Pakistan không chấp nhận Facebook, YouTube
Pakistan không chấp nhận Facebook, YouTube
"Everybody Draw Mohammed Day" (Ngày mọi người cùng vẽ Mohammed) do một họa sĩ Mỹ phát động. Các hình ảnh cốc trà, cuộn chỉ, quả sơ ri,... được vẽ như là những biến thể của nhà tiên tri Mohammed.
Một cuộc thi có tên “Ngày mọi người cùng vẽ Mohammed” đã được phát động hồi tháng 4/2010 bởi Molly Norris, một nữ họa sĩ vẽ tranh biếm họa người Mỹ. Nó nhanh chóng xuất hiện và thu hút đông đảo sự tham gia của người dùng Facebook khắp thế giới. Nó đã thổi bùng lên luồng phản ứng đầy giận dữ ở các quốc gia Hồi giáo.
Ngày 19/5, tòa án tối cao Lahore, Pakisstan, trả lời kiến nghị của Phong trào Luật sư Hồi giáo, yêu cầu các nhà cung cấp mạng Pakistan chặn toàn bộ các website này. Người sử dụng Facebook Pakistan bị mất quyền truy cập khoảng hai giờ sau đó.
Ông Rai Bashir, một luật sư tham gia vụ việc cho hay Facebook đã phạm tội báng bổ: ”Có rất nhiều lời lăng mạ nhà tiên tri trên mạng Internet, đó là lý do tại sao chúng tôi phải đưa trường hợp này ra trước tòa. Tất cả người Hồi giáo ở Pakistan và toàn thế giới sẽ ủng hộ quyết định của chúng tôi.”
Kinh Koran không cấm việc xuất hiện các hình ảnh của Mohammed, nhưng theo một số câu chuyện về nhà tiên tri này thì việc vẽ ra hình ảnh của ông là không được phép.Tòa án Lahore đã ra lệnh chặn Facebook đến hết ngày 31/5 – thời điểm kết thúc cuộc thi gây phẫn nộ trên.
Và giờ Youtube cũng bị Pakistan cấm truy cập bởi người dùng Facebook đã sử dụng trang chia sẻ video lớn nhất thế giới này để đăng tải những hình ảnh không hay ho gì về nhà tiên tri.
Phát ngôn viên của YouTube cho hay: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo rằng Pakistan ra lệnh cho Cơ quan Viễn thông yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Pakistan chặn truy cập vào YouTube. Chúng tôi đang làm việc để đảm bảo rằng dịch vụ của chúng tôi được phục hồi càng sớm càng tốt . "
Hiện Pakistan có hơn 2,5 triệu tài khoản Facebook và khoảng 20 triệu người sử dụng internet.
Đây không phải lần đầu tiên Pakistan đã phản ứng dữ dội với hình ảnh miêu tả nhà tiên tri Mohammed. Năm 2006, hàng chục nghìn người dân nước này đã xuống đường biểu tình khi một bức tranh biếm họa Mohammed ban đầu xuất hiện trên một tờ báo Đan Mạch rồi sau đó xuất hiện trên toàn thế giới; 5 người dân đã thiệt mạng khi các cuộc biểu tình chuyển thành bạo lực, còn bản thân họa sỹ Đan Mạch vẽ bức tranh đó thì bị một số phần tử Hồi giáo cực đoan truy sát.
Nguyễn Hiền
(Theo Telegraph)