậy, nhưng thành quả mà cả hai nhận được vô cùng xứng đáng.

Có thể nói, món quà quý nhất của người làm báo là được nếm trải đủ thứ đắng, cay, ngọt, bùi để kể lại cho độc giả. Chị vẫn nhớ như in cảm giác sung sướng khi cả hai hoàn thành nhiệm vụ, trở thành một trong những người đầu tiên ghi nhận cảnh làm việc của đội ngũ y, bác sĩ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng nhất cả nước.

Giải cứu Đà Nẵng”, “Đội quân trọc đầu trên những chuyến xe Covid-19”; “Khuôn mặt hằn vết khẩu trang của điều dưỡng Đà Nẵng”; “16 ngày cân não của đội đặc nhiệm Chợ Rẫy ở tâm dịch Covid-19”… những sản phẩm do chị Hằng và đồng nghiệp thực hiện lần lượt xuất hiện với vị trí quan trọng trên Zing và để lại dấu ấn khó phai trong lòng độc giả.

Nữ phóng viên này ví Đà Nẵng là một “chiến trường” mà các bệnh nhân, y bác sĩ phải chiến đấu gần mười tiếng mỗi ngày. Trong giai đoạn cách ly xã hội, khi mà con người chỉ còn có thể giữ tương tác thông qua mạng xã hội và nắm bắt tin tức nhờ vào các phương tiện truyền thông, báo chí đi về giữa cuộc chiến để truyền tải rõ không khí lẫn tinh thần của “cuộc chiến” đấy.

Theo nữ phóng viên, báo chí tạo ra thông tin thế nào thì người dân sẽ cảm thấy như thế ấy: “Có nhiều câu chuyện buồn, tôi được tận mắt chứng kiến hoặc ghi nhận được nhưng cân nhắc không kể lại vì biết rằng đó sẽ trở thành vết thương kinh khủng của người Đà Nẵng, có thể làm giảm nhuệ khí chiến đấu cho đội ngũ tuyến đầu”.

Chị kể lại trong khu hỏa táng duy nhất của miền Trung khi ấy, có những hũ tro để mấy tuần không có người thân đến nhận vì người nhà còn mắc kẹt ở khu cách ly. Họ đưa tiễn nhau bằng những cuộc điện thoại, video call.

Bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 qua đời được xử lý theo cách riêng để tránh nguy cơ lây nhiễm. Họ được đưa vào túi ni-lông đóng kín, đưa vào quan tài và vận chuyển thẳng đến khu hoả táng. Không một thân nhân nào có thể nhìn thấy khuôn mặt người thân của mình lần cuối. Khi xa nhau, họ vẫn thấy người thân mình vui vẻ nói cười, vậy mà lúc gặp lại chỉ còn là một hũ tàn tro.

Cảm giác đấy nó đau lòng kinh khủng…”, giọng chị Hằng trầm xuống, bồi hồi nhớ lại khung cảnh ở khu hỏa táng miền Trung.

Chị nghĩ những câu chuyện ấy sẽ rất nóng, có thể hấp dẫn và gây tác động đến độc giả. Nhưng chị đã chọn không kể lại ngay lúc đó, vì nếu lựa chọn kể ra ở giai đoạn đó thì người dân không còn đủ nhuệ khí để chiến đấu nữa. Nó buồn quá.

Vai trò thực tế của báo chí trong cuộc chiến là như vậy. Dù đối với báo chí, thông tin là trên hết, sự thật là trên hết, nhưng cũng phải cân nhắc sự tác động của thông tin đến bối cảnh xung quanh. Vẫn sẽ kể lại câu chuyện nhưng “kể lúc nào?”, “kể cho ai nghe?” đó cũng là câu hỏi lớn mà tôi và tòa soạn đã từng đặt ra”, chị Hằng kể lại nỗi trăn trở.

Không để bản thân trở thành gánh nặng của ngành y tế

Nghề báo chưa bao giờ dành cho người muốn sự nhàn hạ, đã chấp nhận sống với nghề là chấp nhận hy sinh thời gian của bản thân, áp lực tin bài và ngay cả áp lực từ dư luận.

Trong mùa dịch, mỗi lần tác nghiệp là mỗi lần phóng viên phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm. Hơn ai hết, họ ý thức được phải tuân thủ các quy định của ngành y tế, đảm bảo an toàn, tránh để bản thân trở thành gánh nặng của ngành y vào thời điểm nhạy cảm này.

Anh Hồ Anh Tú - Phóng viên phụ trách mảng Thời sự - Xã hội tại Báo Lao Động khu vực phía Nam.

Anh Hồ Anh Tú - Phóng viên phụ trách mảng Thời sự - Xã hội tại Báo Lao Động khu vực phía Nam.

Tác nghiệp trong mùa Covid-19, phóng viên cần chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn khi đến những nơi đông người. Đặc biệt, tại môi trường có tính lây nhiễm cao như sân bay, bến xe, bệnh viện, nên trang bị thêm quần áo bảo hộ và thực hiện khai báo y tế lịch trình di chuyển với cơ quan để dễ dàng truy xuất sau này”, phóng viên Hồ Anh Tú nêu.

Hầu hết, các cơ quan thông tấn đều hỗ trợ phóng viên những trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn khi tác nghiệp.

Hơn thế, hồi đầu tháng 5, hơn 80 phóng viên, nhà báo trực tiếp tham gia đưa tin về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đã được Bộ Y tế phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Đây là 1 trong 11 nhóm đối tượng được Nhà nước ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, trong bối cảnh vắc-xin đang sản xuất và nhập khẩu với số lượng rất hạn chế.

Việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 này sẽ lần lượt được triển khai cho các phóng viên, nhà báo tham gia tuyên truyền công tác phòng chống dịch khắp cả nước trong thời gian tới.

Tôi rất vui mừng trước động thái này của các nhà chức trách. Việc được tiêm vắc-xin trong thời điểm này không chỉ giúp chúng tôi phòng ngừa virus mà còn tạo tâm lý an tâm hơn trong tác nghiệp, bên cạnh tuân thủ các nguyên tắc 5K”, chị Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Mùa dịch là mùa chinh chiến khốc liệt, nhưng ở góc độ nào đó, nó cũng tạo thử thách để đội ngũ phóng viên có thể cống hiến, rèn luyện mình trưởng thành. Những thách thức đã vượt qua, những ghi nhận của độc giả, những hiệu ứng lan tỏa từ những bài viết đã tạo cho người phóng viên một sức sống mới, một tình yêu, một lòng đam mê với nghề bất kể lúc bình thường hay lúc hiểm nguy.

Chính đam mê ấy đã đặt sứ mệnh cũng như trọng trách cho những người làm nghề, để trong nghề báo luôn có những anh Tú, chị Tâm, chị Hằng… khi được hỏi “có sẵn sàng không nếu phải đến vùng biên giới, cửa khẩu hay một lần nữa đi vào tâm dịch”, họ đều không ngại ngần mà đồng loạt nói rõ ràng tiếng “có”…

Kỳ Hoa

Tin khác

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo
Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ  2024”

Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024”

(CLO) Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/5 trên tổng lộ trình 525 km từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo