Nuôi đà điểu trên cao nguyên

Thứ sáu, 03/04/2015 06:54 AM - 0 Trả lời

Nuôi đà điểu trên cao nguyên

(Congluan.vn) - Đó là trang trại nuôi đà điểu đầu tiên trên Tây Nguyên. Trang trại này vốn dĩ là một bãi sình lầy ở thôn Định An – xã Hiệp An – huyện Đức Trọng – tỉnh Lâm Đồng – ngày xưa không ai thèm ngó tới thì nay đã trở thành một trang trại rộng lớn với diện tích hơn 10 ha, sở hữu hơn 50 con đà điểu, 70 con bò sữa và cả một vườn cây Kim Châm…

Bà chủ bỏ phố lên rừng

Chủ trang trại đà điểu này là bà Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc một công ty vận tải du lịch ở TP HCM. Chuyện “bỏ phố lên rừng” của bà khiến cho mọi người rất đỗi ngạc nhiên, bởi đà điểu là một loài động vật vốn dễ nuôi ở xứ nóng, liệu lên xứ lạnh có được không? Thế nhưng quyết định lên Tây Nguyên làm trang trại nuôi đà điểu lại là một bước đột phá lớn đã mang lại thành công cho bà. Nhờ đó, bà được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời cũng là chủ trang trại làm ăn có hiệu quả và điển hình của “xứ sở sương mù”. Những con đà điểu được nuôi trong trang trại của bà là những con đà điểu đầu tiên được du nhập từ Châu Phi về nuôi thử nghiệm tại xứ lạnh. Hiện tại, chúng đang sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Báo Công luận
 
Vũ điệu đà điểu

Việc nuôi đà điểu của bà Hồng thực ra là sự tiếp quản lại giống của một thương gia người Hàn Quốc. Số là ông này đã mang 9 con đà điểu gốc Châu Phi về nuôi làm cảnh bên cạnh hồ Tuyền Lâm – TP Đà Lạt. 9 con đà điểu lạ lẫm này đã gây sự chú ý đặc biệt của người dân trong vùng.

Qua thời gian lâu, chúng phát triển bình thường và khẳng định được sự thích nghi của mình với khí hậu giá lạnh của vùng cao nguyên này. Nhưng vì lý do riêng, vị thương gia này không thể này không thể tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi đà điểu nên sang nhượng lại cho bà Nguyễn Thị Hồng – một doanh nghiệp từ TP. HCM lên Lâm Đồng lập nghiệp. 9 con đà điểu (mỗi con có giá từ 10 – 15 triệu đồng thời điểm đó) gồm 3 con trống và 6 con mái đang trong thời kì sinh sản, được bà Hồng “chăn dắt” về trang trại mới (lập năm 2000) về trang trại rộng hơn 10 ha của mình ở xã Hiệp An – huyện Đức Trọng – Lâm Đồng.

Báo Công luận
 
Những chú đà điểu tung tăng trong chuồng

Ban đầu bà tự nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi đà điểu qua sách vở. Qua hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, 9 gã đà điểu này, bà đã thực sự thành công. Bà Hồng cho biết: “Thú thật từ TP.HCM lên Lâm Đồng đầu tư xây dựng trang trại với mục đích hướng tới mô hình trang trại kết hợp cùng du lịch sinh thái nên tôi đã chọn vị trí gần quốc lộ, sát cạnh chân đèo Prenn và cố gắng tạo ra một sản phẩm đặc trưng cho trang trại mình để thu hút bạn hàng và khách du lịch. Rồi tình cờ xem ti vi, tôi thấy đà điểu vẫn nuôi được trên cao nguyên, nhìn những điệu múa của chúng thật đẹp và hấp dẫn nên tôi quyết tâm mua vài ba con để “tô điểm” cho trang trại mình thêm phong phú. Sau thấy nuôi đà điểu tương lai có thể phát triển được nên mạnh dạn bỏ vốn đầu tư thêm…”.

Triển vọng từ đà điểu…

Từ 9 con đà điểu ban đầu, năm 2001 bà Hồng đã tìm ra tận Trại giống đà điểu ở Ba Vì (Hà Tây) để “tậu” về thêm 30 con đà điểu giống 3 tháng tuổi, giá mỗi con từ 3,5 – 5 triệu đồng. Bây giờ đến trang trại của bà Nguyễn Thị Hồng ngay chân đèo Prenn mọi người dễ nhìn thấy một khu chuồng với hơn 50 chú đà điểu cao to, phổng phao đang tung tăng đùa giỡn dù ngoài trời kia đang mưa bão nhưng với chúng chẳng ảnh hưởng gì. Phía bên trái là khu chuồng đà điểu có 9 con, trong đó được phân ra làm 3 gia đình riêng biệt mà mỗi hộ gồm 2 con cái và 1 con đực. Những con này đích thực được nuôi làm thử nghiệm. 6 con cái này đã đẻ trứng đều.

Báo Công luận
 
Bà Thu bên những quả trứng đà điểu

Theo bà Đoàn Thị Thu – người phụ trách công tác chăm sóc đà điểu cho biết thì đà điểu đẻ đều nhất là vào thời điểm tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Mỗi ả mái sẽ cho “ra đời” từ 6-7 quả trứng/tháng. Mỗi trứng thường nặng từ 1 kg trở lên. Trứng lớn nhất thì được 2 kg. Cạnh khu chuồng có 3 hộ “gia đình” là một dãy chuồng rộng hơn, có chiều dài chừng 100 m, trong đó “tọa lạc” 40 vị đà điểu đang độ tuổi thành niên. Chúng đang nhảy múa, cái cổ cứ ngông ngổng cao. Cũng bởi đà điểu là loài chim thích chạy nhảy, cho nên dưới nền chuồng phải lót lớp cát dày 30 cm. Chuồng trại phải luôn đảm bảo sạch sẽ để tránh các mầm bệnh.

Bà Thu cho biết: “Khác với kỹ thuật chăm sóc đà điểu của trại chuồng đà điểu Khataco ở xứ nóng Quảng Nam, cho đà điểu ăn theo công thức: Rau muống + cỏ voi các loại + pha trộn với ngô, khoai, sắn các loại…Tính ra tiêu tốn 25.000 đồng tiền thức ăn tạo ra được 1 kg tăng trọng thì ở trại chúng tôi, bữa ăn của đà điểu gồm: cám hỗn hợp + bắp và rau xà lách. Mỗi ngày đà điểu được ăn 2 bữa chính vào lúc 6 giờ sáng và 6 giờ tối và cho chúng ăn dặm vào bữa trưa bằng rau xà lách. Bình quân cứ mỗi ngày một con đà điểu sẽ ngốn hết 1 kg rưỡi cám hỗn hợp… Nhờ đó mà chúng lớn nhanh, nhanh lắm, hơn nữa chúng lại tỏ ra rất thân thiện với con người nữa… Mà tụi này không khó nuôi đâu, chúng rất dễ chịu và vui tính nữa. Trời mưa gió vẫn cứ thích nằm ngoài trời dù mình có chuồng trại hẳn hoi. Mưa mấy ngày thì chúng ở ngoài đó mấy ngày, hết nằm thì lại đi. Khi vui thì chúng lại “chơi” vũ điệu múa ba lê rất đẹp mắt. Khi buồn thì chúng lại trở quẻ đá nhau chơi…”.

Báo Công luận
 
Cây kim châm
 

Những chú đà điểu bố sẽ hì hục đào lỗ khi đà điểu mẹ đến giai đoạn sắp “nở nhụy khai hoa”. Khi ả mái “vượt cạn” xong thì gã đực sẽ lấp đất lại và bắt đầu ấp trứng. Tuy nhiên, Đà Lạt là xứ lạnh nên việc ấp trứng của đà điểu không thành công. Để trứng có thể nở được, chỉ có cách ấp nhân tạo.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Lúc trước để trứng đà điểu nở được, tôi phải đem trứng về tận Sài Gòn thuê máy ấp thuê mà trứng chỉ nở đạt 30-40%. Tốn kém và bất tiện quá! Cho nên sau đó tôi quyết định lặn lội ra Ba Vì tìm mua một máy ấp đưa thẳng về Đà Lạt. Đúng thật ngoài sự mong đợi của chúng tôi, kết quả sau 45 ngày ấp, tỉ lệ trứng nở đã “vọt lên” đến 80 – 90%...”.

Những con đà điểu nở ra được chích ngừa ngay. Sau hơn 2 tháng nuôi dưỡng, mỗi con đà điểu có thể bán với giá 3,5 - 4 triệu đồng/con. Đã có nhiều người tìm đến mua trứng đà điểu xuất khẩu nhưng bà Hồng đã không đồng ý bán dẫu rằng 1 trứng đà điểu xuất sang thị trường Úc có giá đến 75 USD. Đà điểu mẹ có giá khoảng 20 triệu đồng/con. Thực tế thị trường thì những bộ phận của đà điểu như: lông, da, vỏ trứng… đều tận dụng được. Trong đó, lông 500 USD/kg (5 con/kg); 400 USD/1m2 da (một con cho từ 1-1,3 m2); 60 USD/ vỏ trứng làm mỹ nghệ. Theo bà Hồng cho biết thì hiện tại trên thị trường, 1kg thịt đà điểu có giá từ 250 – 300.000 đồng. Cứ mỗi tháng bà lại cung cấp cho 1 nhà hàng ở TP HCM đến gần 300 kg thịt đà điểu…

Báo Công luận
 
Và bò sữa

Bây giờ trong trang trại của bà Hồng không chỉ có đà điểu mà còn có 70 con bò sữa, ngoài việc trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, bà còn trồng thêm 2 ha Kim Châm – một cây trồng có giá trị kinh tế cao. Người ta hái bông Kim Châu đi xuất khẩu, có khi phơi khô rồi bán, tiệc tùng cưới hỏi thì người ta thường mua với giá 15.000 đồng/kg. Điều đáng nói là trang trại của bà đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương với mức lương bình quân 1,3 triệu đồng/người/tháng.

Bà Hồng tâm sự: “Nói thật, từ lúc lên khởi nghiệp trang trại ở đây, nhìn bãi đất sình lầy, mình cũng “lạnh”. Nhưng đã quyết tâm rồi thì còn sợ gì nữa. Chỉ trong vòng vài năm cải tạo lại đất, bây giờ đất sình ngày trước đã trở thành một trang trại bề thế rồi. Tôi thực sự tin rằng trang trại đà điểu của mình sẽ có triển vọng hơn…”.

Một điều bất ngờ nữa, trước khi chia tay, bà Hồng đã “bật mí” sẽ dự định biến nông trại của mình thành một địa điểm du lịch của “thành phố sương mù”. Theo đó, bà sẽ cho xây dựng một khu khách sạn phía mặt tiền dọc theo quốc lộ 20. Và tại đây, chẳng những khách du lịch sẽ hài lòng khi mỗi sớm thức dậy được nghe tiếng gà gáy Ò…Ó…O…, khi ông mặt trời lên lại có thể rảo bước ghé ngang chuồng đà điểu để xem những anh chàng “cao cổ” nhảy múa…, mà còn thoải mái tinh thần hơn khi được dịp thưởng thức cả hương hoa trong vườn…

                                                                                                           Tiểu Tịnh - Hải Âu

Tin khác

Hải Dương: Khẩn trương rà soát, bổ sung, thay đổi, sửa đổi để phù hợp thực tế khi thực hiện Đề án 06

Hải Dương: Khẩn trương rà soát, bổ sung, thay đổi, sửa đổi để phù hợp thực tế khi thực hiện Đề án 06

(CLO) Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hải Dương vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả chuyển đổi số gắn với thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh.

Tin tức
Không gian mạng là một không gian mới để làm thông tin đối ngoại

Không gian mạng là một không gian mới để làm thông tin đối ngoại

(CLO) Thời gian tới, Chính phủ coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, tạo hiệu quả đột phá.

Tin tức
Diễn đàn Horasis: Chính phủ Việt Nam sẽ lắng nghe doanh nghiệp để khởi tạo cho giai đoạn phát triển mới

Diễn đàn Horasis: Chính phủ Việt Nam sẽ lắng nghe doanh nghiệp để khởi tạo cho giai đoạn phát triển mới

(CLO) Phát biểu khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nhằm sớm đạt được những cơ sở pháp lý, thể chế đối với chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế carbon thấp, thị trường carbon và những cơ chế khoa học, minh bạch nhất để thực hiện đánh giá những mục tiêu cần đạt được trong phát triển bền vững. Chính phủ sẽ lắng nghe doanh nghiệp để khởi tạo cho giai đoạn phát triển mới.

Tin tức
Thanh Hóa: Nỗ lực đầu tư, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch bảo đảm nguồn cung ứng điện

Thanh Hóa: Nỗ lực đầu tư, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch bảo đảm nguồn cung ứng điện

(CLO) Sáng 15/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tin tức
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ của Bắc Ninh cần được bảo vệ khẩn cấp

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ của Bắc Ninh cần được bảo vệ khẩn cấp

(CLO) Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang mong muốn các ngài Đại sứ Azerbaijan và Kazakhstan quan tâm và ủng hộ để nghề làm tranh dân gian Đông Hồ của tỉnh Bắc Ninh sớm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Tin tức