NSND Trung Hiếu: Vẫn còn những cơ hội để sân khấu hồi sinh
(CLO) Theo NSND Trung Hiếu, dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn còn những cơ hội để sân khấu hồi sinh nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội và đổi mới kịp thời.
“Nhiều bạn trẻ chưa từng bước chân vào nhà hát”
Tại hội thảo về thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, sân khấu hiện nay không đủ sức cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại khác. Sự phát triển của công nghệ và các loại hình giải trí hiện đại đã làm thay đổi gần như hoàn toàn thói quen giải trí của khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
“Dường như khán giả đang dần rời xa sân khấu. Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số, mạng xã hội, game show, điện thoại thông minh... đã làm thay đổi gần như hoàn toàn thói quen giải trí của khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều bạn trẻ chưa từng bước chân vào nhà hát”, NSND Trung Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, nhiều nhà hát, sân khấu xuống cấp, thiếu trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để có thể dàn dựng những vở diễn lớn quy mô; kinh phí tổ chức quảng cáo cho các vở diễn còn hạn chế. Trong khi đó, khán giả yêu sân khấu thì ngày một già hoá. Đây là dấu hiệu cảnh báo về sự "rạn nứt" trong mối quan hệ giữa sân khấu và công chúng.
Vị Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta đang “nghèo nàn” ngay từ khâu kịch bản. Các tác giả có nghề dần khuất bóng nên có rất ít kịch bản mới đạt chất lượng nghệ thuật cao, trong khi đó các tác phẩm mới, để đạt được tiêu chí của nhà hát lại không nhiều.
“Đặc biệt, kịch bản thiếu vắng các tác phẩm đương đại mang hơi thở cuộc sống, đi thẳng vào các vấn đề nóng bỏng của xã hội, phản ánh chân thực đời sống xã hội. Điều khó khăn từ khâu kịch bản ấy đã buộc nhiều đơn vị nghệ thuật phải lục lại những tác phẩm cũ và biên tập cho hợp với thời đại ngày nay. Chính vì vậy sân khấu chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao và đa dạng của khán giả hiện đại”, ông Hiếu nhận định.
Khủng hoảng lực lượng kế thừa
Ngoài ra, cơ chế thay đổi, nhà hát không còn là lựa chọn tối ưu cho lực lượng diễn viên trẻ gắn bó lâu dài. Nhiều nghệ sĩ trẻ có năng lực vì mưu sinh đã chọn hướng rẽ khác có thu nhập ổn định hơn. Các nghệ sĩ gạo cội, dù tâm huyết, nhưng tuổi tác và sức khoẻ khiến họ không thể đảm nhận tốt những vai diễn của mình. “Thầy già con hát trẻ, đội ngũ diên viên trẻ thưa vắng dần gây ra một khoảng trống trong lực lượng kế thừa”, ông Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, tất cả các khó khăn, bất cập ngoài nguyên nhân sự phát triển của công nghệ và các loại hình giải trí hiện đại thì chính sách hỗ trợ cho nghệ thuật sân khấu còn hạn chế, thiếu chiến lược dài hơi.
Từ đó dẫn tới việc thiếu vắng những tác giả trẻ, những kịch bản hay. Chế độ đãi ngộ đối với người nghệ sĩ chưa tương xứng với sức lao động sáng tạo của họ. Chính vì những điều đó đã khiến sân khấu kịch nói vô vàn khó khăn thách thức trong tương lai phía trước.
Ngoài ra, các trường nghệ thuật đào tạo chuyên nghiệp đã hơn 10 năm nay rất khó khăn trong việc tuyển sinh. Do không có người đăng ký tuyển sinh, nên các trường buộc phải bỏ trống chỉ tiêu đào tạo.
Ông Hiếu cho biết, nhiều lần ngồi ghế giám khảo để tuyển sinh ông đã chứng kiến một hiện trạng “rất đáng buồn”, đó là các cơ sở đào tạo phải tận dụng mọi cơ hội để có sinh viên theo học.
“Tôi ngồi tuyển sinh ngành kịch điện ảnh thì các thầy cô đã đứng sẵn ở ngoài cửa nhắn vào: Trung Hiếu với các thầy cô ơi, các em có trượt ở đây bảo xuống tầng dưới thi tiếp nhé. Hỏi xuống dưới thi cái gì thì được trả lời, các em xuống thi chèo với cải lương”, ông Hiếu kể lại.
Theo NSND Trung Hiếu, đây là thực trạng “đau xót quá”, mà năm nào cũng diễn ra khiến sân khấu không chỉ thiếu diễn viên mà thiếu vắng trầm trọng cả những nhà lý luận phê bình.
Nhận định sân khấu đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, sân khấu kịch nói vẫn còn những cơ hội để hồi sinh nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội và đổi mới kịp thời.
Theo đó, cần tạo điều kiện, trao cơ hội cho thế hệ trẻ, khuyến khích các tác giả trẻ, đạo diễn trẻ thử sức, là cách để làm mới ngôn ngữ sân khấu và cũng để nuôi dưỡng tình yêu nghề trong họ. Nội dung kịch bản gắn với đời sống đương đại, gắn với những vấn đề nóng bỏng của xã hội.
Đặc biệt, theo ông Hiếu, sân khấu cần chủ động hơn trong việc tiếp cận khán giả. “Trong những năm gần đây Nhà hát Kịch Hà Nội đã đưa kịch nói vào học đường, bằng những tác phẩm văn học, những nhân vật lịch sử trong giáo trình phổ thông để các em biết đến nghệ thuật sân khấu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em chính là lực lượng khán giả của sân khấu tương lai. Kết hợp với các phương tiện truyền thông, hợp tác với những cá nhân, doanh nghiệp để tổ chức biểu diễn ngoài nhà hát cũng là những cách làm khả thi”, ông Hiếu cho biết.
Bên cạnh đó, NSND Trung Hiếu nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ và nền tảng số. Việc ghi hình các tình tiết hấp dẫn của vở diễn dựng trailer phát quảng cáo trên các nền tảng xã hội để đông đảo người xem biết thông tin vở diễn tổ chức bán vé online, là một hướng đi khá hiệu quả để tiếp cận khán giả ngày hôm nay.
“Sân khấu hiện đang đứng trước những thách thức mới: một bên là những giá trị truyền thống đáng tự hào, bên kia là sự chuyển mình cần thiết để tồn tại và phát triển. Chúng ta không thể quay lưng với thời đại, nhưng cũng không thể từ bỏ những giá trị căn bản đã làm nên bản sắc của sân khấu", Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ.
Theo ông Hiếu, sự đồng lòng của nghệ sĩ, nhà quản lý, các cơ sở đào tạo và cả công chúng chính là chìa khóa để khơi lại tình yêu với sân khấu, để kịch nói tiếp tục sống, tiếp tục truyền cảm hứng về cái đẹp, giáo dục định hướng cho con người đến với những giá trị cốt lõi của chân - thiện - mỹ.