Nông nghiệp Việt Nam phá vỡ ‘lời nguyền’ được mùa thì mất giá
(CLO) Không chỉ gạo, mà nhiều loại rau, củ, quả của Việt Nam đang phá vỡ “lời nguyền” được mùa thì mất giá. Thậm chí, nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng được thế giới ưa chuộng.
Từ trước tới nay, "lời nguyền" được mùa thì mất giá luôn đeo bám ngành nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, năm 2023, ngành nông nghiệp ghi nhận được nhiều thành tích đáng nể, nhiều mặt hàng nông sản được mùa, nhưng không mất giá, thậm chí còn đạt “đỉnh” nhiều năm.
Nhiều nông sản phá vỡ "lời nguyền" được mùa thì mất giá
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/9, sản lượng gạo vụ hè thu năm nay ước đạt 11 triệu tấn, tăng 173.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo Việt Nam đang tăng về cả lượng và giá trị. (Ảnh: WTO)
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã thu hoạch 33,6 triệu tấn lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như mọi năm, khi “gạo thừa thúng”, giá bán ở thị trường nội địa thường có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, từ đầu quý II/2023 cho tới nay, giá gạo đã tăng tới 30% và duy trì với mức giá rất cao, kể cả gạo xuất khẩu lẫn gạo đang tiêu thụ trong nước.
Trong đó, giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn. Hiện nay, giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì mức giá trên 600 USD/tấn.
Giá gạo trong nước cũng thiết lập mức giá cao hiếm có. Đơn cử như gạo 5% tấm đang có mức giá dao động từ 14.250 - 14.400 đồng/kg, gạo 15% tấm có giá 14.058 - 14.200 đồng/kg, gạo 25% tấm có giá 13.808 - 14.000 đồng/kg, tùy nơi.
Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng năm 2023 đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất đã từng đạt được năm 2011 là 3,65 tỷ USD.
Theo nhận định của giới chuyên gia, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.
Không chỉ gạo, nhiều loại rau quả Việt Nam cũng đang ghi nhận giá trị xuất khẩu rất cao. Cụ thể, tính chung hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành rau quả có sự đóng góp lớn từ việc phục hồi ở thị trường Trung Quốc.
Nhận định về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau những tháng đầu năm sụt giảm mạnh, sang đầu quý III/2023 xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đã có chuyển biến tốt. Thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tăng, kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại.
Riêng về mặt hàng gạo, việc các quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE,... hạn chế xuất khẩu là thời cơ cho gạo Việt Nam. Do đó, một số dự báo cho rằng, giá gạo xuất khẩu có thể tăng lên ngưỡng 800 USD/tấn, thậm chí lặp lại lịch sử năm 2008 khi mặt hàng này đạt ngưỡng giá 1.000 USD/tấn.
Cà phê, không được mùa, nhưng được giá
Trái ngược với gạo, năm nay, sản lượng cà phê của Việt Nam được dự báo giảm tới 10% - 15% do thời tiết không thuận lợi. Điều này dẫn tới lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong năm nay.

Cà phê Việt Nam tuy không được mùa, nhưng được giá. (Ảnh: DM)
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng của năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,266 triệu tấn, giảm 7,3% về lượng.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cà phê đang rất cao, nhờ giá cà phê đã tăng 10% so với năm ngoái. Theo đó, giá trị xuất khẩu cà phê 9 tháng của năm 2023 đạt 3,16 tỷ USD, tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam thu về hơn 4 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu cà phê là nhờ lượng cà phê xuất mức cao thứ ba trong 10 năm, với 1,78 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, bên cạnh việc nguồn cung suy giảm so với cầu, thì việc ngành cà phê nước ta đã nỗ lực nâng cao chất lượng cà phê cũng là nguyên nhân đưa giá cà phê xuất khẩu tăng cao. Những năm qua, các doanh nghiệp cà phê nước ta đã thay đổi tư duy canh tác hướng đến sản xuất bền vững, có chứng nhận quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm nếu muốn xuất khẩu cà phê tới thị trường.