Luôn song hành với đồng bào dân tộc
Từng là giáo viên dạy Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc - Quân khu I, Bùi Thị Như Lan chuyển công tác sang Báo Quân khu I. Cơ quan chị công tác phụ trách địa bàn 6 tỉnh biên giới phía Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Chị nói nếu như không viết, không đi, không song hành với đồng bào 6 tỉnh thì làm sao có được những tác phẩm hay. Nên sáng tác của chị, những bài báo hầu như là viết về người lính, người dân tộc thiểu số miền núi. Chị chia sẻ viết báo vì “nhiệm vụ” thôi, vì công việc trong quân đội lúc đó viết báo cũng là trách nhiệm của một người lính. Trên trận tuyến của một người lính, tính kỷ luật bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu, kỉ luật là sức mạnh. Do vậy, quân đội phân công nhiệm vụ gì thì chị cố gắng hoàn thành ở mức độ cao nhất. Nhưng chính từ những nhiệm vụ quân đội giao phó mà chị thấy yêu và say mê viết báo.
Nhà báo Bùi Thị Như Lan đi tác nghiệp trên biên giới Lạng Sơn cùng các đồng chí lãnh đạo Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu 1 (Ảnh: NVCC)
Cầm chén nước chè xanh sóng sánh, chị bảo: “Kinh nghiệm làm báo của mình không có gì”. Chính cái khiêm tốn “không có gì ấy” lại ẩn trong “kho” kinh nghiệm hơn 20 năm chị tích lũy. Người làm báo – nhà báo chiến sĩ phải thấm nhuần lời dạy tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dường như câu nói ấy mang tính “khẩu hiệu” nhưng chị nói, người làm báo chữ tâm phải đi đôi với chữ tài, bút có sắc, lòng mới trong. Tính trung thực phải đặt lên hàng đầu. Và đặc biệt là chịu khó đi cơ sở, lăn lộn vào cuộc sống. Nếu xa rời thực tiễn thì tất cả mọi thứ đều là phù du: “Là đàn ông mà làm báo đã vất vả rồi, nhưng là phụ nữ làm báo thì muôn phần vất vả hơn. Vì người phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình, còn thời gian nào đi cơ sở”. Đúng vậy, báo chí là nghề thực hành, công việc báo chí đặc thù là phải đi liên tục, viết liên tục. Nếu như văn chương chị có thể tự sáng tác, thì làm báo phải có tính thực tiễn cao, phải lăn lộn vào đời sống. Phải gần dân, để hiểu dân và chia sẻ với nhân dân.
Tiếp tục câu chuyện nghề, chị sẻ chia với chúng tôi những kỷ niệm không thể nào quên trong thời gian làm báo. Chị nhớ lại năm 2009, trên địa bàn huyện Pắc Nặm, Bắc Kạn xảy ra lũ ống, lũ quét, vùi nhiều hộ gia đình trong bản Khên Nền. Khi chị cùng đồng nghiệp tới ban chỉ huy quân sự huyện Pắc Nặm, lúc đó trời mưa tầm tã. Nơi bị lũ lụt cách Pắc Nặm hơn chục cây số đường rừng nhưng lối vào chỉ có một con đường độc đạo duy nhất. Thị trấn Bộc Bố của huyện Pắc Nặm nằm trên bờ sông Năng, chị và đồng nghiệp phải men theo một bên là những ụ đất của sườn núi, một bên là dòng sông năng cuồn cuộn chảy. Chị chậm rãi kể lại Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Pắc Nặm lúc đó là Thượng tá Hoàng Ngọc Đa đã nói: “Chưa có nữ nhà báo nào vào được đến đây”. Câu nói đó càng thôi thúc chị đến với đồng bào. Từ xã Công Bằng lên đến Khên Nền đi bộ mất 6 tiếng đồng hồ mới vào tới nơi vì nước lũ chia cắt toàn bộ con đường mòn. Chị bồi hồi kể về những kỉ niệm trong chuyến đi bão táp vô cùng. Vào đến nơi cả vệt dài lũ quét trên núi xuống hàng mấy trăm mét đổ ập vào một cái bản, hình ảnh đó mãi khắc sâu trong chị. Chị chợt ngưng lời, tĩnh lặng. Cách nói chuyện gần gũi của chị đã giúp tôi hiểu được sự trải nghề là vô cùng quan trọng khiến mỗi người làm báo trưởng thành hơn.
Làm báo không được “ăn sổi”
“Người làm báo cốt ở cái tâm, có cái tâm đó, sẽ tự thoát ra được cám dỗ trước mắt để giúp người khác, đó cũng là cái hướng thiện của nhà báo. Tính chiến đấu trong một bài báo thể hiện ở nhiều góc cạnh, chiến đấu với những sai trái của xã hội, chiến đấu với sự bất cập”. Chị còn chia sẻ thêm báo chí có tính chiến đấu mới không phải là báo chí một chiều. Thế nhưng viết thế nào để cho bạn đọc có thể chấp nhận và để công chúng thấu hiểu. Đó cũng là tính định hướng của báo chí.
Nhà báo Bùi Thị Như Lan cùng các đồng nghiệp tại Báo Quân khu I nhận nhiệm vụ trước khi lên đường đi diễn tập khu vực phòng thủ (Ảnh: NVCC)
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Thiếu tướng Dương Đình Thông – Chính ủy Quân khu I cho biết: “Trong thời gian cùng công tác với Lan, Lan là người say mê, tâm huyết và rất nhiệt tình với công việc. Tích cực bám nắm cơ sở, đến vùng dân tộc thiểu số, những địa bàn khó khăn để thể hiện và phản ánh trong tác phẩm của mình hơi thở cuộc sống. Những bài viết ấy đã lan tỏa trong đời sống tinh thần của đồng bào.”.
Chia sẻ trong cách viết, chị cho biết để “giỏi” trong cách sử dụng ngôn ngữ thì phải viết báo nhiều, ngôn ngữ được trau dồi, chắt lọc khi mỗi người làm báo xác định sống với báo chí. Với phương châm coi ngòi bút báo chí là hiện thực, mang tính bút chiến, đề cao tính chân thực, bài báo của chị luôn phản ánh những cái hay, cái tốt để cổ vũ tinh thần ngày đêm vất vả đi lên của các cán bộ, chiến sĩ, động viên họ cùng với quân dân các tỉnh biên giới bảo vệ chắc vùng trời Tổ quốc. Nhưng để làm được điều đó, nhà báo không được “ăn sổi”, phải đặt cái tâm của người làm báo vào tâm của những người chiến sĩ, nhà báo phải đằm mình vào cái khổ của người chiến sĩ trong những cuộc diễn tập.
Kết thúc câu chuyện với tôi, với những kinh nghiệm sau hơn 20 năm “vun rễ, bón cành” cho nghề báo, tôi thật sự ngỡ ngàng và thầm cảm phục chị. Những kinh nghiệm của chị như “túi” thông điệp nhắc tôi phải liên tục rèn giũa ngòi bút để tiếp tục thực hiện đam mê trở thành nhà báo giỏi.
Phương Vy