"Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn…"

Thứ bảy, 13/02/2021 14:15 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ở thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước và ngay cả bây giờ, ca khúc “Ở hai đầu nỗi nhớ” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc bài thơ cùng tên của nhà báo - nhà thơ Trần Đình Chính rất nổi tiếng và được nhiều người yêu thích.

Đặc biệt những cựu binh từng chiến đấu trên chiến trường Campuchia (K) rất thích ca khúc trữ tình này.

Điều này cũng dễ hiểu vì Trần Đình Chính viết bài này ở Pailin - khi ấy là một địa danh thuộc tỉnh Battambang. Đây là một trong những chiến địa hết sức ác liệt của bộ đội ta trong những năm chiến đấu trên chiến trường K, gần với những địa danh chiến trường gần đó như Tà Sanh, Sam Lot, Cao Mê Lai…, gần sát biên giới với Thái Lan, lúc đó đầy rẫy những căn cứ lõm của tàn quân Pol Pot - Iêngxari.

“Anh đang ở Pailin

Rừng khộp khô trong nắng

Thương em chiều mưa lạnh

Muốn gửi chút nắng hồng…”

Nguyên văn khổ thơ này là như vậy nhưng khi phổ nhạc, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không đưa địa danh chiến trường này vào ca khúc. Một lần cà phê với bác Phan Huỳnh Điểu, tôi có hỏi ông vì sao như vậy, ông bảo ít người biết địa danh chiến trường này và ông muốn biến bài thơ này thành một ca khúc ngợi ca tình yêu. Và ông đã thành công.

Báo Công luận

Nhưng với tôi và những cựu binh chiến trường K, từng chiến đấu gần 10 năm đằng đẵng ở Pailin, mỗi khi ca sĩ Bảo Yến cất lên giai điệu này, hình ảnh đồi núi Pailin hiện lên với những bãi mìn dày đặc, những khu rừng nguyên sinh ẩn hiện những bóng áo đen Pol Pot, những trận chiến khốc liệt trên những ngọn đồi chiến lược được bộ đội đặt tên trên bản đồ tác chiến như Đồi Chuối, Đồi Tre, đỉnh B1, B2, B6…, nơi mà xương máu bộ đội ta đổ ra hòa quyện với nước những dòng suối chảy xiết trong những mùa mưa Pailin đầy muỗi và sốt rét.

Năm 1980, Trần Đình Chính là phóng viên của Báo Nhân Dân, anh đi công tác ở Pailin. Đó là những năm chúng tôi cũng có mặt ở chiến trường này, chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 812 - Sư đoàn 309, thuộc Mặt trận 479. “Pailin, thành phố của kim cương và sốt rét” - bộ đội K thường nói về Pailin như vậy. Một thị trấn nổi tiếng với mỏ hồng ngọc Pailin và là địa danh “đen” về sốt rét, được các nhà dịch tễ học khoanh đen trên bản đồ sốt rét thế giới. Pailin lúc đó là một thị trấn, được chế độ Lonol trước đó xây dựng khá hiện đại, để khai thác mỏ hồng ngọc nổi tiếng tại đây, nên những khu biệt thự, tòa nhà đúc còn nguyên vẹn, và đó là lý do Trung đoàn bộ 812 đóng đại bản doanh tại đây.

Báo Công luận

Pailin có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Nắng thì kinh hoàng, hầu như các con suối đều cạn nước. Khát nước là nỗi ám ảnh của bộ đội Việt Nam, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn từ Tà Sanh, Xam Lot, đến Pailin, Cao Mê Lai khô không khốc. “Khỏe như voi, đến Cao Mê Lai cũng phải quay đầu trở lại”, câu ngạn ngữ này nói lên sự khắc nghiệt tận cùng của vùng đất này. Mùa mưa thì triền miên, từ tháng 3 đến tháng 10, mưa thúi trời thúi đất:

“Nằm đếm tiếng mưa rơi

Được mấy triệu hạt rồi

Mà chưa vơi nỗi nhớ...”

Trần Đình Chính viết về nỗi nhớ người yêu nhưng cũng cho thấy mưa đêm ở Pailin dằng dặc nỗi nhớ và lãng mạn.

Trần Đình Chính (tức Trần Hoài Thu), là nhà báo, anh làm thơ không nhiều nhưng chỉ với bài thơ này, anh đã được bạn đọc yêu mến, bởi đó là tiếng nói đầy ắp yêu thương của tình yêu và nỗi nhớ. Bài thơ được đăng trên Báo Nhân Dân năm 1984, năm 1987 được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhận xét: “Điểm đặc biệt của “Ở hai đầu nỗi nhớ” là càng trải qua thời gian càng có thêm nhiều người yêu mến. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, “Ở hai đầu nỗi nhớ” là bài thơ, bài hát mà tôi yêu thích nhất”.

“Có một không gian nào

Đo chiều dài nỗi nhớ

Có khoảng mênh mông nào

Sâu thẳm hơn tình thương…”

Nếu bạn chưa đến Pailin, đọc những câu thơ này cũng có thể hình dung được Pailin là vùng đất trung du, biên giới. Ở đó bầu trời biên giới như gần xuống, mênh mông đầy gió, mưa và nắng. Nó bồng bềnh, sâu thẳm như tình cảm bất tận của chàng trai gửi về người yêu của mình.

“Ở đầu này nỗi nhớ

Anh mơ về bên em

Ngôi sao như xuống thấp

Cho ta gần nhau hơn…”

Như Trần Đình Chính từng tâm sự, lúc đó anh công tác ở Pailin, còn người yêu anh công tác ở Pnom-Pênh nên đó là nỗi nhớ lãng mạn nhưng rất thực. Đó cũng là lý do nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường K yêu thích bài thơ, bài hát này. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, cho rằng bài thơ đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Không ồn ào, không nỉ non, những từ ngữ trong sáng, mượt mà, bản thân nó đã toát lên vẻ thanh khiết của một mối tình. Bài thơ là tiếng nói đầy ắp yêu thương của tình yêu và nỗi nhớ. Đó cũng là cảm nhận của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi ông muốn phổ bài thơ này để ca ngợi tình yêu trong sáng, thủy chung.

Nhà thơ, nhà báo Trần Đình Chính (trái) và Tổng Giám đốc Công ty Maseko Nguyễn Xuân Hàn tại buổi lễ ký kết mua bản quyền bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” với giá kỷ lục 300 triệu đồng. Ảnh: Tư liệu.

Nhà thơ, nhà báo Trần Đình Chính (trái) và Tổng Giám đốc Công ty Maseko Nguyễn Xuân Hàn tại buổi lễ ký kết mua bản quyền bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” với giá kỷ lục 300 triệu đồng. Ảnh: Tư liệu.

Năm 2013, khi Trần Đình Chính mắc bệnh hiểm nghèo, vì yêu thích bài thơ này mà Tổng Giám đốc Công ty Maseko - ông Nguyễn Xuân Hàn đã mua bản quyền bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” với giá 300 triệu đồng, để giúp nhà thơ chữa bệnh.

Pailin với cố nhà thơ Trần Đình Chính, với các cựu chiến binh trên chiến trường K, với những người yêu bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ” có thể giờ rất xa, rất xa nhưng từ mảnh đất chiến địa ấy, chúng ta có một bài thơ, một ca khúc để đời.

Năm 2017, tôi có dịp trở lại Pailin. Pailin giờ đây không còn những cánh rừng bạt ngàn, không còn mỏ hồng ngọc nổi tiếng, những cánh rừng cà phê cực ngon một thời. Giờ đây là một thành phố biên giới tương đối nhộn nhịp. Một đêm uống rượu thật nồng ấm cùng với đồng đội, với những người còn sống và cả với hương hồn anh em đã hy sinh. Đêm Pailin huyền hoặc, bóng sao, bóng đêm sóng sánh tràn đầy trong ly rượu say nồng, như một giấc mơ mà gần 40 năm trước chẳng đồng đội nào có thể hình dung được.

Đêm Pailin không có tiếng mưa rơi nhưng bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ” vang lên, làm đồng đội tôi bồi hồi, xúc cảm, nhiều người rơi nước mắt.

Đêm thung lũng Pailin huyền hoặc, nghe những ngọn gió núi từ biên giới Thái Lan ù ù thổi về lạnh người. Không còn những tiếng chim đêm làm bộ đội giật mình như ngày nào văng vẳng trên rừng cà phê bất tận, chỉ có tiếng rì rào sâu thẳm trong tâm hồn, như lời đồng đội đang nhắn nhủ điều gì đó thiêng liêng lắm.

Xin cảm ơn nhà thơ Trần Đình Chính, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như đã tặng cho anh em cựu chiến binh chiến trường K bài thơ, ca khúc bất hủ “Ở hai đầu nỗi nhớ”!

Lưu Nhi Dũ

Tin khác

Nón lá hai mê của người Tày ở Hà Giang - Không chỉ là vật che mưa nắng

Nón lá hai mê của người Tày ở Hà Giang - Không chỉ là vật che mưa nắng

(CLO) Nghề thủ công truyền thống làm Nón lá hai mê tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở đây.

Đời sống văn hóa
Trình diễn nghệ thuật nhạc kịch tại Carnaval Hạ Long 2024

Trình diễn nghệ thuật nhạc kịch tại Carnaval Hạ Long 2024

(CLO) Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024 sử dụng nghệ thuật nhạc kịch, kết hợp hài hòa với các yếu tố lịch sử, văn hóa để làm nổi lên các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Tối 24/4, lễ khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính thức diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và trình chiếu phim truyện "Đào phở và Piano".

Đời sống văn hóa
Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

(CLO) Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

(CLO) Những ngày này, hoa lục bình ở những cánh đồng trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội đua nhau bung nở sắc tím biếc tạo nên khung cảnh vô cùng thơ mộng thu hút giới trẻ Thủ đô tới check-in, chụp hình.

Đời sống văn hóa