NXBGDVN đã có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng, nghiêm túc trong việc triển khai biên soạn SGK phục vụ đổi mới giáo dục
Trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cho biết: Từ năm học 2024-2025, NXBGDVN đã thực hiện điều chỉnh giảm giá SGK. Về việc nâng cao chất lượng SGK, NXBGDVN đã có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng, nghiêm túc trong việc triển khai biên soạn SGK phục vụ đổi mới giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thưa ông, sự khác biệt lớn nhất giữa sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới) và chương trình cũ là xã hội hóa sách giáo khoa là gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NXB
Điểm khác biệt lớn nhất giữa SGK theo chương trình mới so với giai đoạn trước là có nhiều bộ SGK được tổ chức biên soạn, thẩm định và đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay vì chỉ có 1 bộ SGK được sử dụng thống nhất trên cả nước.
Điểm khác về quá trình biên soạn, xuất bản SGK Chương trình GDPT 2018 so với trước kia thể hiện ở những điểm sau:
- SGK trước đây đều do Bộ GD&ĐT xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, dạy thí điểm, tập huấn giáo viên. NXB chỉ thực hiện từ khâu biên tập, xuất bản, in và phát hành.
- Với SGK Chương trình 2018, các NXB/đơn vị tổ chức biên soạn phải thực hiện toàn bộ các khâu từ xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, biên tập; tổ chức thực nghiệm; giới thiệu, tập huấn giáo viên; xuất bản, in và phát hành. Và các đơn vị xuất bản phải chịu gần như hầu hết các chi phí liên quan đến cả quá trình này.
- Trước đây do chỉ có 01 bộ SGK nên không phải thực hiện công đoạn giới thiệu sách. Khi thực hiện xã hội hóa SGK thì các NXB phải tự tổ chức giới thiệu sách tới giáo viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc bằng nhiều phương thức khác nhau.
- Việc cung ứng sách cũng phức tạp hơn do các địa phương không lựa chọn SGK theo bộ mà lựa chọn theo môn học. Các trường học có thể lựa chọn sách từ nhiều bộ khác nhau. Do đó các đơn vị xuất bản cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình cung ứng SGK theo nhu cầu riêng của từng trường.
Các nhà xuất bản có vai trò, đóng góp như thế nào đối với sự thành công của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK hiện nay, thưa ông?
Sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, tổ chức, doanh nghiệp xuất bản SGK là yếu tố quyết định sự thành công của chủ trương xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa việc biên soạn SGK. Tài liệu học tập phong phú, có chất lượng tốt về nội dung và hình thức, góp phần đắc lực thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước nhà.
NXBGDVN có gần 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản SGK. Hiện, NXBGDVN có 2 trong số 3 bộ SGK biên soạn theo chương trình 2018 là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, gồm đầy đủ sách của các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12.


Các bộ SGK của NXBGDVN được đa số các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sử dụng và đánh giá cao.
Các bộ SGK của NXBGDVN được đa số các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sử dụng và đánh giá cao. Đây là minh chứng cho thấy NXBGDVN đã có những đóng góp tích cực vào sự thành công của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Làm SGK không chỉ là một hoạt động kinh doanh của NXBGDVN mà còn thực hiện trách nhiệm xã hội của đơn vị. Ông có thể chia sẻ những nỗ lực của NXB để thực hiện điều này trong thời gian qua?
Chúng tôi luôn xác định NXBGDVN là đơn vị thuộc ngành GD&ĐT. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ phải đảm bảo cung ứng đủ SGK cho HS cả nước thì NXB còn phải có trách nhiệm với xã hội. Do đó, trong suốt quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển, NXBGDVN luôn đặt hoạt động xã hội, từ thiện đồng hành với hoạt động kinh doanh, coi đây là “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp.
Hàng năm, NXBGDVN luôn dành khoản kinh phí đáng kể cho hoạt động này: chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa; tặng SGK cho con thương binh, liệt sĩ; tặng sách và học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước; tặng sách cho thư viện các trường học; ủng hộ giáo viên và học sinh vùng bị thiên tai, lũ lụt…
Có thể kể đến một số chương trình lớn gần đây như:
- Năm 2019, NXBGDVN thực hiện chương trình tặng 25.000 bộ SGK tiếp bước HS có hoàn cảnh khó khăn đến trường.
- Năm 2020, NXBGDVN xây dựng và triển khai chương trình tặng SGK cho các em học sinh lớp 1 có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương trên toàn quốc, với tên gọi: Cùng đón em vào lớp 1.
- Trong các năm 2021 và 2022, NXBGDVN đã thực hiện chương trình Cùng tiếp bước em tới trường trao tặng 50.000 bộ SGK mỗi năm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc.
- Đặc biệt, trong năm 2023, ngoài chương trình Cùng tiếp bước em tới trường với số lượng sách trao tặng là 156.342 bộ SGK, NXBGDVN đã triển khai chương trình Tặng Tủ SGK dùng chung cấp Tiểu học với số lượng là 890 tủ (tương ứng với hơn 100.000 bộ SGK và hơn 7.000 bộ SGV) cho các trường/điểm trường Tiểu học vùng khó khăn trên toàn quốc và chương trình Trao tặng Học bổng cho học sinh nghèo vượt khó – học tốt với 4.042 suất học bổng (trị giá trên 10 tỉ đồng).
- Năm học 2024-2025, NXBGDVN tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình Tủ SGK dùng chung. Cụ thể trao tặng khoảng 1.000 Tủ SGK dùng chung cho các trường/điểm trường cấp Trung học cơ sở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… trên toàn quốc, trung bình mỗi tỉnh 15 tủ. Mỗi tủ sách gồm 90 bộ SGK và 06 bộ sách giáo viên từ lớp 6 đến lớp 8 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời tặng bổ sung vào các Tủ SGK dùng chung cấp Tiểu học (đã được NXBGDVN thực hiện năm 2023) khoảng 30.000 bộ SGK và 2.000 bộ SGV lớp 5 (mỗi tủ sách gồm 30 bộ SGK và 02 bộ SGV).
Chương trình trao tặng Tủ SGK dùng chung dự kiến sẽ triển khai từ tháng 10/2024, với tổng trị giá khoảng 27 tỉ đồng.
- Gần đây nhất là chương trình ủng hộ cho giáo viên và học sinh các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do bão số 3, NXBGDVN đã thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội... và trao tặng trực tiếp tại địa phương với tổng số tiền hỗ trợ là 835 triệu đồng cùng hơn 4.000 bộ SGK cho học sinh các tỉnh: Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn...
Để thực hiện các chương trình trên, NXB đã phải nỗ lực tiết giảm chi phí, cân đối kết quả sản xuất kinh doanh để vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động của đơn vị, vừa thực hiện trách nhiệm với xã hội.
Không chỉ đóng góp bằng tiền mặt, sách giáo dục và các hiện vật khác, NXBGDVN còn tham gia trực tiếp vào các hoạt động từ thiện. Thông qua sự hỗ trợ thông tin từ các Sở Giáo dục, phòng giáo dục, các công ty sách – thiết bị địa phương, các tổ chức xã hội thiện nguyện khác…, các cán bộ, nhân viên NXB đã phối hợp cùng chính quyền, công đoàn NXBGDVN vượt đường xa đến các trường học khó khăn tại các huyện, xã xa xôi, hẻo lánh ở các tỉnh, thành trên cả nước để trao quà trực tiếp cho học sinh (SGK, học bổng, văn phòng phẩm…), thầy cô giáo (hỗ trợ xây tặng nhà công vụ) hoặc trao tặng sách tham khảo, trang thiết bị dạy học các nhà trường.
Những đóng góp thiết thực của NXBGDVN hàng năm đã góp phần giúp đỡ hàng nghìn em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, có cơ hội trở thành người công dân tốt, có trí tuệ, tài năng để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời hỗ trợ nhiều trường học có thêm nguồn tài liệu và trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường.
Trách nhiệm xã hội của NXBGDVN còn thể hiện ở việc đảm bảo cung ứng SGK với giá sách giảm thấp nhất có thể và nâng cao dân trí với nhiều sản phẩm sách có chất lượng… Để làm được điều này, NXB đã phải làm những gì, thưa ông?
Thời gian vừa qua, dư luận cho rằng NXBGDVN lãi lớn từ SGK nhưng trên thực tế, lợi nhuận từ SGK là có nhưng lãi ít. Hầu hết nguồn vốn sản xuất kinh doanh của NXBGDVN hiện nay từ vốn vay ngân hàng. Lợi nhuận của NXBGDVN chủ yếu có được từ các loại sách khác (như sách bổ trợ, sách tham khảo) vốn là loại sách mà bất cứ đơn vị xuất bản nào cũng được tham gia làm.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trao tặng sách giáo khoa cho học sinh huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Đại diện NXBGDVN tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai.

NXBGDVN trao tặng 45 tủ sách giáo khoa cho các thư viện trường học của tỉnh Gia Lai.
Mặc dù lợi nhuận thu được từ SGK là rất thấp, song thực hiện chỉ đạo của các cấp quản lý, đồng thời xác định trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GD&ĐT, NXBGDVN xác định việc hỗ trợ giáo viên, học sinh và đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Vì vậy, từ năm học 2024-2025, NXBGDVN đã bằng mọi biện pháp thực hiện điều chỉnh giảm giá SGK. Cụ thể:
- Đối với SGK tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11), NXBGDVN đã rà soát các khoản mục chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, các chi phí khâu lưu thông để giảm giá SGK. Theo đó, giá bìa mới của các cuốn SGK tái bản áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Cụ thể, giá bìa bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bìa bộ SGK Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.
- Đối với giá SGK các lớp 5, 9, 12, NXBGDVN cũng đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản.
Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống NXBGDVN để có giá SGK ở mức thấp nhất, vì mục tiêu hỗ trợ giáo viên và học sinh, đảm bảo an sinh xã hội. Toàn bộ giá SGK các lớp đã được NXBGDVN hoàn thành thủ tục kê khai với Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính theo đúng quy định.
Để đảm bảo chính xác, rõ ràng, bảo vệ quyền lợi cho học sinh và người dùng, bảng giá mới SGK đã được niêm yết đầy đủ, công khai tại các điểm bán SGK trên toàn quốc; trên trang thông tin điện tử tổng hợp của NXBGDVN và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
PV
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, SGK đóng vai trò quan trọng trong hầu hết mọi hệ thống trường học trên thế giới, là nguồn tài nguyên hữu ích cho cả giáo viên và học sinh. Tính “đặc thù” của việc làm SGK thể hiện ở nhiều điểm sau: - SGK được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; - SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định và ban hành sử dụng trong toàn quốc; - SGK là loại sách thường có số lượng in ấn và phát hành lớn; - Việc tổ chức biên soạn SGK thường gắn với các chủ trương lớn về giáo dục của Đảng và Nhà nước;- SGK luôn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội bởi đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác giáo dục – một trong các lĩnh vực liên quan đến hầu hết mọi gia đình trong cộng đồng xã hội. - SGK là dạng ấn phẩm đặc biệt, đòi hỏi tính chính xác cao nên công đoạn làm sách phải hết sức bài bản, chặt chẽ và cần tính chuyên nghiệp.