Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - năm 2018:

Ở nơi ân nghĩa mênh mông

Chủ nhật, 23/06/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chương trình truyền hình “Ở nơi ân nghĩa mênh mông” của nhóm tác giả Thái Cường, Nguyễn Thủy, Thu Bình, Danh Công, Vân Dung, Đức Duẩn (Đài PTTH Lai Châu) là câu chuyện kể về tình quân dân cá nước, mảng đề tài nhân văn cao cả, ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ vai mang quân hàm xanh.

Trong thời chiến, họ là những người ở tuyến đầu trực tiếp đối mặt với kẻ thù, nhưng nay, mặc dù thời bình, công việc và sự hy sinh ấy không hề vơi bớt.

Mảng đề tài nhân văn cao cả

Ê kíp làm phóng sự muốn khắc họa rõ nét nhất những hình ảnh chân chất, bình dị ấy, không phải để kể về chiến công của các anh, mà để tất cả mọi người thấy được rằng: công lao lớn nhất của các anh được ghi nhận bằng tình yêu thương vô bờ của bà con nhân dân - các anh luôn là con em của mỗi gia đình đồng bào nơi biên giới - mãi mãi sống, chung nhịp tim đập, chung nhịp thở với bà con. Đó là tình cảm quân – dân cá nước ở vùng đất nhiều khó khăn như Lai Châu.

“Lên công tác tại Lai Châu hơn 14 năm, may mắn là tôi được đến khá nhiều Đồn Biên phòng và phỏng vấn trò chuyện cũng khá nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Mỗi lần thực hiện tác nghiệp là một cảm xúc khác nhau. Nhưng cảm xúc chung khi nghĩ đến các anh, đến những công việc các anh đang làm là sự khâm phục, tin tưởng và trân trọng” – nhà báo Nguyễn Thủy chia sẻ về những cảm xúc của mình về công việc mà những người lính mang quân hàm xanh đang làm. Và cảm xúc ấy đã khơi nguồn cho ý tưởng ra đời của tác phẩm này.

Ê kíp nhà báo phóng viên Đài PTTH Lai Châu đang biên tập và dựng chương trình

Ê kíp nhà báo phóng viên Đài PTTH Lai Châu đang biên tập và dựng chương trình "Ở nơi ân nghĩa mênh mông".

Trong tác phẩm, công chúng đã thấy hiện lên rất nhiều nội dung nhưng xuyên suốt là hình ảnh những người lính biên phòng với tình quân dân như cá với nước. Câu chuyện về việc các chiến sĩ biên phòng thực hiện công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là câu chuyện của Đại tá Lò Văn Hiêng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ cùng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị vận động hỗ trợ làm nhà và giúp bà con dân tộc La Hủ (dân tộc ít người và đặc biệt khó khăn nhất nước chỉ có ở Lai Châu); câu chuyện các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Tần giúp đỡ gia đình ông bà già (bà thì mắt bị lòa, ông thì bị bệnh tâm thần). Hai vợ chồng ông bà không có con cái, nhưng những người lính quân hàm xanh sẽ là những người con luôn kề vai giúp sức đỡ đần tuổi già sớm chiều mưa nắng. Bếp lửa hồng đoạn kết luôn cháy, ấm mãi tình quân dân cá – nước. Câu chuyện về người dân (anh Lý Văn Khiêu) cũng như rất nhiều người dân nơi biên giới cũng luôn yêu thương, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ, để họ cũng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi biên giới.

Trong phóng sự có rất nhiều hình ảnh dữ dội và gai góc: những cơn lũ dữ như thác đổ, nhà cửa tan hoang, đau thương và mất mát… được thể hiện trong tác phẩm. Ê kip làm chương trình của Đài PTTH Lai Châu không giấu được cảm xúc về những câu chuyện đã chứng kiến trong quá trình tác nghiệp: “Phóng sự này được hoàn thiện trong tháng 10/2018, những hình ảnh về sự mất mát trong những phút đầu của phóng sự được những đồng nghiệp ghi lại để phát sóng. Trong đó, những hình ảnh đau thương như: những gia đình có những đứa trẻ bị vùi lấp trong đất đá; nhà cửa, tài sản của người dân bị vùi lấp, bị cuốn trôi trong sự bất lực; các chiến sĩ biên phòng dầm mình trong mưa lũ, đẩy từng hòn đá tảng, cào từng hòn đá nhỏ, nhặt từng cành cây để tìm người bị nạn – đó là những hình ảnh khiến ê kíp làm chương trình bị ám ảnh, đau xót không chỉ trong quá trình tác nghiệp và ngay cả khi hoàn thiện kịch bản”.

14
Hình ảnh các chiến sỹ đồn Biên phòng Pa Ủ đang giúp dân trong cơn lũ giữ được ê kíp Đài PT-TH Lai Châu ghi lại.

Hình ảnh các chiến sỹ đồn Biên phòng Pa Ủ đang giúp dân trong cơn lũ giữ được ê kíp Đài PT-TH Lai Châu ghi lại.

Ghi nhận từ sự nỗ lực

Khi được hỏi lí do vì sao có sự lựa chọn đề tài người lính mà không phải bất cứ con người hay ngành nghề nào khác để thực hiện, Nhà báo Thái Cường, Phó Giám đốc Đài PTTH Lai Châu chia sẻ: “Đề tài tình quân dân là không mới nhưng ở vào từng hoàn cảnh cụ thể như những cơn lũ dữ, sạt lở đất ập đến thì các anh là một trong những lực lượng có mặt trước tiên; trong cơn lũ các anh dầm mình tìm kiếm người bị nạn, rồi kể cả khi cơn lũ đi qua, các anh vẫn bên bà con… khiến chúng tôi khâm phục bội phần. Từ đó, ê kíp đã chọn chủ đề là không chỉ trong thiên tai, hoạn nạn, mà mở rộng cả trong khó khăn, cuộc sống thường ngày, các anh vẫn luôn đồng hành, sát cánh với bà con nơi biên giới. Đơn cử như công việc vực dậy dân tộc La Hủ - một dân tộc đặc biệt khó khăn chỉ có ở Lai Châu. Và đáp lại tình cảm của các anh là những việc làm cụ thể của người dân như anh Khiêu – người đã 20 năm tình nguyện lái đò chở các chiến sĩ tuần tra trên những con sông dữ.

Là những phóng viên miền núi, ngoài những bài tuyên truyền chính sách, mô hình hay, cách làm sáng tạo; tuyên dương những tấm gương điển hình người tốt, việc tốt; phản ánh rõ nét đời sống văn hóa tinh thần của người dân… bản thân ê kíp luôn nỗ lực tìm tòi những đề tài hấp dẫn. Vì thế dù đường sá xa xôi, đi lại cách trở nhưng ê kíp vẫn nỗ lực hoàn thành tác phẩm, chuyển tải thông tin đến bà con”.

LC3

Tác nghiệp trong điều kiện mưa lũ ở miền núi không phải là điều đơn giản. Trước khi thực hiện tác phẩm, ê kíp cũng đã phần nào mường tượng được những khó khăn sẽ gặp phải. Cả quá trình tác nghiệp đều trong điều kiện, bối cảnh không  thuận lợi: mưa lũ, nhiều xã bản bị chia cắt, đi lại rất vất vả. “Trước đó do không kịp lên ghi hình tại hiện trường nên chúng tôi đã có sử dụng một số clip của đồng nghiệp tại Đài. Khi đến được nơi, để có được hình ảnh các anh bộ đội biên phòng giúp người dân khắc phục mưa lũ, chúng tôi phải đi bộ hàng buổi (vì sạt đường) mới đến được và ở lại ghi hình các nội dung khắc phục mất vài ngày. Để có được toàn cảnh và người xem thấy được quá trình giúp bà con dân tộc La Hủ, chúng tôi phải đợi đến vài tháng kể từ khi lúa làm đòng đến khi thu hoạch; hay có hình ảnh đầu nguồn Sông Đà, chúng tôi cũng phải vượt khá nhiều sông suối, đường rừng quanh co hàng ngày đường mới đến được. Trong khi nhiều nơi, bà con không hiểu tiếng phổ thông nên phải nhờ các anh bộ đội biên phòng phiên dịch giúp” - quay phim Đức Duẩn cho biết.

Tuy khó khăn là vậy nhưng điều ê kíp thực hiện chương trình mong muốn nhất là đưa đến công chúng những hình ảnh chân thật và xúc động mà những người lính nơi biên cương vẫn hàng ngày, hàng giờ đối mặt. Biên giới trong lòng dân, vùng biên cương yên bình nhờ các anh chắc tay súng, nhưng cũng một phần, và quan trọng nữa là hơi ấm tình quân dân cá nước một lòng làm nên phên dậu vững chắc của Tổ quốc. Và cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn nào thì những người lính mang quân hàm xanh vẫn luôn sát cánh cùng đồng bào nơi biên giới. Truyền thống quân – dân, cá – nước vẫn luôn thủy chung và luôn được phát huy…

Những ghi nhận từ công chúng chính là kết quả không ngừng nghỉ của ê kíp chương trình: Thái Cường, Nguyễn Thủy, Thu Bình, Danh Công, Vân Dung, Đức Duân sau một thời gian dài “thai nghén” và thực hiện ý tưởng, được khán giả truyền hình đón nhận, được những người làm công tác chuyên môn ghi nhận và đánh giá cao.

Ở nơi ân nghĩa mênh mông, nơi mà những người dân đến mùa lại đối mặt với trắng trời mưa đổ, thác lũ ầm ập kéo về, cuốn phăng nhà phăng cửa, tan hoang bản làng… Ở nơi ân nghĩa mênh mông, nơi mà những mỏm đá cao vút cũng mòn vẹt dưới những bước chân, nơi rừng sâu thăm thẳm cây cỏ đại ngàn cũng vạt đôi tạo thành con đường mòn nhờ người đi lại… Ở nơi đó, có những con người khoác trên mình một màu xanh áo lính, vẫn hàng ngày vượt núi băng rừng tuần tra đến từng bản từng làng. Ở nơi đó cũng có những con người mang theo hành trang là sự ngưỡng mộ bội phần, là tình yêu nghề, tình yêu với núi rừng đến day dứt  mới giúp họ vượt qua những khó khăn, đi đến các bản làng xa xôi lấy tin bài, sản xuất nên một chương trình được người xem đón nhận và được người làm nghề đánh giá cao.

(Trích lời bình trong tác phẩm truyền hình “Ở nơi ân nghĩa mênh mông”)

Nguyệt Hồ

Tin khác

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo
Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

(CLO) Mặc dù tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy theo đúng quy định, nhưng phóng viên Thời báo VTV và VnExpress bất ngờ bị nhóm 3 đối tượng cản trở, hành hung.

Nghề báo