Online Friday 2019: Có giải quyết được vấn nạn khuyến mãi “ảo”?

Thứ năm, 14/11/2019 09:13 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) 2019 đã được khởi động với kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động Thương mại điện tử (TMĐT), cũng như góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số. Tuy nhiên, cần giải được vấn nạn khuyến mãi ảo nhằm trục lợi của một số doanh nghiệp.

Thúc đẩy hoạt động Thương mại điện tử

Trong bối cảnh thị trường TMĐT tiếp tục tăng trưởng, mang đến nhiều đột phá cho nền kinh tế số nhằm đón bắt những cơ hội đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần ALLIEX Việt Nam, thống kê năm 2018 cho thấy, doanh số của TMĐT tại Việt Nam lên tới 2 tỉ USD. Tuy nhiên, tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán khi nhận hàng hóa (COD) vẫn chiếm từ 95% đến 97%. Có thể nói, TMĐT tại Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng, ứng dụng công nghệ số, phát huy các cơ hội trong Cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ.

Vào những dịp cuối năm, thông thường sẽ có các hoạt động giảm giá đến từ các thương hiệu, nhãn hàng nhằm kích cầu hoạt động thương mại, mua sắm. Do đó, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Ngày hội Online Friday là chương trình tại Việt Nam được ra đời với mục đích giúp người tiêu dùng có thể mua được hàng giảm giá, nhưng không phải chờ đợi, chen chúc và xô đẩy tại các cửa hàng, trung tâm thương mại. Online Friday được tổ chức vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 tại Việt Nam, chỉ áp dụng cho hình thức mua hàng trực tuyến qua mạng. Chương trình được triển khai thường niên từ năm 2014, còn là nơi liên kết cộng đồng doanh nghiệp TMĐT, giới thiệu những sản phẩm chính hãng, bảo đảm tới tay người tiêu dùng một cách chính thống. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ, tham gia của nhiều tên tuổi lớn về kinh doanh trực tuyến, sau khi kết thúc đã có nhiều đơn vị có kết quả doanh thu tăng trưởng vượt trội và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp được quảng bá rộng rãi. Có thể nói, Online Friday là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh toàn cảnh thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, thúc đẩy quá trình phát triển TMĐT trong kỷ nguyên kinh tế 4.0.

03_fybe

Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, những năm qua, chương trình ngày càng được doanh nghiệp, người tiêu dùng hưởng ứng tích cực và được xã hội đánh giá cao. Năm 2014, chỉ có 1.000 doanh nghiệp tham gia với 3.226 sản phẩm khuyến mãi, tổng doanh số bán hàng đạt khoảng 154 tỷ đồng. Đến năm 2018 đã có 3.000 doanh nghiệp tham gia với 27.000 sản phẩm, tổng giá trị hàng hóa được giao dịch ước tính hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó có 1,8 triệu đơn hàng, thu hút hơn 25 triệu lượt tương tác của người tiêu dùng trên hệ thống và mạng xã hội. Năm nay, mục tiêu của Online Friday sẽ đạt được 1.000 thương hiệu, doanh nghiệp sản xuất và phân phối chính hãng tham gia, 50.000 mã hàng chính hãng, 200.000 khách hàng mua hàng thành công qua voucher, với tổng giá trị đơn hàng là hơn 2.500 tỷ đồng. Đồng thời sẽ có 20 triệu lượt tương tác của khách hàng, 300.000 lượt tải app chương trình, 2 triệu lượt tương tác, quét QR Code và 50% người tiêu dùng được truyền thông và trải nghiệm chương trình với những lợi ích thiết thực, mức khuyến mãi hấp dẫn. Đồng thời cũng xây dựng một liên kết chặt chẽ, bền vững giữa cộng đồng doanh nghiệp từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho TMĐT.

Một điểm chú ý khác, đây là năm đầu tiên Online Friday triển khai hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thông qua nền tảng eVoucher. Với hình thức này, người tiêu dùng sẽ có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và đặt trước cho các sản phẩm, hàng hóa mình mong muốn và sử dụng mã Voucher để mua hàng trên các website TMĐT tham gia vào chương trình. Ban tổ chức sẽ cung cấp hệ thống để bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia đẩy bán hàng hóa thông qua hình thức eVoucher, dù là doanh nghiệp bán hàng trực tuyến hay bán hàng tại hệ thống cửa hàng offline.

Bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng

Mặc dù rất mong đợi ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn còn lo ngại về chất lượng sản phẩm, nhất là vấn nạn khuyến mãi “ảo” của các gian hàng. Đây cũng là thực tế của một số chương trình Online Friday ngày trước, thậm chí còn có cả doanh nghiệp nằm trong Ban tổ chức cũng bán hàng giả, đưa khuyến mại ảo lừa người tiêu dùng. Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tham gia Online Friday với tư tưởng trục lợi, nâng giá rồi giảm giá, cho nên dù sản phẩm có giá giảm sâu lên đến 40%, nhưng người tiêu dùng lại không nhận được nhiều lợi ích. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, chiêu trò các gian hàng tự ý nâng giá sản phẩm, sau đó treo mác khuyến mãi giảm giá để lừa người tiêu dùng là không mới, nhưng vẫn được áp dụng thành công, cho nên vẫn cứ tiếp diễn từ năm này qua năm khác. Nhất là trong những dịp nhu cầu mua sắm tăng cao, hay tại các thời điểm diễn ra chương trình khuyến mãi như Online Friday, việc quảng cáo và bán hàng không tốt vẫn diễn ra do thiếu hình thức xử phạt đủ tính răn đe, không đáng kể so với lợi nhuận mang lại. Mặt khác, việc xử lý lại không thể tiến hành ngay lập tức, chỉ có thể thực hiện sau khi chương trình kết thúc. Như vậy, khách hàng nếu mua phải những sản phẩm như vậy thì cũng không thể trả được hàng vì tiền đã được thanh toán. Ban tổ chức chỉ có thể tiếp nhận thông tin, xác minh và công bố danh sách doanh nghiệp vi phạm, nhưng đó là việc xảy ra sau khi hoạt động Online Friday kết thúc. Đây cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng gần đây thường không tin vào các khuyến mại.

Để giải quyết vấn nạn này, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, để kiểm soát chất lượng sản phẩm tham gia khuyến mãi, Ban tổ chức đã làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà cung cấp và buộc các đơn vị phải cam kết và có chứng từ chứng minh hàng chính hãng và có nguồn gốc rõ ràng, tránh tình trạng như một số năm trước bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trộn lẫn với hàng thật, khiến người tiêu dùng hoang mang. Ngoài ra, sẽ có các hệ thống so sánh giá để đảm bảo các sản phẩm được kiểm tra giá so với giá thị trường. Các doanh nghiệp tham gia chương trình Online Friday sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn khi đăng ký sản phẩm. Việc kiểm soát chất lượng hàng cũng được chú trọng hơn với khâu trung gian khi được bán thông qua các sàn TMĐT, tránh tình trạng hàng bán ra vi phạm các quy định về bản quyền, thông tin sai lệch.

Về phía người tiêu dùng, theo các chuyên gia, trước khi mua hàng cần tự trang bị cho bản thân kiến thức, lưu ý những nguyên tắc tối thiểu để bảo đảm không bị “sập bẫy” khuyến mãi ảo, bị lừa mua hàng bởi các thông tin lừa dối, chế độ bảo hành không như cam kết đến từ những đơn vị kinh doanh thiếu uy tín. Trước khi mua hàng cần đối chiếu mức giá sản phẩm với các trang so sánh giá trên mạng, hoặc có thể gọi điện trực tiếp tới một số cửa hàng cụ thể để kiểm tra. Mặt khác, Ban tổ chức cũng cần có các khung hình phạt mạnh tay hơn nữa với các doanh nghiệp bị phát hiện có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Có thể yêu cầu doanh nghiệp có một khoản tiền bảo đảm, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc trích từ trong đó để đền bù cho người tiêu dùng. Có như vậy thì người tiêu dùng mới hoàn toàn đặt niềm tin vào chương trình Online Friday, yên tâm mua sắm với sự bảo trợ của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), không còn tình trạng nơm nớp lo sợ trong quá trình giao dịch trực tuyến.

Gia Nguyên – Hùng Long

Tin khác

Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024

Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024

(CLO) Agribank triển khai chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 với quy mô 20.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng ngắn hạn, lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm và nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ.

Tài chính - Bảo hiểm
Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn thứ tư trị giá 200 triệu USD

Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn thứ tư trị giá 200 triệu USD

(CLO) Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD. Đây là giao dịch hợp vốn thứ 4 của Techcombank, thu hút 15 ngân hàng tham gia với tỉ lệ đăng ký cho vay dư ở mức cao.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ kêu gọi Nhà Trắng áp thuế đối hàng nhập khẩu từ châu Á

Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ kêu gọi Nhà Trắng áp thuế đối hàng nhập khẩu từ châu Á

(CLO) Một nhóm các nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn của Mỹ đã kiến nghị lên Tổng thống Joe Biden kêu gọi áp thuế nhập khẩu đối với tấm pin nhập khẩu từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Lý do: giá thấp đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của họ.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

(CLO) Tiếp tục chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại tại một số nước châu Âu, trong chương trình công tác tại Hà Lan, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với một số doanh nghiệp của Vương quốc Hà Lan.

Kinh tế vĩ mô
Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới vì bán ôtô điện giá rẻ?

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới vì bán ôtô điện giá rẻ?

(CLO) Trong khi các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu đang vật lộn với nhu cầu xe điện yếu, Trung Quốc đang tung ra ngày càng nhiều xe điện cỡ nhỏ và giá rẻ nhằm chiếm lĩnh thị trường ôtô trong nước và các thị trường khác ở châu Á.

Thị trường - Doanh nghiệp