PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Ai vi phạm chuẩn mực đạo đức ắt sẽ bị thanh lọc”

Thứ hai, 27/09/2021 10:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trước làn sóng nghệ sĩ Hoa ngữ bị “phong sát”, nhiều ý kiến cho rằng, showbiz Việt nên dùng “quyền lực” này để trả lại sự trong sạch cho giới nghệ sĩ. PV báo Công Luận đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.

Đã đến lúc cần thanh lọc môi trường nghệ thuật

+ Thưa ông, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nơi có nền giải trí phát triển mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc chỉ cần một bê bối dù nhỏ cũng có thể làm sụp đổ sự nghiệp của nghệ sĩ. Ông suy nghĩ như thế nào về sự nghiêm khắc của ngành giải trí các nước này đối với ngôi sao của mình?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nghiêm khắc là tốt nhưng nếu bản thân các nghệ sỹ không có sự tự giác, tự kiểm soát các hành vi của mình thì dù “xử phạt" như thế nào cũng vẫn tiếp tục vi phạm.

Mặt khác, không thể phủ nhận tẩy chay là quyền lực tối thượng của công chúng và khán giả. Đây cũng là cách “xử phạt" hiệu quả nhất và công bằng cho những nghệ sĩ chân chính, luôn lép vế bởi những người bất chấp chiêu trò, thậm chí phản cảm, để nổi tiếng. Công chúng cần dùng đến "vũ khí" này thường xuyên hơn để buộc nghệ sĩ phải thận trọng khi ứng xử.  

pgsts bui hoai son ai vi pham chuan muc dao duc at se bi thanh loc hinh 1

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

+ Nhìn về giới giải trí trong nước, gần đây xảy ra quá nhiều sự việc lùm xùm, từ việc nghệ sĩ thiếu minh bạch khi làm từ thiện, cho đến ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa, quảng cáo sai sự thật, ồn ào chuyện tình cảm khiến công chúng bức xúc… Tuy nhiên, trước thực tế đó lại không có hình phạt cụ thể nào được áp dụng. Phải chăng cộng đồng và nhà quản lý quá bao dung với sai lầm của nghệ sĩ?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Có thể thấy môi trường mạng xã hội là một môi trường mới. Những người sử dụng mạng xã hội cho rằng những phát ngôn của mình là thể hiện chính kiến cá nhân, "quyền cá nhân", "quyền tự do ngôn luận", thậm chí còn mang tính vô danh vì nó không nhắm vào ai hay là không thể xử phạt được.

Nhưng trên thực tế thì nó không hoàn toàn như vậy. Bởi mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến bí mật đời tư nhất định, cũng có thể xúc phạm đến những người cụ thể. Đây cũng chính là lí do vì sao mà Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó đề cao nguyên tắc “Trách nhiệm, tôn trọng, lành mạnh, an toàn”.

Mặt khác, việc tranh cãi trên mạng xã hội là tranh cãi dân sự và chỉ có thể xử lý được khi hai bên tranh cãi với nhau có đơn kiện đưa ra tòa. Chính vì vậy, cần quán triệt tinh thần là phải biến thế giới ảo đó thành một cái mở rộng của thế giới thật. Cần xử lý các hành vi sai phạm trên mạng xã hội, để mang tính răn đe, làm gương và hạn chế được những lệch chuẩn, những ứng xử không phù hợp.

+ Là đại biểu Quốc hội về lĩnh vực văn hóa, theo ông việc thực hiện "phong sát" ở showbiz Việt có nên hay không?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Mỗi nước có cách xử lý các vi phạm khác nhau và tất nhiên, chúng ta không hoàn toàn dựa vào đó để áp dụng điều tương tự đối với môi trường giải trí Việt Nam vì nền văn hóa, xã hội cũng có sự khác biệt.

Nghệ thuật Việt Nam là một nền nghệ thuật chân chính hướng thiện, truyền cho xã hội những giá trị chân – thiện - mỹ. Hơn nữa văn hóa Việt luôn có yếu tố trọng tình rất lớn. Chúng ta vốn quen với các câu thành ngữ như “100 cái lý không bằng một tí cái tình”, “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Có lẽ vì vậy mà tôi cho rằng việc “phong sát” của Trung Quốc cũng là một bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, bài học này khó áp dụng được giống hệt, nếu có chỉ là việc cấm sóng trong một khoảng thời gian nhất định, tức là chúng ta có thể dừng hoạt động của các nghệ sĩ có vi phạm về mặt đạo đức trong một khoảng thời gian cụ thể để họ nhận thấy rằng đây là một hình thức xử phạt. Còn đối với những nghệ sĩ tài năng, những người cầu thị, tận tâm với nghề thì chúng ta cũng nên mở đường để họ quay trở lại.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có đơn vị đủ mạnh cả về đại diện Nhà nước và quyền lực phủ rộng các ngành từ quản lý nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và truyền thông. Điều này một mặt sẽ là cảnh tỉnh đối với những nghệ sĩ có vi phạm về mặt đạo đức.

Mặt khác thể hiện được văn hóa có tính nhân văn của người Việt Nam, luôn luôn mong muốn nghệ sĩ sửa chữa những sai lầm của mình, để họ tiếp tục được làm nghề, tiếp tục được biểu diễn và truyền tải những thông điệp tốt đẹp của nghệ thuật đến với công chúng. Và ý kiến này của tôi chỉ dừng lại ở hai từ “Có lẽ” thôi…

Bộ quy tắc ứng xử là cơ sở đánh giá nghệ sĩ Việt?

+ Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo bộ Quy tắc ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, trong và ngoài công lập. Phải chăng đây là cơ sở để đánh giá giới nghệ sĩ?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Một trong những yêu cầu chung của Bộ Quy tắc là giữ gìn đạo đức, hình ảnh, tác phong, uy tín của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Đề cao trách nhiệm cá nhân, chọn lọc, tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin văn minh, hiệu quả.

Chính vì vậy, Bộ Quy tắc này giúp nghệ sĩ có nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm trong hành vi, lối sống, cách chia sẻ, ngôn từ đối với xã hội, trên phương tiện truyền thông. Đồng thời giúp hình thành công cụ định hướng cho dư luận xã hội về hành vi của nghệ sĩ, từ đó xác định uy tín nghề nghiệp và thương hiệu cá nhân của mỗi người.  

+ Nhiều ý kiến cho rằng, việc không có chế tài, quy định xử phạt sẽ khiến Bộ Quy tắc ứng xử nghệ sĩ mà Bộ VHTT&DL đang xây dựng không có nhiều tác dụng bởi không có tính răn đe. Trong khi thực tế những gì đang diễn ra cho thấy, rất cần một chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các nghệ sĩ bê bối. Quan điểm của ông như thế nào?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Mục đích quan trọng nhất của quản lý văn hóa không phải là để xử phạt mà việc xử phạt chỉ là giải pháp cuối cùng. Đặc biệt, bản chất của những Bộ Quy tắc ứng xử không có chế tài, mà chỉ mang tính hướng dẫn hành vi giống như Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành trước đây. Chính vì vậy, Bộ Quy tắc này không có các chế tài như luật và hoàn toàn không phải là công cụ để "trừng trị" những vi phạm pháp luật của nghệ sĩ.

Mặt khác, chế tài thuộc các nghị định xử lý vi phạm do Chính phủ ban hành. Chính vì vậy, để cảnh báo từ xa đối với nghệ sĩ trong cách ứng xử thì Bộ Quy tắc được ra đời.

pgsts bui hoai son ai vi pham chuan muc dao duc at se bi thanh loc hinh 2

Hàng loạt sao Việt vướng lùm xùm từ thiện trong những ngày gần đây. Ảnh: laodong.vn

+ Nếu không xét đến luật pháp thì cũng thấy rõ văn hóa “bao dung” của người Việt. Có phải đó là nguyên nhân khiến cho những sai lầm cứ tiếp diễn?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Văn hóa Việt Nam luôn hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Tuy nhiên, sự tin tưởng dành cho bất kì ai cũng đều giảm xuống sau mỗi lần mắc lỗi. Không có gì là vô hạn.

Showbiz Việt chính là phản ánh một phần tồn tại xã hộị, sẽ có người tốt, người xấu, chuyện hay, chuyện không hay. Chúng ta lên án những hành vi lệch chuẩn, nhưng cũng cần ca ngợi các tấm gương tốt. Lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu, lấy cái thiện để đẩy lùi cái ác. Đó là những nguyên tắc đạo đức dẫn đường cho sự phát triển xã hội bền vững.

+ Vậy việc công chúng liên tiếp đòi “sao kê” trong những ngày gần đây liệu có phải là câu chuyện “mất niềm tin”? Bên cạnh một số nghệ sĩ minh bạch giải trình, nhưng cũng có những người im lặng hoặc vội vàng khắc phục hậu quả. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Phần lớn người nổi tiếng làm thiện nguyện theo kiểu “nghệ sĩ”, không chuyên nghiệp. Họ kêu gọi bằng hình ảnh, uy tín của bản thân nên vướng phải những ồn ào như thời gian gần đây cũng như phải chịu trách nhiệm với niềm tin của công chúng là điều dễ hiểu.

Còn việc giải trình hay im lặng là quyền lựa chọn cách hành xử riêng, dựa trên hoàn cảnh thực tế của từng người. Nếu người nghệ sĩ làm từ thiện bắt nguồn từ tấm lòng của họ, mong muốn được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn lũ lụt hoặc dịch bệnh… thì nếu có sai sót nào đó, công chúng cũng sẽ hiểu, tin tưởng và bỏ qua. Còn những người mượn danh từ thiện để trục lợi thì chắc chắn sẽ phải nhận hậu quả và ắt sẽ bị thanh lọc.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, tôi cho rằng lỗi lại không phải hoàn toàn là do các nghệ sĩ bởi những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Thứ nhất, chúng ta chưa có hệ thống quy định hoặc văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, rõ ràng liên quan đến việc kêu gọi tài trợ, kêu gọi từ thiện của cá nhân. Chúng ta cũng chưa tạo được một hành lang pháp lý định hướng, hỗ trợ những nghệ sĩ nói riêng và những cá nhân, tổ chức có mong muốn được làm từ thiện, quyên góp từ thiện nói chung.

Thứ hai, theo tôi, nghệ sĩ không có hiểu biết sâu rộng về vấn đề này. Họ làm từ thiện ở quy mô lớn với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên lại không có sự tính toán kỹ lưỡng, am hiểu cách thức vận hành, gây quỹ, quản lý quỹ và nắm rõ hành lang pháp lý. Và tất nhiên, có thể có những trường hợp trục lợi nữa.

Chính vì vậy, Bộ Quy tắc ứng xử sẽ góp phần định hướng nghệ sĩ làm thiện nguyện một cách chuyên nghiệp, minh bạch, tránh trục lợi và được công chúng tin tưởng hơn. Việc minh bạch cũng sẽ làm cho nghệ sĩ không phải đối diện với những nghi ngờ hay ồn ào như trong thời gian vừa qua. Còn công chúng sẽ có thêm niềm tin và động lực để làm từ thiện nhiều hơn nữa.

+ Xin cảm ơn ông!

PGS.TS Bùi Hoài Sơn sinh ngày 24/10/1975, quê xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nguyễn Thúy

Bình Luận

Tin khác

Trưng bày di sản văn hóa Huế tại Điện Biên

Trưng bày di sản văn hóa Huế tại Điện Biên

(CLO) Triển lãm “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” trưng bày hơn 30 hình ảnh tiêu biểu về danh lam thắng cảnh, lễ hội, du lịch, ẩm thực đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được UNESCO công nhận và vinh danh.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao tại Lễ hội đền Thái Vi

Ninh Bình: Sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao tại Lễ hội đền Thái Vi

(CLO) Lễ hội Đền Thái Vi là lễ hội lớn của dân làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để tưởng nhớ các vị vua đời Trần. Đây còn là một trong những lễ hội đặc sắc và thu hút nhiều du khách thập phương đến tham gia.

Đời sống văn hóa
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đời sống văn hóa
Nghệ sĩ xiếc cả nước hội tụ trong 'Gala xiếc và ảo thuật ba miền'

Nghệ sĩ xiếc cả nước hội tụ trong 'Gala xiếc và ảo thuật ba miền'

(CLO) “Gala xiếc và ảo thuật ba miền 2024” do NSND Tống Toàn Thắng viết kịch bản và đạo diễn, là sự hòa quyện văn hóa ba miền thông qua xiếc, ảo thuật và âm nhạc.

Đời sống văn hóa
Hé lộ Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ kỷ niệm 10 năm Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới

Hé lộ Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ kỷ niệm 10 năm Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới

(CLO) Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm Tràng An được vinh danh là Di sản thế giới có chủ đề "Danh thắng Tràng An - Ngọc đất Việt" sử dụng các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống kết hợp với việc hòa âm phối khí, ánh sáng, kỹ xảo hiện đại, có sự góp mặt của dàn nghệ sỹ tên tuổi hứa hẹn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.

Đời sống văn hóa