Chia sẻ trên trang mạng Twitter cá nhân ngay sau khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, ông Trump viết: "Tôi chắc chắn rằng, vào một ngày không xa ,Chủ tịch Tập và tôi, cùng với Tổng thống Putin sẽ cùng nhau nói về việc tạm dừng việc chạy đua vũ trang lớn đang ngày càng mất kiểm soát. Thực tế, Mỹ đã chi 716 tỷ USD trong năm nay. Thật điên rồ!".
Ông Trump tuyên bố muốn cùng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang. Ảnh: AFP
Vào tháng 8/2018, ông chủ Nhà Trắng đã ký thông qua một dự thảo chi tiêu ngân sách quốc phòng năm 2019 trị giá 716 tỷ USD, đánh dấu mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Đầu năm nay, Lầu Năm Góc đã tuyên bố rằng việc đối phó với Trung Quốc và Nga là chiến lược quốc phòng chính của Mỹ, và nước này sẽ rút quân khỏi nhiều nơi trên thế giới để hỗ trợ sự thay đổi này.
Đồng thời, Washington đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, vốn được đưa ra từ năm 1987. INF được đánh giá là một thỏa thuận lịch sử, góp phần ngăn chặn cuộc chiến hạt nhân ở châu Âu. Tuy vậy, vai trò của hiệp ước có dấu hiệu xuống cấp trong khoảng một thập kỷ trở lại đây.
Nếu không có hiệp ước, một số quốc gia châu Âu lo ngại rằng Washington có thể triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu một lần nữa; và Nga có thể di chuyển để triển khai các tên lửa như vậy trong vùng ngoại ô Kaliningrad (Nga), một lần nữa biến châu Âu thành chiến trường hạt nhân tiềm năng.
Trong tháng 3/2018, Trung Quốc đã công bố tăng 8,1% cho chi tiêu quốc phòng, mức tăng lớn nhất trong vòng 3 năm. Bước đi này nhằm thúc đẩy một chương trình hiện đại hóa tham vọng quân sự và khiến các quốc gia láng giềng như Nhật Bản và Đài Loan "đứng ngồi không yên".
Tuy Trung Quốc không phải quốc gia chi nhiều ngân sách cho quân sự, quốc phòng nhất, chỉ bằng 1/4 so với con số của Mỹ, nhưng việc các con số đang tăng đều trong vài năm trở lại đây đã khiến thế giới suy đoán về ý định phát triển quân sự của Trung Quốc.
PV