Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì Hội nghị.
Tăng trưởng mạnh trên tất cả các lĩnh vực
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNN, trong 5 năm qua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, minh chứng đầu tiên là việc phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Năm 2017, có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016. Đến tháng 9/2018, cả nước có trên 49.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có 8.635 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tăng 2,5 lần so với năm 2012.
Đến tháng 9/2018, cả nước có 13.006 HTX nông nghiệp và trên 62.550 tổ hợp tác được tổ chức lại và thành lập mới theo Luật HTX 2012. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn. Kinh tế trang trại phát triển nhanh, đến cuối năm 2017, cả nước có 35.542 trang trại, tăng 50,8% so với năm 2012.
Cả nước đã hình thành 1.029 mô hình chuỗi với 1.407 sản phẩm và 3.162 địa điểm bán sản phẩm thực hiện tiêu chuẩn sản xuất tốt, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Tại Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình HTX gắn với xây dựng các chuỗi giá trị. Ảnh: internet
Trong lĩnh vực trồng trọt đã chuyển đổi khoảng 200.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Giá trị tăng thêm của lĩnh vực trồng trọt tăng 7,8%, thu nhập trên 1 ha tăng 4,8%; cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt từ mức 12% năm 2012 lên gần 32% năm 2017; các cây công nghiệp có giá trị cao đóng góp 43% cho tăng trưởng trồng trọt, tăng gần 16%.
Chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh. Đàn giống được cải thiện đáng kể, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao với kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào sản xuất phổ biến. Sau 5 năm thực hiện cơ cấu lại, sản lượng thịt hơi các loại tăng 30%; thịt gia cầm tăng bình quân 17%; thịt lợn, thịt bò tăng 12,7%; thịt dê, cừu tăng 14%, sữa tươi tăng 47%; trứng gia cầm tăng 18,7%...
Trong lĩnh vực thủy sản, đã chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành nuôi tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức lại sản xuất trên biển và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo quản hải sản đánh bắt từ 7 ngày lên trên 20 ngày. Trong 5 năm qua, tổng sản lượng thủy sản tăng từ 5,92 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,7%/năm, giá trị tăng thêm đạt 4,3%/năm. Giá trị trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 206,8 triệu tấn, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2012.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới
Theo báo cáo của Bộ NN&PTPT, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Bộ NN&PTNT đã tích cực phối hợp với ngành công thương, ngoại giao đẩy mạnh các hoạt động mở rộng thị trường song song với việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản xuất khẩu; thúc đẩy các quá trình đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong thương mại; đa dạng hóa thị trường để vừa giữ ổn định các thị trường truyền thống, dễ tính, vừa mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính có giá trị gia tăng cao như thị trường Mỹ (vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa), Australia (vải thiều, xoài, xúc tiến tiếp thị quả có múi), Nhật Bản (thanh long, thịt gà)… đẩy mạnh phát triển hệ thống thông tin, dự báo thị trường nông sản trong và ngoài nước và thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thanh long của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới trong đó có thị trường Mỹ. Ảnh: internet
Nông lâm thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong những năm qua. Giai đoạn 2013-2017 đạt 157,49 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân giai đoạn 5 năm trước.
Năm 2018, dự kiến sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD; trong đó có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cũng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Tỉ trọng các mặt hàng chế biến, chất lượng và giá trị gia tăng ngày càng cao. Chẳng hạn đối với mặt hàng gạo, đến nay 80% gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao, vì vậy giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã ngang bằng (có thời điểm vượt) giá gạo xuất khẩu cùng loại của Thái Lan.
PV