PGS.TS Trần Đình Thiên: Phải có những chú "đại bàng quốc tịch Việt"

Thứ bảy, 13/02/2021 10:40 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong cuộc trao đổi với báo chí vài ngày trước Tết nguyên đán, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đã có những ý kiến rất sâu sắc về những vấn đề tăng trưởng, phát triển, đặc biệt là về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ:

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ: "Không nên lãng phí cơ hội từ khủng hoảng". Ảnh: Mạnh Quân

Không lãng phí cơ hội từ khủng hoảng

Ông đánh giá thế nào về những nguy cơ, tác động do dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế?

-Thực ra chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng rồi. Nhưng khủng hoảng không phải là xấu. Người ta vẫn nói khủng hoảng là sự phá hủy sáng tạo, nó loại bỏ những thữ cũ kỹ thừa ra, lạc hậu vì thế, lại tạo tiền đề cho phát triển. Nếu hoàn toàn không có khủng hoảng thì mọi thứ lại trì trệ lâu, khó đổi mới.

Năm 2020 với chúng ta cũng đã rất khó khăn nhưng vẫn chưa chứa đựng tiềm năng để cho ra những bình thường mới. Lấy ví dụ như ngành du lịch, khi chưa có dịch đã có những bế tắc như câu chuyện tài nguyên du lịch của ta rất phong phú nhưng ta đi mãi theo lối mòn là giá rẻ, trong khi đã đến lúc phải làm khác, phải thu hút được khách du lịch với cách làm ở đẳng cấp cao. Các thành phố du lịch như Nha Trang, Vân Đồn, Phú Quốc...cần tính đến tiếp cận du lịch khác, không thể theo kiểu cũ, vẫn cần khách đông để khôi phục nhưng đối tượng phải khác, hướng tới lợi thế xứ nóng, du lịch biển đẳng cấp cao…

Ngành hàng không cũng vậy, cho dù đại dịch, vẫn có đất sống nếu có sự đổi mới và nhà nước cần hỗ trợ các hãng hàng không một cách công bằng. Nếu cứu được ngành này, nó hồi lại được sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác "sống lại" theo. Cho nên nói, không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng là như vậy.

Cấu trúc ngành công nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi, tư duy cơ cấu công nghiệp khác, theo chuỗi theo mạng nhưng chuỗi đó Việt Nam duy trì quá lâu tình trạng giá trị gia tăng thấp mà xuất khẩu cao.

Vừa qua, chúng ta đã duy trì được ngành dệt may và lắp ráp, rất là tốt nhưng có nếu chỉ một công nhân nghỉ do mắc dịch là cả chuỗi ảnh hưởng, nhà máy đóng cửa. Điều này hàm ý đã làm tốt rồi nhưng nếu cấu trúc công nghiệp vẫn cứ gia công lắp ráp thì rủi ro cao mà giá trị mang lại thấp.

Đừng quá chú trọng tăng trưởng

Ông thấy trong thời kỳ khó khăn này, kinh tế Việt Nam còn có những vấn dề rủi ro gì khác?

-Cơ cấu kinh tế của Việt Nam có một vấn đề lớn, là phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Nền kinh tế này dễ gặp rủi ro khi có dịch bệnh lây lan. Thành tích cao nhất của nền kinh tế khi gặp dịch covid-19 là giữ cho nền kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ, tập trung đông người nhưng không bị mất sức chiến đấu do dịch bệnh. Phòng chống được dịch, Samsung mới sống được, các doanh nghiệp dệt may mới sống được.

Nhưng phải nhìn thẳng rằng nguy cơ rủi ro là rất lớn. Tất nhiên, ta làm tốt, chống được dịch, nhưng cũng do may mắn nữa. Trong tương lai, các doanh nghiệp thâm dụng lao động phải tính đến giải pháp khác, là sử dụng máy móc, tự động hóa. Mà thời đại này thì làm điều đó dễ lắm. Nếu không chuẩn bị trước, vẫn cứ ngợi ca lợi thế lao động rẻ một chiều thì nguy to.

Covid-19 cũng cho thấy tự chúng ta có những năng lực để có thể giải quyết vấn đề này. Thời điểm dịch bệnh, tôi thấy ở nhiều bệnh viện có những "chú robot" phục vụ rất tốt, thay thế một số công việc của các nhân viên y tế. Qua thực tế đó, tôi cảm nhận, trong nền kinh tế của chúng ta có rất nhiều năng lực "công nghệ cao" tiềm tàng. Tại sao ta không làm robot để thay thế dần lao động chân tay "rẻ tiền", nhiều rủi ro? Vài "chú robot" trong bệnh viện, tuy còn thô sơ, nhưng cũng cho thấy đó là những năng lực mới, góp phần tạo lập "bình thường mới". Tuy nhiên, cách tiếp cận chiến lược và chính sách phát triển theo hướng này còn chưa rõ.

Năm nay, Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,5%. Nhưng mục tiêu đó được đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa tái bùng phát ở một số địa phương như vừa rồi. Vậy liệu mục tiêu đó theo ông còn khả thi không?

-Chúng ta sẽ ở một trạng thái bình thường mới thì đừng lo về tăng trưởng. Theo tôi, Chính phủ cũng đừng quá chú trọng đến tốc độ tăng trưởng vì khôi phục lại những vướng mắc, thoát khỏi dịch Covid đã là kỳ công. Đừng quan tâm quá đến tăng trưởng, mà quan tâm thoát cái cũ, theo cái mới, làm tốt để tạo bứt phá sau này. Việt Nam giờ giống như người chạy trên máy chạy, chạy tốc độ rất nhanh nhưng ko đi đâu cả. Cần phải ra khỏi phòng đó, ra khỏi máy đó, nghĩa là phải nâng cao đẳng cấp. Tăng trưởng của mình rất ít giải quyết vấn đề đẳng cấp.

Năm 2020 tăng trưởng dương là nhờ có nền tảng ba năm năm 2017, 2018 và 2019,  kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt và ổn định với tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 7%/năm ổn. Chúng ta mới giữ được và có được kinh tế năm 2020. Chứ nếu chỉ riêng việc chống dịch, chỉ nhờ chính sách năm nay thì không thể đâu. Không có nội lực đủ mạnh dự trữ, nền kinh tế 2020 khó trụ lắm

Trong giai đoạn 2011-2016, nền kinh tế cũng "lên bờ xuống ruộng" chứ. Tăng trưởng cũng kha khá nhưng vô cùng vất vả vì lạm phát và bất ổn. Chính thời điểm khó, bước vào nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng coi tư nhân là động lực quan trọng, thế là kinh tế phục hồi. Lời giải thích đơn giản bậc nhất về mặt đường lối, là chúng ta đã đi đúng cốt lõi của kinh tế thị trường. Hàm ý là, chúng ta hãy cứ vận động đúng quy luật thị trường, đừng cố trói buộc, dẫn dắt. Nếu làm được như vậy, nền kinh tế này có đủ khả năng vượt qua nhiều thứ. Đây là điểm mấu chốt nhất, nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần, nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Phải có những

Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Phải có những "đại bàng" quốc tịch Việt!

Phải có những chú "đại bàng quốc tịch Việt"

Ông thấy đang có những vấn đề gì với khu vực kinh tế tư nhân? Khối doanh nghiệp này cần có những chính sách gì để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển trong thời gian tới?

-Trong những năm qua kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho phát triển. Tôi vẫn hay liên hệ đến thời kỳ 1980-1986, cả một lực lượng chủ lực là nhà nước và hợp tác xã mà nền kinh tế lâm vào khủng hoảng và không tài nào cứu được. Thế mà, hớ lại, năm 1986, Nhà nước chỉ cần tuyên bố: "Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần", đưa tư nhân vào, nền kinh tế đã nhanh chóng đứng dậy, thoát khỏi khủng hoảng.

Ở thời điểm hiện nay, cần phải đặt niềm tin hơn nữa vào khối doanh nghiệp tư nhân, nhất là các tập đoàn tư nhân. Chính những tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ kéo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nhà nước phát triển theo. Nên chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phải khác. "Đại bàng" phải là đại bàng VN, "đại bàng" Trung Quốc họ vào thì họ mổ hết.

Khái niệm "làm tổ cho đại bàng", bây giờ phải sửa thêm một tí, là "phải làm tổ cho cả đại bàng Việt Nam", chứ không phải chỉ làm tổ để đón đại bàng nước ngoài. Samsung tốt như thế, nhưng để truyền được đẳng cấp của họ cho nền kinh tế, để nâng nền kinh tế lên là khó vô cùng, chưa kể họ có sẵn sàng hay không, hay họ lại kéo nhà cung cấp của họ sang. Đối với họ, xét lợi ích kinh tế thì chuỗi của họ tốt hơn nhiều. Tóm lại, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực thể chế và năng lực vật chất như nhân lực, hạ tầng…

Ông có thể nói kỹ hơn về khái niệm ông gọi là "Đại bàng quốc tịch Việt"?

-Những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh trong nước bây giờ quan trọng lắm, chính họ quyết định đến sự phát triển chứ không phải các tập đoàn, doanh nghiệp FDI nước ngoài. Tôi muốn gọi họ là "đại bàng quốc tịch Việt" là vì thế. Có một điều chắc chắn là sẽ không có đại bàng ngoại nào đưa Việt Nam thành cường quốc đâu

Chúng ta cần phải có những tập đoàn tư nhân làm trụ cột cho khối doanh nghiệp tư nhân. Một trong những thất bại đau đớn chính sách là Samsung. Thực sự họ không giúp gì nhiều cho Việt Nam. Làm gì có "chuỗi" nào ở đây. Chuỗi sản xuất phải là chuỗi Việt Nam, ko có chuỗi là không làm ăn gì được trong thời đại này.

Sau đó mới đến khởi nghiệp. Khởi nghiệp không có tập đoàn tư nhân lớn thì không có quỹ cho khởi nghiệp.

Vậy theo ông, Chính phủ cần có những chính sách gì mới để phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ các tập đoàn kinh tế tư nhân?

-Đầu tiên, cứ phải để cho tư nhân họ sống bình thường đã. Chân lý ấy là quan trọng bậc nhất. Muốn họ sống bình thường thì thị trường đất đai phải bình thường, thị trường vốn phải bình thường, đừng biến chúng thành thị trường đầu cơ.

Thị trường đất đai là thị trường đất đai, chứ không chỉ là thị trường quyền sử dụng đất. Phải minh bạch, nguồn lực nào thị trường ấy. Thị trường tiền tệ cũng phải là thị trường tiền tệ đàng hoàng, chứ không thể đè bằng đủ thứ quy định hành chính và lãi suất nhà nước định được. Thị trường chưa tự do, lãi suất cao gấp đôi các nước trong khu vực thì làm sao doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được?

Một thị trường bình thường, cạnh tranh bình thường đàng hoàng, càng công khai, minh bạch càng tốt. Chính sách nào, công cụ nào trong bộ máy, khi rà soát lại mà thấy nó xâm phạm đến tính trong sạch của thị trường là phải tìm cách loại bỏ ngay. Đó là việc mà Tổ công tác của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã và đang làm rất tốt.

Thứ hai, quan niệm về doanh nghiệp phải thay đổi, không phân biệt đối xử. Nhưng ngay cả như thế vẫn chưa đủ. Đi sau cần phải được hỗ trợ thì mới lớn nhanh được. Muốn lớn nhanh chỗ nào thì phải yểm trợ chỗ ấy, nhưng không phải theo kiểu thiên vị. Giống như Hàn Quốc thời Park Chung Hee, những tập đoàn tư nhân phải được nuôi dưỡng, tạo điều kiện.

Giữa một nền kinh tế đang chuyển đổi mà môi trường thể chế có thể chưa hoàn toàn thuận lợi thì phải dành cho các tập đoàn một khoảng không gian "sạch sẽ", minh bạch hơn về chính sách, để họ vượt lên. Cần thiết có thể hỗ trợ theo một cách nào đó, lãi suất chẳng hạn. Bởi vì phải coi các tập đoàn tư nhân như là sức mạnh quốc gia, chứ không đơn thuần là tài sản của ông nọ ông kia. Nếu chỉ nhìn như thế là tầm nhìn phát triển còn hẹp hòi.

Cùng với cái thị trường công khai, minh bạch, trong sáng, cũng phải biết tạo ra những cơ hội, điều kiện để thúc đẩy trụ cột đất nước mạnh lên.

Một mình Viettel chắc chắn yếu hơn khi Viettel cùng với các doanh nghiệp khác tạo thành chuỗi. Trường Hải và Vingroup làm ô tô cũng vậy. Nếu có trụ cột trong ngành công nghiệp ô tô, thì có thể giúp hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam thay nước ngoài. Vingroup, Thaco đang cố nội địa hóa hướng đó.

Ta phải coi những tập đoàn này là người lãnh sứ mệnh quốc gia chứ không phải chỉ làm giàu cá nhân. Hiện nay, chúng ta vẫn coi những tập đoàn này cơ bản là tài sản riêng của cá nhân, tư nhân trong sự đối lập với xã hội. Vậy là khó vì tầm nhìn chật hẹp.

Xin trân trọng cảm ơn ông

Mạnh Quân

Tin khác

Bất động sản Khánh Hòa vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc dù nhiều dự án khủng sắp được đầu tư

Bất động sản Khánh Hòa vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc dù nhiều dự án khủng sắp được đầu tư

(CLO) Trầm lắng từ giai đoạn 2022 cho tới hiện nay, thị trường Khánh Hòa chưa ghi nhận được tín hiệu tích cực nào báo hiệu sự khởi sắc trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, thị trường này vẫn được nhận định là một thị trường đầu tư bất động sản tiềm năng

Bất động sản
Quỹ bình ổn xăng dầu bộc lộ nhiều bất cập, vì sao Bộ Công Thương vẫn giữ?

Quỹ bình ổn xăng dầu bộc lộ nhiều bất cập, vì sao Bộ Công Thương vẫn giữ?

(CLO) Bộ Công Thương thừa nhận, thời gian qua, quỹ bình ổn xăng dầu đã bộc lộ nhiều bập cập, tuy nhiên, muốn bỏ quỹ vẫn cần lấy ý kiến để đưa ra các đề xuất phù hợp.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vinhomes tiếp tục nâng tầm chuẩn sống, kiến tạo không gian sống xanh - vui khỏe - đẳng cấp tại Ocean City

Vinhomes tiếp tục nâng tầm chuẩn sống, kiến tạo không gian sống xanh - vui khỏe - đẳng cấp tại Ocean City

(CLO) Vinhomes tiếp tục nỗ lực mang đến cho cư dân "một nơi đáng sống bậc nhất hành tinh" với những hệ thống tiện ích vượt trội tại Ocean City.

Bất động sản
Đầu tư bảo mật 200 - 300 tỷ đồng, VNDirect vẫn bị hacker tấn công

Đầu tư bảo mật 200 - 300 tỷ đồng, VNDirect vẫn bị hacker tấn công

(CLO) Trên thực tế, các công ty chứng khoán đầu tư rất lớn trong vấn đề bảo mật, riêng VNDirect đầu tư 200 - 300 tỷ đồng về vấn đề này, nhưng vẫn bị hacker tấn công.

Tài chính - Bảo hiểm
Nam A Bank phát hành cổ phiếu ưu đãi Esop cho cán bộ nhân viên

Nam A Bank phát hành cổ phiếu ưu đãi Esop cho cán bộ nhân viên

(CLO) Ngày 29/03, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – HoSE: NAB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội đã nhận được sự đồng thuận cao, thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp