Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: “Kinh tế tư nhân thịnh vượng, đất nước mới thịnh vượng”
(CLO) Nhân dịp 76 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trao đổi với báo chí về vai trò của kinh tế tư nhân và những đóng góp của họ trong nền kinh tế Việt Nam.
“Kinh tế tư nhân thịnh vượng, đất nước mới thịnh vượng”
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, kinh tế tư nhân là một phần tất yếu của mọi nền kinh tế và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tới chuyện thực dân Pháp không để tư sản dân tộc của mình ngóc đầu lên được.
Sau đó 2 tuần, các nhà tư sản dân tộc đã có cuộc gặp mặt đầu tiên với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, với tư cách là những vị thượng khách đầu tiên. Trong nhiều sự kiện, Bác Hồ luôn nhấn mạnh tới vai trò của giới công thương (nay là giới doanh nhân), với sứ mệnh xây dựng kinh tế nước nhà.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
Trích dẫn một phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”, ông Lộc nói: "Nghĩa là phải có lực lượng doanh nghiệp tư nhân thịnh vượng thì đất nước này mới thịnh vượng. Người nhấn mạnh sự thịnh vượng của kinh tế tư nhân".
Ông Vũ Tiến lộc nhấn mạnh: “Khi mất Độc lập, giai cấp tư sản không được ngẩng đầu lên. Sự ngẩng đầu lên của giới công thương, của giới tư sản dân tộc là chỉ báo của một nước Độc lập. Đó là điều rất sâu sắc trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta chưa nghiên cứu thấu đáo”.
Khi nước ta mới tuyên bố Độc lập, cách mạng còn non trẻ, Chính phủ không có tiền, không có ngân sách cho hoạt động mà phải huy động giới công thương, giới tư sản dân tộc, doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho ngân sách. Một số nhà tư sản dân tộc nổi tiếng, đã từng bán hết tài sản để ủng hộ cho Chính phủ đương thời.
Riêng bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở số 48 phố Hàng Ngang đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời 5.147 lạng vàng.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ có câu nói nổi tiếng “Buôn bán được 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả!”.
“Tinh thần của tư sản dân tộc là như thế, giai cấp tư sản dân tộc yêu nước là như thế và hiện tại, đất nước cũng có thế hệ doanh nhân như vậy”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Kinh tế tư nhân trong thời đại mới: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Trải qua 35 năm kể từ khi đổi mới, đội ngũ doanh nhân và khu vực tư nhân ở Việt Nam đã có những bước tiến thần kỳ. Cho đến thời điểm này, khu vực tư nhân đang tạo ra 85% tổng số việc làm, đã đóng góp trên 42% GDP của nền kinh tế.
Sự phát triển của khu vực tư nhân là cứu cánh đưa hàng chục triệu đồng bào ta thoát khỏi đói nghèo và đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh. Chính khu vực tư nhân là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế.
Bên cạnh một cộng đồng kinh doanh đông đảo với hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh, Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp tư nhân đang có mặt trên mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.
Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp lớn, sánh vai các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và khu vực, góp phần làm rạng danh đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập toàn cầu.
Nhưng, nền kinh tế Việt Nam cũng chưa thể yên tâm khi số lượng doanh nghiệp lớn và vừa trong nền kinh tế nước ta còn quá ít.
Ông Lộc cho biết, khoảng 98 - 99% các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thuộc quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn chưa cao, định hướng phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm xã hội chưa trở thành hệ giá trị phổ cập trong cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam, nhìn chung vẫn chưa kết nối có hiệu quả được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khu vực tư nhân đã đóng góp tới trên 40% GDP, nhưng phần đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt trên dưới 10%, còn lại 30% GDP vẫn là đóng góp các khu vực của hộ kinh doanh cá thể - khu vực không chính thức trong nền kinh tế. Sản xuất, kinh doanh nhỏ vẫn là phổ biến và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn đơn độc trong thời hội nhập.
Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và điều đáng nói là khu vực FDI rất thiếu liên kết với các doanh nghiệp trong nước.

Thị trường nội địa và doanh nghiệp bản địa cần phải là điểm tựa của nền kinh tế nước nhà.
Ngay cả thời điểm hiện tại, Việt Nam quá lệ thuộc FDI, và nếu tiếp tục lệ thuộc vào FDI bằng gia công, bằng lao động giá rẻ và thiếu liên kết với khu vực kinh tế trong nước thì năng suất và giá trị gia tăng của nền kinh tế luôn thấp, khó vượt lên được, khó trở thành nước phát triển tự chủ và thịnh vượng.
Việt Nam mở rộng cửa, nhưng khu vực kinh tế nội địa của chúng ta vẫn chưa được hưởng lợi nhiều và chưa phát huy được hết tiềm năng. Miếng bánh hội nhập vẫn mang lại lợi ích nhiều hơn cho các doanh nghiệp ngoại.
Doanh nhân Việt cần phải trở thành rường cột của nền kinh tế nước nhà. Thị trường nội địa và doanh nghiệp bản địa cần phải là điểm tựa. Thị trường gần 100 triệu dân và tương lai là hơn thế, với tầng lớp trung lưu bùng nổ và một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao, có quy mô đủ lớn sẽ nâng “đôi cánh” để “đàn chim Việt” bay cao.
Đội ngũ doanh nghiệp Việt với hàng triệu chủ thể tràn trề sức sống, đang phát triển, với hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới mỗi năm, sẽ phải đủ sức để trở thành lực lượng nòng cốt phát triển đất nước này, không thể nào khác được.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, gần 2 năm qua trong bối cảnh dịch Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã cố gắng dũng cảm, kiên cường trụ vững để đóng góp vào tăng trưởng, lo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách.
Và ngay trong bối cảnh thua lỗ, khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đi đầu trong việc ủng hộ cho quỹ vaccine phòng chống Covid, cho các hoạt xã hội từ thiện, ủng hộ cho người lao động, người nghèo những đối tượng yếu thế với kinh phí nhiều ngàn tỷ đồng…
Có doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư sản xuất thiết bị y tế, vaccine, bất chấp lỗ lãi, miễn là góp được phần bảo đảm tự chủ nguồn cung ứng vaccine cho Đồng bào mình. Đó là những nghĩa cử rất đáng khuyến khích, tôn vinh.
“Đội ngũ doanh nhân dân tộc mà chúng ta đang dày công xây dựng và đề cập ở trên là đội ngũ doanh nhân có lòng yêu nước, có trách nhiệm xã hội, kinh doanh sáng tạo và nhân văn, chọn con đường phát triển bền vững là đích đến. Đây cũng là xu hướng chung của cộng đồng doanh nhân quốc tế thời hiện đại”, Chủ tịch VCCI nói.