Đời sống

Nơi từng 3 lần đón Bác Hồ về làm việc

Nguyễn Đoan 19/05/2025 14:25

(CLO) Từ năm 1946–1959, Bác Hồ ba lần về Quốc Oai, để lại dấu ấn sâu sắc trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp và xây dựng chính quyền cách mạng.

Trong dòng chảy hào hùng của cách mạng Việt Nam, huyện Quốc Oai (Hà Nội) không chỉ được biết đến là nơi có danh thắng chùa Thầy – núi Thầy nổi tiếng, mà còn là vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng.

Nơi đây từ lâu đã trở thành niềm tự hào của nhân dân huyện Quốc Oai bởi truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường và đặc biệt là vinh dự lớn lao khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ba lần về làm việc trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

z6616756401813_1f884994156d317369be3602b98853bc.jpg
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm trong chùa Một Mái (Sài Sơn - Quốc Oai).

Ngay từ những năm 1930, tại xã Sài Sơn đã sớm trở thành điểm sáng của phong trào cách mạng vùng Sơn Tây cũ. Cũng chính tại đây, chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây được thành lập, mở đầu cho một thời kỳ hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy gian khó nhưng rực rỡ.

z6616610492134_efded80393ea71249c4ced5c7617b27a.jpg
Bức ảnh chụp Người về thăm chùa Thầy năm 1957.

Nhân dân Sài Sơn đã không quản hiểm nguy, sẵn sàng nuôi giấu, bảo vệ các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Và vào năm 1941, trên đỉnh núi Thầy linh thiêng, lá cờ Đảng đỏ thắm tung bay – một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và khát vọng độc lập.

z6616610527452_73ccd213574b3a01cbd079a37438aa7f.jpg
Đôi dép của Người được trưng bày tại nhà lưu niệm.

Chính truyền thống cách mạng ấy đã làm nên tầm vóc và vai trò đặc biệt của xã Sài Sơn và huyện Quốc Oai trong kháng chiến. Trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần về làm việc tại đây.

z6616610505032_e0294d5a57a3af5d6220333a49bd4bbd.jpg
Bàn làm việc và máy đánh chữ của Người được trưng bày tại nhà lưu niệm.

Những lần trở lại ấy không chỉ mang ý nghĩa chiến lược mà còn thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của Trung ương và Bác Hồ vào mảnh đất và con người nơi đây.

z6616610541601_d2fa01613183600cdc6051c930f6ec74.jpg
Căn phòng đơn sơ, giản dị từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lần đầu tiên Bác Hồ về Sài Sơn là vào ngày 10 tháng 11 năm 1946, chỉ hơn một tháng trước khi toàn quốc kháng chiến nổ ra. Sau khi tham quan chùa Thầy, Bác leo lên đỉnh chùa Cao để quan sát địa thế của toàn vùng. Người không chỉ khảo sát địa hình mà còn tranh thủ trò chuyện với cán bộ, nhân dân địa phương, nhắc nhở từ chuyện giữ gìn thắng cảnh, học hành đến việc viết bảng biển sao cho đúng để giúp dân dễ đọc – những chi tiết đời thường nhưng thấm đẫm tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Người.

z6616610505390_87603b743aa8b975bc6128a2ae165a20.jpg
Chiếc ba lô của Người được trưng bày tại nhà lưu niệm.

Chỉ hai tháng sau, vào ngày 21 tháng 1 năm 1947 – đúng đêm 30 Tết năm Đinh Hợi, Bác Hồ lại có mặt tại Phủ đường Quốc Oai để chủ trì phiên họp khoáng đại của Hội đồng Chính phủ. Trong bối cảnh chiến tranh đang lan rộng, hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

z6616610488159_4696ce1fde9cc6ced289d29febe481a6.jpg
Nhiều hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước được trưng bày tại nhà lưu niệm.

Tại đây, Bác đã chúc Tết các đồng chí trong Chính phủ và nêu rõ ba nhiệm vụ cấp bách: tổ chức tản cư, động viên toàn dân kháng chiến và đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Những chỉ đạo ngắn gọn, cụ thể nhưng thể hiện tầm nhìn chiến lược sắc bén của Người.

z6616610574075_ae03d09cf2e133674a2ca2f5050f49b3.jpg
Hang Bác Hồ, nơi người từng sinh sống và làm việc.

Không chỉ dừng lại ở các chuyến đi ngắn, từ 3 tháng 2 đến mùng 2 tháng 3 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc suốt một tháng tại khu vực chùa Một Mái, núi Thầy – xã Sài Sơn. Trong gian nhà Tổ đơn sơ mượn của nhà chùa, Bác cùng cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh duy trì nếp sinh hoạt kỷ luật, làm việc liên tục để chỉ đạo công cuộc kháng chiến trên cả nước.

z6616610527134_1ad1a514a5e5c94a3bd7a80b74114c5c.jpg
Chùa Một Mái, nằm trong quần thể di tích đặc biệt chùa Thầy, nơi Bác Hồ sinh sống và làm việc từ 3/2 đến 2/3/1947.

Dù điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn, Người vẫn chia sẻ từng bữa ăn, nhắc nhở từng thói quen sinh hoạt của anh em cán bộ. Từ đây, nhiều chỉ thị, thư gửi các địa phương, sắc lệnh được ký; nhiều cuộc họp của Hội đồng Chính phủ được tổ chức; những đường lối lớn về tổ chức kháng chiến toàn dân, toàn diện được hoạch định.

z6616610517292_49ee040e8dc821292fc4023336eaacd6.jpg
Nhân dân Sài Sơn vốn có truyền thống cách mạng từ lâu.

Thật đặc biệt, từ chính mảnh đất Sài Sơn – Quốc Oai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng chuẩn bị những bước đi quan trọng cho việc chuyển cơ quan đầu não của Chính phủ lên Việt Bắc – trung tâm kháng chiến lâu dài. Và cũng từ đây, Bác lên đường đi chiến khu, tiếp tục lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh suốt chín năm ròng rã.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác đã trở lại thăm Sài Sơn hai lần vào các năm 1957 và 1959, tiếp tục thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với mảnh đất từng gắn bó trong những năm tháng gian nan nhất.

Ngày nay, khi nhắc đến Quốc Oai nói chung, Sài Sơn nói riêng, người ta không chỉ nhớ đến vẻ đẹp trầm mặc của chùa Thầy, núi Thầy mà còn nhớ đến một miền quê cách mạng – nơi lưu giữ những dấu chân lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khí phách kiên trung của nhân dân trong những năm tháng kháng chiến đầy thử thách.

Với niềm tự hào và trách nhiệm, Đảng bộ và nhân dân huyện Quốc Oai luôn khắc ghi công lao của Bác, tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang và niềm tin yêu mà Người từng gửi gắm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nơi từng 3 lần đón Bác Hồ về làm việc
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO