OIJ chấm dứt hoạt động, sự nghiệp OIJ trường tồn

Thứ hai, 08/03/2021 16:24 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đối với những người làm báo và nhân dân Việt Nam, Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) đã chính thức chấm dứt tồn tại của mình, tuy nhiên những gì OIJ đã làm cho đất nước Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn”- nhà báo lão thành Phan Quang khẳng định trong bài viết gửi Giáo sư Nordenstreng, Nguyên Chủ tịch OIJ.

Tháng 6 năm 2016, Đại hội lần thứ XXVI của Liên đoàn báo chí quốc tế  (IFJ) họp tại thành phố Angers, Pháp. Được sự ủy nhiệm của ông Suleiman Al-Qudah, Chủ tịch đương nhiệm và ông Manuel Tomé, Chủ tịch danh dự Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ được bầu tại Đại hội cuối cùng của OIJ họp tại Amman thủ đô nước Jordan năm 1995, Giáo sư Kaarle Nordenstreng, cựu Chủ tịch OIJ từ năm 1976 đến năm 1990, đọc thông điệp của Ban lãnh đạo OIJ gửi Đại hội IFJ. Thông điệp viết: “...Ngày nay IFJ là tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu của báo chí thế giới… Sự tiến triển của lịch sử đã dẫn tới sự kết thúc hoạt động của OIJ. Chúng tôi hân hạnh chuyển giao cho IFJ toàn bộ di sản của FIJ trước Chiến tranh thế giới thứ hai và di sản của OIJ sau Chiến tranh”.

Mấy tiếng OIJ không xa lạ với người Việt Nam[1], đặc biệt với lớp người trên 40 tuổi, ra đời trong chiến tranh và trải qua tuổi ấu thơ thời khó khăn nhất, khi Việt Nam phải đối mặt với hậu quả chiến tranh, kinh tế suy thoái và bị cô lập do cấm vận của các nước phương Tây. Nhắc đến OIJ là sự những người bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với các nhà báo tham gia tổ chức quốc tế ấy, đã trước sau như một hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân ta.

Đoàn Chủ tịch Đại hội OIJ tại Amman, Jordan năm 1995. Người đầu tiên bên phải: Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang.

Đoàn Chủ tịch Đại hội OIJ tại Amman, Jordan năm 1995. Người đầu tiên bên phải: Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang.

Đối với hơn 24.000 hội viên Hội nhà báo Việt Nam ngày nay, nói đến OIJ là nói đến bản “Những nguyên tắc quốc tế về đạo đức nghề báo”, mà Việt Nam từng dựa vào để soạn thảo bản Quy định đạo đức đầu tiên của mình, sau 20 năm đã qua ba lần sửa đổi và hiện đang được những người làm báo chí, truyền thông cả nước ta thực hiện. Nói đến OIJ là nghĩ đến nhu cầu phải “bảo vệ sự an toàn của các nhà báo khi tác nghiệp”, mối quan tâm thường xuyên của tổ chức quốc tế ấy, mà thực tế cay nghiệt nhất là tại Việt Nam trong chiến tranh.

Nói đến OIJ là nói đến lòng kính trọng của người Việt Nam đối với nhiều nhà báo tên tuổi trên thế giới, với chính kiến và niềm tin đa dạng, đã đến hành nghề tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và những năm đầu thập niên 1980, góp phần thông tin cho nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta, một số trong những nhà báo ấy đã bỏ mình trong khi đang tác nghiệp tại Việt Nam.

Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, sự có mặt của các nhà lãnh đạo OIJ như cựu Chủ tịch Jean-Maurice Hermann người Pháp, cựu Chủ tịch Kaarle Nordenstreng người Phần Lan, cựu Tổng Thư ký OIJ Jiri Kubka người Tiệp Khắc... tại nước Việt Nam những ngày chiến tranh tới hồi khốc liệt nhất hay vừa mới kết thúc chưa lâu, là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Đầu năm 1979, cuộc chiến của quân dân Việt Nam bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân ngoại xâm vừa diễn ra, Chủ tịch đương nhiệm của OIJ hồi đó là Giáo sư Kaarle Nordenstreng đã từ Phần Lan đến Thành phố mang tên Bác Hồ chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành OIJ trong hai ngày 27 và 28/2/1979. Hội nghị ra “Tuyên bố từ thành phố Hồ Chí Minh” lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc xâm phạm biên giới Việt Nam, tàn sát dân thường. Một tuần sau, trong hai ngày 6 và 8/3/1979, tại Helsinki thủ đô Phần Lan, Chủ tịch Kaarle Nordenstreng lại chủ trì “Hội nghị quốc tế Đoàn kết với Việt Nam”[2].

Báo chí giúp người dân các nước thay đổi cách nhìn

Hội nhà báo Việt Nam (gọi tắt theo tiếng Anh là VAJ) ra đời ngày 21/4/1950 tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp. Đại hội đã bầu nhà báo Xuân Thuỷ, Chủ nhiệm báo Cứu quốc xuất bản hằng ngày, làm Chủ tịch Hội[3]. Hội cử đoàn đại biểu gồm hai nhà báo Trần Lâm, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và nhà báo Thép Mới, biên tập viên tuần báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân Dân ngày nay), sang thủ đô Helsinki, Phần Lan dự Đại hội lần thứ 3 của OIJ (15-17/9/1950).

Hôi Nhà báo Việt Nam chính thức trở thành thành viên của OIJ từ đại hội lịch sử ấy[4].

Khi Trần Lâm và Thép Mới lên đường sang Helsinki, biên giới phía Bắc nước ta về đường bộ cũng như đường biển đều bị quân đội Pháp kiểm soát. Hai nhà báo phải xuyên rừng vượt suối, tránh các trạm kiểm soát dày đặc của địch để ra nước ngoài. Mấy tháng sau, khi hai ông trở về, với Chiến thắng Biên giới năm 1950, Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh tan hai binh đoàn hùng mạnh của quân đội viễn chinh Pháp tại Viễn Đông hồi bấy giờ[5] do đại tá Lepage và đại tá Charton chỉ huy, biên giới Việt Nam đã khai thông.

Chiến tranh thế giới thứ II sắp kết thúc, tướng De Gaulle cất quân sang Viễn Đông với mưu đồ áp đặt trở lại nền đô hộ của Pháp lên ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Pháp, nhiều người lúc đầu chưa hiểu thực chất cuộc xâm lược ấy, thậm chí một số nghị sĩ cánh tả Pháp cũng bỏ phiếu ủng hộ việc tướng De Gaulle đưa quân trở lại Việt Nam.

Người có công đầu khởi động việc làm thay đổi dư luận Pháp về cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng những thông tin trung thực qua các phương tiện thông tin đại chúng là nhà báo Léo Figuères, Chủ nhiệm báo L’Avant Garde (Tiền Phong), Paris, hội viên Nghiệp đoàn quốc gia các nhà báo Pháp (Syndicat national des Journalistes - CNJ), một tổ chức thành viên của OIJ. Ông đến Việt Nam qua lời mời của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tại chiến khu Việt Bắc, Léo Figuères được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn. Ông có dịp tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo Việt Nam, thăm và làm việc với nhiều tổ chức, bao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Việt Minh, gặp một số đơn vị quân đội và dân quân Việt Nam, thăm nhiều vùng tự do tại miền Bắc, nhờ vậy có điều kiện trò chuyện thoải mái với nhiều người và qua đó hiểu rõ thực tế Việt Nam hồi bấy giờ.

Đoàn lãnh đạo OIJ làm việc tại Bắc Kinh năm 1997. Từ trái: Chủ tịch OIJ Suleiman Al-Qudah, Chủ tịch Hội nhà báo toàn Trung Quốc  Triệu Hoa Trạch,  Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Phan Quang, Ủy viên Ban Thư ký, Thủ quỹ OIJ Alexander Angelov.

Đoàn lãnh đạo OIJ làm việc tại Bắc Kinh năm 1997. Từ trái: Chủ tịch OIJ Suleiman Al-Qudah, Chủ tịch Hội nhà báo toàn Trung Quốc  Triệu Hoa Trạch,  Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Phan Quang, Ủy viên Ban Thư ký, Thủ quỹ OIJ Alexander Angelov.

Trở về Pháp, tại một cuộc hội nghị báo chí ngày 13/7/1950, Léo Figuères với tư cách là cựu nghị sĩ Quốc hội Pháp đã đăng dàn diễn thuyết, kêu gọi báo chí Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ông còn đi nói chuyện nhiều nơi về những điều mắt thấy tai nghe tại đất nước ta. Hãng thông tấn AFP ngày 27/8/1950 đưa tin: “Chính phủ Pháp đã ra lệnh bắt giam Léo Figuères, cựu nghị sĩ vùng Đông Pyrénées vừa trở về từ “khu vực Việt Minh tại Đông Dương”. Ông bị khởi tố về việc quảng bá rộng rãi qua báo chí Pháp bài phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài phỏng vấn ấy vừa gây ra cuộc tranh luận nảy lửa tại Quốc hội Pháp”[6].

Tiếp theo báo L’Avant Garde, báo L’Humanité, nhiều cơ quan báo chí khác đã cố gắng chân thật, đúng với thực tế ở Việt Nam, đặc biệt về những tội ác đạo quân viễn chinh Pháp gây nên và cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Báo chí tiến bộ Pháp dần dà tạo nên bước ngoặt trong cách nhìn của người dân Pháp, làm chuyển hướng dư luận Pháp và một phần các nước Tây Âu. Qua báo chí, người ta “ngộ” ra, cuộc xâm lăng của quân đội họ tại Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa và nhất định sẽ thất bại. Dấy lên phong trào nhân dân Pháp phản đối cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” do nhà cầm quyền nước họ gây nên, đòi chấm dứt ngay cuộc chiến. Nhiều người Pháp không ngại hiểm nguy tính mạng đã đấu tranh hết mình, tiêu biểu là Raymonde Dien, Henri Martin…, những người dám nằm vắt ngang trên đường sắt, chặn các đoàn tàu chở vũ khí về cảng biển, đưa xuống tàu sang Viễn Đông tiếp tế cho đạo quân xâm lược.

Dấu ấn OIJ tại Việt Nam

Dấu ấn Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ để lại cho giới báo chí và quốc gia Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua thể hiện rõt ở mấy mặt sau:

- OIJ kiên trì ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập, thống nhất đất nước và tự do, hạnh phúc của người dân

- OIJ giúp Hội nhà báo Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày cho các nhà báo tại nước ngoài hệ thống các Trường nghiệp vụ của OIJ như Viện báo chí Berlin, Trường Báo chí OIJ ở Budapest, Trường báo chí OIJ tại Prague…

Năm 1989, Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang[7] được mời làm thành viên Hội đồng đào tạo và nâng cao nghiệp vụ báo chí do Giáo sư người Đức Ernst Heinrich làm Chủ tịch. Hội Nhà báo Việt Nam được khuyến nghị nên thành lập Trường báo chí OIJ tại Hà Nội với sự giúp đỡ của OIJ về phương tiện và một phần tài trợ của UNESCO thông qua Chương trình quốc tế Phát triển Truyền thông (IPDC). Trường này vừa triển khai hoạt động được mấy năm thì OIJ gặp khó khăn do tác động của tình hình thế giới từ cuối thập niên 1990 trở đi. Dù vậy, những gì gọi là nền móng do OIJ giúp đỡ xây dựng Trường báo chí OIJ tại Hà Nội ngày ấy là cơ sở để chúng ta phát triển thành Trung tâm đào tạo báo chí (Vietnam Journalists Training Center - VJTC) ngày nay, trụ sở đặt tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội.

Hội Nhà báo Việt Nam đã tham dự hầu như tất cả các Đại hội của OIJ, từ Đại hội Helsinki năm 1950 cho đến Đại hội cuối cùng họp tại Amman năm 1995, và đã nhiệt tình đóng góp vào các hoạt động của OIJ tại Việt Nam và một số nước bạn như Lào, Campuchia. (…)

Chặng đường cuối: từ Amman nhìn sang châu Đông Á

(…) Đầu năm 1950, Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam tham dự Đại hội Amman (Jordan) ngày 28-31/01/1995 gồm ba người do Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn cùng hai đại biểu, một từ Hà Nội một từ thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay từ buổi sáng khai mạc, qua các cuộc tranh cãi về vấn đề tài chính của những người lãnh đạo tiền nhiệm chúng tôi đã cảm thấy có sự bất ổn. OIJ đang lâm vào khó khăn về tài chính. Các cơ sở kinh doanh của OIJ tại Praha đã bị phong tỏa bởi chính quyền mới tại nước này sau khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Nhiều tổ chức báo chí quốc gia ngừng đóng lệ phí cho OIJ. Nội bộ OIJ lại bị phân hóa do bất đồng về quan điểm chính trị của một số nước thành viên. Tại Đại hội của OIJ, thủ tục bầu Ban lãnh đạo OIJ lại phức tạp, tốn nhiều thời gian. Nhà báo nước chủ nhà là Suleiman Al Qudah được làm Chủ tịch mới của OIJ tương đối nhanh nhờ có sự sắp xếp và đồng thuận từ trước. Nhà báo người Philippin Antonio N. Nieva được bầu làm Tổng thư ký OIJ. Các Phó Chủ tịch OIJ phụ trách các khu vực được Đại hội toàn thể bỏ phiếu bầu riêng mỗi khu vực một lần. Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Ban lãnh đạo OIJ phụ trách Khu vực châu Á và châu Úc.

Việc bầu Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới kéo dài suốt cả buổi chiều và gần hết đêm 31 tháng 1 vẫn chưa xong. Trong khi đó, nước chủ nhà thông báo: Mọi công việc của Đại hội phải kết thúc trước khi trời sáng vì ngày hôm sau, trùng hợp mùng một Tết Nguyên đán ở nước ta, nước này bước vào tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Giã từ Amman, tôi cảm nhận đây có thể là Đại hội cuối cùng của OIJ!

Kỳ họp của Ban Chấp hành OIJ tại Hà Nội: Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với OIJ

Được sự chấp thuận và giúp đỡ của Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam đăng cai tổ chức Kỳ họp Đoàn Chủ tịch OIJ mở rộng tại Hà Nội năm 1996, cũng là năm kỷ niệm tròn 50 năm Ngày thành lập Tổ chức quốc tế này của giới báo chí hơn 100 nước trên nhiều châu lục, với ý thức đây là cơ hội cuối cùng để người Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với OIJ và các đồng nghiệp báo chí thế giới đã trong hơn nửa thế kỷ qua luôn đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam vào những ngày khó khăn nhất của đất nước ta.

Dự kỳ họp Ban chấp hành OIJ mở rộng có đại biểu đến từ 25 nước, bao gồm một số nước về địa lý ở rất xa nước ta như Cuba, Hoa Kỳ, Mozambique, Pháp, Đức... Hội Nhà báo Việt Nam còn mời Chủ tịch danh dự của Liên đoàn Báo chí các nước ASEAN (CAJ) gồm ông Bandhit Rajavatanadhanin người Thái Lan, Chủ tịch danh dự, và ông Abduhah Tahir Saleh người Malaysia, Chủ tịch đương nhiệm của CAJ tham dự buổi họp khai mạc Kỳ họp cuối cùng của Ban Chấp hành OIJ (ngày 11 và 12/7/1996) tại Hội trường Ba Đình, với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và nhiều vị lãnh đạo cao cấp nước Việt Nam. Sau Lời mở đầu của Chủ tịch Suleiman Al-Qudah và Báo cáo chính trị của Tổng Thư ký Antonio A. Nieva, Lãnh đạo Hội Nhà báo trao Huy hiệu “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”[8] cho ông Chủ tịch Suleiman Al-Qudah cùng các vị lãnh đạo chủ chốt của OIJ, ông Bandhit Rajavatanadhanin, Chủ tịch danh dự và ông Abduhah Tahir Saleh Chủ tịch CAJ. Ban lãnh đạo OIJ cũng mang theo từ Praha tới Hà Nội 20 bằng danh dự “Scroll of Honor”, và uỷ thác Hội Nhà báo Việt Nam lựa chọn và trao tặng những nhà báo Việt Nam có nhiều đóng góp cho các hoạt động của OIJ trong 50 năm qua.

Tại buổi kết thúc Hội nghị Ban chấp hành OIJ, thay mặt giới báo chí Việt Nam, chúng tôi nói lời cảm ơn và giã biệt, chúc các vị khách nước ngoài thượng lộ bình an nhưng không nói mấy từ kết thúc quen thuộc theo thông lệ: “Hẹn gặp lại nhau tại kỳ họp sau của Ban Chấp hành OIJ!”. Chúng tôi ý thức rõ, đây là Kỳ họp cuối cùng của Ban lãnh đạo OIJ, và trên thực tế từ sau tháng 10 năm 1997, với sự qua đời của Tổng Thư ký A. Nieva, trong hoàn cảnh ông Chủ tịch OIJ Suleiman Al Qudah cũng như ông Tổng Thủ quỹ Alexander Angelov đều không thể rời công việc tại nước mình sang Praha làm chuyên trách, OIJ chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Tổng thư ký của OIJ, nhà báo người Philippines Antonio N. Nieva là người có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì sự tồn vong của OIJ. Ông từ bỏ công việc đang làm trong nước, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ tại Manila, một mình sang sống và làm việc tại Praha, gần như cô đơn trong điều kiện vật chất khó khăn và môi trường chính trị không thân thiện lắm. Căn bệnh ung thư trong người ông đột phát. Ông đành phải về nước và qua đời tại Manilla ít lâu sau.

Ông Chủ tịch OIJ Suleiman Al-Qudah đã cố gắng hết mình phục hồi vô vọng một phần hoạt động của tổ chức ấy. Sau Kỳ họp Ban chấp hành OIJ tại Hà Nội, Chủ tịch OIJ hy vọng chuyển trọng tâm hoạt động của tổ chức quốc tế này sang châu Á, nơi có nhiều nước đang trên đà phát triển, bao gồm mấy nước đông dân nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Tôi được ông Suleiman đề nghị cùng ông thành lập một Đoàn lãnh đạo cao cấp của OIJ đến Bắc Kinh làm việc, thuyết phục Hội nhà báo toàn Trung Hoa (ACAJ) trở lại tham gia OIJ.

Thông qua Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, chúng tôi nhận được thư chính thức của Hội nhà báo toàn Trung Hoa mời Đoàn Lãnh đạo OIJ sang thăm Trung Quốc. Mùa hè năm 1998, ông Chủ tịch OIJ Suleiman Al-Qudah từ Amman, ông Tổng thủ quỹ Alexander Angelov từ Sofia bay sang Hà Nội, từ đây cùng Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hình thành Đoàn đại biểu ba người tới Bắc Kinh. Chuyến thăm ấy kéo dài trong mười ngày. Chủ tịch Hội Nhà báo toàn Trung Quốc là Triệu Hoa Trạch cùng Ban thư ký Hội đã đón tiếp trọng thị và làm việc với Đoàn đại biểu OIJ. Đoàn đại biểu OIJ cũng có tiếp xúc một số cơ quan, tổ chức khác tại Bắc Kinh, sau đó được bạn mời đi thăm và làm việc tại một số địa phương. Đến đâu và tiếp xúc với ai, chúng tôi đều được nghe câu trả lời giống y như lời ông Triệu Hoa Trạch nói tại cuộc hội đàm: “Chúng tôi hoan nghênh các bạn đến thăm Trung Quốc. Chúng tôi rất coi trọng ý kiến đề xuất của các bạn. Cho phép chúng tôi nghiên cứu và sẽ chính thức trả lời các bạn sau”. Cá nhân tôi hiểu đó là một cách Trung Quốc khước từ, tương tự như từ năm 1965 trở đi, Hội nhà báo toàn Trung Quốc thôi không tham gia bất cứ hoạt động của OIJ nữa dù chưa bao giờ ra Tuyên bố là ACAJ chính thức rời khỏi OIJ.

Một thời gian sau chuyến thăm Bắc Kinh ấy, nhân có việc đến thủ đô Amman, tôi tìm gặp ông Suleiman Al-Qudah. Ông cho biết, sau khi Tổng thư ký Antonio N. Nieva qua đời, ông đã cử luật sư người Tiệp vốn là cố vấn của Tổng thư ký OIJ tên là Josef Komarek tạm điều hành công việc của Ban thư ký OIJ tại Praha với danh nghĩa Phó Tổng thư ký OIJ. Tuy nhiên ở Hà Nội chúng tôi chưa hề nhận được bất kỳ thông tin nào từ Praha về hoạt động của OIJ.

Chính thực tế lịch sử vừa nói, Hội Nhà báo Việt Nam nhất trí với Thông điệp của OIJ gửi Đại hội Liên đoàn báo chí quốc tế IFJ họp tại thành phố Angers, Pháp tháng 6 năm 2016 như đã nói ở trên, tại đó nhấn mạnh: Liên đoàn báo chí quốc tế IFJ ngày nay cần tự coi mình vừa là người kế nhiệm FIJ trước Chiến tranh thế giới thứ II, tổ chức tiền thân của OIJ, vừa là người kế nhiệm của OIJ sau Chiến tranh[9]. (...) Tại Đại hội này Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ trân trọng chuyển giao cho IFJ di sản của FIJ trước Chiến tranh thế giới thứ hai và di sản của OIJ sau Chiến tranh ấy”.

Đối với những người làm báo và nhân dân Việt Nam, Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ đã chính thức chấm dứt tồn tại của mình, tuy nhiên những gì OIJ đã làm cho đất nước Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn [10].

Tổ chức quốc tế các nhà báo chuyên nghiệp hình thành đầu tiên vào cuối thế kỷ 19. Dù vậy phải chờ đến sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Thế giới ILO và Liên đoàn các Quốc gia, tiền thân của Liên Hợp Quốc ngày nay, Liên đoàn quốc tế các nhà báo Fédération Internationale des Journalistes gọi tắt FIJ mới chính thức ra đời năm 1926, trụ sở đặt tại Paris, thủ đô nước Pháp.

Năm 1941, nước Pháp bị quân đội Đức chiếm đóng, FIJ dời Hội sở sang London, rồi chấm dứt hoạt động ít lâu sau. Chiến tranh thế giới thứ hai 1939-1945 kết thúc, Tổ chức quốc tế các nhà báo (International Organization of Journalists IOJ - ta quen gọi tắt theo tiếng Pháp là OIJ) thành lập tháng 6 năm 1946 tại Copenhagen thủ đô Đan Mạch, lúc đầu có 21 nước tham gia, bao gồm các nước châu Âu, Liên Xô, châu Mỹ, châu Úc, và lớn mạnh nhanh, có thời lên đến hơn 130 nước thuộc năm châu lục, tập hợp 300.000 người làm báo thuộc đủ mọi loại hình.

Tuy nhiên thời hoàng kim ngắn ngủi. Do tác động của Chiến tranh Lạnh, OIJ bị phân liệt. Năm 1952, các tổ chức báo chí ở Tây Âu và Hoa Kỳ tách khỏi OIJ, thành lập tổ chức riêng của mình, đặt tên theo tiếng Anh là International Federation of Journalists, gọi tắt IFJ, trụ sở đặt tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Trong khi phần lớn còn lại vẫn giữ tên IOJ (tức OIJ) và chuyển trụ sở về Prague, thủ đô Tiệp Khắc. Mấy năm sau, hai tổ chức quốc tế OIJ và IFJ có nhiều cố gắng hợp tác trong một số hoạt động liên quốc gia, đặc biệt dưới sự bảo trợ của UNESCO cùng nhau xây dựng bản Quy ước “Những nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề báo”, dùng làm khung cho các tổ chức và cơ quan báo chí các nước trên thế giới dựa vào mà xây dựng Bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình. Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa theo mô hình cũ ở Liên Xô và các nước Đông Âu lâm vào suy thoái, đặc biệt sau sự kiện gọi là “sự sụp đổ của bức tường Berlin” tháng 11 năm 1989, OIJ lâm vào khó khăn, chủ yếu do bất đồng về quan điểm chính trị tại một số quốc gia và thiếu kinh phí hoạt động.

[1] Viết tắt theo Pháp ngữ Organisation Internationale des Journalistes, được sử dụng song với IOJ, viết tắt theo Anh ngữ International Organisation of Journalists (Tổ chức quốc tế các nhà báo).

[2] Feb 27-29. International Meeting on the armed agression of China against Vietnam, March 6-8. International Solidarity Conference with Vietnam, Helsinki (Tư liệu chính thức hiện lưu trữ tại Praha và Helsinki).

[3] Ông Xuân Thuỷ là nhà báo Việt Nam đầu tiên được OIJ tặng Giải thưởng báo chí quốc tế mang tên Julius Frucik (1959) 

 [4] Xem tư liệu trong box.

 [5] Tiếng Pháp: Corps Expédionnaire en Extrême Orient (CEFEO)

 [6] Báo Cứu quốc số ra ngày 8/9/1950 đã đăng toàn văn bài Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Léo Figuères.

[7] Tại nhiệm kỳ này, Tổng thư ký là chức danh của Chủ tịch người đứng đầu Ban chấp hành Hội.

[8] “Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” là Kỷ niệm chương trao cho những nhà báo chuyên nghiệp Việt Nam có thời gian làm việc từ 25 năm trở lên (nam) và 20 năm (nữ).

[10] Trích bài hồi ký viết theo yêu cầu của Giáo sư Kaale Noordenstreng, Chủ biên cuốn The Rise and Fall of The International Organization of Journalists 1946-2016, do Trường đại học Charles University ở Prague, Karolium Press xuất bản năm 2020, trong đó có Phần III dành cho Hồi ký của một số người từn tham gia lãnh đạo tổ chức ấy (ta quen gọi tắt theo tiếng Pháp là OIJ).

Phan Quang

Tin khác

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo