OPEC+ quyết định không cắt giảm sản lượng khi dầu Nga chịu trừng phạt
(CLO) OPEC và các đồng minh OPEC+ quyết định giữ mục tiêu sản lượng dầu để đánh giá tác động của các hạn chế mới của phương Tây đối với xuất khẩu dầu thô của Nga, Financial Times trích dẫn hôm 4/12.
Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu trong cuộc họp hôm 4/12, sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng thuận về trần giá đối với dầu của Nga.
Hôm nay (5/12) chính là ngày châu Âu chính thức cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, đẩy thị trường dầu mỏ vào một giai đoạn bất ổn mới vì không rõ liệu Moscow có thể tìm được người mua thay thế cho dầu thô của mình hay không.

Nga chỉ đứng sau Ả Rập Xê-út về năng lực sản xuất dầu trong OPEC+. Ảnh: FT.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý khởi động cơ chế áp trần giá nhằm mục đích giữ cho dầu của Nga chảy đến các nước như Ấn Độ và Trung Quốc bằng cách cho phép tiếp tục tiếp cận các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của châu Âu với điều kiện giá bán ở mức dưới 60 USD/thùng. Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ không bán bất kỳ loại dầu nào cho các quốc gia sử dụng giới hạn này.
Các nhà phân tích đang phân vân về sự vô định trong các lệnh trừng phạt đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu dầu thô của Nga. Nga chỉ đứng sau Ả Rập Xê-út (quốc gia có năng lực sản xuất chủ chốt trong OPEC+).
Christyan Malek tại JPMorgan cho biết: “Nếu thị trường biến động theo hướng bất lợi, OPEC+ sẽ can thiệp vì tổ chức này đã thể hiện rõ ràng rằng họ muốn cân bằng thị trường một cách chủ động và ưu tiên trước”.
Tại cuộc họp cuối cùng của nhóm vào tháng 10, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng mỗi ngày, để rồi nhận về nhiều chỉ trích gay gắt từ Hoa Kỳ và các quốc gia tiêu dùng khác, vốn cáo buộc nhóm liên kết với Nga để đẩy giá dầu lên cao.
Sau đó, Ả Rập Xê-út lập luận rằng OPEC+ đang giảm sản lượng do lo ngại về sự suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu và phản ứng giá dầu kể từ khi những cắt giảm đó được công bố đã bị hạn chế.
Hôm 2/12, giá đầu thô Brent được giao dịch ở mức 87 USD/thùng.
Các quan chức của OPEC+ đã lên kế hoạch nhóm họp trực tiếp vào 4/12, tại trụ sở của Opec ở Vienna, nhưng đã thay đổi sang cuộc họp trực tuyến.
Khánh Vy (Theo Financial Times)