Ông Lưu Bình Nhưỡng: Xét nghiệm 100% người dân là biện pháp thừa thãi, không khoa học

Thứ ba, 07/09/2021 11:58 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đánh giá: “Về công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch COVID-19 nghĩ một cách tổng thể có thể thấy chỉ đạo của Hà Nội như đang chạy theo một “bóng ma” cùng nỗi khiếp sợ. Nỗi khiếp sợ này rất vô hình”.

Chạy theo một “bóng ma” cùng nỗi khiếp sợ

Thời gian qua, trong công tác phòng chống dịch, UBND thành phố Hà Nội có ban hành các văn bản chỉ đạo, trong đó có nhiều văn bản gây nên nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gây bức xúc cho dư luận. Văn bản vừa ban hành đã nhanh chóng thay đổi về nội dung, bộc lộ ra nhiều khiếm khuyết.

Mới đây, 6/9, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công điện số 20/CD-UBND về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một lần nữa, văn bản này gây nên sự tranh cãi, lo lắng trong dư luận, nhất là quy định về xét nghiệm 100% cho người dân toàn thành phố.

ong luu binh nhuong xet nghiem 100 nguoi dan la bien phap thua thai khong khoa hoc hinh 1

Ông Lưu Bình Nhưỡng (ảnh TL).

Trước những bất cập trên, ngày 7/9, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Ông Nhưỡng nhận định: “Về công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống COVID-19 của Hà Nội nghĩ một cách tổng thể có thể thấy chỉ đạo của Hà Nội như đang chạy theo một “bóng ma” cùng nỗi khiếp sợ. Nỗi khiếp sợ này rất vô hình.

Do không nắm được cụ thể các vấn đề nên chạy theo các “bóng ma” nên đã ban hành các văn bản ban hành theo nỗi sợ chứ không theo tư duy của một người chủ động”.

Đánh giá về văn bản trên của TP. Hà Nội, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, người dân đánh giá công tác chỉ đạo điều hành còn lúng túng, gây ra nhiều hệ lụy, không tạo ra được sự đồng thuận của người dân đối với các văn bản cũng như sự chỉ đạo của thành phố.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện phân tích: Nói về bất cập, có thể thấy sau khi tổ chức cho lực lượng làm lại giấy đi đường đã gây hậu quả dồn ứ người tại các khu vực kiểm soát không khác gì việc ban hành giấy đi lại lần thứ nhất.

“Hiện nay, người dân rất bức xúc vấn đề này. Điều này không mang lại hiệu quả, thậm chí tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dịch tễ và an ninh truyền thống, đặc biệt về tâm lý xã hội” – ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, ngay cả Công điện số 20 của UBND TP. Hà Nội có nhiều vấn đề, cụ thể: "Trong văn bản này đặt mục tiêu trước ngày 15/9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 để Thành phố vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.

Tôi nghĩ với chỉ đạo như vậy, có nghĩa trước ngày 15/9 thành phố Hà Nội không kiểm soát được dịch và thừa nhận việc này. Trong khi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước đây đã chỉ đạo thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương là phải kiểm soát dịch trước ngày 25/8".

Cũng theo ông Nhưỡng, riêng TP. Hồ Chí Minh kiểm soát trước ngày 15/9, và một số địa phương như Long An, Đồng Nai, Bình Dương là phải kiểm soát trước ngày 1/9. Như vậy, Công điện số 20 của TP. Hà Nội cho thấy Hà Nội đã lùi 20 ngày theo sự chỉ đạo của Thủ tướng về công tác phòng chống dịch.

"Tôi không biết vấn đề này đã báo cáo Thủ tướng hay chưa. Vấn đề này có sự nào đó mà tôi đang băn khoăn” – ông Lưu Bình Nhưỡng trao đổi.

Hà Nội phải cần có kịch bản sống chung với COVID-19

Một vấn đề này trong Công điện số 20, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng không cần thiết đó là phải xét nghiệm 100% của người dân Hà Nội. Ông Nhưỡng nói: “Đây là điều tôi nghĩ không phù hợp, vì không phải đối tượng nào cũng phải xét nghiệm, chỉ xét nghiệm những người thực sự cần thiết.

Hiện nay, Hà Nội cơ bản đã khoanh vùng được khu vực có dịch, gia đình có dịch và những người có dịch. Chúng ta phải xét nghiệm cho những đối tượng như vậy và thực hiện truy vết".

"Tại sao không xét nghiệm như thế mà xét nghiệm cho toàn thể mọi người. Việc này, không đúng với quan điểm của về truy vết các đối tượng?” – ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.

Phân tích thêm về vấn đề nay, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Bản thân khi đã khoanh vùng, khoanh vùng đỏ, vùng xanh, vùng da cam, vùng vàng. Vậy tại sao không tập trung vào khu vực nóng nhất mà đi xét nghiệm toàn bộ.

Đã cấm người dân đi đường, giao tiếp, giãn cách xã hội thì những khu vực ấy làm sao có thể lây nhiễm cho khu vực khác.

Qua báo cáo, cách đây 2 ngày, trong 50 ca xét nghiệm dương tính chỉ có 2 ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, còn lại chủ yếu lây nhiễm trong khu cách ly. Việc lây nhiễm ở cộng đồng rất ít. Do đó, xét nghiệm 100% người dân là biện pháp thừa thải, không khoa học. Xét một cách tổng thể về mặt chỉ đạo biện pháp này không phù hợp”.

Bàn thêm về sự vô lý trong quy định xét nghiệm 100% người dân toàn thành phố, ông Lưu Bình Nhưỡng còn nhiều băn khoăn: “Bây giờ thực hiện phương châm của Thủ tướng là “sống chung với dịch”. Để sống chung Hà Nội phải cần có kịch bản sống chung. Vậy, đến nay  kịch bản sống chung của thành phố Hà Nội đang ở đâu. TP. Hà Nội đã xây dựng kịch bản sống chung với dịch chưa mà đã vội đi xét nghiệm toàn bộ TP. Hà Nội".

"Kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong thời gian ngắn. Nếu tiếp tục có lây nhiễm trong cộng đồng thì sẽ ra sao, lại tiếp tục xét nghiệm 100% hay sao? Với khoản chi phí như thế rất tốn kém. Hiện nay, cần dùng tiền cho vấn đề an sinh xã hội, phục vụ phòng chống dịch ở những nơi trọng yếu nhất, chứ không phải để xét nghiệm thừa thãi, không mang lại nhiều ý nghĩa. Xét nghiệm không quan trọng bằng vấn đề thực hiện 5K và 5T”, ông Nhưỡng nói.

Trước nhiều lúng túng trong chỉ đạo của TP. Hà Nội, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị: "Thành phố phải có kịch bản, chương trình, phương án, đề án trong phòng chống dịch. Từ nay trở về sau với phương châm “sống chung với dịch”, trách tình trạng xâm hại đến quyền của người dân. Bản thân những quy định ban ra như trước đây của Hà Nội gây hệ lụy lớn về mặt xã hội. Trước hết, về hình thức văn bản không phù hợp với các quy định pháp luật".

"Nếu duy trì trong thời gian dài quy định như vậy thì việc làm tùy tiện như thời gian qua đã đi ngược lại với tinh thần nhà nước pháp quyền.

Chúng ta đừng lấy lý do vì phòng chống dịch mà đi ngược lại với quan điểm của nhà nước pháp quyền, các quy định của Hiến pháp, Pháp luật. Điều này người dân không đồng thuận”, ông nói thêm.

Cuối cùng, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Trong chống dịch phải hợp lực, thu nhận được sự đồng thuận của người dân. Làm thế nào để thể hiện vai trò, vị trí của lãnh đạo và công tác lãnh đạo chứ không phải đuổi hình bắt bóng, chạy theo  "bóng ma" như thời gian qua”.

Xét nghiệm 100% cho người dân là câu chuyện hoang đường

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lưu Bình Nhưỡng còn cho rằng: "Đây là câu chuyện hoang đường, chúng ta làm triệt để không bao giờ làm được, cả thế giới cũng không làm được, nên biện pháp này không mang lại hiệu quả....Việc xét nghiệm toàn bộ cũng có khả năng dẫn đến lây nhiễm chéo khi xuất hiện vấn đề tập trung đông người hay quá trình xét nghiệm nếu không thực hiện đảm bảo".

Ông Nhưỡng còn cho rằng, "Tôi thấy có địa phương thông báo cho mấy nghìn người đến xét nghiệm, việc này rất phản khoa học, giống như câu chuyện điểm tiêm vaccine hơn 9.000 người tại Nhà thi đấu Phú Thọ TP Hồ Chí Minh trước đó, cho nên tôi thấy rằng đối với Hà Nội, đây là biện pháp không thích hợp".

Hà Đương

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe
Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

(CLO) Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Việt Nam về vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP.

Sức khỏe
Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

(CLO) Cắt môi trái tim tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân kém chất lượng, cô gái 25 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây biến dạng môi.

Sức khỏe
TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

(CLO) Sở Y tế TP HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền.

Sức khỏe