Đời sống văn hóa

PGS.TS Bùi Xuân Đính: Không nên 'đổi tên' đặc sản theo đơn vị hành chính mới

Trung Nguyễn 09/07/2025 07:34

(CLO) Hiện tượng “đổi tên” các món đặc sản theo đơn vị hành chính mới sau sáp nhập đang gây xôn xao trên mạng xã hội thời gian gần đây. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một trò đùa vui, nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về việc làm phai nhòa bản sắc văn hóa vùng miền của nước ta.

Để có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Xuân Đính thuộc Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

PV: Thưa PGS.TS Bùi Xuân Đính, ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng “đổi tên” đặc sản theo đơn vị hành chính mới đang lan truyền trên mạng xã hội gần đây? Đây đơn thuần chỉ là trò vui hay phản ánh điều gì sâu xa hơn trong tâm lý cộng đồng?

PGS.TS Bùi Xuân Đính: Tôi cho rằng việc “đổi tên” đặc sản theo đơn vị hành chính mới là điều không nên. Các món đặc sản vốn gắn liền với từng địa danh cụ thể nơi sản sinh, nuôi dưỡng và gìn giữ sản phẩm đó qua thời gian. Chúng là kết tinh của trí tuệ, tình cảm, tâm hồn của người dân địa phương, tạo nên thương hiệu văn hóa, niềm tự hào và là dấu chỉ đáng tin cậy để người muôn phương nhận diện vùng đất ấy.

Hiện tượng lan truyền “đổi tên đặc sản” trên mạng xã hội, có thể ban đầu chỉ là trò đùa vui của một bộ phận cư dân mạng. Nhưng nếu khảo sát một cách nghiêm túc, tôi tin phần lớn người dân vẫn mong muốn giữ nguyên địa danh gắn với các đặc sản lâu đời, không ai muốn thấy những cái tên ấy bị thay thế hay mờ nhạt đi.

Ảnh màn hình 2025-07-08 lúc 20.51.02
PGS.TS Bùi Xuân Đính – Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: NVCC

PV: Theo ông, khi các địa danh gắn với đặc sản bị thay đổi hoặc mờ nhạt, chúng ta có đang đối mặt với nguy cơ đánh mất một phần bản sắc văn hóa vùng miền không?

PGS.TS Bùi Xuân Đính: Có chứ, và đó là một nguy cơ rất thực tế. Khi địa danh thay đổi, thế hệ trẻ sẽ khó nhận biết và cảm nhận được truyền thống gắn liền với đặc sản của vùng đất đó. Họ chỉ biết đến món ăn vì ngon miệng, mà không hiểu hết giá trị văn hóa, lịch sử, hay công sức lao động của cha ông bao đời để tạo nên những sản phẩm ấy.

Mỗi đặc sản là một di sản gắn với sự cần cù, sáng tạo, trí tuệ và tâm huyết của những người làm nghề, được duy trì có khi hàng trăm, hàng nghìn năm. Đó là bản sắc không thể đánh đổi dễ dàng chỉ vì lý do hành chính.

PV: Liệu việc sáp nhập các tỉnh có thể làm “nhòa đi” những chỉ dẫn địa lý quen thuộc như “phở Nam Định”, “kẹo dừa Bến Tre”, “vải thiều Bắc Giang”? Làm sao để bảo tồn được những tên gọi ấy?

PGS.TS Bùi Xuân Đính: Việc sáp nhập chắc chắn đặt ra thách thức đối với việc giữ gìn các chỉ dẫn địa lý đã quen thuộc. Tuy nhiên, tôi cho rằng hoàn toàn có thể dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Cụ thể, chúng ta cần kiên quyết giữ nguyên địa danh cũ gắn với đặc sản, đồng thời bổ sung địa danh mới nếu cần. Ví dụ: “Phở Nam Định – tỉnh Ninh Bình” hoặc “Ổi Bo Thái Bình – tỉnh Hưng Yên”.

Cách làm này vừa đảm bảo gốc gác, nguồn cội của đặc sản, vừa phản ánh đúng thực tế hành chính hiện tại. Như vậy, không chỉ giúp người dân ghi nhớ xuất xứ sản phẩm, mà còn góp phần quảng bá cho cả đơn vị hành chính mới.

banh dau xanh
Các đặc sản như Bánh đậu xanh Hải Dương cần được giữ tên gọi gốc. Ảnh: Internet

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông và giáo dục văn hóa trong việc bảo vệ tên gọi gốc của các đặc sản địa phương, đặc biệt với thế hệ trẻ?

PGS.TS Bùi Xuân Đính: Truyền thông và giáo dục văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, nếu lơ là vai trò này, các giá trị truyền thống rất dễ bị mai một. Do đó, cả truyền thông và ngành giáo dục cần chủ động đi đầu trong việc tuyên truyền, gìn giữ và tôn vinh các đặc sản, sản vật truyền thống của từng địa phương.

Đặc biệt, phải truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để họ hiểu rằng, những món ăn cha ông để lại không chỉ đơn giản là thực phẩm, mà là biểu tượng của văn hóa, là niềm tự hào về cội nguồn.

PV: Tuy vậy, liệu việc sáp nhập các đơn vị hành chính có thể mở ra cơ hội phát triển mới cho ẩm thực vùng miền không, thưa ông?

PGS.TS Bùi Xuân Đính: Có chứ. Việc sáp nhập tạo nên những tỉnh thành có quy mô lớn hơn, đồng nghĩa với không gian phát triển rộng mở hơn. Cộng với sự phát triển về hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, thì đây là cơ hội để quảng bá, liên kết, hợp tác và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản vật truyền thống.

Ảnh màn hình 2025-07-08 lúc 20.52.34
Cộng đồng mạng gọi vui đặc sản thành những cái tên mới đầy thú vị. Ảnh: chụp màn hình

Miễn là chúng ta vẫn giữ nguyên được gốc gác của sản phẩm và tôn trọng giá trị văn hóa gắn liền với địa danh, thì không có lý do gì để không tận dụng cơ hội này để phát triển mạnh hơn.

PV: Cuối cùng, ông có đề xuất nào dành cho các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực sau sáp nhập hành chính?

PGS.TS Bùi Xuân Đính: Tôi mong muốn các cơ quan quản lý cần có chính sách rõ ràng, nhất quán trong việc giữ tên gọi truyền thống của các đặc sản địa phương kể cả khi đơn vị hành chính đã thay đổi. Có thể gắn kèm địa danh mới, nhưng tên cũ phải được giữ lại như một phần không thể tách rời của sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, quảng bá, đồng thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các nghệ nhân – những người gìn giữ và truyền lại tinh hoa nghề truyền thống. Nếu chỉ nói suông mà không có hành động cụ thể, thì rất khó để gìn giữ di sản văn hóa trong bối cảnh biến động hiện nay.

- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ sâu sắc này!

    Nổi bật
        Mới nhất
        PGS.TS Bùi Xuân Đính: Không nên 'đổi tên' đặc sản theo đơn vị hành chính mới
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO