“Nóng” vấn đề quản lý nợ công

Thứ năm, 16/11/2017 15:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Vấn đề quản lý nợ công an toàn, hiệu quả là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sáng nay, 16/11.

Nợ nước ngoài không quá 50%


Về quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã tổng kết, đánh giá, báo cáo các cấp có thẩm quyền nhằm bảo đảm nợ công bền vững, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về vấn đề này. Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt nợ công như: Rà soát, hoàn thiện thể chế; quản lý chặt trần nợ công; quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ODA; xác định rõ mức bội chi ngân sách hằng năm; siết chặt bảo lãnh chính phủ; kiên quyết bám sát Nghị quyết 5 năm của Quốc hội trong chỉ đạo điều hành; bố trí cân đối nguồn bảo đảm trả nợ đúng hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát... 


Báo Công luận
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, chúng ta đã vượt qua đỉnh nợ công giai đoạn 2016- 2017. Trong thời gian qua đã cơ cấu nợ công theo hướng tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chứng minh: Năm 2011 vay nước ngoài là 60%, vay trong nước là 40%, thì nay vay trong nước là 60%, vay nước ngoài 39%. Vay trong nước có kỳ hạn cao 2 lần, lãi suất giảm một nửa, danh mục trái phiếu tăng 6,7%/năm. Vay trong nước góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. “Chúng ta đã vượt qua đỉnh nợ công giai đoạn 2016- 2017, nay lo đến đỉnh nợ công vào giai đoạn 2019- 2020”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công đang tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn, nên cần tiếp tục kiểm soát. Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công không quá trần 65% và nợ nước ngoài không quá 50%.

Về hiệu quả đầu tư công, đồng tình với nhận định của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn rằng: “Nợ công không xấu, đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì chúng ta phải trả nợ kép (tiền gốc và tiền lãi), bên cạnh đó phải trả bù lỗ doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh, hiệu quả đầu tư công là vấn đề rất trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu hiệu quả đầu tư công.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính đang triển khai các nhiệm vụ, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.

Số lượng dự án đầu tư công giảm mạnh

Giải trình làm rõ thêm về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trước đây, do chưa có Luật Đầu tư công, nên việc quyết định đầu tư còn tùy tiện và vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả ở trung ương và địa phương.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn 2005- 2010 cũng như 2011- 2015, chúng ta có hơn 20.000 dự án cả của bộ, ngành, địa phương quyết định đầu tư, không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng giải ngân được bao nhiêu, cho nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, phải dừng, giãn, hoãn rất lớn. Chính phủ đã ban hành nghị định 1792, và đã luật hóa lên thành Luật đầu tư công. Đến nay, trong giai đoạn 2016- 2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, bám sát khả năng cân đối của ngân sách. Với nợ đọng của các giai đoạn trước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã tập trung ở giai đoạn 2016- 2020 để xem xét, giải quyết dứt điểm.          

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề dự án có mức vượt lên nhiều so với tính toán và nhu cầu thực tế. Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan để xây dựng định mức để tính toán, làm cơ sở xây dựng dự toán và phê duyệt tổng mức đầu tư. 

Về hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là do khi triển khai đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục, làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên không có nguồn để bố trí vốn, dẫn đến phải dừng, giãn, hoãn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công để thực hiện trong thời gian tới, đồng thời Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát lại bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công, trình Chính phủ, Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ đầu tư công, giải quyết thủ tục thuận lợi, nhanh gọn.

Với vấn đề nợ công liên quan đến vay nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nước ta đang chuyển sang giai đoạn quốc gia có thu nhập trung bình, nên đã giảm vốn vay ODA và ưu đãi, chuyển sang vay thương mại, tức là có lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn.

Không nới trần nợ công

Báo cáo thêm về việc quản lý thu chi ngân sách nhà nước gắn với bảo đảm an toàn bền vững nợ công giai đoạn từ nay tới năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện nay nợ công ở mức 62,6%, dưới mức trần cho phép của Quốc hội (65%), trong đó, nợ của Chính phủ đang là 51,8%, tỷ lệ chi trả nợ vay/GDP là 25%.


Báo Công luận
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Nhận thức được tầm quan trọng của nợ công, Đại hội Đảng lần thứ XII đánh giá nợ công tăng cao, nghĩa vụ trả nợ lớn và cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước gắn với bảo đảm an toàn nợ công là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016- 2020.

Trong giai đoạn này, Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp và kinh tế thế giới còn khó khăn nên xử lý nợ công là vấn đề nan giải.

“Nhiều thành viên của Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng cho biết, để bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với quản lý an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 07 về vấn đề này. Trung ương cũng đã có nghị quyết chuyên đề về nợ công. Chính phủ cũng trình Quốc hội kế hoạch về đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính công trung hạn với mục đích bảo đảm cân đối ngân sách là tích cực nhất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 51 về Chương trình hành động thực hiện chủ trương với giải pháp đặt trong đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng báo cáo thêm một số giải pháp mà Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới như: Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính với chính sách tiền tệ; cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện chính sách thu, tăng cường chống thất thu thuế, chống chuyển giá, chống xói mòn cơ sở thuế, điều chỉnh một số khoản thu nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu để đảm bảo nguồn thu hợp lý, lâu dài... 

PV


Tin khác

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

(CLO) Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tin tức