Ốc đảo của tình yêu nghệ thuật thứ 7

Thứ hai, 05/11/2018 10:44 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nằm khuất sau vài khúc quanh co giữa Kẻ Bưởi, Ơ Kìa Cinema nằm trong một không gian khá tĩnh so với ồn ào của đô thị Hà Nội. Mặc dù không gian này đi vào hoạt động cách đây chưa lâu nhưng nơi đây đã bắt đầu có những vị khách quen thuộc. Người ta, một mình hoặc cùng gia đình, đến đây để xem một bộ phim, cùng trao đổi về ngôn ngữ điện ảnh, hoặc chỉ đơn giản là thưởng thức một ly cà phê dưới những tán cây xanh mát.

Báo Công luận
 Không gian của Ơ Kìa Cinema. Ảnh: V.H

Khán giả từng bị “bỏ quên”

Chủ nhân của không gian Ơ Kìa Cinema là một nhà làm phim độc lập – Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người được biết đến là Giám đốc sản xuất phía Việt Nam của bộ phim “Bi, đừng sợ!” và gần đây là bộ phim “Đập cánh giữa không trung” đoạt được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước

Cách đây vài năm, Nguyễn Hoàng Điệp được nhạc sĩ Dương Thụ tín nhiệm giao phụ trách Salon Điện ảnh (nằm trong chuỗi Cà phê văn hóa Thứ Bảy). Cách thức hoạt động của Salon Điện ảnh cũng rất thú vị. Ở đây chiếu phim kinh điển, phim đoạt các giải thưởng trong các liên hoan phim lớn và phim tác giả, phim chủ đề do các đạo diễn nổi tiếng lựa chọn giới thiệu và thảo luận cùng với người xem. Và như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói, đấy là những bộ phim “xứng đáng được chia sẻ với công chúng”.

Bằng công việc thực tiễn và tình yêu với điện ảnh, Nguyễn Hoàng Điệp nhận ra công chúng của bộ môn nghệ thuật thứ 7 ở Hà Nội thật ra đã bị “bỏ rơi” trong một quãng thời gian dài. Ở thành phố lớn như Hà Nội, với vô số các rạp chiếu và các nhà phát hành phim, rất nhanh chóng, chúng ta hoàn toàn có thể xem những bộ phim “bom tấn” của Hollywood cùng lúc với thị trường Bắc Mỹ. “Nhưng có vẻ như chúng ta quên mất rằng, chuyện nhanh hay chậm cũng rất quan trọng, phim đó là phim gì, có phù hợp, quan trọng với chúng ta hay không. Đến một lúc, tôi thấy mình lạc lõng giữa những rạp chiếu phim thương mại”, Điệp nói.

Rất dễ dàng để nhận thấy, rạp chiếu phim hiện giờ chỉ tập trung vào đối tượng khán giả mục tiêu từ 16 – 24 tuổi. Một số khảo sát không chính thức chỉ ra rằng, các nhóm khán giả ở độ tuổi khác, hoặc ở mức thu nhập chưa đủ cao, hoặc ở các nhóm khu biệt về giới tính đang vô hình trung bị gạt khỏi rạp chiếu công cộng. Và vì vậy, ngay cả khi họ ở thành phố lớn, có rất nhiều rạp chiếu bóng hiện đại thì việc không đi xem phim vì không có phim phù hợp hoặc cảm thấy không thoải mái khi đến rạp…thậm chí diễn ra trong nhiều năm.

Các phim hay trên thế giới, các phim kinh điển, phim thể nghiệm, phim nghệ thuật, phim độc lập, phim tài liệu… thường hiếm khi xuất hiện tại Việt Nam. Nhường chỗ hoàn toàn cho phim bom tấn, hành động, ngôn tình…

Cần có một nơi để công chúng được xem và được biết đến sự đa dạng và vẻ đẹp đích thực của điện ảnh!!!

Báo Công luận
 Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Ảnh: V.H

Những nỗ lực và trăn trở của Điệp gặp một cơ may mà thoạt nghe có vẻ buồn cười, đó là... thuê được địa điểm. Ơ Kìa Cinema nằm trong một không gian vô cùng hợp lý và nhiều cây xanh. Ở đây có chỗ cho người cần riêng tư, cũng có chỗ cho hội nhóm gặp mặt. Quan trọng nhất là có không gian rộng vài chục chỗ ngồi để làm phòng chiếu – nơi được Nguyễn Hoàng Điệp gọi là “rạp chiếu nhỏ nhất thế gian”.

Đối với nhiều bộ môn nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng, công chúng không phải là không hiểu, không biết hay là chưa cập nhật hơi thở của nghệ thuật đương đại. Nhưng sự hiểu, biết hay cập nhật của mỗi cá nhân thì chỉ ở riêng trong họ. Đến Ơ Kìa Cinema, tất cả được ngồi cùng nhau, xem cùng nhau một bộ phim, cùng chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc. Điệp nói “lúc ấy tạo ra một bầu không khí rất thú vị”.

Sẽ có những điều mà trải nghiệm riêng tư của mỗi người chưa mang lại được, thì chính không khí cởi mở, chia sẻ tạo nên một không gian tư tưởng nhiều chiều khác nhau. “Tôi nghĩ đây là điều điện ảnh xứng đáng có được, khán giả cũng xứng đáng có được”.

Báo Công luận
 Một góc nhỏ của Ơ Kìa Cinema. Ảnh: V.H

Sẽ không có ai bị bỏ rơi

Ơ Kìa Cinema mong muốn kết nối khán giả với điện ảnh bằng cách tạo ra những trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ cho người xem; Mở cửa tự do, chiếu phim phi lợi nhuận; Art-talk trước và sau buổi chiếu dành cho công chúng v.v... Chuỗi các buổi chiếu của Ơ Kìa Cinema được tổ chức vào mỗi cuối tuần theo chủ đề nhất định, các phim được tuyển chọn cẩn thận và là những phim có giá trị nghệ thuật cao và nhất là không được khai thác tại các rạp chiếu thương mại. Trước và sau mỗi buổi chiếu sẽ có chuyện trò, cung cấp thông tin, thảo luận của người host với khán giả về chính bộ phim, hoặc giao lưu giữa khán giả và các nghệ sĩ, các tác giả, các nhà làm phim…

Nguồn phim dành cho các buổi chiếu tại đây cũng rất đa dạng. Ngoài những bản phim miễn phí có chất lượng tốt, đáp ứng được việc trình chiếu, được khai thác qua mạng internet, qua các nhà phát hành có bản quyền, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có một nguồn phim rất quan trọng là từ bạn bè là những nhà làm phim indie khắp thế giới. Cộng đồng những nhà làm phim độc lập hoạt động cũng rất sôi động và thường xuyên có sự trao đổi với nhau về tư tưởng, nghệ thuật, hay giản dị chỉ là chia sẻ tình yêu với điện ảnh.

Báo Công luận
 Một buổi trò chuyện sau khi chiếu phim. Ảnh: Ơ Kìa Cinema.

Nói về không gian Ơ Kìa Cinema, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã viết những dòng như sau: “Tại Hà Nội, thành phố quê hương tôi, mọi người thường nói với nhau rằng sự thanh bình – yên ả – trong trẻo của nó đã lùi xa, rất xa. Nhường chỗ cho ồn ào, xáo động, đứt gẫy, đổ vỡ, bạo lực và rất nhiều điều xấu xí. Tôi xây dựng một khu vườn, nơi tôi cố gắng lưu giữ những kí ức và suy nghĩ của mình về Hà Nội yên bình. Trong khu vườn đó, có một nơi để tôi chiếu phim và trò chuyện với khán giả về vẻ đẹp của điện ảnh. Những bộ phim thường là phim nghệ thuật, ít khi xuất hiện ở các rạp chiếu thương mại. Hoạt động của rạp là phi thương mại. Khán giả thường là phụ nữ, người già, trẻ nhỏ, học sinh… Hầu hết họ đều không tìm được vị trí tại những rạp chiếu công nghiệp vốn dày đặc phim bom tấn, ngôn tình, giải trí. Tôi gọi nó là rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian, nó nhỏ thật, rất nhỏ, chẳng chứa được bao nhiêu người. Nhưng những trải nghiệm điện ảnh đặc biệt mà khán giả và chính tôi nữa, có thể nhận được… đã biến nó trở thành một ốc đảo xanh mát và thanh bình giữa lòng Hà Nội. Ơ Kìa Cinema được coi là một sáng kiến đặc biệt. Một điểm đến độc đáo. Còn với tôi, nó là nơi những điều tốt lành sinh ra, tụ lại, và được chia sẻ thông qua những thước phim tuyệt vời.

Tôi thấy được những hiệu quả mà Ơ Kìa Cinema mang lại cho cộng đồng, nên tôi muốn phát triển nó. Từ một, sẽ có rất nhiều rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian. Tôi gọi dự án nhiều tham vọng này là dự án mơ mộng nhất thế gian. Theo đó, chúng tôi bắt đầu lên bản vẽ cho những rạp chiếu bóng đặc biệt, có hình thái kiến trúc ăn khớp với mỗi địa điểm khác nhau trong cả nước. Những nơi mà chúng tôi thông qua khảo sát thấy rằng cơ hội tiếp cận phim ảnh của người dân, của trẻ em, của phụ nữ… là quá hiếm hoi và khó khăn. Chúng tôi thực sự mong muốn tạo ra không chỉ nơi chốn, mà còn tạo ra một nề nếp thực hành trong việc đưa điện ảnh đến với cộng đồng. Và dần dần, cộng đồng sẽ tiếp quản, triển khai và vận hành rạp chiếu bé nhất thế gian của riêng họ.

Tôi tin, cái đẹp cứu rỗi thế giới".

Tử Hưng

Tin khác

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa
Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa