Ông tướng dự án với sách lược phòng ngừa tiêu cực
Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban quản lý dự án 47 (Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới), Thiếu tướng Hoàng Kiền từng đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Binh chủng Công binh..
Dự án xây dựng đường tuần tra biên giới là một trong những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng – an ninh lớn của nước ta, được triển khai xây dựng từ năm 2007 đến nay. “Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng giao cho Bộ Quốc phòng, làm sao cho “nhanh, bền, tốt, rẻ, không có tiêu cực” – đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Góp phần làm cho công trình này không xảy ra tham nhũng, tiêu cực có công của Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án 47 với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, kiên quyết để phòng ngừa tiêu cực.
Con đường “nhanh, tốt, rẻ, không tiêu cực”
Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban quản lý dự án 47 (Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới), Thiếu tướng Hoàng Kiền từng đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Binh chủng Công binh. Ông là vị tướng giàu kinh nghiệm chiến đấu và quản lý, chỉ huy các đơn vị công binh thi công các công trình biển đảo.
[caption id="attachment_106251" align="aligncenter" width="600"]Nhận nhiệm vụ quản lý dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, có hàng trăm doanh nghiệp thi công trên truyến đường kéo dài hàng vạn cây số dọc theo vành đai biên giới qua 25 tỉnh, Thiếu tướng Hoàng Kiền hết sức lo lắng. Đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh nằm trên 3 tuyến biên giới Việt –Trung, Việt – Lào và Việt Nam – Campuchia, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Ông luôn yêu cầu các đơn vị tham gia thi công phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ 4 yêu cầu: Nhanh, tốt, rẻ và không tiêu cực.
Nhưng là người chỉ huy dạn dày kinh nghiệm, ông hiểu sẽ khó mà chống được tiêu cực chỉ bằng những lời nói suông. Đặc biệt với lĩnh vực xây dựng luôn tiềm ẩn nhiều sự phức tạp. Cách tốt nhất để chống tiêu cực, tham nhũng là phải có cơ chế, cách làm hiệu quả để người trong cuộc “không dám” và “không thể” tiêu cực, tham nhũng.
Sâu sát, chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra
Thiếu tướng Hoàng Kiền không dừng lại ở việc nghe báo cáo của chỉ huy đơn vị, nhà thầu mà ông luôn dành nhiều thời gian đi đến trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công và đặc biệt là ông rất quan tâm đến chất lượng công trình. Thượng tá Đỗ Văn Tiến, cán bộ Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) từng chỉ huy một xí nghiệp thi công đường tuần tra biên giới kể: Chúng tôi là nhà thầu thi công nhiều công trình, nhiều dự án ở nhiều bộ ngành nhưng chưa thấy ở đâu có một Giám đốc Ban quản lý dự án sâu sát như Thiếu tướng Hoàng Kiền. Cũng chưa thấy có giám đốc ban quản lý dự án nào đi kiểm tra thường xuyên, liên tục, bất chấp mọi thời tiết như ông. Công trường nào ông cũng đến tận nơi, kiểm tra tỷ mỉ từ chất lượng sắt thép đến xi măng và kỹ thuật thi công. Chính vì thế anh nào muốn làm ẩu hay bớt xén vật liệu cũng rất khó.
“Người ta thường nghĩ sĩ quan cấp tướng thì chỉ ngồi bàn giấy, cưỡi ô tô chỉ đạo từ xa nhưng tướng Hoàng Kiền thì khác. Chiếc xe Land Cuise dã chiến tôi lái đưa ông đi công tác là xe cũ, cấp trên gợi ý cấp cho ông xe mới nhưng ông không nhận bảo xe này vẫn đi tốt. Mấy năm trời làm lái xe cho ông, “thầy trò” chúng tôi đã rong ruổi dọc đường tuần tra biên giới của Tổ quốc, đến cả những nơi núi cao, vực sâu cheo leo nhất kiểm tra. Có ngày ông đi xe hơn 700 cây số để kiểm tra. Chỗ nào ô tô không đi được thì Thiếu tướng Hoàng Kiền yêu cầu thuê xe ôm đưa ông vào tận công trường kiểm tra. Chính sự sâu sát của ông đã giúp cho các gói thầu thi công đều bảo đảm chất lượng” – Trung tá Đinh Văn Thể, lái xe cho Thiếu tướng Hoàng Kiền bồi hồi kể về người chỉ huy của mình.
“Có lần, chúng tôi được theo chân Thiếu tướng Hoàng Kiền đi kiểm tra một tuyến đường tuần tra biên giới ở Mộc Châu, Sơn La. Đoạn đường gần trăm mét vừa đổ bê tông xong mà ông Kiền không hài lòng. Ông yêu cầu đơn vị thi công xúc bỏ bê tông làm lại chỉ vì chất lượng mặt đường không được phẳng, mịn. Ông mắng té tát nhà thầu: “Các ông phải coi đây là bài học. Phải làm lại ngay. Nếu không sửa sai thì các ông chẳng những đừng có mơ được nhận dự án tiếp theo mà còn bị xử lý kỉ luật đấy!” – nhà báo Mai Lan công tác tại Truyền hình An ninh nhân dân kể lại.
Bộ qui chuẩn đường bê tông giúp ngăn ngừa tiêu cực
Trong số những bức ảnh tư liệu mà Ban Quản lý dự án 47 lưu giữ được, có bức ảnh ông và cố Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên đi kiểm tra công trường, chân đi ủng, tay... bốc vữa bê tông để kiểm tra. Chính từ bài học rút ra từ những đoạn đường phải “đào lên làm lại” đã giúp Thiếu tướng Hoàng Kiền nghĩ đến một mô hình quản lý chặt chẽ hơn để các đơn vị thi công không thể làm thiếu, làm sai, làm kém chất lượng. Hiện làm đường bê tông xi măng ở nước ta vẫn chưa có quy trình chuẩn. ông mày mò, đi khắp các công trường tìm hiểu, tham khảo các tài liệu, xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học rồi tự tay soạn tập tài liệu tập huấn (dày gần 100 trang) để “dạy” các nhà thầu cách làm đường bê tông xi măng. Có tài liệu rồi, ông tổ chức tập huấn, trực tiếp… đứng lớp. ông còn lên biên giới trực tiếp giới thiệu thi công mặt đường bê tông xi măng, quay thành phim phát cho các nhà thầu để huấn luyện cho bộ đội, công nhân. Hình ảnh vị tướng già cầm dao xây, cầm xẻng trực tiếp trộn bê tông làm mẫu đã gây xúc động mạnh với mọi người. Nhưng quan trọng hơn, với “bộ quy chuẩn đường bê tông” do ông thiết kế, qui định, các đơn vị buộc phải làm đúng quy chuẩn, giúp con đường bảo đảm chất lượng. Nói về việc này, Thiếu tướng Hoàng Kiền khẳng định: “Tôi dám bảo đảm chất lượng đường bê tông của đường tuần tra biên giới đẹp và tốt nhất Việt Nam”. Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau này biết chuyện đã biểu dương và chỉ đạo “phát triển” tài liệu tập huấn của ông thành một đề tài khoa học cấp bộ.
[caption id="attachment_106253" align="aligncenter" width="600"]Hóa ra, chuyện ông hiểu sâu “nghề bê tông” có gắn với thời bao cấp, ông luôn ấp ủ ước mơ xây một cái nhà cho vợ con ở vùng quê ven biển Nam Định. Với đồng lương ít ỏi, ông tự tay vẽ thiết kế “ngôi nhà mơ ước” của mình, còn gạch, đá, cát, mỗi năm ông tích cóp một ít tiền, gửi về cho vợ mua “tập kết” sẵn. Riêng sắt, thép ông mua sắt phôi tiện ở chợ Sắt Hải Phòng, hàng tuần đạp xe đạp hơn 100km mang về quê. Thiếu tiền nên ông không dám thuê thợ mà chồng xây, vợ đánh vữa, con kéo vữa mỗi năm một ít theo “chiến thuật”… kiến tha lâu cũng đầy tổ. Ngót 10 năm trời, “ngôi nhà mơ ước” mới hoàn thành. Có lần, đang nghỉ phép đạp xe chở ít vật liệu về đến giữa đường thì trời đổ mưa. ông ghé vào quán nhỏ, nhờ địa điểm rồi đổ luôn một số tấm kê, một số tấm bê tông, hôm sau đạp xe lên xin về.
Quản lý tốt, tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng
Đại tá Võ Hồng Khanh, Giám đốc Công ty xây dựng công trình Tân Cảng kể với chúng tôi: “Thiếu tướng Hoàng Kiền là vị chỉ huy rất khắt khe, khắt khe đến lạ lùng. Rất khó khi “qua mắt” được ông cả về kỹ thuật lẫn giá cả, tài chính của dự án. Nhiều đoạn đường đang thi công theo thiết kế, ông đến kiểm tra bắt dừng lại, vẽ lại thiết kế vì phát hiện ra đơn vị tư vấn trước đó khảo sát và vẽ chưa chính xác, làm đoạn đường dài hơn. Khi ông yêu cầu thiết kế lại, đường ngắn hơn, kinh phí gói thầu giảm đi nhưng Nhà nước tiết kiệm được nhiều tỷ đồng. Ông cũng chỉ đạo các đơn vị phải tiết kiệm tối đa nguyên vật liệu xây dựng, tận dụng đá cát khai thác tại chỗ. Những phương án thi công không biết khai thác vật liệu tại chỗ, lập dự toán mua vật liệu từ xa làm đội giá vận tải đều bị ông “bác” thẳng thừng. Theo ông, tiết kiệm không đơn giản là cắt bỏ, lược bỏ cái A, cái B, cái C… mà phải từ khâu khảo sát, thiết kế. Nếu chọn tuyến không tốt, thiết kế sai làm đường, cầu sạt lở, có thể tốn kém hàng trăm tỷ đồng; có nhiều dự án khi đi kiểm tra phát hiện không hợp lý, ông trực tiếp vẽ lại vào bản vẽ ngay tại chỗ, tiết kiệm kinh phí rất lớn. Hiện với hơn 1.500km đường tuần tra đang hoàn thành, theo đơn giá năm 2009, đơn giá bình quân chỉ hết 7 tỷ đồng /km, thấp hơn định mức 8, 18 tỷ đồng so với suất đầu tư của Bộ Xây dựng, đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách một số tiền rất lớn!
Trong những giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực tại các gói thầu, có một chiến lược “mềm” mà rất...cứng đã được Thiếu tướng Hoàng Kiền áp dụng hiệu quả: Nhà thầu nào mắc lỗi không đảm bảo chất lượng hoặc bị phát hiện có tiêu cực sẽ bị “cấm cửa”, không được giao các gói thầu tiếp theo. Đơn vị nào làm nhanh, làm tốt sẽ được ưu tiên nhận các gói thầu mới.
Kết thúc giai đoạn 1 xây dựng đường tuần tra biên giới, 1500 km đường ông chỉ huy, quản lý thi công đã hoàn thành tốt đẹp. Tại hội nghị tổng kết, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất cao cả về tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình đều rất tốt và chi phí xây dựng lại thấp, tiết kiệm được nhiều ngân sách cho nhà nước và chỉ đạo Bộ Quốc phòng lập quy hoạch báo cáo để triển khai giai đoạn 2. Bốn yêu cầu Thủ tướng đề ra trong đó có yêu cầu “không có tiêu cực” đã được thực hiện tốt. Thành công ấy có công đóng góp rất lớn của Thiếu tướng Hoàng Kiền. Và đó cũng là một yếu tố quan trọng để cuối năm 2015 vừa qua, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo đề nghị và được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận xét: “Hoàng Kiền là con người của công việc, là một trong số những tướng lĩnh rất đáng tự hào của quân đội ta…”. Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đánh giá cao phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm và những cống hiến của ông cho nhiệm vụ xây dựng Đường tuần tra biên giới: “Thiếu tướng Hoàng Kiền xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Bộ đã chỉ đạo việc xét khen thưởng cho ông…”.
Hồng Minh