“Ông có thấy đau đớn và bất công không?”

Thứ sáu, 14/01/2022 10:40 AM - 0 Trả lời

(CLO) “Ông có thấy đau đớn và bất công không?” - ông bạn tôi quay sang hỏi điều đó. Hình như sau khoảng thời gian lao đao đóng băng vì dịch bệnh, cuộc sống đang trở lại nhịp thường nhật của nó. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy trong ánh mắt của ông bạn tôi những nỗi niềm như là đau đớn...

Hôm kia, đang ngồi viết tại nhà, bỗng có điện thoại. Ông bạn bác sĩ từ Hà Nội gọi: “Ông có nhà không, tôi sang chơi?”

Tôi thấy hơi lạ. Bởi học cùng từ bé, lớn lên thằng làm nghề y, đứa làm nghề dược cũng xêm xêm nên dù không gần nhau, vẫn thân. Hiểu. Biết là làm nghề y rất bận. Bận đến nỗi không mấy cuộc tụ tập của cánh bạn học phổ thông với nhau ngoài Hà Nội mà hắn tham dự được đến đầu đến đũa. Bởi vậy nên tôi móc nhẹ: “Hôm nay hồ rồng hết nước hay sao mà lại muốn mò về ao tôm chơi vậy? Sang luôn đi!”.

ong co thay dau don va bat cong khong hinh 1

Chỉ chưa đầy một giờ sau, ông bạn tôi đã tới cửa nhà. Mặt đầy tâm trạng. Ông bác sĩ đã từng đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội thở luôn: “Chán quá ông ạ. Tôi với ông đi đâu loanh quanh cho thư giãn đầu óc chút”.

Bọn tôi ra bờ sông Đuống. Sông Đuống đoạn chảy qua cánh bãi quê tôi từ khi dẹp hết các lò gạch thủ công, chuyển sang trồng cây ăn quả dần trở nên đẹp lạ. Dải đất sát bờ vở cây cỏ mọc tự do như rừng. Những thảm lau lách cỏ dại mọc tràn từ bờ sông xuống mép nước, nhìn hoang dại như ở một miền rừng nào xa thẳm, gợi cho ta một cảm xúc thẩm mỹ rất lạ.

Chúng tôi vừa đi dạo, ngắm sông, vừa nói chuyện. Câu chuyện về cái vụ kit test Việt Á đang đình đám. Tôi bảo, ông là bác sĩ phẫu thuật, làm chuyên môn dính dáng gì đến mấy cái đó đâu mà sao phải bức xúc quá vậy? Ông bạn nói, dù muốn hay không cũng phải quan tâm, khi mà cái vụ kit test kia nó làm lộ ra bao nhiêu điều bất cập trong hệ thống làm việc của ngành y tế. Nó đã khiến cho bao các quan chức vốn cũng là bác sĩ giờ phải dính vào vòng lao lý. Rồi các vụ án khác cũng về ngành y dược đang diễn ra nữa: hàng loạt các lãnh đạo ngành y dược tra tay vào còng! Vụ Việt Á đã khiến cho mọi người xung quanh, cho xã hội nhìn vào ngành y với con mắt khinh khi, thì ra bọn họ chẳng có lương tâm người thầy thuốc, chẳng nhớ đến lời thề Hypocrat, chỉ nghĩ cách kiếm tiền trục lợi trên thân xác bệnh nhân! Xã hội đang nhìn chúng ta thế đấy ông ạ! Tôi tự mình cũng thấy nhục nhã quá! Cái gì làm cho hàng loạt quan chức, thầy thuốc vốn tưởng như đức cao vọng trọng, vốn là đồng nghiệp, bạn bè ta vướng vòng lao lý: lòng tham vô đáy? Sự thoái hóa của đạo đức con người? Hay là một cơ chế quản lý ngành nghề, xã hội bất cập đã sinh ra hệ lụy?

Thấy ông bạn bức xúc quá, tôi mỉm cười hỏi sang chuyện khác: “Đợt dịch trong Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận bệnh viện ông đi hỗ trợ mấy đoàn, bao nhiêu nhân viên?”. “Ba đoàn thay nhau, mỗi đoàn hai trăm bác sĩ nhân viên y tế ông ạ”. “Những người tham gia đoàn đi chống dịch ấy về có kiếm được khá không?”. “Ông điên à? Đi vào chỗ ấy ai nghĩ đến kiếm! Đến tiền bồi dưỡng chống dịch, làm ngoài giờ tăng ca còn chả ai nghĩ đến kia. Lúc dân mình đang thập tử nhất sinh, nằm ràn rạt ở các bệnh viện dã chiến còn ai nghĩ đến chuyện kiếm tiền. Lúc ấy chỉ có mỗi một suy nghĩ: làm thế nào kéo họ ra khỏi bàn tay của thần chết. Thế thôi!”.

Tôi biết bệnh viện nơi ông bạn mình làm việc không có chuyên môn liên quan nhiều lắm đến dịch COVID-19 đang diễn ra. Thế nhưng vào lúc căng thẳng nhất của đỉnh dịch trong Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, hầu hết các thầy thuốc và nhân viên y tế nơi đó đều sẵn sàng lên đường đi hỗ trợ chống dịch. Không một lời phàn nàn từ chối. Họ đã đi để lại sau lưng gia đình, con nhỏ, bố mẹ già. Và họ đã làm việc bằng tất cả sức lực và trí tuệ. Đã cống hiến trên cả 100% khả năng. Để bằng mọi cách giảm tổn thương tử vong cho người dân đang rên xiết trong dịch bệnh. Hồi đó, tôi cũng tham gia vào nhóm zalo trao đổi công việc chuyên môn của các bác sĩ trong vùng dịch, để quan sát nắm tình hình và viết. Nên tôi thân thiết, biết khá rõ công việc của họ. Thậm chí, có những bác sĩ trẻ khi căng thẳng nhất đã tâm sự với tôi: “Anh ơi, khi em bỏ nghề mất! Không phải vì sợ đâu. Em đang tuyệt vọng. Vì sức lực mình có hạn mà đồng bào mình nhiều người bệnh nặng quá, cứu được ít người quá…”.

Trong đêm khuya thanh vắng, nghe những lời tâm sự đắng lòng từ phòng ICU truyền ra, tôi cũng chảy nước mắt. Tôi đã phải động viên bạn bác sĩ trẻ đó. Đừng ngã lòng, thầy thuốc là chỗ dựa cuối cùng của bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh, phải cứng rắn để làm nơi bấu víu cho họ dù chỉ là một phần trăm tia hy vọng. Hãy nghiến răng nuốt nước mắt vào trong mà làm việc. Hãy tận hiến tất cả những gì mình có. Để sau này khi dịch qua đi mình không hổ thẹn với lương tâm mình: đã cống hiến tất cả. Nhưng bác sĩ cũng chỉ là người mà thôi, đứng trước muôn vàn những cái chết đau đớn của bệnh nhân COVID-19, trước ánh mắt tuyệt vọng của họ, bác sĩ cũng thấy mình nhỏ nhoi bất lực. Họ cũng là con người nào phải thần thánh gì đâu. Đằng sau chiếc áo blu, tấm khẩu trang kia, có biết bao giọt nước mắt đã rơi hòa cùng vào mồ hôi mặn chát…

Nếu bạn nào chăm đọc báo và vào mạng xã hội những ngày căng thẳng chống dịch trong Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, hẳn các bạn không thể nào quên những hình ảnh về các thầy thuốc nhân viên y tế ở các bệnh viện tuyến đầu, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Những gương mặt và thân thể đẫm mồ hôi đằng sau chiếc khẩu trang cùng bộ quần áo chuyên dụng bịt bùng. Những ánh mắt kiên quyết và tận hiến. Có thể nói không quá lời là xả thân. Họ, những thầy thuốc nhân viên y tế nơi tuyến đầu ấy, nơi tiếp xúc điều trị trực tiếp bệnh nhân covid thực sự là những người anh hùng. Tất cả. Có lẽ mọi lời tôn vinh, ngợi ca, cám ơn họ đều không đủ. Mặc dù tôi biết, không ai trong họ mảy may nghĩ đến những cái gọi là vinh quang hay vẻ vang gì đó, khi bình thản vào nơi hiểm nguy có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng. Bởi với họ đó là sự lựa chọn của cuộc đời. Là thiên chức. Làm thầy thuốc thì phải cứu chữa cho bệnh nhân, thế thôi.

Thế mà nay vụ tiêu cực kinh hoàng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bán kit test với giá cao, lạm dụng test tràn lan vô tội vạ diễn ra ngay tại các cơ quan chỉ huy chống dịch: các trung tâm CDC của ngành y tế, khiến cho cả xã hội đang nhìn vào chúng ta như những con quái vật hút máu mủ đồng bào trong cơn khốn quẫn. Nhưng đám lãnh đạo tiêu cực trong ngành y tế kia đã và sắp bị thiêu trong cái lò chống tham nhũng tiêu cực có đại diện cho tất cả thầy thuốc nhân viên trong ngành y tế không? Rõ ràng là không! Ngành y tế của nước nhà chưa hoàn hảo nhưng cũng đã đạt được không ít thành tựu đáng tự hào. Thậm chí có những thành công có thể ngẩng mặt tự hào với thế giới được. Một minh chứng rất rõ ràng cho những thành tựu của ngành y tế là tuổi thọ của người Việt chúng ta giờ đây đã tăng cao hẳn, vươn lên gần ngang với các nước tiên tiến. Đó là thành tựu tổng hợp của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, của phòng bệnh, của điều trị… Vậy mà hành động của một số nhỏ những kẻ mang danh thầy thuốc đã làm vấy bẩn chiếc áo blouse, làm ô danh cho cả một ngành nghề mà xã hội vốn vẫn trân trọng gọi là THẦY!

ong co thay dau don va bat cong khong hinh 2

“Ông có thấy đau đớn và bất công không?”

Ông bạn tôi quay sang hỏi điều đó, khi chúng tôi đang đứng rìa mép nước, ngắm những con thuyền máy, ca nô, xà lan… tấp nập ngược xuôi trên sông. Hình như sau khoảng thời gian lao đao đóng băng vì dịch bệnh, cuộc sống đang trở lại nhịp thường nhật của nó. Chúng ta đã và đang thích ứng dần với một cuộc sống lao động và làm việc song hành cùng COVID-19.

Nhưng tôi vẫn nhìn thấy trong ánh mắt của ông bạn tôi, một người thầy thuốc lâu năm tận tụy với nghề, hết lòng với bệnh nhân những nỗi niềm như là đau đớn trong đó.

Tôi biết nói với bạn thế nào đây? Tôi là một người viết văn, trong lúc đại dịch diễn ra, tôi đã cố hòa mình lắng nghe hơi thở của cuộc sống. Tôi đã đau đớn với đồng bào tôi. Tôi đã phẫn nộ cùng họ. Tôi đã thậm chí đã cảm thấy cả vị mặn của mồ hôi trên gương mặt của các thầy thuốc trong các bệnh viện tuyến đầu chống dịch…Nhưng lúc này tôi không biết nói với bạn tôi thế nào! Một mặt tôi căm thù những kẻ lợi dụng tên tuổi hình ảnh của ngành y tế để làm những việc vô luân bại hoại kiếm tiền ngay trong lúc dịch giã đã lộ ra trong vụ kit test Việt Á. Nhưng tôi thấy nhói trong tim mình khi suy nghĩ rằng, ngành y tế không chỉ có mấy tay giám đốc CDC, không chỉ là mấy tay lãnh đạo đang đứng và sẽ đứng trước tòa. Bộ mặt tiêu biểu đại diện cho ngành y tế phải là các thầy thuốc, nhân viên y tế đang ngày đêm điều trị cứu chữa bệnh nhân trên tất cả các cơ sở y tế cả nước. Chả cứ bệnh dịch COVID-19 mà bất cứ bệnh nào, bất cứ khi nào người dân yêu cầu, họ đâu có chối từ. Họ vẫn tận tâm và tận lực với sứ mệnh của mình.

Nên kết thúc buổi đi chơi chuyện vãn bên sông, tôi chỉ bảo ông bạn: “Cứ làm những gì trong trách nhiệm, lương tâm của mình thôi. Còn kệ đi. Những kẻ xấu xa đồi bại xưa nay có đứa nào thoát được luật báo ứng đâu? Nhân dân, xã hội và đặc biệt là thời gian luôn công bằng mà. Mọi việc sẽ phải trả về đúng chân giá trị của nó”.

Khi chia tay nhau để về lại Hà Nội, tôi đã lại nhìn thấy những tia ấm áp trong ánh mắt của một thầy thuốc tận tâm với nghề của ông bạn mình. Tôi tin rằng những đám mây đen u ám kia sẽ trôi qua nhanh trong tâm trí bạn. Bạn sẽ vẫn cứ dành toàn bộ tâm trí và sức lực để cứu chữa bệnh nhân của mình, như vốn thế.

Dược sĩ, nhà văn Trần Thanh Cảnh

Bình Luận

Tin khác

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

(CLO) Sở Y tế TP HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền.

Sức khỏe
Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế Nanozelle Academy bị đình chỉ hoạt động do có nhiều sai phạm

Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế Nanozelle Academy bị đình chỉ hoạt động do có nhiều sai phạm

(CLO) Theo danh sách xử phạt Sở Y tế TP HCM vừa công bố, Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế Nanozelle Academy cùng nhiều cơ sở thẩm mỹ khác đã bị đình chỉ hoạt động do có hàng loạt vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh, quảng cáo...

Sức khỏe
TP HCM: Phát hiện cơ sở đăng ký massage nhưng 'lấn sân' khám chữa bệnh với tế bào gốc

TP HCM: Phát hiện cơ sở đăng ký massage nhưng 'lấn sân' khám chữa bệnh với tế bào gốc

(CLO) Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP HCM vừa kiểm tra và xử lý một cơ sở mang tên LuxCell trên địa bàn quận 3, có dấu hiệu hành nghề khám chữa bệnh trái phép.

Sức khỏe
Bệnh viện Hồng Ngọc hợp tác với Giáo sư Nhật Bản phẫu thuật thay khớp gối không cắt gân cơ

Bệnh viện Hồng Ngọc hợp tác với Giáo sư Nhật Bản phẫu thuật thay khớp gối không cắt gân cơ

(CLO) Giáo sư Hiranaka Takafumi - “Cha đẻ” của phương pháp phẫu thuật thay khớp gối không cắt gân cơ sẽ có chuyến làm việc đặc biệt tại Việt Nam từ ngày 21/4 - 22/4 tới. Ông sẽ thăm khám và phối hợp cùng các bác sĩ Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân người Việt tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội).

Sức khỏe
Dự thảo quy định mới của trung tâm y tế cấp huyện

Dự thảo quy định mới của trung tâm y tế cấp huyện

(CLO) Theo dự thảo, trung tâm y tế huyện chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, dân số và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

Sức khỏe