Ông Nguyễn Xuân Sơn và cái kết sau 2 năm làm Tổng giám đốc OceanBank

23/07/2015 16:37

Ngày 21/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an (C46) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Nguyễn Xuân Sơn. Lăn lộn với ngành dầu khí 30 năm, cựu chủ tịch PetroVietnam lại vướng vòng lao lý vì liên quan tới khoản đầu tư ngoài ngành hàng trăm tỷ đồng vào OceanBank.

CLO - Ngày 21/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an (C46) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lăn lộn với ngành dầu khí 30 năm, cựu chủ tịch PetroVietnam lại vướng vòng lao lý vì liên quan tới khoản đầu tư ngoài ngành hàng trăm tỷ đồng vào OceanBank.

[caption id="attachment_27671" align="aligncenter" width="430"]Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, người vừa bị cơ quan Công an bắt giữNguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, người vừa bị cơ quan Công an bắt giữ[/caption]

OceanBank dưới thời của Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn

Ông Nguyễn Xuân Sơn sinh năm 1962, quê Hà Tĩnh. Ông Sơn tốt nghiệp cấp đào tạo đại học chuyên ngành vật giá Trường Đào tạo cán bộ Dầu khí tại Đại học Kinh tế Quốc dân và tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh, cấp đào tạo trên đại học tại Trường Đại học Nam Carolina (Mỹ).

Từ năm 2003 đến tháng 10/2006, ông Sơn giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), rồi giữ chức Tổng giám đốc PVFC đến tháng 5/2007.

Trong cơn sốt thành lập ngân hàng những năm cuối 2000, theo trào lưu đầu tư ngoài ngành của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, PetroVietnam cũng bung ra rót vốn vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho nguồn tiền dồi dào thu được từ lĩnh vực cốt lõi là dầu khí. Từ tháng 12/2008, ông Sơn được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc OceanBank, trước khi PetroVietnam trở thành cổ đông chiến lược vào tháng 1/2009, mở đầu cho giai đoạn phát triển thần tốc của OceanBank.

Từ mức 1.000 tỷ đồng cuối năm 2008, OceanBank tăng vốn liên tục suốt 3 năm sau đó, lên 4.000 tỷ. Tổng tài sản tăng với tỷ lệ tương ứng từ hơn 14.000 tỷ đồng lên hơn 62.600 tỷ trong cùng khoảng thời gian, theo báo cáo được kiểm toán.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nóng lúc đó, đà tăng trưởng của OceanBank đã bộc lộ nhiều rủi ro. Trong vòng một năm 2008-2009, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng, tăng từ 4,5 tỷ lên gần 42,6 tỷ đồng, nợ nghi ngờ mất vốn tăng 9 lần lên hơn 100 tỷ. Hai nhóm nợ này tiếp tục tăng theo cấp số nhân trong những năm sau đó, lên hơn 200 tỷ và gần 700 tỷ trong 2 năm 2011, 2012.

Được biết, ông Sơn bị cáo buộc đồng phạm với cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm (người bị khởi tố trước đó), để cấp dưới chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng với tổng số tiền nhiều tỷ đồng. Ông cũng bị tình nghi đã cho cán bộ cấp dưới thu phí cho vay sai quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Giai đoạn tăng trưởng nóng của OceanBank cũng là thời gian ngân hàng đẩy mạnh việc đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, xây dựng, bất động sản... Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực xây dựng và hoạt động khác của nhà băng tăng từ hơn 3.000 tỷ lên hơn 5.400 tỷ đồng trong năm tài chính 2008-2009, chiếm trên 50% tổng dư nợ. Cùng thời gian này, OceanBank huy động 67% nguồn vốn từ các doanh nghiệp dầu khí, trong khi cho vay các doanh nghiệp này khoảng 21% dư nợ.

Sau giai đoạn điều hành OceanBank, tháng 11/2010, ông Sơn trở về PetroVietnam giữ cương vị Phó tổng giám đốc. Ngày 8/7/2014, ông Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV PVN thay cho ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu theo chế độ (1/6/2014). Từ năm 2011 tới giữa năm 2014, ông Sơn giữ chức Phó TGĐ PetroVietnam.

Lúc này, PetroVietnam vẫn nắm 20% cổ phần OceanBank, tương đương khoảng 800 tỷ đồng. Đây cũng là lúc nhiều sai phạm tại ngân hàng bị cơ quan quản lý cũng như cơ quan an ninh phát hiện.

Vướng vòng lao lý

Chỉ 6 tháng sau khi nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank Hà Văn Thắm bị khởi tố, bắt tạm giam, từ một ngân hàng đang “ăn nên làm ra”, các cổ đông OceanBank mất toàn bộ tiền góp mua cổ phần ngân hàng này. Trong đó, các cổ đông lớn của Oceanbank là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20% vốn, tương đương 800 tỉ đồng; Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty TNHH VNT là 2 cổ đông lớn cùng sở hữu 20% vốn, tương đương 1.600 tỉ đồng.

Từ đầu năm 2013, tại Quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu PetroVietnam, Chính phủ đã yêu cầu tập đoàn hoàn thành việc thoái vốn tại OceanBank trong năm 2015, song khoản tiền này vẫn mắc kẹt. Ngân hàng Nhà nước mới đây tuyên bố mua lại OceanBank với giá 0 đồng, chấm dứt toàn bộ quyền và nghĩa vụ của cổ đông hiện hữu. 800 tỷ đồng của PetroVietnam đầu tư vào OceanBank, vì thế cũng mất trắng.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm, C46 phối hợp với VKSND Tối cao xác định ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên tổng giám đốc Ocean Bank đã đồng phạm với Hà Văn Thắm - nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ocean Bank.

Ngày 19/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1105/QĐ-TTg về việc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đối với ông Nguyễn Xuân Sơn.

Một ngày sau (ngày 20/7), Bộ trưởng Bộ Công thương họp triển khai các quyết định nhân sự tại Tập đoàn PVN - theo đó ông Sơn được phân công nhận nhiệm vụ tại Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch PVN đã không có mặt tại cuộc họp này.

Ngay sau khi thông tin Thủ tướng Chính phủ quyết định cho ông Sơn thôi chức Chủ tịch HĐTV PVN được đăng công khai trên các báo, ông Nguyễn Xuân Sơn bị tăng huyết áp và phải vào Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.

Tối 21/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng” và “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Các quyết định này đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.

Cùng thời điểm này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai, đưa ông về nhà riêng (số nhà 21- D2 khu đô thị Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) để thực hiện lệnh bắt, khám xét.

Sau hàng chục năm lăn lộn với nghề, ông Nguyễn Xuân Sơn kinh qua nhiều vị trí quan trọng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nhưng nay ông Sơn đang phải đối mặt với vòng lao lý do những sai phạm của mình từ trước đó.Giang Phan
    Nổi bật
        Mới nhất
        Ông Nguyễn Xuân Sơn và cái kết sau 2 năm làm Tổng giám đốc OceanBank
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO