“Ơi nghe nè” – âm thanh của sự lắng nghe
(NB&CL) “Thông điệp lớn lao từ những điều giản đơn nhất đã tạo nên sức hấp dẫn cho chương trình rất mới - “Ơi nghe nè” - BTV Trí Thức đã tâm sự như vậy khi nói về chương trình phát thanh mới mẻ của VTV Digital phát sóng trên nhiều nền tảng này.
Không màu mè, không kỹ xảo, chương trình “Ơi nghe nè” dù chỉ ở dạng radio số nhưng đã tạo nên sức cuốn hút đặc biệt cùng luồng hiệu ứng mạnh về tinh thần quyết tâm, đoàn kết để chiến thắng đại dịch... Dù chỉ mới ra mắt số đầu tiên vào tháng 8/2021, song lượng người nghe “Ơi nghe nè” vẫn ngang ngửa với nhiều chương trình khác, thậm chí đã có một số “hot” nhận được lượng người nghe kỷ lục.

Người bạn tâm giao của mỗi người
Trong thời điểm TP. Hồ Chí Minh và các địa phương liên tục có nhiều thông tin liên quan đến dịch bệnh, trên các phương tiện truyền thông đều cập nhật diễn biến ca nhiễm, hình ảnh bệnh viện quá tải, lực lượng y bác sỹ, công an, quân đội chống dịch… các tuyến phố con đường vốn náo nhiệt giờ vắng lặng, im lìm và buồn bã. Cuộc sống kéo dài, từ một tuần, hai tuần rồi sang đến tháng thứ hai.
Đại dịch COVID-19 như là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý của nhiều người, dễ mắc các rối loạn về thần kinh như trầm cảm, lo âu, stress sau sang chấn. Ở nhà trong những ngày giãn cách chúng ta đọc rất nhiều, xem rất nhiều và nhìn thấy rất nhiều hơn. Nhưng đến cuối ngày, khi mọi thứ chậm lại, nhắm mắt lại, thứ đi vào giấc ngủ của mỗi người chỉ có âm thanh. Chương trình “Ơi nghe nè” ra đời mong muốn là một phần của âm thanh đó, âm thanh của sự lắng nghe.
Biên tập viên Trí Thức - VTV Digital (tên khán giả thường gọi là Leo) cho biết: Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh nên nhìn đường phố vào thời điểm như vậy buồn muốn rớt nước mắt, người ở các tỉnh tìm đường về quê, người Thành phố thì vật lộn với cuộc sống và chống dịch. Chúng tôi nghĩ mình cần phải làm điều gì đó để chia sẻ với mọi người, mong muốn mọi người bình tĩnh hơn một chút.
“Ơi nghe nè” nằm trong dự án “Vùng xanh hy vọng” của VTV Digital, ra đời tháng 8/2021, chương trình mong muốn truyền đi âm thanh cuối cùng trong ngày đến với mọi người bằng những câu chuyện gần gũi, cảm động để người nghe cảm thấy thoải mái nhất trước khi chìm vào giấc ngủ và gửi gắm thông điệp rằng ngày mai mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Chính bởi vậy, chương trình Poscast này ngay từ tiêu đề đã tạo cảm giác thân mật, để ai cũng muốn ngồi xuống bình tĩnh, cùng nhau lắng nghe, chia sẻ. Đó là những Podcast “Ơi nghe nè”: Bỗng dưng mồ côi; Những người “bao đồng” trong thành phố; Trò chuyện cùng đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - Phim VTV Đặc biệt “Ranh giới”; Ông tổ trưởng - Bà tổ trưởng... “Ơi nghe nè không phải là định hướng tư tưởng mà đơn giản là liều thuốc tinh thần, giúp cho mỗi người bình tĩnh và có nhiều suy nghĩ tích cực hơn trong mùa dịch” – BTV Tri Thức tâm sự.

Chia sẻ thời điểm bắt đầu làm chương trình, BTV Trí Thức cho biết thêm: Từ trước tới nay chúng tôi thường làm truyền hình, có thể dùng hình ảnh để thể hiện thông tin mà không cần nói nhiều. Nhưng làm dạng radio thì không có được sự hỗ trợ của hình ảnh, bình thường nếu như một nhân vật khóc trên tivi là người xem có thể đồng cảm rồi. Tuy nhiên trong “Ơi nghe nè” chỉ có giọng nói thôi, vậy làm sao vẫn phải có sự thú vị, chân thật lại có câu chuyện hấp dẫn... Đó thực sự là bài toán khó mà ê-kíp làm chương trình chúng tôi phải vượt qua.
Trong quá trình triển khai các số trong tuần, ê-kíp của “Ơi nghe nè” luôn tìm kiếm những nhân vật có câu chuyện đặc sắc, những kỷ niệm cảm động về đức hy sinh, về tinh thần cống hiến, vượt qua nghịch cảnh trong đại dịch. Tuy nhiên tìm được nhân vật rồi nhưng nhân vật đó phải có khả năng truyền tải được câu chuyện của chính mình, đó lại là một câu chuyện khó hơn.
“Có những nhân vật làm được rất nhiều việc cho xã hội, nhưng họ không muốn nói ra, vì thế qua cách nói chúng tôi phải thể hiện sự cảm thông, lòng biết ơn, để họ cảm thấy không bị khó chịu, không có cảm giác được tung hô mà đơn giản là muốn nhân lên sự tử tế trong cuộc sống sau khi họ đã cho đi”, BTV Trí Thức chia sẻ.
Cứ thế mỗi tuần, bằng sự sáng tạo không ngừng của ê-kíp, “Ơi nghe nè” đã truyền đi những thông tin bổ ích về dịch bệnh, nhiều câu chuyện mà qua đó giúp họ thấy cuộc sống còn rất nhiều điều thú vị ở phía trước và dần dần “Ơi nghe nè” như một người bạn tâm giao của mỗi người.
Trân trọng cuộc sống hiện tại hơn
Nhà báo Trí Thức cho biết, “Ơi nghe nè” không chỉ cung cấp những thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, các chỉ đạo của Trung ương và thành phố một cách nhẹ nhàng, chương trình còn hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe tại nhà hiệu quả đối với các F0, cách phòng bệnh… Chia sẻ kinh nghiệm của các nhân vật từng trải như làm thế nào để chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Qua đó người nghe bớt hoang mang, tự tin vào chính mình, vào chiến thắng đại dịch. Chính nhờ sự thấu hiểu, mỗi người nghe đều cảm nhận được cuộc sống của mình ở trong đó. Cả người chia sẻ với người nghe đều cảm ơn chương trình đã tiếp thêm động lực trong những ngày ở nhà, tiếp thêm sức lực tinh thần cho người nhiễm F0 đang tự điều trị.

BTV Tri Thuc tác nghiệp trong tâm dịch TPHCM.
Bằng giọng nói miền Nam trầm ấm, Trí Thức và các thành viên trong ê-kíp đã mang đến những cung bậc cảm xúc, tiếp thêm sức mạnh, tinh thần lạc quan, biến đau thương thành sức mạnh, biến người dân trong tâm dịch thành những chiến binh dũng cảm bền bỉ. BTV Trí Thức cho biết: “Có một số bạn học sinh, sinh viên, nhắn tin cho chương trình là rất căng thẳng khi ở nhà quá lâu, xuất hiện nhiều suy nghĩ tiêu cực, nhưng khi nghe “Ơi nghe nè” các bạn mới biết rằng ở ngoài kia còn rất nhiều người còn có những hoàn cảnh khó khăn hơn, mất mát nhiều hơn. Nhưng chính những người đó lại đứng dậy, chung tay làm những việc rất thiết thực giúp ích cho xã hội, cho cộng đồng. “Ơi nghe nè” tiếp thêm động lực để họ trân trọng cuộc sống hiện tại hơn”.
Sau nhiều tháng lên sóng, mặc dù sản phẩm không có hình, chỉ là ở dạng âm thanh, nhưng lượng người nghe “Ơi nghe nè” vẫn ngang ngửa với nhiều chương trình truyền hình khác, thậm chí đã có một số “hot” nhận được lượng người xem kỷ lục. “Ơi nghe nè” qua nhiều số, không chỉ hỗ trợ kiến thức về phòng dịch, điều trị, vượt qua bệnh dịch ra sao mà còn chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế của những người bị bệnh, đã khỏi nhưng mắc hội chứng COVID-19 kéo dài sau khi điều trị…
Giống như nhiều đồng nghiệp khác, làm việc tác nghiệp trong tâm dịch luôn tạo ra khó khăn. Gia đình BTV Trí Thức gồm những người họ hàng, gia đình hàng xóm xung quanh tất cả đều là F0. Bản thân anh cũng lo lắng, nhưng khi làm chương trình, lắng nghe nhiều chia sẻ, anh có thêm nhiều kiến thức để quay trở lại giúp đỡ hỗ trợ mọi người. Bản thân anh cũng áp dụng các biện pháp an toàn trong mùa dịch, thấy hiệu quả thì chia sẻ cho mọi người cùng biết để phòng tránh.

Biên tập viên Tri Thức vtv 24.
Dịch bệnh ảnh hưởng tới đội ngũ người làm báo, buộc mỗi người có những cách tác nghiệp riêng, đảm bảo an toàn hơn. Ngoài việc mặc đồ bảo hộ đi tác nghiệp bên ngoài, BTV Trí Thức cũng xoay sở trong mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu người xem trong mùa dịch. Có thời điểm anh tự tạo ra sản phẩm truyền hình tại nhà, nhiều sản phẩm sau khi phát sóng được khán giả yêu thích bởi cách trình bày gần gũi, thân thuộc gắn với các thông tin thú vị trong đời sống.
“Tôi có may mắn là từ trước khi dịch bệnh xảy ra, công việc ở VTV Digital đã cho tôi trải qua rất nhiều vị trí từ biên tập viên, MC, dựng hình và cả quay phim, có nhiều phóng sự mình tự đi, lên kịch bản, lồng tiếng, lên sóng truyền hình trực tiếp… đặc biệt là sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp. Thế nên khi dịch bệnh xảy ra, tôi có thể ứng phó với mọi tình huống, tạo ra sản phẩm truyền hình chất lượng cho khán giả” - BTV Trí Thức tâm sự.
“Ơi nghe nè” là 1 trong những chương trình đặc biệt của dự án “Vùng xanh hy vọng”, nằm trong giai đoạn 2 của chiến dịch “Bạn khỏe mạnh, Việt Nam khỏe mạnh”. Thông qua chiến dịch, thông điệp “Mỗi người khỏe mạnh, Việt Nam khỏe mạnh” đã tiếp cận gần 23 triệu người dùng, ghi nhận hơn 9 triệu lượt tương tác và đặc biệt, đã thu hút gần 170.000 lượt tham gia của cộng đồng mạng. Từ đó, 10 tỷ đồng được đóng góp để mua vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em và hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt, bị tác động bởi đại dịch COVID-19, đồng thời trao tặng 1 triệu ly sữa qua Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam. |
Tâm Lê