Pakistan và nghịch lý bất ổn lâu dài

Thứ ba, 12/04/2022 19:19 PM - 0 Trả lời

(CLO) Pakistan là một trong những quốc gia đông dân, rộng lớn và giàu tiềm năng, song lại là một trong những nước bất ổn bậc nhất thế giới, kéo dài từ khi giành độc lập vào năm 1947. Cho đến nay, vẫn chưa có vị thủ tướng nào của họ hoàn thành đủ 5 năm nhiệm kỳ.

Nghịch lý Pakistan

Ngay cả vị nguyên thủ quốc gia vừa bị phế truất Imran Khan cũng không phải ngoại lệ, bất kể ông là một nhà lãnh đạo khá được lòng dân và từng là một vận động viên criket nổi tiếng. Vị chính khách 70 tuổi này cũng chỉ tại vị trong khoảng thời gian vỏn vẹn gần 4 năm, chính xác là 3 năm 235 ngày.

pakistan va nghich ly bat on lau dai hinh 1

Thách thức dành cho tân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif là rất lớn. Ảnh: AP

Điều đó phần nào đủ cho thấy sự bất ổn của quốc gia nằm ở Nam Á giàu tài nguyên và động lực này, khi giáp với cả 2 gã khổng lồ châu lục là Ấn Độ và Trung Quốc. Thậm chí, vị trí địa lý của Pakistan rất đặc biệt, khi nằm ở ngã 3 đường giữa Nam Á, Trung Á và Trung Đông.

Rõ ràng, Pakistan đáng ra phải là một quốc gia thịnh vượng trong khu vực, nhưng thật đáng tiếc đây là một quốc gia bất ổn, thậm chí còn thường xuyên đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Pakistan đứng thứ 5 thế giới về dân số với hơn 226 triệu người, thứ 33 về diện tích với 881.913 km vuông (gần gấp 3 lần diện tích Việt Nam). Tuy nhiên, họ chỉ đứng thứ 159 về GDP bình quân đầu người, với chỉ 1.629 USD.

Như phần lớn người tiền nhiệm, cựu Thủ tướng Khan đã phải rời nhiệm sở trong tiếng ca thán về nền kinh tế khủng hoảng. Chỉ mới hồi giữa tháng 2 vừa rồi, ông Khan đã phải đề nghị Trung Quốc cung cấp gói cứu trợ trị giá 9 tỷ USD, bao gồm các hỗ trợ tài chính và chuyển đổi các khoản vay để giúp nước này tránh khỏi cảnh vỡ nợ. Bởi vậy, ông Khan hiển nhiên sẽ để lại một di sản được cho rằng không thể tồi tệ hơn cho người kế nhiệm là tân thủ tướng Shehbaz Sharif tới đây.

Di sản khó có thể tệ hơn

Chính phủ mới của Pakistan sẽ phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn trên cả mặt trận đối nội và đối ngoại. Các nhà kinh tế cho rằng chính quyền Imran Khan trước đây đã khiến nền kinh tế rối ren và không tuân thủ chương trình nghị sự kinh tế của mình là cung cấp 10 triệu việc làm và 5 triệu ngôi nhà, cũng như tăng trưởng kinh tế và cải cách thuế.

Các nhà phân tích cho rằng ông Khan không chỉ khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng hỗn loạn, mà còn không thể quét sạch nạn tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu đang cố thủ trong hệ thống - những thông điệp thường xuất hiện trong chiến dịch bầu cử của ông vào năm 2018.

Shahbaz Sharif, tân thủ tướng Pakistan, đảm nhiệm vào thời điểm nền kinh tế đang báo động và dự trữ đang chạm đáy trong bối cảnh lạm phát lương thực kỷ lục, nợ tăng, thất nghiệp, nhập khẩu gia tăng và thâm hụt thương mại hơn 35 tỷ USD.

Atif Mian, một nhà kinh tế học người Mỹ gốc Pakistan nổi tiếng và là Giáo sư Kinh tế Chính sách Công và Tài chính tại Đại học Princeton, đã viết một bài dài trên Twitter rằng ông Khan được thừa kế một nền kinh tế tồi tệ, nhưng lại khiến nó còn tồi tệ hơn.

“Thật vô cùng đáng tiếc khi một chính phủ mà hàng triệu người từng đặt nhiều hy vọng lại kết thúc trong thất bại to lớn như vậy. Tôi hy vọng những người đến sau sẽ học được từ điều này và những thất bại trong quá khứ của chính họ”, ông bình luận.

Hy vọng vào kỷ nguyên mới?

Bất ổn chính trị và khủng hoảng hiến pháp, xuất phát từ động lực lật đổ chính phủ ông Khan của phe đối lập, ngày càng đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Các nhà phân tích khẳng định Pakistan sẽ đối mặt với một thảm họa kinh tế không giống ai.

pakistan va nghich ly bat on lau dai hinh 2

Bên cạnh chính sách kinh tế yếu kém, những mâu thuẫn chính trị và tôn giáo đã khiến Pakistan không thể phát triển như kỳ vọng. Ảnh: AFP

Đúng là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang nắm giữ gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD cho Pakistan, song họ sẽ chỉ có thể giải ngân khi có sự tương tác với chính phủ mới, ít nhất phải một thời gian sau khi chính phủ tuyên thệ nhậm chức.

Các khoản thanh toán nợ nước ngoài của Pakistan, bao gồm cả việc chấm dứt các khoản vay vốn lớn của Trung Quốc, cũng đang đè nặng lên nguồn dự trữ ngoại tệ đang nhanh chóng cạn kiệt vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 11 tỷ USD vào cuối tháng 3.

Farrukh Saleem, nhà khoa học chính trị và kinh tế người Pakistan tại Islamabad, đánh giá rằng: “Chính phủ mới đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Đồng rupee đã mất 50% giá trị trong vòng 3 năm qua. Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP) chỉ còn đúng 11 tỷ USD, thậm chí không đủ mua được hai tháng hàng nhập khẩu. Họ còn phải thanh toán 14 tỷ USD trong 9 tháng tới!”.

Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi Pakistan luôn phải đối mặt với tình huống vỡ nợ trong thời gian gần đây. Vào những lúc khẩn cấp nhất, Trung Quốc và UAE đã ra tay giải cứu họ. Chủ nợ lớn của Pakistan là Trung Quốc và UAE gần đây đã đảo nợ các khoản vay trị giá 6 tỷ USD, mang lại cho Pakistan một chút không gian để thở, song hiển nhiên các chủ nợ rồi sẽ quay lại vào một thời điểm nào đó.

Cựu ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi, người đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng trước, tiết lộ rằng Trung Quốc sẽ thực hiện khoản cho vay khổng lồ 4,2 tỷ USD để cung cấp một khoản cứu trợ lớn nữa cho đồng minh của mình để vượt qua khó khăn.

Bộ Tài chính Pakistan cũng đang tích cực theo đuổi đề xuất tìm kiếm khoản giải phóng sớm 21 tỷ USD từ Trung Quốc. Islamabad đã chỉ đạo đại sứ của mình tại Trung Quốc, Moin ul Haque, theo dõi ba đề xuất với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc nhằm mang lại sự ổn định kinh tế và đáp ứng nhu cầu ngân sách.

Bởi vậy mà Saleem, nhà khoa học chính trị Pakistan tại Islamabad, cho biết thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này sắp chạm mốc 20 tỷ USD, tương đương 6% GDP. “Pakistan đang chi quá nhiều cho nhập khẩu. Một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán toàn diện đang ở mức cao, nhưng nhà nước đang cố tình lờ đi”.

Dù thế nào, Pakistan sẽ tiếp tục phải trải qua một thời kỳ khó khăn nữa, như phần lớn lịch sử của họ kể từ khi giành độc lập từ thực dân Anh vào năm 1947. Gánh nặng và thách thức lần này sẽ đặt lên vai tân Thủ tướng Shehbaz Sharif và chính quyền của ông.

Cũng có những hy vọng khi nhà quản trị từng gây nhiều tiếng vang trước đây này chính là em trai của Nawaz Sharif - người từng có 3 giai đoạn làm thủ tướng khác nhau của Pakistan trong quá khứ. Bởi vậy, ông Shehbaz Sharif sẽ có nhiều sự hậu thuẫn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Ông Imran Khan thực ra mới là thủ tướng đầu tiên của Pakistan bị phế truất thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trước Khan, Shaukat Aziz năm 2006 và Benazir Bhutto năm 1989 đều đã vượt qua thử thách này, song sau đó họ vẫn không thể hoàn thành hết nhiệm kỳ của mình, vì cách này hay cách khác.

Hải Anh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế