NSƯT Xuân Hinh: 'Tôi chỉ là kẻ chọc cười dân dã'
(CLO) Xuất hiện trong chương trình "Cuộc hẹn cuối tuần" phát sóng ngày 20/7, NSƯT Xuân Hinh có những chia sẻ chân thành về hành trình nghệ thuật gần 50 năm, góc khuất đời tư và khát khao gắn bó trọn đời với văn hóa dân tộc.
'Không cần danh xưng, chỉ cần là kẻ chọc cười dân dã'
Trước câu hỏi về những danh xưng như “Vua hài đất Bắc”, “Vua hề Chèo”, nghệ sĩ Xuân Hinh khiêm tốn nói: “Tôi chỉ thích cái tên Xuân Hinh – kẻ chọc cười dân dã. Chương trình kỷ niệm 40 năm hoạt động nghệ thuật của tôi cũng lấy tên là 'Xuân Hinh – Kẻ chọc cười dân dã'”.
Với ông, sự công nhận lớn nhất không đến từ danh hiệu, mà từ tình cảm và sự yêu mến của khán giả qua từng vai diễn.
Khi nhắc đến việc tham gia MV "Bắc Bling" cùng các nghệ sĩ trẻ, NSƯT Xuân Hinh chia sẻ đầy xúc động: “Các cháu thì trẻ, mình thì tuổi cũng cao rồi. Các cháu mời làm bài hát âm hưởng quan họ – vốn là dân ca chính quê mình khiến tôi cảm động. Tôi là người con Bắc Ninh, lại đã làm về văn hóa dân tộc 49 năm nay rồi, nên khi thấy các cháu yêu văn hóa dân tộc, tôi sẵn sàng tham gia”.

Không đặt nặng chuyện nổi tiếng, ông nói thêm: “Ở tuổi này, tôi không nghĩ đến chuyện nổi tiếng nữa, chỉ cố gắng làm tốt nhất”. Ông cũng tiết lộ, sắp tới muốn thử sức với “Rock xẩm” hoặc “Rock hát văn” để làm mới mình. “Tôi rất thích làm việc với lớp trẻ, vui lắm”, nghệ sĩ nói.
Với hàng nghìn vai diễn lớn nhỏ suốt sự nghiệp, Xuân Hinh quan niệm: “Người nghệ sĩ là người của trăm nghề. Mỗi vai diễn đều phải suy nghĩ, làm hết mình. Mình diễn mà giả, không chạm được vào cảm xúc thì khán giả họ biết ngay”.
Dù từng hóa thân thành bà già, ông già, thanh niên hay nhân vật dân gian, ông đều nỗ lực mang đến chiều sâu, sự duyên dáng và cảm xúc chân thật trong từng lần xuất hiện.
Không chỉ là một nghệ sĩ hài, Xuân Hinh đã trở thành biểu tượng văn hóa miền Bắc – người “gợi ký ức” cho nhiều thế hệ khán giả. Chia sẻ về tình yêu văn hóa dân tộc, ông nói: “Tôi chỉ là người có máu tham, đứng núi nọ trông núi kia. Nhưng kho tàng văn hóa dân gian dân tộc thì cả đời cũng chưa khai thác hết. Càng làm càng thấy yêu từ quan họ, chèo, xẩm, hát văn... Cứ như mình mê mẩn, say đắm. Đến tuổi này, đáng lẽ nghỉ hưu rồi mà vẫn cứ mơ màng, khao khát. Văn hóa dân tộc là cái duyên, là cái nghiệp, không bỏ được”.
Với nghệ sĩ, mỗi cơ hội hợp tác cùng lớp trẻ đều mang ý nghĩa lan tỏa tình yêu truyền thống: “Có chứ! Nếu các cháu mời, tôi sẵn sàng. Văn hóa truyền thống thì không dễ kiếm tiền như hiện đại, nhưng nếu có tâm, có xúc động thì khán giả sẽ mến. Tôi thích làm việc với tất cả các cháu trẻ!”.
Tuổi thơ cơ cực và góc khuất đời riêng
Trong chương trình, NSƯT Xuân Hinh lần đầu tiết lộ những khía cạnh ít người biết về tuổi thơ gian khó, cơ cực: “Tôi là con trưởng, từ 13 tuổi đã đi buôn bán, trải qua đủ thứ cay đắng, cơ cực. Nhưng tôi chưa bao giờ muốn nói ra những chuyện đó để tránh khiến người thân phải buồn vì không giúp được mình”.
Xuân Hình kể, bố là giáo viên, mẹ làm ruộng. Nghệ thuật đến với ông như một cơ duyên, khởi nguồn từ những buổi trưa nắng chang chang, cậu bé Xuân Hinh bỏ cả làm đồng để chạy về nghe dân ca, chèo đúng giờ phát sóng.

Vào nghề từ vị trí cấp dưỡng, thủ quỹ của đoàn chèo, ông vừa nấu ăn, vừa tranh thủ học nghề. Khi trường Sân khấu mở lớp đại học chèo đầu tiên, ông thi đỗ, tốt nghiệp rồi được giữ lại giảng dạy. Nhưng Xuân Hinh chọn đi diễn để “nay đây mai đó, hóa thân vào tất cả các nhân vật”, với hy vọng sau này sẽ trở lại giảng dạy với đầy đủ trải nghiệm thực tế.
“Ngay từ lúc vào trường, tôi đã xác định nghệ thuật là hàng hóa. Làm ra phải có người dùng. Không ai làm nghệ thuật để cất vào tủ. Tác phẩm phải khiến khán giả nhớ, yêu và đồng cảm”.
Dẫu từng muốn bỏ nghề, ông thừa nhận có một “lực kéo vô hình” níu mình lại: “Không biết vì sao, cứ như có ai níu chân mình. Lại quay lại, vì mê lắm”.
Ông tâm sự thêm: “Khi còn học, tôi chẳng nghĩ đến nổi tiếng. Chỉ nghĩ học thật tốt. Lúc đi diễn, thấy khán giả thích, được 20 nghìn, 30 nghìn... Có tiền, tôi nghĩ đến việc xây mộ tổ tiên, mua nhà, làm bầu show rồi xây nhà thờ khi mẹ còn sống...”.
Không né tránh tranh cãi về phong cách diễn xuất, nghệ sĩ khẳng định: “Nhiều người nói tôi diễn hơi tục, nhưng cái tục phải đúng lúc, đúng chỗ. Nó là vũ khí để đả phá thói xấu, cường hào, áp bức”.
Gần 50 năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống, NSƯT Xuân Hinh không chỉ là một nghệ sĩ hài được yêu mến, mà còn là người gìn giữ và lan tỏa hồn cốt văn hóa dân gian Việt Nam bằng cả trái tim, tâm hồn của chính mình.